Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Giáo dục Việt Nam nhìn từ yêu cầu sẵn sàng cho tương lai

Ngày phát hành: 16/06/2019 Lượt xem 2401


1. Mở đầu                                            

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Những tác động này không chỉ giới hạn ở những cái chúng ta làm gì và làm như thế nào mà còn tới vấn đề chúng ta là ai.

Các nghiên cứu xã hội học của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong hai năm 2016 và 2018 cho thấy một phần của bức tranh thay đổi liên quan đến giáo dục và việc làm như sau:

- 65% trẻ em vào học tiểu học ngày nay, khi ra trường sẽ bước vào một thị trường lao động với những công việc chưa hề tồn tại;

- Trong các tác nhân về dân số và kinh tế-xã hội dẫn dắt sự thay đối trong những năm tới thì tác nhân quan trọng nhất là sự thay đổi việc làm và cách làm việc;

- Trong các tác nhân về công nghệ dẫn dắt sự thay đổi thì quan trọng nhất là điện toán đám mây, năng lực xử lý dữ liệu lớn, internet vạn vật, robot và trí tuệ nhân tạo;

- Yêu cầu về kỹ năng trong các ngành công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Số kỹ năng không ổn định chiếm tỷ lệ 27% trong lĩnh vực truyền thông, giải trí và tăng lên tới 43% trong lĩnh vực tài chính và đầu tư;

- Tự động hóa có thể thay thế hoàn toàn con người trong một số công việc, nhưng trong các công việc khác, nó chỉ thay thế được một số nhiệm vụ và qua đó tạo điều kiện để con người phát huy cao hơn tiềm năng của mình (cái này gọi là tăng cường hóa, augmentation). Như vậy, tự động hóa sẽ làm mất đi một số việc làm nhưng tăng cường hóa lại tạo ra những việc làm mới, những việc làm phát huy năng lực người (human competence).

Các tác động trên, nếu được quản lý khôn khéo, có thể dẫn tới một kỷ nguyên mới của việc làm tốt, công việc tốt, chất lượng đời sống nâng cao cho mọi người (dự báo từ 2018-2022, 75 triệu việc làm mất đi, bù lại có 133 triệu việc làm mới). Nhưng nếu quản lý tồi sẽ có nguy cơ làm khoảng cách về kỹ năng gia tăng, bất bình đẳng nhiều hơn và phân cực rộng hơn.

Vấn đề quản lý sự thay đổi nêu trên phụ thuộc trước hết vào quản lý sự thay đổi trong giáo dục. Lần đầu tiên trong lịch sử, giáo dục đứng trước một câu hỏi hoàn toàn mới: Làm thế nào để người học trở thành người công dân có trách nhiệm và người lao động thành công trong một thế giới biến động nhanh chóng và khó lường dưới tác động sâu rộng và có hệ thống của cuộc CMCN4.

2. Giáo dục sẵn sàng cho tương lai

Trong hầu suốt thế kỷ 20, mô hình giáo dục có thể gói gọn trong công  thức 3H, nghĩa là Học - Hành - Hưu. Người học được cung cấp kiến thức một lần trên ghế nhà trường, sử dụng cả đời trong một công việc ổn định, rồi về hưu.

Vào cuối thế kỷ 20, với sự hình thành kinh tế tri thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, mô hình giáo dục chuyển thành nH, nghĩa là Học - Hành - Học - Hành… -Hưu - Học - Hành… Đó là mô hình học tập suốt đời (HTSĐ), trong đó trọng tâm học tập đã chuyển từ tri thức sang năng lực.

Mô hình trên vẫn đúng trong cuộc CMCN4. Sự khác biệt là ở chỗ, do giờ đây yêu cầu về việc làm và kỹ năng thay đổi sâu rộng và nhanh chóng, hơn nữa robot có thể làm thay con người trong một loạt việc làm và kỹ năng nhận thức, nên giáo dục có trách nhiệm chuẩn bị cho người học ngày nay sẵn sàng cho những công việc chưa hề có, nắm được những công nghệ chưa được tạo ra để giải quyết những bài toán chưa thể lường trước. Muốn vậy, phải trả lời hai câu hỏi cụ thể sau đây:

- Người học cần có những phẩm chất và năng lực gì để thành công trong một thế giới ngày mai với nhiều khác biệt không thể lường trước trong môi trường sống và môi trường làm việc so với ngày hôm nay;

- Hệ thống giáo dục phải làm gì để người học có được những phẩm chất và năng lực đó.

Giáo dục tìm cách trả lời hai câu hỏi đó trong tổ chức và hoạt động của mình là giáo dục sẵn sàng cho tương lai. Có thể nói các hệ thống giáo dục trên thế giới hiện đều đứng trước yêu cầu sẵn sàng cho tương lai. Mức độ sẵn sàng tùy thuộc vào câu trả lời và việc biến câu trả lời thành hành động cụ thể.

Nhìn chung câu trả lời thứ nhất là: Xây dựng hệ giá trị mới và hệ năng lực mới cho người học, phù hợp với các yêu cầu đặt ra từ cuộc CMCN4.

Câu trả lời thứ hai là: Giáo dục phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, tương thích với cuộc CMCN4. Đó là giáo dục 4.0 với các đặc trưng cơ bản là suốt đời, mở và cá thể hóa.

3. Khuyến nghị về giáo dục sẵn sàng cho tương lai

Cùng với việc nâng cao nhận thức về CMCN4, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã có câu trả lời hai câu hỏi trên một cách cụ thể qua hai cuốn sách quan trọng[1]. Theo đó, cái mà người học cần có là 16 kỹ năng của thế kỷ 21, bao gồm 6 kỹ năng nền tảng (sáng chữ, tính toán, sáng về khoa học, sáng về ICT, sáng về tài chính, sáng về văn hóa và công dân), 4 năng lực (tư duy phê phán, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác), và 6 phẩm chất/giá trị (hiếu kỳ, đổi mới, kiên trì, thích ứng, lãnh đạo, ý thức văn hóa và xã hội). Tất cả phải được đặt trong bối cảnh HTSĐ.

Còn để chuyển sang một hệ sinh thái giáo dục sẵn sàng cho tương lai thì trước hết cần tập trung vào 8 lĩnh vực hành động chủ chốt: phát triển giáo dục mầm non; triển khai các chương trình giáo dục sẵn sàng cho tương lai; chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhà giáo; tiếp xúc sớm với nơi làm việc và hướng nghiệp liên tục; tăng cường năng lực số; xây dựng giáo dục nghề nghiệp vững mạnh và được tôn trọng; hiện thực hóa HTSĐ; rộng mở cho canh tân giáo dục.

Các lĩnh vực hành động chủ chốt trên phải được triển khai đồng bộ trong một nỗ lực cải cách tuân theo 3 nguyên tắc cốt lõi sau đây: 1) Bảo đảm tiếp cận giáo dục một cách phổ cập và bình đẳng; 2) Tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên có liên quan vào quản lý, quản trị và cấp tài chính cho giáo dục; 3) Cải cách và lập kế hoạch giáo dục dài hạn (dựa trên một chiến lược kỹ năng quốc gia được xây dựng thông qua sự tham dự của các bên có liên quan).

Đối chiếu các khuyến nghị trên với hiện trạng giáo dục Việt Nam đang trên đường thực hiện NQ29, có thể thấy các điểm mạnh và điểm yếu như sau:

Điểm mạnh:

- 8 lĩnh vực chủ chốt đều đã được chú trọng trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện GDVN.

- Về ba nguyên tắc thiết kế cốt lõi, chúng ta đã chú trọng và có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục bình đẳng và phổ cập.

Điểm yếu:

- Thiếu sự đồng bộ trong việc thực hiện 8 lĩnh vực chủ chốt. Cụ thể, việc đổi mới chương trình giáo dục sẵn sàng cho tương lai ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa được chú trọng; việc xây dựng đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp hóa chưa được thực sự quan tâm; hướng nghiệp không thiết thực, hình thức và ít hiệu quả; tiếp xúc với nơi làm việc chưa được quan tâm; giáo dục nghề nghiệp (GDNN) yếu kém về chất lượng và chưa được coi trọng; HTSĐ chưa được chú trọng, thậm chí bị kỳ thị về chất lượng; các ý tưởng canh tân giáo dục khó được triển khai.

- Trong thiết kế hệ thống chưa tạo được sự tham dự có hiệu quả của các bên có liên quan. Đặc biệt đáng quan tâm là một chiến lược kỹ năng quốc gia chưa hề được đặt ra, và một chương trình tổng thể thực hiện NQ29 cũng chưa hề có.

4. Xếp hạng giáo dục sẵn sàng cho tương lai

Vì tầm quan trọng của giáo dục sẵn sàng cho tương lai nên Quỹ Giải thưởng Yidan (Yidan Prize Foundation) có một tiếp cận khác. Đó là xếp hạng các hệ thống giáo dục theo tính hiệu quả trong việc chuẩn bị người học sẵn sàng cho tương lai. Công việc này được The Economist Intelligence Unit (EIU), một tổ chức hàng đầu về nghiên cứu, phân tích, tư vấn và dữ liệu kinh doanh toàn cầu, tiến hành và đã công bố hai bảng xếp hạng đầu tiên trên thế giới[2].

Việc xếp hạng này dựa trên đánh giá 42 tiêu chí thuộc 3 lĩnh vực. Lĩnh vực 1 là môi trường chính sách với 11 tiêu chí liên quan đến chiến lược kỹ năng tương lai, các chương trình giáo dục và đánh giá, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên. Lĩnh vực 2 là môi trường dạy học với 16 tiêu chí liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên, chất lượng quản trị trường học, ngân sách giáo dục, lương nhà giáo, hướng nghiệp và tư vấn trong nhà trường, các hoạt động ngoại khóa, tiếp cận ICT trong lớp học, liên kết đại học-doanh nghiệp. Lĩnh vực 3 là môi trường kinh tế-xã hội với 15 tiêu chí liên quan đến bình đẳng giới, sự lạc quan về tương lai, quyền tự do kinh doanh, tham nhũng, quyền tự do công dân, sự đa dạng và lòng bao dung, quản lý môi trường.

Bảng xếp hạng đầu tiên năm 2017 gồm 35 nền kinh tế, mang tính đại diện cho các trình độ phát triển khác nhau thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới. Đứng đầu bảng là các nước New Zealand, Canada, Phần Lan, Thụy Sĩ, Singapore. Việt Nam thuộc top cuối bảng, xếp thứ 28, trên Ấn Độ, Ả rập Xêut, Trung Quốc, Nigeria, Ai cập, Indonesia, Iran.

Bảng xếp hạng năm 2018 mở rộng đến 50 nền kinh tế. Top 10 gồm Phần Lan, Thụy Sĩ, New Zealand, Thụy Điển, Canada, Hà Lan, Đức, Singapore, Pháp, Anh. Việt Nam xếp thứ 37, trên 13 nước gồm có Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Algeria,v.v…

Chi tiết xếp hạng của Việt Nam theo từng lĩnh vực đánh giá được trình bày trong bảng dưới đây:

 

Mức độ

Lĩnh vực

Xuất sắc

Tốt

Trung bình

Cần cải thiện

2017

2018

2017

2018

2017

2018

2017

2018

Chính sách giáo dục

 

 

 

 

25/35

33/50

 

 

Môi trường dạy học

 

 

 

 

26/35

33/50

 

 

Môi trường KT-XH

 

 

 

 

 

 

33/35

43/50

Chung

 

 

 

 

 

 

28/35

37/50

 

Dĩ nhiên, bảng xếp hạng trên chỉ có tính tham khảo. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng và phân tích chi tiết cho phép ta khẳng định một số điểm sau đây:

- Giáo dục Việt Nam cũng đang chuyển động theo xu thế sẵn sàng cho tương lai. Mức độ sẵn sàng của Việt Nam thua kém các nước phát triển và một số nước đang phát triển trong khu vực như Phillippines, Malaysia, Thái Lan. Nhưng nhìn chung, mức độ sẵn sàng của Việt Nam được đánh giá cao so với các nước đang phát triển và thu nhập trung bình.

- Trong ba lĩnh vực liên quan đến giáo dục sẵn sàng cho tương lai của Việt Nam thì đáng quan tâm là một số rào cản trong môi trường kinh tế-xã hội như tình trạng tham nhũng, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh,v.v…

5. Kết luận

Hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào để đánh giá mức độ sẵn sàng cho tương lai của GDVN. Tuy nhiên, căn cứ vào các tư liệu nước ngoài nói trên, có thể đưa ra một số kết luận sau:

Một, có thể coi NQ29 như cương lĩnh để GDVN sẵn sàng cho tương lai. Sáu năm triển khai thực hiện NQ29 vừa qua cũng là chừng ấy năm GDVN trên hành trình sẵn sàng cho tương lai.

Hai, do vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể thực hiện NQ29 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực và lộ trình cụ thể nên tốc độ chuyển động của GDVN sẵn sàng cho tương lai còn chậm, nhiều bất cập. Đáng quan tâm nhất là sự chậm chạp trong xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục sẵn sàng cho tương lai. Đến nay chương trình GDPT mới được hoàn tất nhưng việc triển khai còn chờ đến 2020. Còn đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH) thì thực sự vẫn chưa có các chương trình giáo dục sẵn sàng cho tương lai. Đó là vì các chuẩn đầu ra mà người học GDNN và GDĐH cần có để đáp ứng các yêu cầu biến động và bất định của một thị trường lao động tương lai chưa hề được đặt ra. Có thể nói, GDNN và GDĐH của Việt nam vẫn đang loay hoay với những yếu kém của mình trong đào tạo nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc nắm bắt các cơ hội của CMCN4 để tạo bứt phá trong phát triển vẫn dừng lại trong mong muốn và ngôn từ.

Ba, trong các lĩnh vực cần quan tâm giải quyết để đẩy nhanh mức độ sẵn sàng cho tương lai của GDVN, đáng quan tâm hơn cả là các rào cản từ môi trường kinh tế-xã hội. Đó là vì xã hội VN về cơ bản vẫn là xã hội nông nghiêp cùng với di sản nặng nề của kinh tế kế hoạch hóa và mặt trái của kinh tế thị trường. Cùng với đó là sự giảm sút niềm tin xã hội vào mọi nỗ lực đổi mới giáo dục.

Bốn là, không thể không nói đến tình trạng xuống cấp về văn hóa và suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến những đảo lộn về giá trị trong khi một hệ giá trị Việt Nam vẫn chỉ đang trong quá trình nghiên cứu, bàn thảo và chưa được chính thức xác lập. Trong bối cảnh đó, một hệ giá trị cá nhân với tư cách mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục cũng không tồn tại để làm nền tảng cho việc xây dựng văn hóa học đường. Cần chú ý rằng các nghiên cứu khoa học ngày nay đã cho thấy tầm quan trọng của văn hóa học đường[3]. Nó được coi là hòn đá tảng của mọi nhà trường có chất lượng. Nó là nền tảng không thể thiếu được trong mọi nỗ lực cải cách nhằm thực thi sứ mệnh phát triển người của giáo dục. Vì thế, sự thiếu vắng của hệ giá trị và văn hóa học đường đã có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến việc xác định hình ảnh con người Việt Nam cùng các năng lực người[4] mà giáo dục cần hướng đến trong hành trình sẵn sàng cho tương lai./.

 

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

 


 

 



[1] WEF. 2016. New vision for education. Unlocking the potential of technology.

  WEF 2017.  White paper. Realizing human potential in the 4th Industrial Revolution.

[2] The Economist Intelligence Unit. 2017. Worldwide educating for the future index. A benchmark for the skills of tomorrow.

   The Economist Intelligence Unit. 2018. Worldwide educating for the future index 2018. Building tomorrow’s global citizens.

[3] Smyth, J., Mclnerney, P., Lawson, M., & Hattam, R. 1999. School culture as the key to school reform. South Australia: Flinders Institute for the Study of Teaching.

[4] Giáo dục tương lai phải đặt trọng tâm vào các năng lực người vì đó mới là cái làm nên tính thượng đẳng của con người so với robot.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết