Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Trọng tâm kinh tế thế giới dịch chuyển nhanh về phía Đông

Ngày phát hành: 14/12/2020 Lượt xem 2131


Đại dịch COVID-19 bùng phát đột ngột và đến nay vẫn hoành hành trên toàn cầu khiến nhiều nước rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Trước khi dịch xảy ra, kinh tế thế giới đã ở trong cục diện biến động mạnh và dịch COVID-19  trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Đó không phải là sự thay đổi, mà là củng cố thêm xu hướng biến đổi chủ yếu đã diễn ra tương đối rõ ràng trước đó.

* Tương quan lực lượng giữa các nước lớn thay đổi nhanh chóng

Kể từ khi bước vào thế kỷ XXI đến nay, tương quan lực lượng giữa các nước lớn đã thể hiện rõ xu thế thay đổi nhanh chóng, thậm chí trở thành biểu hiện quan trọng trong cục diện biến động của kinh tế thế giới. Trong đó, sự thay đổi về tương quan sức mạnh giữa ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là tương đối rõ ràng.

Xét về tỷ trọng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong tổng GDP toàn cầu, giai đoạn 2000-2019 Trung Quốc tăng 12,7 điểm phần trăm, từ 3,6% lên 16,3%; Mỹ giảm 5,5 điểm phần trăm, từ 30,3% xuống còn 24,8%; Nhật Bản giảm 8,4 điểm phần trăm, từ 14,4% xuống còn 6%. 

Kết quả là tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ đã tăng từ 11,8% năm 2000 lên 66% vào năm 2019, trong vòng 19 năm tăng mạnh 54,2 điểm phần trăm. Trong khi đó, từ chỗ chỉ bằng 24,9% nền kinh tế Nhật Bản, hiện nay quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua và gấp 2,7 lần Nhật Bản.  

Dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu thế thay đổi vốn có trong mối quan hệ tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Sức mạnh kinh tế và địa vị quốc tế của Trung Quốc tăng nhanh, trong khi Mỹ và Nhật Bản lại suy giảm tương ứng. 

Theo báo cáo dự báo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2020, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 là 1,9%, trong khi tỷ lệ này của Mỹ và Nhật Bản ước tính lần lượt là -4,3% và -5,3%. Năm 2021, các con số trên được dự báo lần lượt tương ứng với 8,2%, 3,1% và 2,3%. 

Tổng lượng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc dự đoán sẽ bằng 71,5% của Mỹ và gấp Nhật Bản 2,95 lần; năm 2021 sẽ nâng lên mức 75% của Mỹ và gấp 3,12 lần Nhật Bản. 

Nói cách khác, sau khi trải qua một đợt suy thoái trầm trọng và phục hồi mạnh mẽ dưới tác động của dịch bệnh, tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 9 điểm phần trăm so với nền kinh tế Mỹ, từ 2/3 lên 3/4 trong khoảng thời gian 2 năm.

Dịch COVID-19 khiến cho sự thay đổi về quan hệ tương quan lực lượng giữa các nước lớn diễn ra nhanh chóng, và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện kinh tế thế giới sau đại dịch.

* Các cơ chế quản trị đa phương thay đổi nhanh chóng


Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những mâu thuẫn và khiếm khuyết của các cơ chế quản trị đa phương đã bộc lộ một cách toàn diện, hiệu quả quản trị toàn cầu suy yếu rõ nét, những vấn đề mang tính toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, từ đó dẫn đến nhu cầu cải tổ trở nên mạnh mẽ, thậm chí trở thành vấn đề quan trọng cần phải giải quyết khẩn cấp trong cục diện biến động của nền kinh tế toàn cầu. 

Vòng đàm phán mới (vòng đàm phán Doha) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dường như thất bại, cơ chế giải quyết tranh chấp được coi là “viên ngọc sáng” của WTO gần như bị tê liệt do sự cản trở của Mỹ. IMF dường như bất lực, không thể làm gì trước các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ diễn ra dưới các hình thức khác nhau. 

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, những vấn đề và khiếm khuyết vốn có này được bộc lộ ngày càng đầy đủ hơn, hậu quả gây ra càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là trên phương diện phòng chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất kinh doanh toàn cầu, hầu như không nhìn thấy bất cứ hành động thực chất nào của hệ thống Liên hợp quốc; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vốn mang trọng trách nặng nề cũng bất lực trước sự lây lan và hoành hành của dịch COVID-19. IMF “lực bất tòng tâm” trước những cơn "địa chấn" tài chính và biến động thị trường trên toàn cầu, còn WTO dường như không thể làm gì được trước sự tắc nghẽn thương mại và đứt gãy của chuỗi sản xuất toàn cầu… 

Rõ ràng, đây đều là những vấn đề cũ đã có trước khi dịch bệnh bùng phát, và diễn biến trầm trọng hơn sau dịch bệnh, điều này cũng đã làm tăng thêm tính cấp thiết và tính khẩn trương của yêu cầu cải tổ. Bước vào thời đại hậu đại dịch, việc cải cách và cải thiện toàn diện vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu ngày càng trở thành chủ đề quan trọng mà tất cả các bên, đặc biệt là các nước lớn trên thế giới phải đối mặt.         

* Đẩy nhanh tái cấu trúc mô hình hợp tác khu vực

Sau những năm 1990, khung hợp tác khu vực dưới các hình thức khác nhau xuất hiện ồ ạt, thậm chí hình thành “cục diện 3 cực” có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với thế giới, đó là châu Âu - Bắc Mỹ - Đông Á, hơn nữa hình thái cơ bản của “cục diện 3 cực” này được thể hiện là “châu Âu dẫn đầu - Bắc Mỹ bám sát - Đông Á tụt hậu”. 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mô hình hợp tác khu vực này đã thể hiện rõ xu hướng tái cấu trúc: hai cực châu Âu, Mỹ dẫn đầu và bám sát này đều bị phản tác dụng, trong đó sự kiện mang tính đại diện tiêu biểu chính là việc nươc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ngược lại Đông Á vốn nằm trong “định vị” tụt hậu lại vươn lên chiếm thế thượng phong, mà sự kiện mang tính đại diện tiêu biểu là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) chính thức được ký kết. 

Tương tự, ảnh hưởng chủ yếu của dịch bệnh đối với mô hình hợp tác khu vực không phải là thay đổi phương hướng tái cấu trúc, cản trở bước đi tái cấu trúc, mà là đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cấu trúc. Đối diện với dịch bệnh, khung khu vực của hai cực Mỹ và châu Âu dường như không phát huy tác dụng, các nước thành viên trong khu vực tự ý hành động, thậm chí đẩy rủi ro cho các nước khác. 

Trong khi đó, những nỗ lực và hiệu quả hợp tác đạt được của cực Đông Á rất đáng ghi nhận cho dù là trên phương diện phòng chống dịch bệnh, hay phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc điểm “khủng hoảng thúc đẩy” vốn có trong hợp tác ở khu vực Đông Á đã phát huy vai trò đặc biệt khi đối diện với cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Ngày 15/11, 15 nước thành viên bao gồm Trung Quốc đã chính thức ký hiệp định RCEP; điều này không chỉ là động lực mạnh mẽ nhất, mà thậm chí là duy nhất đối với việc hồi sinh niềm tin thị trường, tăng cường động lực phục hồi, kiên trì mở cửa hợp tác đối với Đông Á, và thậm chí là toàn cầu.

* Đẩy nhanh tái cấu trúc chuỗi sản xuất toàn cầu

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi sản xuất toàn cầu đã thể hiện rõ xu hướng tái cấu trúc. Làn sóng phản đối toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ là bối cảnh quan trọng nhất của vấn đề tái cấu trúc. Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy mạnh mẽ cái gọi là “tách rời” kinh tế Trung Quốc, trở thành yếu tố địa chính trị quan trọng của việc thúc đẩy tái cấu trúc. 

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, để phòng chống dịch nên Trung Quốc buộc phải bấm nút khởi động “đại phong tỏa”, điều này đã trực tiếp dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt sự bùng phát của dịch bệnh và các vấn đề về an ninh sản xuất, an ninh kinh tế và thậm chí là an ninh tính mạng của người dân trở nên nổi cộm đã càng đẩy nhanh xu hướng tái cấu trúc. Xu hướng chủ yếu của tái cấu trúc bao gồm nhiều khía cạnh như đưa sản xuất trở về nước, rút ngắn chuỗi sản xuất, bố trí trong khu vực… 

Trong quá trình tái cấu trúc Trung Quốc cần chú ý xử lý tốt các mối quan hệ quan trọng: Một là, hiệu quả và công bằng. Hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu nhằm giành được lợi ích trong phân công sản xuất quốc tế, nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp, nhưng điều này có thể gây tổn hại sự công bằng vì ở các vị trí khác nhau trong phân công sản xuất toàn cầu thì lợi ích thu được hoặc thiệt hại chịu đựng có thể rất khác nhau. 

Hai là, hiệu quả và an ninh. Đây là vấn đề quan trọng được bộc lộ rõ nét trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, do kết quả của việc hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu dựa vào lợi thế so sánh, có thể từ bỏ sản xuất trong nước một số sản phẩm bảo hộ y tế và hàng hóa sinh hoạt thiết yếu quan trọng, nên khi dịch vụ hậu cần bị đứt gãy do dịch, thì vấn đề an ninh trở nên nổi bật hơn. Chuỗi sản xuất bị gián đoạn do dịch bệnh gây ra đã trực tiếp nâng cao sự chú trọng của các bên đối với an ninh sản xuất, an ninh kinh tế. 

Ba là, hiệu quả và chính trị. Mặc dù việc hội nhập đầy đủ và tham gia hợp lý vào chuỗi sản xuất toàn cầu có thể nâng cao hiệu quả phát triển của các bên liên quan, nhưng vấn đề đối mặt hiện nay là toan tính địa chính trị ngày càng trở thành nhân tố chủ yếu thúc đẩy “tách rời” kinh tế và tái cấu trúc sản xuất. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như ngày càng trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu.

* Trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển dịch


Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trung tâm kinh tế thế giới đã thể hiện rõ xu thế chuyển dịch mạnh hơn về khu vực Đông Á. Theo đó, đóng góp của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lên đến 50%, trong đó chỉ riêng đóng góp của Trung Quốc là 30%. Dịch bệnh đang đẩy nhanh xu thế này. Nguyên nhân và bối cảnh chủ yếu hiển nhiên là phòng chống dịch bệnh toàn cầu để phục hồi sản xuất, về phương diện này các nước Đông Á thực hiện tốt hơn và đạt được hiệu quả rõ ràng hơn. 

Theo dự báo mới nhất của IMF, tốc độ phát triển của các thị trường mới nổi và đang phát triển ở châu Á trong năm 2020 là -1,7%, thấp hơn 2,7% điểm phần trăm so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là -4,4%. Tốc độ tăng trưởng này sẽ nâng lên 8%  vào năm 2021, cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là 5,2%. Trạng thái “suy thoái nhẹ, phục hồi mạnh” này chứng tỏ dịch bệnh đã đẩy nhanh hơn nữa tiến trình dịch chuyển trung tâm và trọng tâm kinh tế thế giới sang khu vực Đông Á.     

Cách đây không lâu, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Hội nghị trung ương 5 khóa XIX. Từ góc độ thông cáo của hội nghị quan sát, sự thay đổi lớn đang quan tâm nhất chính là việc nhấn mạnh “phát triển toàn diện và an ninh, đẩy nhanh xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới lấy vòng tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, vòng tuần hoàn trong nước và vòng tuần hoàn quốc tế thúc đẩy lẫn nhau”. Do đó, cần phải hình thành thị trường trong nước lớn mạnh, xây dựng cục diện phát triển mới.

Chắc chắn sự chuyển đổi nhanh chóng về cục diện phát triển của Trung Quốc ngày càng chú trọng đến vòng tuần hoàn lớn trong nước, mở rộng nhu cầu nội địa và an ninh công nghiệp. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố đến từ sự thay đổi sâu sắc của môi trường quốc tế và trong nước, trong đó dịch COVID-19 làm cho môi trường quốc tế và khu vực ngày càng xấu đi./.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết