Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Tọa đàm "Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Ngày phát hành: 16/05/2022 Lượt xem 498

Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN


Sáng 16/5 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức tọa đàm thứ ba với chủ đề "Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp thiết, cần phải được giải quyết căn cơ, thỏa đáng để quyền lực nhân dân trao cho nhà nước được vận hành đúng đắn, hiệu quả, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, Hiến pháp 2013 đã quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước rất đặc thù, trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thực tế, Đảng, Nhà nước ta đang ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận hành và kiểm soát quyền lực nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp, trong đó coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước. Đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp rất quyết liệt để "nhốt quyền lực vào lồng thể chế", như đồng chí Tổng Bí thư từng nhấn mạnh. Văn kiện Đại hội XII, XIII đều nhấn mạnh tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã ban hành Kết luận 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.... trong đó chỉ đạo "Chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực". Các cơ quan đang khẩn trương xây dựng đề án để triển khai theo kế hoạch của Bộ Chính trị.

Tại tọa đàm, các ý kiến tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích thực tế để từ đó đưa ra những đề xuất kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả; phân tích nội hàm nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tính thống nhất của quyền lực nhà nước; làm rõ vai trò, vị trí, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong tổ chức, vận hành và kiểm soát quyền lực nhà nước...

Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ: Qua thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh quyền lực nhà nước là thống nhất, là quyền phái sinh do nhân dân giao quyền. Quyền lực nhà nước luôn có nguy cơ bị tha hóa nên việc phải kiểm soát quyền lực nhà nước là tất yếu. Kiểm soát quyền lực được hiểu là toàn bộ phương thức, quy trình, quy định nhằm phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động thực thi quyền lực, đảm bảo để quyền lực được thực thi đúng mục đích và hiệu quả cao nhất, không bị lạm dụng, lợi dụng...

Các ý kiến đề cập tới việc kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan nhà nước; kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và các thiết chế khác (Chủ tịch nước, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước...); kiểm soát giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; phương thức thực hiện kiểm soát quyền lực là nhà nước là kiểm soát của Đảng, của nhân dân, của xã hội, của báo chí...

Các ý kiến cho rằng muốn kiểm soát tốt quyền lực nhà nước có 5 điều kiện cụ thể: Có thể chế thông minh, chặt chẽ; xác định, phân công rõ ràng, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan nhà nước, từ đó xác định mô hình tổng thể nhà nước cho tốt; đổi mới tổ chức và bổ sung thêm một số thẩm quyền của cơ quan nhà nước (như Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát, Chủ tịch nước...) và thành lập một số thiết chế độc lập...; tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và các quyền cơ bản khác của công dân; có đội ngũ cán bộ công chức gương mẫu, trách nhiệm, chuyên nghiệp, đủ phẩm chất năng lực và thực hiện thật nghiêm các quy định đã có... Nhiều ý kiến cho rằng có rất nhiều kinh nghiệm của nước ngoài tốt nhưng cần nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn những nội dung phù hợp với Việt Nam để áp dụng./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết