Thứ Tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025

Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau nửa thế kỷ

Ngày phát hành: 29/04/2025 Lượt xem 137

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 28-4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.

 

Tham dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và các học giả quốc tế. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến (với các nhà khoa học ở nước ngoài), đã nhận được 59 bản tham luận.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa, góp phần khẳng định vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật (VHNT) của kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc đổi mới; lan tỏa và truyền cảm hứng sáng tác về một Việt Nam hòa bình, hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên mới.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền VHNT nước nhà.

 

Quang cảnh hội nghị

 

Nhìn lại nửa thế kỷ qua, hoạt động VHNT của kiều bào ta ở nước ngoài có nhiều chuyển động, nhưng đều mang khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp; tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam; khát khao kết nối với quê hương, chủ động tìm kiếm bản sắc dân tộc như một phần nền tảng để định vị giá trị, chỗ đứng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Họ đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng.

 

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy những đóng góp to lớn của VHNT của kiều bào ta ở nước ngoài, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, cần tạo dựng một môi trường thuận lợi, cởi mở nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ kiều bào sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc; chú trọng ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hình thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tự tin dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, củng cố mối liên kết bền chặt giữa văn nghệ sĩ kiều bào với quê hương Việt Nam.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, cần triển khai các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đột phá trong các nghị quyết mới của Đảng; tăng cường hợp tác giữa đội ngũ VHNT trong nước và ngoài nước thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là kết nối trên nền tảng số…

 

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo do PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày đã đánh giá tình hình, diện mạo văn học, nghệ thuật của người Việt Nam và người gốc Việt ở nước ngoài với nhiều giai đoạn phát triển trong 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển. 

 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.

 

Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hoá Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. 

Về cảm hứng, chủ đề, đề tài sáng tạo, phần đông là chân thành, tha thiết, vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, quan tâm, mừng vui trước những đổi thay lớn lao, sâu sắc ở quê nhà; tự hào là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nguồn cội Việt Nam.

 

Hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…

 

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, quá trình hướng về, quay về với đất nước, với cội nguồn, những gắng gỏi để hoà giải, hoà hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước vẫn còn có một số rào cản, trở ngại; Có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm; do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu; do bị một số luận điệu tuyên truyền có tính lừa dối, kích động. Một số người có quan điểm cực đoan, thậm chí, thù địch.

 

Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển VHNT qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình VHNT; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập.

 

Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển VHNT của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

 

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam nhận định, trong mấy chục năm qua, bên cạnh dòng chảy điện ảnh chính thống trong nước còn có một dòng chảy là điện ảnh của các đạo diễn gốc Việt ở nước ngoài và các đạo diễn gốc Việt về Việt Nam sinh sống. Có những tác phẩm của đạo diễn gốc Việt đạt được thành công lớn tại các liên hoan phim quốc tế danh giá trên thế giới. Chúng ta cần đánh giá vị trí, vai trò cũng như phát huy tác dụng của dòng chảy phim của các đạo diễn gốc Việt ở ngoài nước…

 

Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu nước ngoài cung cấp nhiều tư liệu, góc nhìn mới về VHNT Việt Nam. GS Trần Ích Nguyên, Khoa Văn học Trung Quốc, Trường Đại học Thành Công, Đài Loan, Trung Quốc trao đổi sâu về tình hình nghiên cứu và quảng bá văn học Việt Nam của du học sinh Việt Nam tại Đài Loan, Trung Quốc. Đạo diễn Olena Ivanchenko đến từ thành phố Kiev, Ucraina trao đổi góc nhìn của từ Ucraina về VHNT Việt Nam 50 năm qua…

 

Trong phần tổng kết Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, TS Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước và các học giả quốc tế đã mang đến Hội thảo không khí học thuật sôi nổi, tình cảm gắn bó, hợp tác, đặc biệt là có nhiều tham luận, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, nhân văn. 

 

Những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn. 

 

PV tổng hợp

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết