Nhằm góp phần vào việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, ngày 02-6-2020, Tiểu ban Chính trị Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức tọa đàm chuyên gia về chủ đề "Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng". GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì. Cuộc tọa đàm này nằm trong chuỗi 13 cuộc tọa đàm được Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương xây dựng, tổ chức nhằm góp phần tiếp tục đóng góp, hoàn thiện các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Để làm rõ căn cứ trao đổi, thảo luận về chủ đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng đã nêu ra đánh giá của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Về ưu điểm: Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Đã ban hành và thực hiện nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đổi mới cách học tập, quán triệt nghị quyết, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng; Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ; Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về hạn chế, khuyết điểm: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng; Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có nguyên nhân khách quan, song trực tiếp và quyết định nhất là do nguyên nhân chủ quan.
Bằng thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý phong phú, sâu sắc và nhiệt huyết vẹn đầy với Đảng, với sự nghiệp đổi mới, các chuyên gia tham dự tọa đàm đã tập trung trao đổi, đi sâu, làm rõ hơn nhiều khía cạnh lý luận thực tiễn các vấn đề đặt ra, đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng làm cơ sở hữu ích cho việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng trên một số lĩnh vực: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước với tư cách Đảng cầm quyền; Về đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với cải cách hành chính và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng; Về xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hậu Covid-19; Về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.
PV