Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Một số ý kiến về định hướng chiến lược phát triển con người trong giai đoạn mới (phần 1)

Ngày phát hành: 23/10/2019 Lượt xem 2464

 

1. Khái quát về nhận thức và thực trạng phát triển con người

1. Trong qúa trình đổi mới, nhất là trong gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 -2020, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng nhiều hơn vấn đề phát triển con người, thể hiện trên phương diện chủ yếu sau :

- Về nhận thức: Nhân tố con người, vị trí, vai trò của con người trong phát triển được xác định rõ hơn, gắn liền với phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội. Cương lĩnh 2011, xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đưa ra quan điểm “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đã hiến định rõ quyền con người, gắn liền với quyền công dân, quyền được đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết số 33- NQ/TW, khoá XI về văn hoá xác định: “Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

- Phát triển toàn diện con người được Đảng và Nhà nước coi là nhiệm vụ trung tâm của của quá trình “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo Việt Nam” theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, và hội nhập quốc tế”. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phát chiến lược, là một yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

- Để phát triển toàn diện con người Việt Nam, Đảng Nhà nước rất coi trọng về  thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW , ngày 25-10-2017 “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” (Hội nghị Trung ương 6 khóa XII). Chính phủ đã ban hành “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam từ 3 đến 18 tuổi, giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641) ngày 28-4-2011; ban hành Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, ngày 17-6-2016.

- Phát triển con người còn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, hữu cơ trong các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…Xác định đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển; phát triển con người là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, của mọi chủ thể, của toàn dân và của toàn xã hội.

2. Thực hiện các chủ trương, định hướng chiến lược nêu trên, sự nghiệp phát triển con người đã đạt được những kết quả quan trọng, có thể nêu khái quát như sau:

- Nhận thức chung của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của phát triển con người gắn với phát triển văn hóa, xã hội được nâng lên rõ rệt. Những giá trị mới về phát triển con người, phát triển văn hoá, xã hội được coi trọng hơn, được quan tâm phát triển.

- Việc chăm lo, xây dựng con người đã thu được nhiều kết quả tích cực: nhiều chỉ số phát triển con người Việt Nam, như tuổi thọ, cơ cấu dân số, nguồn lực con người, trình độ dân trí, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao hơn; công tác xoá đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn.

- Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo bước đầu đạt được những kết quả tích cực: Nhận thức về tầm quan trọng và tính bức thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT ngày càng được nâng cao hơn. Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển GD - ĐT tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện hơn. Hệ thống giáo dục được củng cố và sắp xếp lại một bước. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng; xây dựng xã hội học tập được quan tâm đẩy mạnh hơn. Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo có bước đổi mới. Chất lượng giáo dục và đào tạo có những mặt chyển biến tích cực. Quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo có những đổi mới nhất định. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong giáo dục - đào tạo từng bước được thể chế hóa và bước đầu bước đầu có những kết quả tích cực.

- Trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp - kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm được nâng lên hơn. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, được quan tâm và đẩy mạnh hơn, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thị trường, với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Do đó, năng xuất lao động của cá nhân người lao động cũng như năng xuất lao động xã hội được nâng lên.

Quy mô nguồn nhân lực tăng lên, lực lượng lao động tăng từ 49,1 triệu người năm 2010 lên khoảng 55,2 triệu người vào năm 2020 với cơ cấu hợp lý hơn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên khoảng 65% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% năm 2010 lên khoảng 25% vào năm 2020. Chất lượng nhân lực có sự cải thiện, nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí…

- Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt được những kết quả quan trọng, nhất là Bảo hiểm y tế đến tháng 1-2019 đã tăng độ bao phủ lên 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia, vượt 3,3% so với chỉ tiêu đặt ra; thể chất của người Việt Nam từng bước được nâng lên.

3. Tuy nhiên, việc phát triển con người còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém:

- Nhận thức về phát triển con người, về mối quan hệ giữa phát triển con người với phát triển văn hoá, phát triển kinh tế và phát triển xã hội chưa sâu sắc, chưa đầy đủ và rõ ràng; còn nặng về kinh tế, lợi ích vật chất. Phát triển con người chưa được các ngành, các cấp, các đơn vị đặt vào trung tâm và động lực của sự phát triển. Vấn đề xây dựng và hiện thực hóa hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, phát huy các giá trị đặc trưng văn hoá dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tiếp thu sáng tạo những giá trị tốt đẹp của nhân loại, nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới chưa kịp thời, còn nhiều bất cập; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu kỷ cương trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội đang là vấn đề bức xúc hiện nay.

- Chậm đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Những quan điểm và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo theo định hướng “chuẩn hóa - hiện đại hóa - dân chủ hóa - xã hội hóa và hội nhập quốc tế” nêu trong Nghị quyết 29 chưa được nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa đồng bộ. Thiếu tầm nhìn dài hạn, hệ thống, đồng bộ trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, thiếu đồng bộ, liên thông chưa tốt giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu;

- Nhận thức và thực tiễn giáo dục con người trong hệ thống giáo dục - đào tạo còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục “làm người”, vẫn còn nặng về “dạy chữ”, dạy lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển tư duy và năng lực sáng tạo…. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp giáo dục - đào tạo còn chậm. Chất lượng giáo dục toàn diện con người chậm được cải thiện và nâng cao. Không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, là “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện…”

- Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, tăng chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; thiếu nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hiện nay lực lượng lao động của Việt Nam chỉ có 23% có bằng cấp chứng chỉ; tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 9.07%, cao đẳng - 3,17%, sơ cấp nghề  - 3,53%, tỷ lệ lao động không có tay nghề còn lớn - 38%. Chưa gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ của người lao động Việt Nam còn bất cập. Một tỷ lệ lớn học sinh, sinh viên sau khi ra trường được các doanh nghiệp nhận về phải đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu làm việc. Trong 9 ngành kinh tế lớn, có từ 50 - 80% người sử dụng lao động cho rằng có vấn đề về tuyển dụng lao động do thiếu ứng viên có tay nghề đáp ứng yêu cầu; trong số 633 công ty liên kết của Nhật bản tại Việt Nam, có 42,5% cho biết chất lượng lao động là một vấn đề đáng quan tâm. Trong ngành công nghệ thông tin (một trong những ngành được coi là mũi nhọn), nhưng chất lượng đào tạo cũng rất đáng quan ngại: trong hơn 400 trường đại học và cao đẳng có tới 2/3 số trường đào tạo về công nghệ thông tin; nhưng kết quả khảo sát cho thấy khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đa số sinh viên không nắm bắt được lĩnh vực công việc của mình, 72% sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế, 42% sinh viên sinh viên thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm. Trong số sinh viên mới ra trường chỉ có khoảng 15% đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; 80% sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực lập trình máy tính cần phải đào tạo lại. Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam chỉ đạt mức 3,6/7 điểm, xếp thứ 80/100 nước xem xét, gần như thấp nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á, thấp hơn cả Campuchia (xếp thứ 38)[1]. Chất lượng đào tạo không cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng xuất lao động của Việt Nam thấp (theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cũng như của Ngân hàng Thế giới năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp và có xu hướng ngày càng nới rộng khoảng cách về giá trị tuyệt đối so với các nước trong khu vực; năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 3,3% của Singapore, 13% của Malaysia, 29% của Thái Lan, và 49% của Philippines). Đồng thời, ý thức và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ lao động chưa cao. Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ thiếu lý tưởng sống, tinh thần tự lập lập nghiệp, khát vọng vươn lên, chung tay góp sức cho sự phát triển của đất nước.

- Các chính sách xã hội, trong đó có các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều nội dung chưa thực sự hướng tới phát triển con người; chưa đảm bảo thật tốt công bằng và bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp xã hội, giữa các vùng miền (nhất là đối với khu vực phi chính thức và những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số) trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội phát triển con người.

II. Định hướng phát triển con người trong giai đoạn mới

1. Những vấn đề mới đặt ra

Cùng với những yếu kém, bất cập nêu trên về phát triển con người, giai đoạn mới cũng đang và sẽ đặt những vấn đề quan trọng tác động trực tiếp và gián tiếp đến phát triển con người Việt Nam. Có thể nêu lên một số vấn đề chủ yếu sau :

- Đất nước đứng trước yêu cầu khách và tất yếu phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao, và dựa vào nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực. Nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc trên toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao và mới về phát triển nguồn lực con người đối với Việt Nam.

- Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều thể chế quốc tế (đa phương và song phương) với những chế định, quy chế, “luật chơi” ngày càng cao hơn, toàn diện hơn, như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, Việt Nam - EUFTA…, bao quát không chỉ thương mại hàng hóa, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, mà còn về xuất sứ hàng hóa, về đầu tư, sở hữu trí tuệ, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, quan hệ lao động…Muốn tận dụng có hiệu quả các cơ hội, đồng thời “hoá giải được các thách thức” phải có đường lối, chủ trương đúng, xây dựng được các thể chế phát triển cùng với hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Nhưng để có được những điều này phải có đội ngũ đồng bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận mới, yêu cầu mới, nội dung và phương thức đào tạo mới nguồn nhân lực của đất nước, không chỉ đối với người lao động trong các lĩnh vực, mà trước hết là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý các cấp, đội ngũ doanh nhân và cán bộ quản lý doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương.

- Cần nhận thức rõ những tác động đa chiều, đa diện, rất phức tạp, cả tích cực và tiêu cực, của quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, của các mạng xã hội, của các hình thức thông tin - truyền thông điện tử xuyên biên giới, hàng ngày hàng giời tác động tới đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành các giá trị con người, giá trị văn hóa và giá trị xã hội; trong không ít trường tác động tiêu cực đến sự phát triển xã hội, phát triển con người, nhất là lớp trẻ.

- Phải khắc phục được những hạn chế trong thể chất của người Việt Nam, như thể trạng thấp còi, sức bền cơ học không cao... Đồng thời, phải khắc những vấn đề “hạn chế” rất hệ trọng trong phát triển dân số, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trong dài hạn, như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng già hóa dân số nhanh…

(còn tiếp)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                     Chuyên gia cao cấp,

                                  Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 



           [1] Ban Kinh tế Trung ương, chủ biên TSKH Nguyễn Văn Bình : Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư; NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2019 , tr. 125, 180.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết