Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 1,6 triệu người mắc bệnh và hơn 100.000 ca tử vong. Trong tuần qua, chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới đã liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế và đồng loạt triển khai các biện pháp khác nhau nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch này tới nền kinh tế, vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu đang được coi là “tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần 2".
Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC (Ảnh: THX/TTXVN)
Bắc Mỹ
Mỹ: Ngày 9/4, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Đây được xem là bước đi mang tính đột phá nhất của Fed nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại. Chương trình trên được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và các chính quyền bang đang chịu thiệt hại nặng nề do phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô tới 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD và sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế.
Canada: Theo kế hoạch, cả Hạ viện và Thượng viện Canada sẽ nhóm họp trong ngày 11/4 để xem xét các biện pháp bổ sung của Chính phủ Canada nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mà cụ thể là gói trợ cấp lương khẩn cấp trị giá 73 tỷ đôla Canada - CAD (trên 52 tỷ USD).
Thủ tướng Justin Trudeau cho biết chương trình trợ cấp lương của chính phủ liên bang dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ nới lỏng các quy định so với phiên bản được công bố trước đó.
Điều kiện để được nhận hỗ trợ là doanh thu của doanh nghiệp bị giảm ít nhất 15% trong tháng 3/2020, trong khi theo tiêu chí được công bố trước đó, mức giảm của doanh thu ít nhất phải là 30%.
Mỹ Latinh
Ngày 8/4, Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) đã thông báo quyết định về việc cấp một gói tín dụng trị giá tới 2,5 tỷ USD để hỗ trợ các nước thành viên đối phó với tình trạng khẩn cấp do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Thông cáo báo chí của CAF cũng cho biết thể chế tài chính này đang nghiên cứu khả năng tái phân bổ nguồn vay tín dụng chưa được giải ngân để đối phó với tác động của dịch COVID-19, nếu việc đó không làm thay đổi thời hạn và không làm gia tăng nguồn vốn.
Trước đó CAF cũng đã thông qua một gói tín dụng trị giá 50 triệu USD cho mỗi nước thành viên để hỗ trợ cho hệ thống y tế công của các nước Argentina, Ecuador, Panama, Paraguay, Peru,Trinidad và Tobago, và Uruguay.
Chile: Ngày 8/4, Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo quyết định thành lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cho những người lao động không chính thức bị ảnh hưởng lệnh tình trạng khẩn cấp và cách ly xã hội trước diễn biến phức tạp của COVID-19.
Tổng thống Piñera cho biết kế hoạch nay là cơ sở để chính phủ giúp đỡ cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và chưa được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ trước đó.
Đặc biệt, quỹ mới được thành lập này sẽ tập trung cho nhóm 2,6 triệu người lao động không chính thức vì không có hợp đồng lao động, cũng như không được hưởng lợi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Châu Âu
EU: Sau cuộc họp đầu tiên không thành công, tiếp đó là một loạt cuộc thảo luận căng thẳng, cuối cùng các Bộ trưởng tài chính châu Âu đã đồng ý vào tối 9/4 về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (546 tỷ USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người phát ngôn của Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng khu vực sử đồng euro (Eurogroup) cho biết, cuộc họp cuối cùng đã kết thúc trong tiếng vỗ tay của các Bộ trưởng.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh "một thỏa thuận tuyệt vời" với 500 tỷ euro sẵn có lập tức cùng một quỹ phục hồi dành cho thời gian tới.
Châu Á-Thái Bình Dương
Indonesia: Chính phủ Indonesia ngày 9/4 công bố kế hoạch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ sẽ dành tổng cộng 3.200 tỷ rupiah (210 triệu USD) để cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho khoảng 1,8 triệu hộ gia đình tại vùng đô thị Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và các vùng phụ cận) trong 3 tháng, bắt đầu từ tuần tới. C
hính phủ cũng sẽ phân bổ tổng cộng 37.200 tỷ rupiah cho 19 triệu hộ gia đình sinh sống ở ngoài vùng đô thị Jakarta, và 360 tỷ rupiah cho khoảng 197.000 lái xe của ngành vận tải công cộng.
Hàn Quốc: Thông cáo báo chí của Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 10/4 cho biết, tính cả những đối sách đề ra trong cuộc họp kinh tế khẩn cấp lần thứ tư diễn ra ngày 8/4 vừa qua, quy mô hỗ trợ phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra của Xứ sở Kim chi đã lên tới con số 150.000 tỷ won (khoảng 124 tỷ USD).
Nếu gộp cả khoản trợ cấp gián tiếp (như kéo dài kỳ hạn, tạm hoãn thời gian thanh toán khoản vay...), ước tính quy mô hỗ trợ phòng dịch lần này của Hàn Quốc lên tới 349.000 tỷ won (khoảng 289 tỷ USD).
Theo Bộ trên, chính sách hỗ trợ thiệt hại thực tế như gói hỗ trợ dân sinh và kinh tế thông qua ngân sách bổ sung được chi theo ba giai đoạn là 32.000 tỷ won (khoảng 26 tỷ USD); chính sách ổn định tài chính 100.000 tỷ won (khoảng 82 tỷ USD); các biện pháp bổ sung như gói hỗ trợ khẩn cấp, giảm phí an sinh xã hội và hỗ trợ bảo lãnh cho doanh nghiệp xuất khẩu là 20.000 tỷ won (khoảng 16,5 tỷ USD).
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng kỳ vọng các đối sách như: hoãn nộp thuế và phí bảo hiểm an sinh xã hội; kéo dài kỳ hạn nộp thuế; gia hạn thời gian trả nợ và bảo lãnh của các cơ quan tài chính; hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ; giải ngân ngân sách sớm cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt hàng cho lĩnh vực mua sắm công... sẽ mang lại hiệu quả gián tiếp lên tới 349.000 tỷ won (khoảng 288 tỷ USD).
Một quan chức thuộc Chính phủ Hàn Quốc cho biết thêm rằng, gói hỗ trợ trực tiếp 150.000 tỷ won (121,9 tỷ USD) chiếm 7,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2019 (1.914.000 tỷ won - khoảng 1.582 tỷ USD), còn tổng quy mô hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp là 499.000 tỷ won, chiếm 26% GDP của năm 2019.
Australia: Tối 8/4, Quốc hội Australia đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.Quyết định trên được Quốc hội Australia đưa ra trong phiên họp đặc biệt kéo dài cả ngày 8/4. Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội đã được Quốc hội nước này phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Cảnh vắng vẻ tại trung tâm thương mại ở Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.
(Ảnh: THX/TTXVN)
Singapore: Singapore đã công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 5,1 tỷ SGD (3,55 tỷ USD) bao gồm hỗ trợ lương, miễn thuế và các khoản thanh toán một lần để chống lại tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat nhấn mạnh đây là gói ngân sách chưa từng có tiền lệ trong thời kỳ đặc biệt.
Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Singapore công bố các biện pháp hỗ trợ mới trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nguy cơ kinh tế suy thoái sâu.
Thái Lan: Truyền thông sở tại dẫn nguồn Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nước này sẽ xem xét các lựa chọn trong nước và nước ngoài cho gói vay trị giá 1.000 tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) để triển khai một chương trình kích thích kinh tế lớn.
Khoản vay trên là một phần quan trọng trong gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (gần 60 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Khu vực giao nhận đồ ăn được dựng lên trong sân một trung tâm thương mại ở
trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan) (Ảnh: TTXVN)
Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có lẽ sẽ suy giảm 5,3% trong năm nay.
Chánh văn phòng Quản lý Nợ công Patricia Mongkhonvanit cho biết cơ quan này đang tìm kiếm tất cả các khả năng, nhưng sẽ không vay tất cả 1.000 tỷ baht trong một lần mà sẽ chia ra thành từng giai đoạn theo nhu cầu của lộ trình triển khai gói cứu trợ kinh tế trên.
Bộ Tài chính Thái Lan đang rà soát các công cụ, bao gồm trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, hối phiếu nhận nợ, khoản vay có kỳ hạn và trái phiếu tiết kiệm.
Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các thị trường nợ nước ngoài cũng là những lựa chọn của nước này.
Châu Phi
Ngày 8/4, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ra mắt quỹ ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia châu Phi các công cụ tài chính cần thiết, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực tại các nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn này.
Trong một thông báo cùng ngày, định chế tài chính này cho biết sẽ phân bổ 5,5 tỷ USD tới các chi nhánh AfDB tại các nước trong châu lục, đồng thời ủy nhiệm việc quản lý khoản 3,1 tỷ USD cho Quỹ Phát triển châu Phi (ADF) - một bộ phận trực thuộc AfDB chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các quốc gia nghèo.
Bên cạnh đó, AfDB sẽ dành khoản tài chính trị giá 1,3 tỷ USD hỗ trợ riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân tại châu Phi.
Doanh nghiệp
Ứng dụng đang nổi Tiktok ngày 9/4 đã cam kết gói quyên góp tài trợ trị giá 250 triệu USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Cam kết hỗ trợ tài chính của TikTok được đưa ra sau một loạt các tuyên bố tương tự của các đại gia công nghệ như Google, Facebook, Netflix, Microsoft, Amazon và Twitter.
Gói quyên góp này sẽ được dành để hỗ trợ cho những người làm trong ngành y tế, giáo dục và các cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi tham dự cuộc họp Hội đồng Điều phối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25, ngày 10/4, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết tất cả ngoại trưởng các nước thành viên đã nhất trí thành lập Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết tất cả ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí 3 điểm trong công tác ứng phó nhằm đẩy lui dịch bệnh COVID-19. Điểm đầu tiên bao gồm tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh và thành lập Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN, theo đó quỹ này sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu về phác đồ điều trị và điều chế vaccine. Điểm thứ hai là hỗ trợ các công dân ASEAN đang sinh sống ở khu vực này cũng như ở các quốc gia khác. Điểm thứ ba là giảm thiểu những tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kế hoạch phục hồi kinh tế.
Ngoại trưởng Thái Lan cho biết thêm tại cuộc họp, bộ trưởng ngoại giao các nước cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN và một cuộc họp trực tuyến bất thường ASEAN+ 3 vào ngày 14/4 tới. Ông nói: "Việt Nam, hiện là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN, sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt vào ngày 14/4 tới để thảo luận về các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Các thành viên ASEAN cũng sẽ thảo luận vấn đề này với 3 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc". Các cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington. (Nguồn: euractiv)
Trong khi đó, Tổng Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã thông báo về việc thành lập một ủy ban tư vấn chuyên cung cấp thông tin về những khó khăn đối với chính sách, bao gồm cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và tác động kinh tế của dịch bệnh này.
Ủy ban nói trên gồm các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm trong chính phủ, các chuyên gia và học giả trong khu vực tư nhân, trong đó có ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Điều phối Chính sách Xã hội, kiêm cố vấn cho Thủ tướng về các chính sách kinh tế của Singapore cùng Chủ tịch của Tập đoàn Santander, bà Ana Botin.
Ngoài ông Shanmugaratnam và bà Botin, ủy ban nói trên cũng gồm có những cái tên như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd; cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria và cũng là một quan chức kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới (WB) Ngozi Okonjo-Iweala; giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, cựu Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kristin Forbes; cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mark Malloch-Brown…
IMF thành lập ủy ban nói trên trong bối cảnh bà Georgieva hối thúc các lãnh đạo và các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triển khai hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trước đó, trong tuần này, bà Georgieva đã cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu rộng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Bà Kristalina Georgieva đã phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng thế giới đang trải qua một “cuộc khủng hoảng kép" - cả về sức khỏe lẫn kinh tế - do dịch COVID-19 gây ra. Đây là cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có trong lịch sử IMF.
Bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
Trong khi đó, hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch./.
(theo TTXVN, vietnamplus.vn)