Thứ Bảy, ngày 11 tháng 01 năm 2025

Tọa đàm khoa học về thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày phát hành: 08/03/2019 Lượt xem 1443

Đồng chí Phùng Hữu Phú phát biểu

 

Sáng 7-3-2019, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm khoa học "Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011". GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết và GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng chủ trì.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và các thành viên Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) và 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo có những đổi mới quan trọng, phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới; hình thành quan điểm mới về tư duy giáo dục là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuyển từ cách tiếp cận từng phần trước đây sang cách tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống trong phát triển giáo dục với trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội trong giáo dục.

Hệ thống quan điểm, tư tưởng phát triển giáo dục được bổ sung, phát triển để giáo dục đáp ứng yêu cầu vận động đồng bộ với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Mục tiêu giáo dục đã được nhận thức đầy đủ hơn, trong đó Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã thể hiện nhận thức rõ về tầm quan trọng của phát triển cá nhân và xác định “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

Nhìn lại 10 năm, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, song cũng còn nhiều hạn chế, thách thức, khó khăn cần khắc phục. Trước yêu cầu mới, nhiều vấn đề mới đang đặt ra về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Tái cơ cấu hệ thống giáo dục và phân cấp quản lý; cơ chế thị trường, định hướng xã hội hội chủ nghĩa trong giáo dục; đảm bảo công bằng giáo dục (tiếp cận, chất lượng, loại hình giáo dục công lập - tư thục...); xây dựng và giáo dục con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Tại cuộc làm việc, những thành tựu, khó khăn, thách thức cũng như các vấn đề đang đặt ra của ngành giáo dục đã được xem xét, đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng, trong những năm đổi mới, giáo dục đã đạt được những thành tựu quan trọng, sản phẩm của giáo dục được thể hiện bằng đội ngũ cán bộ, đội ngũ lao động đã và đang đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều bất cập; quá trình triển khai Nghị quyết chưa đưa ra được lộ trình cụ thể, dẫn tới còn lúng túng trong triển khai. Vấn đề đặt ra tới đây là phải tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách đảm bảo mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đồng thời, đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

 

Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập tới 4 vấn đề: nhận thức, quan điểm, thể chế và hành động. Theo Bộ trưởng, vấn đề nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục tưởng chừng như đã làm rồi nhưng trên thực tế chưa đầy đủ và bền vững, đã đến lúc phải nhận thức đúng về khoa học giáo dục, bản chất của giáo dục, trách nhiệm của từng người trong hoạt động giáo dục.

Quan điểm đa chiều, không đồng nhất về giáo dục cũng đang ảnh hưởng tới định hướng phát triển lâu dài của giáo dục, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng, tới đây những vấn đề liên quan đến thể chế giáo dục sẽ được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” của giáo dục hiện nay.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, GS.TS Phùng Hữu Phú, đánh giá cao những thành tựu ngành Giáo dục đạt được thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành đang phải đối mặt, làm giáo dục rất khó vì động đến mọi người, mọi nhà, hơn nữa, chúng ta đang trong quá trình đổi mới từ hệ thống tư duy, mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình mới, cách tiếp cận mới, trong khi mô hình truyền thống còn rất nặng nề do ảnh hưởng của tư duy bao cấp trong thời gian dài, rất khó khăn để chuyển biến về tư duy, nhận thức và hành động trong giáo dục.Trong hoàn cảnh đó, những nỗ lực của ngành Giáo dục là rất đáng ghi nhận, từ ý tưởng đến quá trình triển khai của ngành và sự cố gắng của đội ngũ giáo viên. Để xã hội hiểu đúng, hiểu rõ về những việc đã làm được, ngành Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, chủ động tạo dư luận, định hướng dư luận về những vấn đề của ngành.

Về quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, lần này có nhiều đổi mới về cách làm. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục. Giáo dục cần là điểm nhấn, điểm sáng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và phải được đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền tảng của sự phát triển./.

 

PV

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết