Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Tọa đàm
Chiều 2/7, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng chủ trì Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở Việt Nam”. Cùng dự có các đồng chí: Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, cùng một số ban, sở, ngành của thành phố và đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Tọa đàm
Các báo cáo tham luận tại Tọa đàm cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 19 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” , trên địa bàn thành phố, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành đã góp phần quan trọng nhằm ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển thành phố; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư; bảo đảm cho thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Tuy nhiên, để chính sách, pháp luật về đất đai có tính ổn định, lâu dài, các ý kiến cũng đề xuất cần nghiên cứu những bài học kinh nghiệm thực tiễn qua gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 tại các địa phương trong cả nước để đưa vào Luật; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 19 khóa XI tại Hải Phòng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai, sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, thực tế thực hiện Nghị quyết Trung ương 19 tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ là thực tiễn sinh động giúp Hội đồng Lý luận Trung ương có cơ sở để đánh giá, nghiên cứu và phục vụ chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 19 khóa XI, định hướng cho việc sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận Trung ương lựa chọn Hải Phòng để tổ chức Tọa đàm bởi đây là địa phương khởi đầu của nhiều chính sách, có nhiều tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo liên quan đến quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 19 về chính sách, pháp luật đất đai. Cuộc Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trọng việc đánh giá toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm từ hoạt động tư pháp, trên cơ sở đó kiến nghị với Trung ương về những nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Thông qua Tọa đàm, Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn được nắm bắt về những vấn đề thực tiễn của Thành ủy Hải Phòng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó trọng tâm là những kết quả đạt được, những điểm nổi bật trong quá trình thực hiện cùng những vướng mắc, kiến nghị về những giải pháp mới. Qua đó, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ khái quát thành những vấn đề có tính chất lý luận để chuẩn bị báo cáo tư vấn Bộ Chính trị, góp phần chuẩn bị đề án trình hội nghị Trung ương 4 khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Theo www.haiphong.gov.vn'