TTXVN (Sputnik) - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc cho biết, để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Mỹ đang cân nhắc nhập khẩu một số vật tư và thiết bị y tế của Việt Nam. Kể từ cuối tháng 1/2020, cơ quan y tế của hai nước đã trao đổi thông tin về việc chống lại COVID-19.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Việt Nam có những kinh nghiệm để chia sẻ với siêu cường này. Thật vậy, mặc dù Việt Nam ở gần Trung Quốc, nước đầu tiên ghi nhận sự bùng phát của dịch bệnh, nhưng hiện ở Việt Nam chỉ có 153 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, tại Mỹ, theo Đại học Johns Hopkins, có hơn 69.000 ca nhiễm được xác nhận và số ca tử vong vào tối 26/3 đã vượt quá 1.000 người.
Truyền thông Mỹ cho rằng Mỹ đã khởi động chậm hai tháng chiến dịch chống dịch bệnh, đồng thời nhắc nhở về tình hình ở Italy, khi mỗi ngày ở nước này có hàng trăm ca tử vong. Theo WHO, gần 7.000 người đã chết ở Italy. Các chuyên gia Mỹ cho biết, hệ thống y tế của Italy được đánh giá cao, khoảng 3,2 giường bệnh/1.000 người, còn ở Mỹ, con số này là 2,8 giường bệnh/1.000 người.
Cần phải có kỷ luật
Vấn đề chính không phải là số người được xét nghiệm COVID-19 hoặc những lợi thế của hệ thống y tế tốt hơn hay kém hơn so với hệ thống y tế khác. Điều quan trọng nhất là các biện pháp mà Việt Nam áp dụng để bảo vệ trước mối đe dọa nghiêm trọng. Hà Nội đã phản ứng rất nhanh với sự xuất hiện của căn bệnh này, đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, những người đến từ Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã bị cách ly, đồng thời đóng cửa các trường học, hạn chế đi du lịch, áp dụng các biện pháp kiểm dịch với sự hỗ trợ của quân đội.
Lãnh đạo đất nước đã kiểm soát tình hình, thông báo kịp thời cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị về chăm sóc sức khỏe và phòng chống COVID-19. Các chuyên gia Việt Nam đã phát triển bộ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang được sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang các nước khác. Người dân Việt Nam rất quan tâm tình hình này, cố gắng làm theo các khuyến nghị. Đất nước đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa khủng khiếp này. Tiến sĩ Sinh học Alexander Rubtsov, Phó Trưởng khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, nói:
“Đặc điểm của COVID-19 là tốc độ lây lan rất nhanh. Ở Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ có số ca nhiễm lớn như vậy là bởi vì người dân ở đó có thói quen giao tiếp, gặp gỡ, thư giãn cùng nhau và họ vẫn duy trì thói quen này kể cả khi xuất hiện nguy cơ lây nhiễm virus. Các quốc gia này đã không cảnh giác về nguy cơ bị nhiễm COVID-19”.
Việt Nam là một quốc gia với dân số trẻ và khỏe mạnh. Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách. Người dân Việt Nam có thói quen đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Điều đó giúp Việt Nam khống chế hiệu quả dịch COVID-19./.
Theo TTXVN