Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Một số vấn đề về nhận thức trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Ngày phát hành: 26/03/2019 Lượt xem 9395

1. Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Mặc dù quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường đã được Đảng, Nhà nước khẳng định từ nhiều năm, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện, được đồng tình, thống nhất cao trong Đảng và xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp tục làm rõ nội hàm, sâu sắc hơn về nội dung đòi hỏi phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết, thực tiễn, bổ sung, phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở khoa học cho sự thống nhất nhận thức trong Đảng và trong xã hội về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất quan trọng.

2. Xác định đúng và phát huy đầy đủ vai trò, chức năng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

- Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước. Theo quan điểm của Đảng hiện nay, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước được xác định giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng thế nào là chủ đạo, thế nào là then chốt chưa được làm rõ; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì các thành phần kinh tế không thể thật sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với nhau được. Trong nhiều năm qua, các nguồn lực kinh tế của nhà nước (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các nguồn vốn, tài sản của nhà nước) quản lý lỏng lẻo, phân bổ không theo cơ chế thị trường (xin-cho), sử dụng không hiệu quả, tham nhũng. Doanh nghiệp nhà nước được đầu tư lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, nắm giữ những nguồn lực và tài sản lớn, nhưng kinh doanh hiệu quả thấp, kết quả đạt được không tương xứng với tiềm năng và tài sản mà doanh nghiệp nắm giữ, thậm chí thua lỗ, phá sản, thất thoát lớn tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế đất nước, uy tín của Đảng, nhà nước. Tới đây, xu hướng là các doanh nghiệp nhà nước đều được sắp xếp lại, chủ yếu là cổ phần hóa, chuyển thành các công ty cổ phần và vốn đầu tư cho phát triển kinh tế của nhà nước sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong tổng đầu tư xã hội. Như vậy thì kinh tế nhà nước sẽ thực hiện vai trò chủ đạo của mình như thế nào đối với nền kinh tế?

- Về vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, chỉ có hai thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể tồn tại dưới hình thức các hợp tác xã. Khi đất nước đổi mới, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, các hợp tác xã đều có nhiều đổi mới. Hợp tác xã được tổ chức lại trên cơ sở liên kết tự nguyện của những chủ thể kinh tế độc lập, tự chủ, mà phần lớn là các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, để làm các dịch vụ hỗ trợ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế này. Các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, độc lập, tự chủ là cơ sở cho sự ra đời, tồn tại của các hợp tác xã, quyết định chức năng, phương thức hoạt động của các hợp tác xã. Sở hữu tập thể của các hợp tác xã chỉ là một tỷ lệ nhỏ so với sở hữu của các tổ chức thành viên của hợp tác xã. Nhiều ý kiến cho rằng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể như vậy thì có thể trở thành nền tảng của nền kinh tế được không? Thế nào là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân?

- Về vai trò của kinh tế tư nhân. Từ khi đất nước đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức đúng, được đánh giá cao; đến Đại hội XII của Đảng, được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được tạo điều kiện, khuyến khích phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm và khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xác định vai trò của kinh tế tư nhân như vậy vẫn chưa đúng, cần phải xác định kinh tế tư nhân là nguồn lực và động lực quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế đất nước. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ phù hợp với chuẩn mực của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế trên thế giới. Nhưng, đồng thời, một số người lại đặt ra vấn đề nếu kinh tế tư nhân là nguồn lực và động lực quan trọng nhất thì nền kinh tế thị trường nước ta còn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa không?

3. Nhận thức về đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế

- Nhận thức về đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đến thời điểm hiện nay, được xác định là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế là thế nào? Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước là thế nào? Đây là những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ hơn, cụ thể hơn; cần phải xây dựng hệ tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

- Nhận thức về sở hữu đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do thuộc sở hữu toàn dân, nên đất đai không phải là hàng hóa, không được mua bán, lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, đất đai lại được nhà nước giao cho các chủ thể khác nhau (hộ gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị) trực tiếp quản lý và sử dụng vào các mục đích rất khác nhau, thời gian giao đất cũng khác nhau, nhiều loại đất được giao đến 50 năm (thậm chí hơn 50 năm). Người được giao có rất nhiều quyền: quyền sử dụng, chuyển nhượng cầm cố, thế chấp, thừa kế,… nên tuy đất không phải là hàng hóa, không được mua bán, nhưng quyền sử dụng đất lại được thừa nhận là hàng hóa, được mua bán. Trong thực tế, việc mua bán đất diễn ra rất phổ biến, nhà nước không kiểm soát được, không thu được thuế từ những hoạt động này. Mặt khác, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất thì vừa có tình trạng lạm quyền thu hồi đất, giao đất trái pháp luật để vụ lợi, vừa có tình trạng thiếu trách nhiệm, để đất bị xâm lấn, chiếm đoạt, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước, tạo nên bức xúc xã hội, sự bất bình của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân của tình trạng này. Đây là vấn đề lớn đặt ra phải giải quyết, trước hết là về nhận thức lý luận.

- Nhận thức về vai trò, chức năng, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những quan hệ rất cơ bản của nền kinh tế thị trường, quyết định cơ chế vận hành, điều tiết hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Trên thế giới có các mô hình kinh tế thị trường khác nhau đều xuất phát từ vai trò khác nhau của nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế. Trong những năm qua, nhận thức về vai trò, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường đã có bước tiến lớn, ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu, thông lệ quốc tế của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng nhà nước làm thay thị trường, thu hẹp vai trò của cơ chế thị trường và chưa thực hiện tốt chức năng khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường vẫn còn ở nhiều lĩnh vực: trong phân bổ nguồn lực; điều tiết lưu thông hoàng hóa; xác định giá cả; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp…, làm méo mó cơ chế thị trường (hiện nay, các thị trường đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động ở nước ta đều bị “méo mó”). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII “về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” yêu cầu cần xác định rõ “vai trò, chức năng, mối quan hệ của nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với cơ chế thị trường”.

- Nhận thức về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Khi đất nước hội nhập quốc tế, hàng hóa, vốn đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động ở Việt Nam ngày càng nhiều, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nhưng, lợi nhuận thì họ chuyển về nước, tăng trưởng kinh tế đất nước phụ thuộc vào họ, còn họ khi không đạt được mục đích kiếm lợi nhuận của mình, sẽ sẵn sàng rời khỏi Việt Nam. Nhờ hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển đất nước, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hướng lớn hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình thị trường nước ngoài. Các loại thị trường trong nước, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ, liên thông, gắn kết với thị trường nước ngoài; những biến động của thị trường nước ngoài (nhất là giá cả, tỷ giá, lãi suất, khủng hoảng tài chính, tiền tệ) sẽ tác động trực tiếp, rất nhanh, rất mạnh đến thị trường trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mà vai trò chi phối thuộc về các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới sẽ phụ thuộc, bị chi phối rất lớn từ các tập đoàn này. Đất nước ta ký kết nhiều hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đa phương, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế, tài chính thế giới, phải điều chỉnh luật pháp, chính sách của ta phù hợp với các cam kết quốc tế… Trong bối cảnh đó, hiểu nền kinh tế độc lập, tự chủ là thế nào để thống nhất nhận thức và có cơ sở, căn cứ để đánh giá, để định hướng chính sách kinh tế của đất nước?

4. Huy động, phân bố hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát triển doanh nghiệp Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước

- Nhận thức về huy động, phân bổ hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Quy mô nguồn lực và hiệu quả sử dụng nguồn lực là những yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của một đất nước. Nước ta đất chật, người đông, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhưng trữ lượng không lớn; là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nguồn lực tài chính, khoa học – công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Nhưng trong những năm vừa qua, việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực còn không ít hạn chế, yếu kém, rất nhiều lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Đất nông nghiệp giao cho hộ sử dụng manh mún, phân tán, năng suất hiệu quả thấp; đất ở nhiều nông, lâm trường bị xâm lấn, mua bán trái phép; nhiều diện tích đất nhà nước giao cho các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép. Tài nguyên khoáng sản quản lý lỏng lẻo; cấp phép khai thác không qua đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch và khai thác trái phép diễn ra ở nhiều nơi; xuất khẩu thô, không qua chế biến, giá trị thấp. Vốn nhà nước đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí lớn, hiệu quả thấp; việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công kết quả đạt được còn hạn chế. Khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, mặc dù được xem là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, nhưng có rất nhiều hạn chế, yếu kém, tình hình chuyển biến rất chậm. Việc sử dụng các nguồn lực được thu hút từ bên ngoài cũng chưa có hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, không liên kết với doanh nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều nguồn vốn ODA vay ưu đãi, vốn vay thương mại và phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ được chính phủ cấp cho các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp nhà nước sử dụng hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí lớn. Điều này gây hậu quả lớn đối với kinh tế và xã hội đất nước. Cần phải nhận thức đây là vấn đề lớn, rất quan trọng đối với phát triển đất nước để tập trung, giải quyết.

- Nhận thức về phát triển doanh nghiệp Việt Nam để thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, chủ lực phát triển kinh tế đất nước. Một trong những yêu cầu hàng đầu của hoàn thiện thể chế kinh tế, phát huy vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước là tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp trong nước. Nhưng điều này chưa được nhận thức đầy đủ, thực hiện chưa có kết quả. Hậu quả là, ở nước ta, số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu; năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh thấp[1]. Vốn đầu tư, công nghệ, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của đất nước phải dựa ngày càng nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp, 72% kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu. Cần phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của phát triển doanh nghiệp, có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng chủ lực, nòng cốt phát triển và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

5. Về cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế xanh, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao

Đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức ép cạnh tranh và chịu tác động lớn từ những biến động kinh tế trên thế giới sẽ ngày càng lớn. Thách thức sẽ còn lớn hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Chỉ có nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế mới vượt qua được những thách thức này. Tuy nhiên, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam hiện nay còn thấp do trình độ công nghệ và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng[2]. Cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, hết sức quan trọng, nhưng thực hiện chậm, kết quả đạt được hạn chế. Mô hình tăng trưởng chưa có sự chuyển biến căn bản, mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp không thực hiện được, mà một trong những nguyên nhân chính  là do nhận thức về những vấn đề này chưa đủ rõ.

Cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đưa ra mới dừng lại như những nhiệm vụ và mục tiêu định hướng. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực để phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đổi mới mô hình tăng trưởng để chuyển từ phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa đất nước thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực là gì, làm gì, làm thế nào để phát huy được tiềm năng, lợi thế này? Chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu trong từng ngành, lĩnh vực cần phải thực hiện như thế nào? Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay cần phải ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực nào và bằng cách nào? Tăng trưởng xanh là thế nào?... đều còn chưa được làm rõ, tạo ra sự lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện. Đây là vấn đề cần phải được khắc phục.

6. Nhận thức về những vấn đề cần tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế là chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, một việc có ý nghĩa quyết định tạo ra môi trường, động lực thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển kinh tế, cũng như điều tiết, định hướng hoạt động của nền kinh tế. Mặc dù hoàn thiện thể chế kinh tế được xác định là đột phá chiến lược, được tích cực thực hiện, nhưng sự thiếu đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện của thể chế (điểm nghẽn thể chế) vẫn là nguyên nhân hàng đầu làm nhiều chủ trương, nhiệm vụ quan trọng, như cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ; việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất lớn trong nông nghiệp; xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại… triển khai thực hiện chậm, kết quả đạt được hạn chế. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước.

- Thứ hai là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế của nhà nước. Trong hơn 10 năm qua, đã xảy ra hai lần lạm phát cao (2007-2008 và 2011-2012), gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô đã ổn định; tuy nhiên, những tiềm ẩn gây mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tồn tại do mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước cao, kéo dài; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài tăng cao; mất cân đối trong xuất nhập khẩu, nhất là của khu vực kinh tế trong nước; tác động của những bất ổn bên ngoài luôn đe dọa khi thị trường trong nước kết nối với thị trường thế giới… Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch là công cụ để nhà nước quản lý, định hướng phát triển nền kinh tế; nhưng đến nay, nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế chất lượng thấp, chưa sát thực tế, thiếu nguồn lực thực hiện; quy hoạch chồng chéo giữa các ngành, giữa Trung ương với địa phương. Các nguồn lực kinh tế của nhà nước (đất đai, tài nguyên, các nguồn lực tài chính, tài sản của nhà nước, các vốn vay nợ, tiếp nhận viện trợ của Chính phủ…) sử dụng hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí lớn. Những điều này làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đất nước, làm giảm vai trò định hướng, kiến tạo phát triển của nhà nước.

- Thứ ba là cần tập trung đổi mới, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước tinh gọn, liêm chính, phục vụ nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh. Dù đã có nhiều đổi mới, nhưng đến nay bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa hợp lý; chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ ngành, phân cấp giữa Trung ương và địa phương còn chồng chéo; cơ quan quản lý nhà nước còn làm thay chức năng của thị trường. Đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, chưa chuyên nghiệp, một bộ phận suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu doanh nghiệp và nhân dân. Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Tất cả những điều này làm xấu đi môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở sự phát triển của đất nước. Đồng thời, trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng chính quyền nhà nước trở thành chính quyền điện tử, thông minh cũng đang trở thành yêu cấu cấp bách./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

 

 

 



[1] Năm 2016, Việt Nam mới có 505.059 doanh nghiệp các loại; hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong đó, có hơn 70% doanh nghiệp có dưới 10 lao động; về vốn, có 30% doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỷ đồng, 62% doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỉ đồng, 76% có vốn dưới 10 tỉ đồng. Doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cơ cấu lại, số lượng ngày càng giảm, việc đổi mới cơ chế quản lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn chậm. Doanh nghiệp tư nhân 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn hoạt động phần lớn là vốn vay ngân hàng trong nước với lãi suất cao (gấp 2-3 lần ngân hàng nước ngoài), công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với doanh nghiệp các nước trên thế giới, hiệu quả thấp. Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2016 là 3,99.  Niên giám thống kê 2017, tr. 285, 339, 363, 409.

[2]  Năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 29,38% của thế giới, 60,68% của những nước có thu nhập trung bình thấp, 7% của Singapore, 14,13% của Hàn Quốc, 17,64% của Malaixia, 36,51% của Thái Lan, 39% của Trung Quốc. Hiệu quả đầu tư thấp, chuyển biến chậm (hệ số ICOR giai đoạn 2011-2015 là 6,25, giai đoạn 2016-2018 là…, trong khi của Malaixia là 5,4, Indonesia là 4,64, của Philippin là 4,1); doanh nghiệp nhà nước phải cần đến 2,55 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng doanh thu (trong khi doanh nghiệp FDI chỉ cần 1,36 đồng vốn tạo ra được 1 đồng doanh thu). Theo Báo cáo chuyên đề của Ban Kinh tế Trung ương “Vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, tháng 01/2018.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết