Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Vì một đại dương không rác thải nhựa

Ngày phát hành: 07/06/2022 Lượt xem 1683

Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature-WWF), mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó phần lớn là rác thải từ sản phẩm nhựa dùng một lần. Loại rác thải này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm biển, mặc dù ngày càng nhiều nước có hành động cấm sử dụng loại sản phẩm này. Rác thải nhựa chẳng những ám ảnh nhiều quốc gia bởi hậu quả để lại lâu dài mà còn đẩy đại dương đi dần vào cái chết trắng. Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ, đề xuất nhiều sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu cũng như khu vực để giải quyết vấn nạn này.

 

 Ô nhiễm nhựa trong đại dương ngày càng nghiêm trọng
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature-WWF) mới đây cho biết, tình trạng ô nhiễm nhựa trong đại dương đang gia tăng nghiêm trọng và kêu gọi nỗ lực khẩn cấp nhằm thiết lập một hiệp ước quốc tế về nhựa.
Bản báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng rẽ về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa đạng sinh học và sinh thái biển, theo đó WWF cho biết rác thải nhựa đã xuất hiện ở cả những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của Trái Đất như vùng băng Bắc Cực và trong cả các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.
Báo cáo của WWF nêu rõ mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng một lần. 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần.
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.
Đặc biệt, kể từ năm 2019 đến nay, toàn nhân loại đã, đang và sẽ phải đấu tranh với đại dịch toàn cầu COVID-19, làm tăng áp lực lên vấn đề rác thải nhựa đại dương vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này. Rác thải y tế từ đại dịch COVID-19 đang đe dọa sức khỏe con người và môi trường, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải cải thiện các hoạt động quản lý rác thải y tế.
Tháng 5/2022, Trong khuôn khổ của Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Phiên toàn thể đặc biệt “Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, khẳng định: biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, chiếm tỷ trọng lớn và phân hủy lâu nhất là rác thải nhựa.
“Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này” - bà Phạm Thu Hằng khẳng định.

 

 Nỗ lực và hành động mạnh mẽ giảm thiểu rác thải đại dương
Không thể thay thế, nhưng chúng ta có thể thay đổi. Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Có thể sử dụng thay thế chúng bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…
     Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát… hoặc làm đồ trang trí như: ống cắm bút, chậu hoa… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà...
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ. Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
    Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Năm 2019, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, tiếp đó phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa
Năm 2020, Việt Nam chủ động và tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Năm 2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, mạng lưới đối tác và các bên liên quan về vấn đề rác thải nhựa đại dương có khoảng 70 dự án và chương trình được thực hiện tại 19/28 tỉnh, thành phố ven biển và các huyện đảo. Thông qua đó, đã thúc đẩy được sự tham gia và kết nối cơ hội hợp tác, đồng thời thể hiện quan điểm cấp tiến và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thực hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai các chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa. Có thể thấy, nhiều siêu thị tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng đã chủ động thay thế túi nilon bằng lá chuối, giấy… Các loại cốc nhựa, ống hút nhựa cũng được người dân ở chung cư, văn phòng, bệnh viện cắt giảm sử dụng, thay thế bằng cốc giấy.
Ở nhiều trường học trong cả nước, phong trào tẩy chay rác thải nhựa được tuyên truyền và triển khai mạnh mẽ, việc mang chai nhựa, túi nilon vào trường bị cấm triệt để. Sinh viên phải mang cốc hoặc chai thuỷ tinh đến để lấy nước tại máy lọc nước của nhà trường để cho giảng viên giảng dạy sử dụng. Sự thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa đang mang lại những kết quả tích cực, giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường và lan toả thông điệp về bảo vệ hành tinh./.


 Theo Diệp Ninh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết