Thứ Ba, ngày 16 tháng 04 năm 2024

Chính sách xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm đổi mới

Ngày phát hành: 01/03/2019 Lượt xem 77859


 

I.  Sự phát triển nhận thức của Đảng về chính sách xã hội

Đại hội đại biểu lần thứ VI thể hiện bước ngoặt trong đổi mới tư duy của Đảng về chính sách xã hội, đã đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển đất nước. Chính sách xã hội được coi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, là động lực to lớn, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội khẳng định: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc… thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”[1]. Từ nhận thức: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”, Đại hội VI của Đảng đã nhấn mạnh: “Cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Đó là một bước tiến mới trong nhận thức về chính sách xã hội của Đảng”.[2]

Từ chính sách xã hội chung đó, Đại hội đề cập tới chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp dân cư trong cộng đồng xã hội, đã nhấn mạnh: “ quan điểm đúng đắn và thống nhất, kèm theo những chính sách, biện pháp hiệu quả xây dựng toàn diện giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, làm cho nền tảng chính trị - xã hội của xã hội mới ngày càng vững chắc, ưu thế của lực lượng xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc cơ cấu giai cấp và xã hội của cả nước và từng địa phương sau hơn mười năm cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát hiện những vấn đề cần được giải quyết về mặt chính sách giai cấp”.[3]

Đến Đại hội VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của chính sách xã hội, trong đó nổi bật quan điểm về sự thống nhất giữa mục tiêu của chính sách kinh tế và chính sách xã hội – tất cả vì con người. Nghị quyết Đại hội cũng nêu ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của chính sách xã hội: Đó là vấn đề do lịch sử và do hậu quả chiến tranh để lại; đó là loại vấn đề nảy sinh từ nền kinh tế - xã hội lạc hậu, kém phát triển; đó là vấn đề mới phát sinh về xã hội liên quan đến việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần…

Đại hội nhấn mạnh: “ Huy động mọi khả năng của Nhà nước và của nhân dân, trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội. Xây dựng các quỹ bảo hiểm xã hội của nhân dân trong tất cả các thành phần kinh tế…[4] và “cải cách chế độ tiền lương cho đủ tái sản xuất sức lao động, tiền tệ hóa lương,.. gắn cải cách tiền lương với chỉnh đốn bộ máy tổ chức và giảm biên chế. Chăm sóc những người có công với nước,…đặc biệt chú trọng vùng núi biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số[5].

Đến Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển” và “Các vấn đề chính sách xã hội đều phải giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội[6]. Sự phát triển nhận thức thể hiện ở các nhiệm vụ trước mắt về chính sách xã hội, đó là: Tập trung sức tạo việc làm; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo hiểm xã hội và các hoạt động nhân đạo, từ thiện; chăm sóc bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể chất của nhân dân; đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy lùi tệ nạn xã hội…

Xuyên suốt các kỳ Đại hội IX, X, XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của chính sách xã hội, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề công bằng trong các chính sách xã hội. Văn kiện Đại hội IX nêu rõ: “Thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, tăng năng xuất lao động, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp. Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản”. Tiếp tục phát triển nhận thức mới về chính sách xã hội, Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ” kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển…Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc[7].

Đại hội XI tiếp tục khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.”[8]

Để thực hiện tốt mục tiêu công bằng trong các chính sách xã hội, Đảng ta nhấn mạnh chính sách xã hội phải phù hợp với từng đối tượng, từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước.”[9].

Đến Đại hội XII, quan điểm về chính sách xã hội phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư được nhấn mạnh và nhận thức sâu sắc hơn: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội… quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu – nghèo, bảo đảm sự phát triển xã hội ổn định và bền vững... Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội..”[10].

Ngoài các chủ trương chung về chính sách xã hội đối với cộng đồng dân cư, Đảng ta có những nghị quyết riêng để phát huy vai trò tích cực của mỗi giai cấp, tầng lớp. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khoá X), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đến Hội nghị Trung ương 7 (khoá X), có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Cũng trong Hội nghị này, xác định rõ vai trò to lớn của tầng lớp trí thức, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đến Đại hội khoá XI, lần đầu tiên, Đảng ban hành nghị quyết riêng để phát triển tầng lớp doanh nhân. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị khoá XI, ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nghị quyết 15, khóa XI, ngày 1/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Những chủ trương, chính sách phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 5, khoá XII với sự ra đời của Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bên cạnh đó, có các Nghị quyết 27, khóa XII, về cải cách chính sách tiền lương; Nghị quyết 28, khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

II. Chính sách xã hội và một số kết quả đạt được thời gian qua

1. Hệ thống văn bản pháp luật về các chính sách xã hội ngày càng hoàn thiện, đầy đủ

Nhà nước ta đã xây dựng hành lang pháp lý, các cơ chế, pháp luật về chính sách xã hội ngày càng được đầy đủ, hoàn thiện, từ Hiến pháp đến các luật, văn bản luật… tạo điều kiện để thực thi ngày càng hiệu quả vai trò, chức năng của các chính sách xã hội. Hiến pháp năm 1992 có nhiều quy định về chính sách xã hội. Điều 56 của Hiến pháp quy định: “Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ, tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động”. Điều 39 nêu những quy định về thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe…

Các chính sách xã hội được thể hiện rõ trong các luật, bộ luật như: Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 23/6/1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002 và 2006, 2012) có các chương quy định về bảo hiểm xã hội đối với người lao động; Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015… Quốc hội xây dựng Luật Quan hệ lao động và nhiều văn bản pháp luật khác về các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được ban hành làm cho chính sách xã hội càng hoàn thiện và đạt nhiều kết quả như: Pháp lệnh về danh hiệu vinh dự Nhà nước (Bà mẹ Việt Nam anh hùng), Pháp lệnh ưu đãi người có công…

Trong giai đoạn 1997 – 2013, Nhà nước đã ban hành 146 văn bản chính sách xã hội. Trong đó, có 02 văn bản chính sách về an sinh xã hội chung là Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ ngày 1-11-2012 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15/NQ/TW. Còn lại 144 văn bản chính sách hiện hành về an sinh xã hội, được chia thành bốn nhóm chính sách an sinh xã hội, cụ thể: Chính sách tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động với 33 văn bản hiện hành (2001-2013); Chính sách hỗ trợ giảm nghèo với 14 văn bản hiện hành (2005-2013); Chính sách BHXH với 5 văn bản hiện hành (2006-2012); Chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn với 18 văn bản hiện hành, gồm 16 văn bản chính sách trợ giúp xã hội hiện hành (2000-2013) và 2 văn bản chính sách hỗ trợ rủi ro đột xuất do thiên tai và rủi ro thị trường hiện hành (2010-2011); Chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu với 74 văn bản hiện hành (1997-2013)[11]. Tiếp đó, giai đoạn 2014- 2018 cũng đã có hàng loạt các văn bản về vấn đề này được ban hành QĐ-1490/QĐ-TTg về bổ sung dự toán kinh phí chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2017; Quyết định 1865- QĐ năm 2017 về giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. 

Các luật và các văn bản luật nêu trên, đã làm cho chính sách xã hội trở thành một hệ thống chính sách chặt chẽ, đầy đủ, được bảo đảm bằng tính pháp lý, được thực hiện thống nhất trong cả nước, góp phần tích cực trong quản lý và hiện thực hóa mục tiêu của chính sách xã hội.

2. Chính sách xã hội, chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp dân cư ngày càng được mở rộng, phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng.

Đối với từng giai cấp, tầng lớp và các đối tượng khác nhau trong cộng đồng dân cư, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách riêng phù hợp với từng đối tượng. Diện bao phủ ngày càng được mở rộng, phát huy tích cực nguồn nhân lực quốc gia.

 

 

 

- Đối với giai cấp công nhân

Sau 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2013, công nhân lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta là 11.565.900 người (chiếm 12,8% dân số, 21,7% lực lượng lao động xã hội). Trong đó, 70,2% có trình độ trung học phổ thông, 26,8% có trình độ trung học cơ sở và 3,1% có trình độ tiểu học. Công nhân có trình độ trung cấp chiếm 17,9%, cao đẳng 6,6%, đại học chiếm 17,4%, được đào tạo tại doanh nghiệp chiếm 48%[12]. Đến  năm 2015, lên tới 12.856,9 nghìn người, chiếm 14,01% dân số và 23,81% lực lượng lao động xã hội[13].

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, giai cấp công nhân nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. “Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp...; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống”[14].

Mục tiêu về chính sách xã hội cho giai cấp công nhân được nêu rõ trong Nghị quyết 20-NQ/TW: “Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp. Có bước tiến về đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước, nhất là những ngành công nghiệp mới. Tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo; chú trọng đào tạo nghề cho công nhân từ nông dân và nữ công nhân”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp thiết thực.

Trong Luật Nhà ở năm 2014, các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung và chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nói riêng đã được Luật hóa, đã đưa ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ, lâu dài để giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân tại các KCN tập trung, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng. Triển khai Luật Nhà ở năm 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài và các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các loại nhà ở xã hội, trong đó có các quy định rất ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội cho công nhân KCN nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Theo đó, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị kinh phí, các điều kiện cần thiết để triển khai Đề án. Mục tiêu là đến năm 2020, vận động, tạo điều kiện để 80% CN lao động tại các DN nói chung, 90% CN lao động tại các DN trong các KCX-KCN, khu kinh tế được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc DN tự đào tạo); 50% CN lao động được đào tạo lại, 40% CN lao động có tay nghề cao. Vận động, tạo điều kiện để 50% CN lao động tại các DN nói chung, 60% CN lao động tại các DN trong các KCX-KCN, khu kinh tế được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học...

Chính sách bảo hiểm xã hội thường xuyên được sửa đổi đã tạo điều kiện bảo đảm hơn về an sinh xã hội cho công nhân. Luật BHXH năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo đó, từ ngày 1/1/2018, người lao động trong đó có công nhân, có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ, khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp và bảo đảm cho công nhân có được nguồn quỹ an sinh.

Ngoài ra, việc ký thoả ước lao động tập thể, các chính sách về y tế, giáo dục, thể thao, điểm sinh hoạt văn hoá ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tái sản xuất sức lao động, nâng cao trình độ, nhận thức chính trị cho giai cấp công nhân - giai cấp tiên phong trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.

 

- Đối với giai cấp nông dân

 Nông thôn nước ta hiện nay có gần 70% dân số đang sinh sống, với lực lượng lao động chiếm khoảng 50 % lực lượng lao động toàn xã hội, đến năm 2020, dự kiến khoảng 65% dân cư sinh sống tại khu vực nông thôn và khoảng 40% lao động xã hội, năm 2018 cả nước đã có 42,4% số xã đạt nông thôn mới đây luôn là địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chính sách xã hội đối với nông dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội sẽ góp phần tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về nông dân, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách xã hội đối với nông dân như: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội...

Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách việc làm cho người nông dân trở thành chủ thể trong phát triển kinh tế (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới, xây dựng nông thôn mới...), và tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận những nguồn lực sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, tín dụng, khoa học - kỹ thuật...) gắn với thị trường; khuyến khích phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn (chính sách thuế, đất đai, tín dụng...), hỗ trợ dạy nghề, phát triển thị trường lao động nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, di chuyển lao động, nhất là thanh niên từ nông thôn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc. Chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với nông dân đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đối với khu vực nông thôn và nông dân.

Chính sách bảo hiểm xã hội cho nông dân có những điều chỉnh để mở rộng đội tượng và diện bao phủ, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân. Nông dân làm việc trong nông nghiệp, nông thôn là khu vực có rất nhiều rủi ro, việc làm không ổn định, năng suất và thu nhập thấp, rất dễ bị tác động bối cảnh kinh tế - xã hội, trong khi đó, mức độ tham gia bảo hiểm xã hội lại rất thấp.  Với sự ra đời của Nghị quyết 28, khóa XII, về cải cách bảo hiểm xã hội, tới đây Luật Bảo hiểm xã hội sẽ có sự điều chỉnh theo hướng công bằng, mở rộng, tăng tính chia sẻ, sẽ là những chính sách bảo đảm an sinh xã hội thiết thực cho nông dân – những người lao động ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động.

Ngoài ra, nông dân còn được hưởng trợ giúp xã hội đột xuất, trước những rủi ro bất thường xảy ra ngày càng nhiều và trên diện rộng với hình thức hỗ trợ phong phú, từ cấp tiền, gạo, nhu yếu phẩm đến khám chữa bệnh miễn phí, cho vay vốn ưu đãi. Nhiều mô hình trợ giúp không chính thức, mang tính xã hội hóa đang được triển khai rất hiệu quả như “quỹ phát triển thôn bản”, “quỹ quản lý rủi ro cộng đồng”, “quỹ bảo hiểm vi mô”, “quỹ đền ơn đáp nghĩa”...

- Với tầng lớp trí thức, năm 2018, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng hơn 2,8 triệu người so với 10 năm trước, trong đó phần lớn đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cho đến nay, đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức đã được Đảng và Nhà nước thực thi, đem lại hiệu quả tốt trong thời gian qua, như chính sách đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức; chính sách tạo môi trường phát huy vai trò của trí thức; chính sách sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức và chính sách thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều giải thưởng quốc gia và của các ngành, các lĩnh vực, việc phong tặng các chức danh khoa học, các danh hiệu cao quý cho trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ,... đã được thực hiện cũng tạo sự khích lệ, động viên tinh thần đối với trí thức. Gắn liền với các chủ trương, chính sách đó là sự cố gắng trong việc đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ,... đã góp phần phát huy tiềm năng và nội lực của đội ngũ trí thức trong hoạt động thực tiễn.

Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức là các cán bộ khoa học, công nghệ, lãnh đạo, quản lý. Đề án 322 của Chính phủ về “Đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” đã tuyển và cử được 5.833 người đi học, trong đó có 2.951 tiến sĩ, 1.603 thạc sĩ, 260 thực tập sinh và 1.019 đại học trong giai đoạn 2000 – 2013. Trong giai đoạn 2009 – 2013, Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” đã bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho 11.690 lượt cán bộ, đào tạo được 158 tiến sĩ và 444 thạc sĩ ở nước ngoài, 339 thạc sĩ đào tạo theo hình thức liên kết. Ngoài ra, số trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có vị trí quan trọng, trong tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới còn có khoảng hơn 10% đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, nghệ thuật (trong đó có hơn 6.000 người có trình độ tiến sỹ, hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao).

Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chú trọng đến việc thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Sự tham gia của lực lượng trí thức ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng đất nước thể hiện sâu sắc trên các lĩnh vực, như: hợp tác và chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng; tư vấn chính sách; nghiên cứu - triển khai,... đã mang lại những giá trị to lớn cho các cơ quan, tổ chức triển khai. Bên cạnh đó, lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài đồng thời làm cầu nối hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giúp tiếp cận các quỹ đầu tư tài chính, tiếp cận và mở rộng thị trường cho sản phẩm trong nước tới các quốc gia nơi họ đang sinh sống,...

- Với tầng lớp doanh nhân

 Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 90% việc làm mới trong xã hội, đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, có vai trò to lớn trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân như: Công khai, minh bạch các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giúp doanh nhân có định hướng đầu tư, giảm rủi ro, thuận lợi trong kinh doanh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, về tài chính công, thuế, tài nguyên môi trường, bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ. Có chính sách hỗ trợ đội ngũ doanh nhân phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ và khuyến khích doanh nhân khu vực nông thôn... từ đó tạo động lực cho doanh nhân cống hiến, phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra là nhóm những người yếu thế, người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội

3. Các chính sách xã hội được từng bước hoàn thiện, ngày càng mở rộng, đa dạng, phát huy hiệu quả đối với cộng đồng xã hội.

Chính sách xã hội ở nước ta trong những năm qua ngày càng được hoàn thiện trở thành hệ thống chính sách hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo đảm mục tiêu xây dựng tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó nổi bật nhất là các chính sách: chính sách lao động – việc làm, chính sách bảo hiểm, xóa đói giảm nghèo, trợ cấp xã hội, chính sách người có công… Các chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống nhân dân, từng bước đáp ứng nguyện vọng của các giai cấp, các tầng lớp và cộng đồng dân cư trong xã hội bảo đảm “tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng, xã hội”.

Thứ nhất, chính sách lao động – việc làm đi vào cuộc sống góp phần giải quyết việc làm, xây dựng thị trường lao động, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách lao động – việc làm như: hoàn thiện thể chế thị trường lao động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, xây dựng quỹ hỗ trợ việc làm, có chính sách hỗ trợ lao động di chuyển, xuất khẩu lao động… Cơ cấu lao động được phân bổ trong các ngành, trong các loại hình kinh tế hợp lý hơn, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế. Số lao động qua đào tạo có xu hướng tăng lên. Mục tiêu đặt ra là, “đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%”[15].

Thứ hai, chính sách xóa đói, giảm nghèo đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng được Đảng, Nhà nước quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (2002), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), Quyết định số 1971/QĐ-TTg về việc cho 30 huyện khác nằm ngoài chương trình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19-12-2014 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Ngân sách nhà nước đã ưu tiên tập trung nguồn lực cao nhất cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, như chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo…

Nhờ những nỗ lực đó, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trên tất cả các khía cạnh và tiêu chí. Nước ta chính thức bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, không còn tình trạng hộ thiếu đói kinh niên, tình trạng nghèo đã chuyển từ diện rộng ở các vùng, miền sang cục bộ ở một số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và trong một số nhóm dân cư. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 còn 6,8%, dự kiến tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1.5%/ năm đến năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Đánh giá chung, ở cấp quốc gia mức độ giảm nghèo được ghi nhận mạnh mẽ và ấn tượng cả theo chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế.

Thứ ba, hệ thống bảo hiểm xã hội ngày càng hoàn thiện, đa tầng, đa chiều, công bằng, chia sẻ, rộng mở hơn.

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH ngày càng được hoàn thiện. Luật BHXH 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc[16]; hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tùy theo khả năng ngân sách từng thời kỳ; tăng cường các biện pháp bảo đảm bền vững tài chính để bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia BHXH giữa các thành phần kinh tế[17]; nâng cao các biện pháp xử lý đối với các vi phạm về chính sách BHXH…

Đối tượng tham gia các hình thức bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội không ngừng tăng lên hàng năm.

Thứ tư, chính sách người có công tiếp tục được phát huy, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Chính sách ưu đãi người có công không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cảu đất nước như: việc ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với nước, cùng với hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành có tác dụng to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội được toàn dân hưởng ứng.

Ưu đãi xã hội đối với người có công bước đầu đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công khai, công bằng xã hội. Người có công được chăm lo, đền ơn đáp nghĩa, được ưu tiên, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm. Những trường hợp như thương binh nặng, thân nhân liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng được ưu tiên về nhà ở, đất ở, được chăm lo phụng dưỡng về vật chất và tinh thần của địa phương và các đoàn thể xã hội.

Thứ năm, chính sách hỗ trợ xã hội đóng góp tích cực trong giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách hỗ trợ xã hội không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, góp phần đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội. Đối tượng của hỗ trợ xã hội có thể là cá nhân, gia đình, một địa phương, từng vùng, miêng gặp khó khăn hay gặp nạn. Ở nước ta hiện nay, hỗ trợ xã hội bao gồm: Hỗ trợ thường xuyên (người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa…); Hỗ trợ xã hội đột xuất (cứu đói, cứu trợ thiên tai).

- Hỗ trợ thường xuyên: Điều kiện để được hưởng hỗ trợ thường xuyên từng bước được cải tiến theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng nên số đối tượng gia tăng nhanh. Người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người tàn tật không có người nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên của xã, phường hoặc đưa vào nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội, được hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí, giáo dục, chỉnh hình phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm,…

- Hỗ trợ đột xuất: Những rủi ro về dịch bệnh, thiên tai, mất mùa là những yếu tố bất thường ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Nhà nước có các chính sách, chương trình hỗ trợ đột xuất (bằng tiền mặt, lương thực…) cho đồng bào trước những rủi ro đó. Công tác hỗ trợ (cứu trợ) trong những năm qua được triển khai tương đối kịp thời, có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp,..

 

PGS.TS Phạm Văn Linh

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr.86.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr.86.

[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, tr778 – 779.

[4] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, NXB Chính trị quốc gia, HN 2007, tr47.

[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, NXB Chính trị quốc gia, HN 2007, tr49.

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, NXB Chính trị quốc gia, HN 2007, tr398.

[7] Văn kiện Đại hội X, NXB CTQG, HN 2006, tr 101.

[8] Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN 2011, tr79.

[9] Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN 2011, tr80.

[10] Văn kiện Đại hội XII, Nxb CTQG, HN 2016, tr134-135.

[11] UNDP, Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.120-124.

[12]Vũ Quang Thọ (2015), Xây dựng lối sống văn hóa của công nhân Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lao động, Hà Nội. Tr61-62.

[13] Tạp chí Lý luận chính trị số 1/2019.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr45.

[15] Văn kiện Đại hội XII, Nxb CTQG, HN 2016, tr55.

[16] Người lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (kể cả trước khi đi làm ở nước ngoài chưa tham gia BHXH); người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; áp dụng loại hình hưu trí bổ sung…

[17] Như: lộ trình thay đổi thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu tối đa; lộ trình về điều chỉnh điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu của người bị suy giảm khả năng lao động; điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần…

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết