Thứ Sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024

Vấn đề biến đổi khí hậu: Cảnh báo về thực trạng triển khai biện pháp ứng phó

Ngày phát hành: 23/10/2019 Lượt xem 1073

Trong một báo cáo công bố ngày 22/10, các nhà nghiên cứu cảnh báo trung bình cứ trong 3 thành phố trên thế giới, có hơn 2 thành phố nhận thức được những tác động do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra như tần suất các đợt nắng nóng gia tăng hay lũ lụt nghiêm trọng, song chỉ có một số ít thành phố đã triển khai các kế hoạch hiệu quả nhằm đối phó với các mối đe dọa này. 
Giới chức các thành phố cho biết ngân sách hạn hẹp là một nguyên nhân chủ chốt gây khó cho họ khi đề ra các hành động ứng phó, nhất là đối với những mối đe dọa dài hạn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra như nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng do nắng nóng và nhiều bệnh tật mới. 
Theo bà Kira Appleby (Ki-ra Áp-pờ-bai), Giám đốc phụ trách các thành phố, bang và khu vực toàn cầu thuộc CDP, một tổ chức từ thiện điều hành dự án thông báo toàn cầu về những mối đe dọa môi trường, toàn bộ các thành phố trên thế giới sẽ chịu tác động về dài hạn của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong năm 2018, 530 thành phố, nơi sinh sống của 517 triệu dân, đã ghi nhận về những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, chỉ có ít thành phố đã triển khai các biện pháp ứng phó cần thiết. Ví dụ như thành phố London (Anh) do lo ngại về nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng vào năm 2050, đã bắt đầu triển khai chiến lược an ninh nước dài hạn, trong đó thử nghiệm các sáng kiến nhằm giảm nhu cầu về nước, lắp đặt các công tơ nước thông minh và giảm tình trạng nước bị rò rỉ. Trong khi đó, ông David Miller (Đây-vít Mi-lơ), Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Mỹ của C40 gồm các siêu đô thị, cho biết nhiều đô thị lớn trong mạng lưới ông phụ trách đã phải đối phó với những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. 
Báo cáo cảnh báo rằng những người nghèo nhất là "nạn nhân" đầu tiên của tình trạng biến đổi khí hậu và các thành phố coi "những rủi ro ngày càng lớn đối với những nhóm người đã bị tổn thương" này là mối đe dọa xã hội hàng đầu. Ví dụ, khu vực sinh sống của người nghèo thường đối mặt với nguy cơ bão lụt nghiêm trọng hơn, như ở thành phố New Orleans (Niu Oóc-lin), Mỹ trong cơn bão Katrina, hoặc họ không dễ đủ tài chính để sử dụng máy điều hòa chống nóng. Ông Millers nhận định rằng tầng lớp người giàu gây ra phần lớn tình trạng biến đổi khí hậu, song nhóm này lại ít chịu tác động nhất. 
Theo dự báo của Liên hợp quốc, khi các thành phố mở rộng, hơn 2/3 dân số thế giới sẽ sống trong các khu vực đô thị vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, giới chức các thành phố cho rằng việc duy trì dịch vụ y tế hoạt động trước mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra là một trong những thách thức lớn nhất mà họ phải đương đầu. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng khi nhiệt độ tăng, các bệnh trước đây chỉ xảy ra ở vùng nhiệt đới, như sốt xuất huyết, có thể xuất hiện ở các thành phố phương Bắc và các đợt nắng nóng với tần suất thường xuyên và kéo dài hơn đang cướp đi mạng sống của nhiều người.  
Nghiên cứu này cũng xem xét những biện pháp ứng phó được một số thành phố triển khai như lập bản đồ khu vực hay bị ngập lụt, nâng cấp hệ thống quản lý khủng hoảng, thay đổi về cơ sở hạ tầng... Ví dụ như thành phố Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đang nỗ lực đối phó với tình trạng nắng nóng khốc liệt và mưa lớn bằng cách lắp những bức tường màu xanh lá cây và trồng cây phủ toàn bộ các mái nhà trong thành phố, lắp đặt vỉa hè bằng vật liệu có thể thẩm thấu nước mưa. 
Tuy nhiên, ông Miller cho rằng điều cấp thiết là nâng cao nhận thức của người dân về những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra và huy động họ tham gia đề xuất các giải pháp đối phó. Trong khi đó, bà Appleby cho biết hơn 100 thành phố trên thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và hơn 100 thành phố sử dụng 70% năng lượng tái tạo./.
 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết