Thứ Sáu, ngày 10 tháng 01 năm 2025

Vesak 2019: Trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững

Ngày phát hành: 11/05/2019 Lượt xem 1210

Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững,” Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 diễn ra từ ngày 12-14/5/2019 tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Đây là lần thứ ba Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (lần đầu tiên vào năm 2008, lần thứ hai vào năm 2014).

 

Đại lễ Vesak 2019 dự kiến sẽ có hơn 1.600 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

(Ảnh: TTXVN)

 

ĐÓNG GÓP VÀO HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Tháng 12/1999, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chính thức lấy Ngày Trăng tròn (Full Moon) tháng Năm hàng năm là Ngày quốc tế Vesak. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp) được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập niết bàn.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động chung của Liên hợp quốc.

Từ năm 2000 đến nay, sự kiện được tổ chức thường niên với mục đích ghi nhận và tôn vinh những giá trị và đóng góp của Phật giáo về tư tưởng, đạo đức và tinh thần cho nhân loại.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Vesak 2019), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo - một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019) cũng khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động chung của Liên hợp quốc; góp phần vun đắp quan hệ của Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, dự kiến, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019) sẽ đón hơn 1.650 đại biểu (là các chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu Phật giáo…) đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Vesak 2019 có tham dự, phát biểu của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống-Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan...

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng dự kiến, sẽ có khoảng 20.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam tham dự.

So với hai lần Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam trước đây, năm nay, chương trình có quy mô lớn hơn. Vesak 2008 (kéo dài từ ngày 14-17/5/2008 tại Hà Nội) có sự tham gia của hơn 4.000 khách mời chính thức, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong lần thứ hai tổ chức tại Việt Na, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (diễn ra diễn ra từ ngày 7-11/5/2014 tại Ninh Bình) hội tụ hơn 2000 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hơn 10.000 phật tử trong và ngoài nước.

“Việc tổ chức thành công hai lần Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã khẳng định uy tín của Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Phật giáo Việt Nam không chỉ có bề dày lịch sử mà còn có chiều sâu giáo lý. Khách quốc tế đến Việt Nam bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc về phương pháp hành đạo, tinh thần nhập thế, kết hợp đạo và đời của Phật giáo Việt Nam cũng như niềm tin của tăng ni, phật tử đối với Phật pháp và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống tinh thần của nhân dân,” Tổng Thư ký Vesak 2019 nhấn mạnh.

Đến Vesak 2019, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho rằng, chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” của Vesak 2019 cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm của Phật giáo trước tình hình thế giới hiện nay với nhiều biến động trên các phương diện đời sống; qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng của Phật giáo trong việc góp phần hóa giải những xung đột, vấn nạn toàn cầu hiện nay.

“Vesak 2019 hướng tới góp phần tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với chương trình phát triển bền vững toàn cầu của Liên hợp quốc đến năm 2030 với các mục tiêu xóa bỏ nghèo đói, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi, đảm bảo giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tiêu thụ và sản xuất bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học, thúc đẩy xã hội hòa bình, đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững,” Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết.

Theo đó, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam sẽ bao gồm nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề về Phật học xoay quanh các chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa tâm linh nhằm khắc họa sự thanh bình trong sự đa dạng văn hóa trên nền tảng tư tưởng giáo lý của đạo Phật: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm ảnh về các chùa di sản thế giới của Việt Nam...

Trong Thông điệp Đại lễ Phật đản 2019, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo Việt Nam đã minh chứng về một nền Phật giáo nhập thế với tinh thần “hộ quốc an dân.”

“Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam giành được nền độc lập tự chủ vào đầu thế kỷ thứ 10, trải qua các triều đại (Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần), Phật giáo đã trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên bản lĩnh, bản sắc văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Các vị thiền sư cao tăng đồng thời cũng là những nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại, là những người có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước,” thông điệp nêu rõ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, luôn luôn đồng hành cùng dân tộc. “Nhìn lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng trước những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm nay một lần nữa khẳng định điều đó,” thông điệp nêu rõ.

Kết nối di sản

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật Giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) nhấn mạnh, từ khi du nhập vào Việt Nam (khoảng hơn 2000 năm trước), Phật giáo luôn là nhân tố thúc đẩy hòa bình và hòa hợp trong xã hội, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hàng nghìn đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự Vesak đã cho thấy, Việt Nam là một nước chủ nhà có uy tín, vị thế và quan hệ rộng mở trong cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam ba lần là nước chủ nhà, đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc khẳng định chủ trưởng của Đảng và Nhà nước: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và truyền thống, sự đa dạng văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, số lượng hàng nghìn đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự Vesak đã cho thấy, Việt Nam là một nước chủ nhà có uy tín, vị thế và quan hệ rộng mở trong cộng đồng quốc tế.

 

Điện Tam Thế - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc. (Ảnh: TTXVN)

 

Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc có tổng diện tích khoảng 5.000ha (trong đó, hồ nước: 1.000ha, núi đá rừng tự nhiên: 3.000ha, các thung lũng: 1.000ha) với cảnh quan hùng vĩ: “Tiền lục nhạn, hậu thất tinh” (“tiền lục nhạn” nghĩa là mặt trước chùa có sáu quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là sáu quả chuông của nhà trời đưa xuống; “hậu thất tinh” có nghĩa là phía sau có bảy ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm).

Trên trục thần đạo quần thể chùa Tam Chúc gồm: chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Trung tâm hội nghị Quốc tế.

Với chiều cao 39m và diện tích sàn 5.400m2, điện Tam Thế có sức chứa 5.000 Phật tử hành hương lễ phật. Chùa Ngọc nguy nga tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, từ trên nhìn xuống có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của khu du lịch Tam Chúc.

Ngoài ra, khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc có 12.000 bức tranh đá miêu tả sự tích của Đức Phật, một vườn cột đá khổng lồ với 1.000 cột đá (dự kiến khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những vườn cột kinh lớn nhất thế giới).

“Việc đón tiếp hơn 1.650 đại biểu quốc tế và khoảng 20.000 tăng ni, phật tử trong nước về dự Vesak 2019 là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu về Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc nói riêng và tiềm năng du lịch phát triển du lịch tâm linh của Việt Nam nói chung. Chúng tôi đã liên kết, phối hợp với các địa phương (Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh…) để kết nối các di sản, tạo thành hành trình du lịch văn hóa tâm linh với những điểm đến: chùa Hương, Bái Đính, Tam Chúc, Yên Tử… Đây đều là những nơi có cảnh quan hùng vĩ, nhiều chứng tích ghi dấu sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, thu hút du khách hành hương, vãn cảnh, bái Phật,” ông Huy nói.

Trong dịp này, nhiều tour du lịch tâm linh bên lề Vesak 2019 cũng được tổ chức: Hà Nội-Tam Chúc-Hà Nam-Ninh Bình-Tràng An-Bái Đính-Hạ Long-Tây Yên Tử-Bắc Giang (từ 4-5 ngày); Hà Nội-Tam Chúc (2 ngày); Hà Nội-Tam Chúc-Bái Đính-Tràng An (2-3 ngày).

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, về công tác hậu cần, ẩm thực, đã thiết lập phân khu riêng biệt rộng hơn 4.000m2 dành cho việc nấu, chế biến các món chay; hoàn thành khu nhà ăn rộng 3.200m2 dành cho tiệc buffet của các đại biểu trong suốt ba ngày diễn ra Đại lễ. Thực phẩm rau, củ, quả, gạo và các thức ăn đều từ nguồn thực phẩm sạch.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an, Công an các tỉnh/thành phố (Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình) xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã gửi thông điệp chúc mừng.

Thông điệp nêu rõ, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc là lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế, được Liên hợp quốc lựa chọn, tôn vinh vì những giá trị đạo đức, văn hóa và tư tưởng sâu sắc trong giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, nhân ái, vị tha và hòa hợp. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, là cơ hội, nhịp cầu hữu nghị giúp cộng đồng hiểu được các giá trị tốt đẹp của Phật giáo.

“Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về khủng bố, bạo lực, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo… việc thực hành các giáo lý của Phật giáo là một trong những con đường giúp xã hội giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp của nhân loại, vì một thế giới hòa bình và tiến bộ,” trích thông điệp của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết