Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Dịch COVID-19 tác động như thế nào tới quy mô của các nền kinh tế châu Á?

Ngày phát hành: 17/12/2020 Lượt xem 3201

Mới đây Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố báo cáo dự báo kinh tế châu Á trung hạn với tiêu đề "Châu Á trong dịch COVID-19: Nước nào sẽ nổi lên", trong đó đánh giá các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và dự báo các nền kinh tế châu Á đang tiến bộ như thế nào so với các nền kinh tế khác.

 


 

Trên cơ sở đánh giá các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, JCER đã đưa ra dự báo về tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, quy mô của nền kinh tế dựa trên GDP danh nghĩa và thu nhập bình quân đầu người (GDP danh nghĩa/đầu người) của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

JCER đưa ra hai kịch bản về tác động của dịch COVID-19, bao gồm kịch bản tiêu chuẩn và kịch bản dịch COVID-19 sẽ trở nên xấu đi. Trong cả hai kịch bản này, Trung Quốc đều trỗi dậy tương đối mạnh mẽ, khống chế dịch COVID-19 một cách nhanh chóng và thành công, và ngăn chặn thiệt hại lan rộng. Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ vào năm 2028 hoặc 2029. Vào năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 28.000 USD/năm cho dù vẫn thấp hơn so với con số mục tiêu 30.000 USD/năm của chính phủ nước này, trong khi Việt Nam sẽ vượt qua nền kinh tế của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2035.

Cụ thể, trong kịch bản tiêu chuẩn, JCER giả định dịch COVID-19 chỉ là sự kiện nhất thời giống như động đất và sẽ không ảnh hưởng tới các cấu trúc kinh tế trong giai đoạn trung hạn. Với giả định đó, trong 4 đến 5 năm tới, nhiều biến số kinh tế sẽ quay lại các xu hướng trước khi xảy ra dịch bệnh này. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế sẽ bị suy thoái nghiêm trọng trong năm 2020. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nền kinh tế đều bị tác động như nhau bất chấp dịch COVID-19 đã lan ra gần như tất cả các quốc gia trên thế giới. Những khác biệt đó sẽ tạo ra sự khác biệt về quy mô kinh tế của các quốc gia/vùng lãnh thổ trong vòng 15 năm tới.

Năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn duy trì tăng trưởng dương. GDP của Ấn Độ có thể giảm hơn 10%, trong khi GDP của Philippines có thể giảm 8%. Các nền kinh tế khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đang đối mặt với nguy cơ suy thoái với GDP giảm hơn 6%.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây do sự suy giảm về nhân khẩu học và đầu tư giảm, nhưng nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng khoảng 3% vào năm 2035. Tại Mỹ, nơi sản xuất vẫn trì trệ, tăng trưởng sẽ chỉ đạt khoảng 1% vào năm 2035.

Vào năm 2029, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và vào năm 2035, khoảng cách giữa hai nền kinh tế có thể tương đương với quy mô của nền kinh tế Nhật Bản. Vào năm 2035, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, sẽ đạt 41.800 tỷ USD, chỉ thấp hơn một chút so với quy mô của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại (42.300 tỷ USD).

Trung Quốc sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2023, và thu nhập bình quân đầu người ở nước này có thể đạt 28.000 USD/năm vào năm 2035, tương đương với con số hiện nay của Đài Loan. Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn so với mục tiêu 30.000 USD/năm mà Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra.

 



Trong khi đó, Việt Nam có thể vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035 nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Điều này sẽ giúp Việt Nam vượt qua Đài Loan về quy mô nền kinh tế vào năm 2035, và đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia. Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 11.000 USD/năm vào năm 2035.

Về phần Đài Loan, vùng lãnh thổ này đã trở thành một trong những nền kinh tế thành công nhất trong việc khống chế dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo vào khoảng 1% do tình trạng già hóa dân số.

Riêng đối với Ấn Độ, đà tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại đáng kể do dịch COVID-19, nhưng New Delhi có thể chứng kiến sự phục hồi nhanh và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5% vào năm 2035. Vào năm 2033, Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản về mặt quy mô nền kinh tế, nhưng thu nhập bình quân đầu người của nước này vẫn chưa thể đạt mức trung bình cao vào năm 2035.

Trong kịch bản nghiêm trọng hơn, với giả định dịch COVID-19 sẽ tồi tệ hơn, và không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế hiện nay mà còn ảnh hưởng tới quá trình đô thị hóa, sự mở cửa thương mại và chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như nhiều nhân tố khác, làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn trung hạn của nhiều quốc gia.

Theo kịch bản này, vào năm 2035, tốc độ tăng trưởng của Mỹ, Việt Nam, Singapore và các nền kinh tế khác sẽ thấp hơn so với kịch bản tiêu chuẩn, chủ yếu do sự đình trệ về trao đổi thương mại. Mặc dù việc mở cửa về thương mại của Trung Quốc cũng giảm nhưng sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng về chi phí nghiên cứu. Vì vậy, Trung Quốc sẽ hầu như không bị ảnh hưởng và vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản và Australia sẽ tăng đáng kể nhờ tăng chi đầu tư cho R&D.

Nếu xem xét tất cả các nhân tố ảnh hưởng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về quy mô của nền kinh tế vào năm 2028, sớm hơn 1 năm so với kịch bản chuẩn. Vào năm 2035, khoảng cách giữa hai nền kinh tế này sẽ nới rộng, và quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, sẽ lên tới 41.800 tỷ USD, cao hơn một chút so với quy mô của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại (41.600 tỷ USD).

Theo kịch bản dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như đề cập ở trên, quy mô của nền kinh tế Ấn Độ sẽ chưa bắt kịp Nhật Bản vào năm 2035, bởi vì, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tốc độ cao hơn so với kịch bản chuẩn. Trong khi đó, quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn nhỏ hơn của Đài Loan vào năm 2035.

Về thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 28.000 USD vào năm 2035./.


Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết