Thứ Bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024

Vai trò phụ nữ trong nền kinh tế Việt Nam

Ngày phát hành: 05/03/2019 Lượt xem 1392

Tờ Bloomberg và Washington Post cuối năm 2018 đăng bài cho rằng lao động nữ chính là rường cột cho kinh tế Việt Nam.

Theo bài viết, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao - dấu tích từ thời chiến tranh, đã giúp Việt Nam khai thác được “lợi tức” từ nhân khẩu học. Đó là tin tốt lành cho dòng tiền nước ngoài.

 

 

Mao Trạch Đông từng vẽ ra viễn cảnh cho phụ nữ Trung Quốc bằng câu nói: “Phụ nữ nâng nửa bầu trời”. Ngày nay, câu nói này đúng với tình hình của Việt Nam. Trên cả nước, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng đang do phụ nữ điều hành: bà  Mai Kiều Liên là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) -  một “đế chế” trị giá 10 tỷ USD; Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của VietJet Air - nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam; Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; hay nếu cần tìm một nhà công nghiệp, đừng tìm đâu xa ngoài bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, chiếm đến 73%. Phụ nữ cũng là những người tiên phong trong kinh doanh: Theo ước tính của Tổ chức giám sát doanh nhân toàn cầu, ở Việt Nam, cứ 1 doanh nhân nam thì có 1,4 doanh nhân nữ. Phụ nữ đóng góp 40% của cải quốc gia, gần ngang với Trung Quốc.

Tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam cao bắt nguồn từ lý do lịch sử. Thời chiến tranh, nhiều nam giới hy sinh trên chiến trường nên phụ nữ phải lấp đầy khoảng trống. Năm 1976, cứ 100 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 64 thì chỉ có 95 nam giới. Đến thời kỳ Đổi mới năm 1986, phụ nữ vẫn chiếm đa số trong xã hội. Có thể nói tinh thần “Rosie the Riveter”, biểu tượng của những người phụ nữ Mỹ làm việc trong các nhà máy ở Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2, vẫn còn rất nhiều ở Việt Nam.

Ngay cả khi Việt Nam dần hồi phục sau chiến tranh và giới tính trở lại cân bằng, phụ nữ vẫn không rời bỏ lực lượng lao động. Chính phủ đã ủng hộ các bà mẹ làm việc, họ có quyền nghỉ thai sản theo luật định 6 tháng. Đó là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng.

 

 

 

Tại sao các nhà đầu tư toàn cầu thích một quốc gia đang phát triển hơn một quốc gia khác? Với những ký ức tươi mới về hàng tỷ tài sản được tạo ra ở Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm “một Trung Quốc 2.0”. Họ tìm kiếm các quốc gia có nhân khẩu học phù hợp - những lao động trẻ, háo hức xây dựng các trung tâm sản xuất, và sau đó lại chi tiền để mua những chiếc xe hơi hoặc túi xách đầu tiên.

Nhìn vào tổng thể dân số, Việt Nam chỉ là quốc gia lớn thứ 15 thế giới, nhỏ hơn Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines. Tuy nhiên, hầu hết những nước này đều bị suy giảm về nhân khẩu học. Ví dụ, tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Pakistan là 25% và Bangladesh là 33%. Như vậy, dân số trong độ tuổi lao động thực sự của hai nước này (từ 15 đến 64) sẽ chỉ là 37% và 45%, thay vì 61% và 67%.

Thành Rome không thể được xây dựng trong một ngày. Khi một quốc gia bắt đầu nhân rộng mô hình sản xuất của Trung Quốc, trước hết, họ thường phải xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như hàng may mặc và giày dép. Trong khi Việt Nam đang nhanh chóng từng bước tiến lên bậc thang dẫn đến điện thoại thông minh và chất bán dẫn, phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ vào năm ngoái vẫn là hàng dệt may. Ai may quần áo và giày? Phụ nữ!

Văn hóa “bóng hồng” mạnh mẽ là lý do khiến Việt Nam là quốc gia châu Á mới nổi duy nhất ngoài Trung Quốc nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng trong năm gọi là “năm thị trường con gấu” này. Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược Việt Nam sẽ là bên thắng lớn khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dai dẳng. Và ngay cả trước khi xung đột thương mại bắt đầu, các công ty Trung Quốc - như công ty sản xuất dệt may khổng lồ Shenzhou International, đã mở các nhà máy ở Việt Nam.

Không phải bầu trời luôn xanh. Theo Viện toàn cầu McKinsey, khoảng cách tiền lương nhận được cho công việc tương tự ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Malaysia hoặc Philippines. Thật không may, giống như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam vẫn có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Khi tầng lớp trung lưu trở nên giàu có hơn, bất bình đẳng thu nhập giới tính cũng tăng theo và đó không phải là điều khuyến khích lao động nữ. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài mà một phần là nhờ có những phụ nữ mạnh mẽ, có năng lực./.

 

 

Nguyễn Thọ Anh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết