Chủ Nhật, ngày 12 tháng 01 năm 2025

Toàn cầu hóa toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên mới

Ngày phát hành: 21/01/2019 Lượt xem 1334

Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay còn gọi là Diễn đàn Davos 2019, một trong những diễn đàn quốc tế quan trọng và uy tín, nơi các nhà lãnh đạo cùng nhau bàn thảo về những vấn đề cấp thiết toàn cầu để cùng hướng tới sự thịnh vượng chung, diễn ra từ ngày 22 đến 25-1 tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ. Chủ đề của Hội nghị Davos 2019 sẽ là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội nghị Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự gián đoạn công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng sự sắp xếp lại địa - kinh tế và các lực lượng địa - chính trị. Thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của Toàn cầu hóa 4.0 và hoàn toàn không được chuẩn bị để ứng phó với quy mô của những thay đổi sắp tới.
Giới chuyên gia nhận định các quốc gia vẫn tiếp tục giải quyết các vấn đề của toàn cầu hóa với một quan điểm lạc hậu và thiếu đồng bộ, do đó thế giới phải xác định lại các quy trình và thể chế để có thể tận dụng được tốt hơn những cơ hội mới ở phía trước, đồng thời tránh được các xáo trộn.

Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Klaus Schwab phát biểu tại họp báo về Diễn đàn Davos 2019, diễn ra ngày 15-1 tại Geneva (Thụy Sĩ).


Sự chuyển động của thế giới kèm theo một loạt sự thay đổi cả về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra cùng lúc được cho là sẽ định hình lại toàn cầu hóa: cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với đổi mới sáng tạo mang lại các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội....
Toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Đối với làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo, "Toàn cầu hóa 4.0", các nhà lãnh đạo cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, xây dựng xã hội hòa nhập hơn và bảo vệ tốt hơn những cộng đồng dễ bị tổn thương. Để cải thiện đời sống cho con người trên toàn cầu, quản trị ở các cấp doanh nghiệp, chính phủ và toàn cầu phải thích nghi đầy đủ với bối cảnh kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội mới này. 
Người sáng lập và là Chủ tịch WEF, ông Klaus Schwab, nhấn mạnh: “Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ tư cần phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững. Toàn cầu hóa cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi, và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ”.  
Hội nghị thường niên WEF 2019 sẽ tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu, nhằm hoàn thiện hơn toàn cầu hóa, đồng thời hướng đến những đối tượng bị gạt ra ngoài lề, những người bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa này. Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, và việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới là vấn đề then chốt .
Với mục tiêu bao trùm như vậy, đối thoại toàn cầu sẽ là nội dung quan trọng của Hội nghị WEF 2019. Tham gia WEF 2019 có trên 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, trên 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông...
Hội nghị sẽ bao gồm hơn 350 phiên làm việc, thảo luận và đối thoại của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, từ khắp nơi trên thế giới. 
Trong số các phiên thảo luận, đối thoại, có thể kể đến một loạt đối thoại toàn cầu như đối thoại về địa-chính trị, đối thoại về hòa bình và hòa giải, đối thoại về tương lai nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách thể chế. Các cuộc đối thoại này tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người trong thời đại Toàn cầu hóa 4.0.
Cụ thể, đối thoại về địa - chính trị và một thế giới đa khái niệm nhằm nhận thức những thay đổi lớn đang diễn ra trong quan hệ quốc tế, đề ra cách thức dẫn dắt  hợp tác trong tương lai, đối thoại về hòa bình và hòa giải nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao với mục tiêu hàn gắn những rạn nứt lớn trên thế giới.
Đối thoại về tương lai nền kinh tế với mục tiêu xem xét lại các nguyên tắc ra quyết định trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, nhằm phản ánh tốt hơn những thay đổi cơ cấu gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hay đối thoại về nhân lực và xã hội, nhằm xem xét lại khái niệm việc làm và phúc lợi, tránh xa tiêu dùng thái quá và chủ nghĩa vật chất, lựa chọn cách tiếp cận nhân văn hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị WEF năm nay. Đây là cơ hội để Việt Nam chia sẻ quan điểm và cách tiếp cận đối với những xu thế mới để có thể tận dụng triệt để thời cơ, đồng thời vượt qua những thách thức mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Tại WEF năm nay, Việt Nam sẽ nhấn mạnh quá trình hội nhập liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là trong việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN 2018, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, cũng như thúc đẩy WEF và các tập đoàn lớn phối hợp, hỗ trợ triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại WEF ASEAN 2018 như thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về rác thải nhựa trong ASEAN.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF, ông Justin Wood, khẳng định: “WEF đang có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam. Mối quan hệ này được thể hiện rõ rệt trong năm 2018 với điểm nhấn là Diễn đàn ASEAN-WEF, diễn ra tại Hà Nội”.
Theo ông Justin Wood, tại Diễn đàn Davos 2019, WEF sẽ thông báo một số dự án hợp tác quan trọng với Việt Nam, trong đó có lộ trình hợp tác đối tác công tư với Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và việc phát triển mô hình Trung tâm C4IR (Centre for the Fourth Industrial Revolution) tại Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện nay, trên thế giới, WEF đã xây dựng 4 C4IR, nhằm kết nối chính phủ với những lãnh đạo doanh nghiệp để ứng xử với công nghệ theo cách có trách nhiệm nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội. 
Một quá trình toàn cầu hóa bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người được xem là môi trường lý tưởng để xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng chú trọng đến môi trường, tạo ra cơ hội và hy vọng cho mỗi cá nhân. Đó cũng là tiêu chí để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững 2030 một cách công bằng, để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Theo HOÀNG HOA (Báo Tin Tức

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết