Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Tìm hiểu tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về nguồn gốc và quá trình hình thành các hình thức sở hữu tư nhân

Ngày phát hành: 14/04/2019 Lượt xem 20150

  

Tượng đài Các Mác và Ăngghen tại thủ đô Béc Lin (Đức)

 

1. Những tiền đề kinh tế - xã hội để hình thành sở hữu tư nhân

Để hiểu rõ bản chất và tính thực tiễn của vấn đề sở hữu, cần phải nhìn lại toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của các hình thức và chế độ sở hữu của nhân loại đã trải qua trên thế giới. Đây là nội dung được C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu rất sâu, được để cập trong nhiều tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” và tác phẩm “Những hình thức có trước sản xuất tư bản chủ nghĩa”[1].

Trong các tác phẩm này, cũng như trong các tác phẩm khác, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích một cách khoa học về những giai đoạn phát triển sớm nhất của lịch sử nhân loại, về quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, về quá trình hình thành quan hệ sở hữu tư nhân, những đặc trưng của các xã hội có giai cấp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và giải thích những đặc điểm của sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.

Các ông cho rằng, sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội, trong đó điều cốt yếu là quan hệ giữa người với người trong quá trình diễn ra sự chiếm hữu đó. Có sự phân biệt hai loại sở hữu: sở hữu tư liệu tiêu dùng (sở hữu nhà ở, đồ dùng cá nhân) và sở hữu tư liệu sản xuất. Quan niệm của C.Mác - Ph.Ăngghen về sở hữu (tư hữu) với tư cách là nội dung cơ bản, mang tính quyết định trong ba nội dung của quan hệ sản xuất.

C.Mác và Ph.Ăngghen coi sở hữu là một phạm trù lịch sử, một quan hệ xã hội - quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội, là tổng hòa các quan hệ sản xuất xã hội. Sở hữu được coi là điều kiện của nền sản xuất xã hội. Mà sản xuất xã hội lại là cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội loài người, vì thế sở hữu là vấn đề trọng yếu trong lịch sử của nhân loại.

Các ông nêu rõ quan hệ sở hữu mang tính lịch sử xã hội, không có một hình thức sở hữu tồn tại vĩnh viễn mà thường xuyên biến đổi, phát triển. Sự biến đổi và phát triển đó là hệ quả trực tiếp của sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, đòi hỏi phải có quan hệ sở hữu mới phù hợp hơn. Do đó, sự vận động, phát triển của quan hệ sở hữu về nguyên tắc là một quá trình lịch sử tự nhiên. Một hình thái xã hội với một hình thức sở hữu tương ứng chỉ mất đi và một hình thái xã hội với một hình thức sở hữu mới chỉ ra đời trong những điều kiện khách quan, không lệ thuộc vào muốn chủ quan của con người. Mác viết: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất xã hội mà hình thái đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”[2].

Từ những quan điểm chung cơ bản về hữu đó, các ông đã nêu lên những tiền đề và quá trình hình thành - phát triển sở hữu tư nhân. Những tiền đề kinh tế và xã hội của sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và gắn liền với đó là xã hội phân chia thành giai cấp, đó là :

1) Tiền đề đầu tiên mà các ông đề cập tới là sự phát triển của lực lượng sản xuất trong các xã hội công xã nguyên thủy, bộ lạc…(về phương diện mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng). Sự phát triển của lực lượng sản xuất là điều kiện cơ bản để nâng cao năng suất lao động cá thể cũng như của cả cộng đồng, tạo ra những sản phẩm thặng dư (cũng là sản phẩm lao động tích lũy) - đối tượng sở hữu đầu tiên. Sự hình thành các đối tượng sở hữu từ lao động tích lũy là tiền đề cơ bản để hình thành quan hệ sở hữu (dù là tư cách cộng đồng hay quan hệ cá nhân).

2) Tiền đề thứ hai, gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đó là sự phát triển quan hệ gia đình - quan hệ huyết thống. Xã hội loài người phát triển từ xã hội cộng đồng nguyên thủy, mang tính quần hôn, ban đầu không hình thành các gia đình riêng biệt, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đã xuất hiện kiểu gia đình mẫu hệ. Khi lực lượng sản xuất phát triển hơn, năng xuất lao động tăng lên, có sản phẩm tích lũy, cùng với quan hệ huyết thống theo chế độ mẫu hệ, đã xuất hiện nhu cầu sản xuất và bảo vệ sản phẩm thặng dư mang tính gia đình, do đó đã xuất hiện gia đình theo chế độ “cặp đôi” một nam - một nữ (ban đầu mang tính tự nguyện lỏng lẻo). Bước phát triển tiếp theo là sự phát triển quan hệ gia đình lên trình độ cao hơn - đó là gia đình một vợ - một chồng (mang tính ràng buộc xã hội, hoặc tính pháp lý). Gia đình một vợ - một chồng đã có sự kết hợp hữu cơ giữa tư cách là đơn vị huyết thống với đơn vị xã hội cơ sở cơ bản, với tư cách là đơn vị sản xuất độc lập - thực hiện cả chức năng bảo vệ, thừa kế, phát triển tài sản tích lũy. Như vậy, do sự phát triển của lực lượng sản xuất, cùng với sự xuất hiện của tài sản tích lũy (lao động tích lũy) - đối tượng sở hữu, đã hình thành gia đình một vợ - một chồng độc lập tương đối với cộng đồng. Đó chính là sự ra đời của những chủ thể sở hữu tư nhân đầu tiên trong xã hội loài người.

3) Khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển lên trình độ cao hơn, gắn với sự phát triển của các công cụ và tư liệu sản xuất, tài sản tích lũy không ngừng tăng lên, dẫn đến các cuộc phân công lao động xã hội, tiếp tục là cơ sở để hình thành và phát triển sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác. Mác và Engghen đã nêu rõ  vào thời cổ đại đã diễn ra ba lần phân công lao động xã hội sau :

- Lần phân công thứ nhấtchăn nuôi đã trở thành một ngành kinh tế độc lập và tách ra khỏi trồng trọt. Từ đây mầm mống của chế độ tư hữu phát triển không chỉ trong quan hệ giữa các gia đình với tư cách là các chủ thể sở hữu độc lập với nhau trong trồng trọt (có thể kết hợp với chăn nuôi), mà ở trình độ cao hơn, đó là quan hệ sở hữu giữa các đơn vị sở hữu giữa hai ngành chăn nuôi và trồng trọt. Đối tượng và tính chất sở hữu tư nhân trong hai ngành có những nội dung khác nhau. Chăn nuôi tách khỏi trồng trọt là đòn bẩy cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng tạo cơ sở để hình thành và phát triển sở hữu tư nhân lên một nấc thang cao hơn.

- Lần phân công thứ hai, tiếp tục là hệ quả của sự phát triển lực lượng sản xuất:  thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp. Sự phân công này lại là cơ sở để hình thành các đối tượng sở hữu và chủ thể sở hữu tư nhân trong một lĩnh vực mới được tách ra, mang tính độc lập hơn, nhưng cũng mang tính xã hội hóa cao hơn. Lần phân công này dẫn đến hình thành bước đầu chế độ nô lệ với số lượng nô lệ ngày càng tăng (cả ở trong nông nghiệp và trong xưởng thợ) điều đó cho thấy sự phân hóa xã hội, phân tầng xã hội đã bước lên một nắc thang mới, sâu sắc hơn.

- Lần phân công thứ ba, khi sản xuất hàng hóa đã phát triển ở trình độ cao hơn nữa, lưu thông hàng hóa đòi hỏi phải trở thành một lĩnh vực độc lập tương đối với sản xuất. Quá trình tách lưu thông - trao đổi hàng hóa dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp chủ thể sở hữu tư nhân mới - tầng lớp thương nhân. Đây là một tầng lớp tuy không tham gia trực tiếp sản xuất, nhưng lại chiếm toàn bộ quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế… và bóc lột cả hai, một giai cấp mà lịch sử loài người trước đó chưa hề biết đến. Đối tượng sở hữu của họ là sản phẩm hàng hóa, hay đúng hơn là giá trị của sản phẩm hàng hóa.

4) Sự ra đời của Nhà nước : Ba lần phân công lao động xã hội diễn ra đều là hệ quả của sự phát triển lực lượng sản xuất, dẫn đến tăng năng suất lao độngcủa cải làm ra ngày càng nhiều hơn, có sự dư thừa của cải so với tiêu dùng hàng ngày kèm theo đó là sự tích lũy tài sản, sự phân công lao động xã hội, và do đó hình thành các đối tượng sở hữu mới và các chủ thể sở hữu mới. Quá trình phát triển đó cũng dẫn đến sự phân hóa các chủ thể sở hữu, sự phân hóa giàu nghèo, giữa người có của và người không có của, sự phân hóa giàu nghèo này dẫn đến hiện tượng phân tầng xã hội, phân chia giai cấp, đồng thời và kéo theo xuất hiện mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đây chính là tiền đề khách quan của việc ra đời nhà nước. Sự ra đời của nhà nước, dù là dưới hình thức sơ khai nhất dưới thời cổ đại, cũng là hệ quả trực tiếp của sự phát triển lực lượng sản xuất dẫn đền sự hình thành và phát triển của chế độ sở hữu tư nhân - sự phân hóa xã hội thành các giai cấp và tầng lớp đối kháng. Trong lịch sử xa xưa đó, tuy nhà nước không phải là tiền đề của sự ra đời sở hữu tư nhân, nhưng khi ra đời nhà nước lại là thiết chế quan trọng nhất bảo vệ về mặt pháp lý và thúc đẩy sở hữu tư nhân phát triển lên các trình độ cao hơn.

Như vậy, chính sự phát triển của lực lượng sản xuất và kéo theo đó là sự phân công lao động xã hội đã đưa lại năng suất lao động ngày một cao và xuất hiện của cải dư thừa. Đây là điều kiện khách quan làm xuất hiện sự tích luỹ đối tượng sở hữu theo những quy luật kinh tế. Tuy nhiên, cũng xuất hiện sự chuyển dịch sở hữu tư nhân bằng các hình thức phi kinh tế, như sự chiếm đoạt của cải ở một số người có quyền lực. Sau lần phân công lao động xã hội thứ ba, đã có sự tích tụ của cải về một số ít người và sự bần cùng hoá một số đông người. Sự ra đời của chế độ tư hữu và phân chia xã hội thành giai cấp như vậy đã làm cho chế độ cộng sản nguyên thuỷ tan rã.

2. Các nấc thang phát triển các hình thức và chế độ sở tư nhân

Từ những nghiên cứu của C.Mác và Ph.Ăngghen có thể khái quát nêu lên các nấc thang phát triển các hình thức và chế độ sở hữu tư nhân sau đây:

1) Chế độ chiếm hữu cộng đồng

Có thể nói đây là hình thức sở hữu sơ khai nhất của loài người dưới chế độ Bộ lạc công xã nguyên thuỷ. Khi đó các cộng đồng người tồn tại dưới dạng Bộ lạc, trong đó mỗi cá nhân riêng rẽ chỉ có thể hiện ra là một yếu tố ngẫu nhiên của cộng đồng, chỉ có thể tồn tại được trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng; nếu cá thể đó tách ra khỏi bộ lạc công xã sẽ không thể tồn tại. Khi đó cộng đồng công xã chỉ chiếm hữu các điều kiện khách quan tự nhiên như điều kiện khách quan của sự tồn tại của cộng đồng; cuộc sống trước hết chủ yếu dựa vào hái lượm trong điều kiện tự nhiên. Khi đó cũng chưa có sự tranh chấp giữa các cộng đồng về địa vực sinh tồn. Mỗi cá nhân khi đó cũng không thể chiếm hữu điều kiện tự nhiên đó cho riêng mình, mà chỉ có chiếm hữu công cộng.

2) Chế độ sở hữu cộng đồng và chiếm hữu cộng đồng

Khi công xã phát triển hơn, việc chiếm hữu các điều kiện tự nhiên có sự tranh chấp giữa các cộng đồng, nảy sinh nhu cầu phải khẳng định “chủ quyền” về địa vực đó khỏi sự xâm lấn của bộ lạc - công xã khác. Điều đó tất yếu nảy sinh chế độ sở hữu cộng đồng và chiếm hữu cộng đồng. Đó là cộng đồng cùng sở hữu và cùng chiếm hữu điều kiện tự nhiên khách quan; các cá thể chưa đủ năng lực tự lập để nảy sinh chiếm hữu tư nhân (cá thể). Trong chế độ sở hữu này sản xuất cũng mang tính cộng đồng - tập thể và sở hữu cũng là sở hữu tập thể.

3) Chế độ sở hữu cộng đồng và chiếm hữu cá thể

Cùng với sự phát triển của cộng đồng, các cá thể cũng phát triển các năng lực tồn tại - sản xuất của cá nhân cao hơn, bắt đầu có của cải tích luỹ. Trong điều kiện đó, các cá thể vượt trội như (trước hết) là các thủ lĩnh bộ lạc - cộng đồng, những người khỏe mạnh hơn, có năng lực hơn bắt đầu tự mình đơn lẻ chiếm lĩnh một khu vực đất đai nào đó các điều kiện tự nhiên (trong địa vực sở hữu của cộng đồng) hoặc chiếm hữu nhiều hơn của cải của cộng đồng. Chính điều đó đưa đến chế độ sở hữu cộng đồng - chiếm hữu cá thể. Mác đã nói: “Ở đâu sở hữu chỉ tồn tại với tư cách là sở hữu công xã thì bản thân mỗi thành viên riêng rẽ thường chỉ là người chiếm hữu - cha truyền con nối hay không cha truyền con nối”[3]. Tức tồn tại sở hữu chung nhưng chiếm hữu tư. Không có sở hữu cá nhân riêng rẽ mà chỉ có chiếm hữu cá nhân. Người sở hữu thực tế là công xã, sở hữu chỉ tồn tại với tư cách là sở hữu tập thể (về ruộng đất). Trong tiến trình lịch sử, khi cộng đồng càng phát triển cao hơn, cũng tức là các cá thể phát triển năng lực cá nhân cao hơn, có năng lực tồn tại tự chủ cao hơn trong tương quan quan hệ với cộng đồng, thì mức độ (trình độ) chiếm hữu cá thể (gắn với sự ra đời của tế bào gia đình) càng tăng lên, đồng thời tính chất của sở hữu cộng đồng càng giảm đi, làm tiền đề cho sự ra đời của chế độ sở hữu cá nhân.

4) Chế độ chiếm hữu cá thể - sở hữu cộng đồng

Đây là chế độ sở hữu phát triển ở bước cao hơn chế độ sở hữu cộng đồng - chiếm hữu cá thể. Khi đó vai trò chiếm hữu cá thể nổi trội hơn so với vai trò sở hữu cộng đồng. Quý tộc chiếm hữu ruộng đất của công xã, biến ruộng đất đó thành thái ấp của mình và cấp cho những người được quý tộc bảo hộ, che chở. Dần dần sở hữu công xã yếu đi, chỉ còn là bổ sung cho chiếm hữu cá nhân. Đó là tiền đề cho ra đời chế độ sở hữu cá nhân (sở hữu tư nhân trên cơ sở lao động của chính mình).

5) Chế độ sở hữu cá nhân (sở hữu tư nhân trên cơ sở lao động của mình)

Đây là nấc thang phát triển cao hơn của cộng đồng, của lực lượng sản xuất, của các cá thể - hộ gia đình, trước hết là tầng lớp quý tộc, những người đứng đầu công xã. Khi đó chiếm hữu cá nhân tài sản của công xã (trước hết là ruộng đất)  được biến thành sở hữu cá nhân (tư nhân), được nhà nước thừa nhận và bảo hộ.

Mác đã phân tích rất rõ tính tất yếu của quá trình tan rã chế độ sở hữu cộng đồng, rằng sự tồn tại của công xã một mặt tất phải duy trì sản xuất ra những điều kiện tồn tại và những thành viên của nó, nhưng mặt khác bản thân quá trình phát triển sản xuất, phát triển năng lực của các cá nhân lại không thể không đưa tới xoá bỏ dần những điều kiện khách quan tồn tại của công xã. Vì thế các chế độ công xã đi đến tiêu vong cùng với những quan hệ sản xuất (mà cốt lõi là quan hệ sở hữu) trước đây làm cơ sở cho công xã tồn tại. Quá trình tái sản xuất diễn ra đến một lúc nào đó, sau đó nó chuyển thành tự tan rã, thành cái đối lập với nó, phá hoại những điều kiện kinh tế của cộng đồng cũ (vốn là điều kiện tồn tại và phát triển của chính nó). Rõ ràng trong giai đoạn ban đầu hình thành chế độ sở hữu cá nhân, sở hữu cá nhân tồn tại trước hết trên cơ sở lao động của chính mình (tức của người sở hữu). Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ công xã - bộ lạc, sở hữu tư nhân cũng có thể được hình thành bằng con đường thông qua xâm lược, chinh phục - thôn tính lẫn nhau và chiếm lấy các đối tượng sở hữu (kể cả con người) giữa các bộ lạc, tức không phải trực tiếp từ tất yếu kinh tế (nhưng gián tiếp thực chất vẫn là từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, phát triển của các cá thể và cả cộng đồng). Khi đó con người, đất đai, súc vật, tài sản của các bộ lạc bị chinh phục trở thành tài sản - vật sở hữu như điều kiện khách quan vô cơ của bộ lạc đi chinh phục, mà trước hết thuộc về các thủ lĩnh quân sự. Cùng với chế độ phụ quyền, quyền thừa kế chức vụ thủ lĩnh quân sự ngày càng làm cho họ giàu có, địa vị thống trị của họ được củng cố. Đây là sự tước đoạt sở hữu tư nhân của người này chuyển chuyển sang người khác, đó không phải là cơ sở khách quan của sự hình thành sở hữu tư nhân. Chính C.Mác – Ph.Ăngghen đã nêu lên rằng “Nói chung, trong lịch sử, chế độ tư hữu quyết không phải là kết quả của hành động cướp bóc và bạo lực. Trái lại nó đã tồn tại trong công xã nguyên thủy thời cổ đại của tất cả các dân tộc văn minh, mặc dầu là chỉ giới hạn trong một số vất phẩm nào đó”[4]. Chính vì vậy Mác đã nói rằng: “Chế độ nô lệ và chế độ nông nô chỉ là những giai đoạn phát triển hơn nữa của sở hữu dựa trên bộ lạc”[5].

6) Chế độ sở hữu tư nhân phong kiến

Chế độ sở hữu tư nhân phong kiến được hình thành với sự phát triển cao hơn của lực lượng sản xuất, trước hết là các hộ gia đình cá thể và tầng lớp địa chủ - phú nông. Đó cũng là hệ quả của bước phát triển cao hơn của chế độ sở hữu cá nhân. Trong chế độ sở hữu tư nhân phong kiến tồn tại 3 hình thức sở hữu chủ yếu (trước hết về ruộng đất):

- Sở hữu tư nhân của tầng lớp địa chủ phong kiến dựa trên lao động của người khác qua bọc lột địa tô (tô lao dịch, tô tiền, tô sản phẩm…), không phải là bóc lột giá trị lao động thặng dư như trong chế độ tư bản chủ nghĩa sau này.

- Sở hữu tư nhân của tầng lớp phú nông dựa trên lao động của chính mình và một phần lao động của người khác thông qua bóc lột địa tô.

- Sở hữu tư nhân của hộ gia đình (tiểu nông hoặc thợ thủ công) dựa trên lao động của chính mình, thường gọi là sở hữu cá nhân.

Từ chế độ công xã nguyên thuỷ đến chế độ phong kiến, mặc dù các hình thức và chế độ sở hữu tư nhân có sự phát triển đáng kể về tính chất và trình độ, song các chế độ sở hữu và hình thức sở hữu đó vẫn dựa trên một bản chất chung là: nền sản xuất cơ bản là nền sản xuất giá trị sử dụng (hiện vật) và do đó là sở hữu hiện vật (giá trị sử dụng); chưa phải là nền sản xuất giá trị trao đổi và đi liền đó là chế độ sở hữu dựa trên giá trị như dưới chế độ tư bản chủ nghĩa sau này. Trong quá trình lịch sử đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà trung tâm là con người, từ một yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào cộng đồng, dần dần trở thành một cá nhân riêng lẻ (cá thể, thể hiện qua tế bào gia đình) độc lập tương đối với cộng đồng, trở thành một chủ thể sở hữu độc lập. Đây là một quá trình lịch sử tự nhiên.

7) Sự xuất hiện của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa

C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã chỉ rõ quá trình lịch sử khách quan ra đời của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên nền tảng chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, mà tiền đề của nó là sự phát triển của lực lượng sản xuất, của xã hội, của nền sản xuất hàng hóa (chứ không phải tiền đề là sự ra đời giai cấp tư sản dùng tư bản có sẵn để thực hiện bóc lột lao động làm thuê, như nhiều quan niệm sai lầm). Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất, của nền sản xuất đã đưa đến  các quá trình quan trọng sau đây: i) - Sự phát triển và tách dần tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp ra khỏi nông nghiệp; ii) - Dẫn đến phân công lao động xã hội; iii) - Dẫn đến sản xuất hàng hóa và trao đổi hàng hóa; iv) - Sự ra đời của “tiền” - vật mang giá trị trao đổi; v) - Sự ra đời của thương mại tách khỏi sản xuất. Các quá trình trên làm tan rã các hình thức tiền tư bản chủ nghĩa của mối quan hệ giữa người lao động với những điều kiện khách quan của lao động (tức các đối tượng sở hữu). Điều đó được thể hiện trên mặt sau:

- Sự tan rã của mối quan hệ đối xử giữa người lao động với những điều kiện khách quan tự nhiên của sản xuất (như ruộng đất…).

- Sự tan rã của những quan hệ trong đó người lao động là người sở hữu công cụ lao động.

- Sự tan rã của mối quan hệ giữa người lao động (người sản xuất) với những vật phẩm tiêu dùng. Từ chỗ do tự làm ra đến chỗ do người khác làm ra.

- Sự tan rã của mối quan hệ giữa bản thân người lao động (hiện thân sống của sức lao động) với sự chiếm hữu người lao động đó hay sức lao động đó.

Có nghĩa là các điều kiện tiền đề đó (tức sự phát triển của lực lượng sản xuất) làm tan rã các hình thức và quan hệ sở hữu khác nhau mà trong đó người lao động là người sở hữu, hay bản thân người sở hữu là người lao động. Chính sự phát triển của sản xuất hàng hóa (sản xuất giá trị trao đổi), sự ra đời của tiền lại thúc đẩy các quá trình tan rã trên, tạo cơ sở cho sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Mác nói rằng: “Sự hình thành ban đầu của tư bản chủ nghĩa diễn ra chẳng qua chỉ là do giá trị, tồn tại dưới dạng của cải bằng tiền, đã nhờ quá trình tan rã lịch sử của phương thức sản xuất trước đó, mà có được khả năng là một mặt, mua những điều kiện khách quan của lao động và mặt khác đem tiền đổi lấy bản thân lao động sống của những người lao động đã trở thành tự do”[6].

Sự tích luỹ của cải dưới dạng bằng tiền để chuyển hóa thành tư bản có thể diễn ra dưới nhiều hình thức (con đường) khác nhau, trong đó, như Mác nói: “Tư bản bắt nguồn từ của cải của thương nhân và của kẻ cho vay nặng lãi”[7]. Thương nhân từ chỗ mua đi bán lại sản phẩm hàng hóa để có tiền có thể tiến tới dùng tiền thuê lao động làm thuê tự do và mua tư liệu sản xuất, tư liệu lao động để tổ chức sản xuất ra hàng hóa (với tư cách là những giá trị trao đổi) để bán. Cũng có thể là một thợ cả, lúc đầu tự sản xuất ra sản phẩm hàng hóa để bán, sau khi tích luỹ được một lượng tiền, có thể phát triển lên trình độ cao hơn không trực tiếp sản xuất, mà dùng tiền đó thuê lao động và mua tư liệu sản xuất để tổ chức sản xuất ra hàng hoá (giá trị) trao đổi.

Đối với tư bản, điều kiện sản xuất không phải là người lao động, mà chỉ là lao động (sức lao động); tư bản chiếm hữu không phải là người lao động, mà là sức lao động của anh ta, chiếm hữu không trực tiếp mà thông qua trao đổi (giá trị). Còn người lao động không còn điều kiện khách quan của sản xuất - tức sở hữu không phải là của anh ta, mà là sở hữu của kẻ khác. Như vậy cả tư liệu sản xuất, công cụ lao động, cả tư liệu tiêu dùng và sức lao động bị “ném” ra thị trường trao đổi, đối lập với nhau, trở thành giá trị trao đổi, chịu sự chi phối và thống trị của cải bằng tiền (sở hữu giá trị). Như vậy, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa đã có sự thay đổi về chất so với các chế độ sở hữu trước đó: Từ nền sản xuất có mục đích chủ yếu là sản xuất ra các giá trị tiêu dùng trực tiếp chuyển sang nền sản xuất ra các giá trị trao đổi; từ quan hệ sở hữu hiện vật sang quan hệ sở hữu giá trị. Mác đã chỉ rõ: “Sự phát triển của giá trị trao đổi (tiền) làm tan rã nền sản xuất có mục đích chủ yếu là sản xuất ra giá trị sử dụng trực tiếp và những hình thức sở hữu tương ứng với nền sản xuất ấy. Sự phát triển của trao đổi và giá trị trao đổi, một mặt dẫn đến sự tan rã của những quan hệ sở hữu của lao động với những điều kiện tồn tại của lao động, cũng như đến chỗ bản thân lao động được liệt vào những điều kiện khách quan của sản xuất. Nền sản xuất dựa trên giá trị trao đổi và chế độ sở hữu dựa trên việc trao đổi những giá trị trao đổi ấy đã tách rời lao động khỏi những điều kiện khách quan của nó, tạo nên nền sản xuất dựa trên chiếm hữu lao động của người khác”[8] (tức thực hiện sở hữu dựa trên lao động của người khác). Hình thành chế độ sở hữu tư bản tư nhân.

3. Những vấn đề rút ra

Phân tích quá trình hình thành, phát triển, phủ định của các quan hệ sở hữu - quan hệ sản xuất từ chế độ công xã nguyên thuỷ đến chế độ tư bản có thể rút ra những nhận xét quan trọng sau đây:

Thứ nhất, sự ra đời và phát triển sở hữu tư nhân (và các hình thức sở hữu khác) là một quá trình lịch sử tự nhiên được chế định bởi quá trình phát triển và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà cốt lõi là sự phát triển năng lực lao động của các cá thể (con người). Quá trình tái sản xuất cũng là quá trình tái sản xuất quan hệ giữa lao động và điều kiện khách quan của nó dưới hình thức cũ, đồng thời với sự phát triển của lực lượng sản xuất lại phá vỡ hình thức cũ để tạo tiền đề cho quan hệ sản xuất mới - quan hệ sở hữu mới. Mác nói: “Sự tái sản xuất ấy nhất định và đồng thời vừa là sản xuất mới ra hình thức cũ, lại vừa là sự phá hoại hình thức cũ đó. Nhưng tất cả những hình thức đó nhất thiết chỉ phù hợp với một sự phát triển bị hạn chế, hơn nữa hạn chế trên nguyên tắc, của lực lượng sản xuất.”[9] Sự phát triển của lực lượng sản xuất làm tan rã những hình thức đó và bản thân sự tan rã của những hình thức đó là sự phát triển của những sức sản xuất của con người. Như vậy, về nguyên tắc, không thể có những hình thức quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu “tiên tiến” vượt trước thoát ly khỏi trình độ của lực lượng sản xuất mà có thể đảm bảo hiệu quả của quá trình phát triển. Quan hệ sản xuất mới - quan hệ sở hữu mới về nguyên tắc phải là kết quả của sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Thứ hai, sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà trọng tâm là năng lực của mỗi cá thể (con người) dẫn đến hai quá trình dường như trái ngược nhau, mâu thuẫn với nhau, nhưng lại tương quan hữu cơ với nhau:

- Quá trình xã hội hóa nền sản xuất gắn với sự phân hóa, phát triển các ngành nghề và phân công lao động xã hội, thúc đẩy mức độ xã hội hóa nền sản xuất xã hội lên các nấc thang cao hơn.

- Quá trình phân rã của chế độ sở hữu công cộng - chiếm hữu cộng đồng dưới chế độ công xã để cá thể hóa sở hữu - chủ thể hóa sở hữu đi tới chế độ sở cá thể, sở hữu tư nhân trên cơ sở lao động của chính mình, và cao hơn là hữu tư bản tư nhân. Xét về mặt “đạo đức”, “công bằng xã hội” có thể cho rằng chế độ sở hữu tư nhân trên cơ sở lao động của người khác là “tội ác” của các chế độ bóc lột, cần phải được xoá bỏ ở bất cứ cấp độ nào. Nhưng đây lại là con đường “khổ ải” của nhân loại buộc phải đi qua. Nếu chỉ lấy tiêu chí công bằng và bình đẳng xã hội về mặt sở hữu và phân phối phúc lợi thì chế độ công xã nguyên thuỷ là “lý tưởng”. Nhưng nhân loại không dừng ở đó, vẫn cứ nhất quyết đi qua con đường “khổ ải” đó. C.Mác - Ph.Ăngghen đã nói rằng: không có chế độ nô lệ cổ đại thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại. Điều đó cho thấy biện chứng khách quan của quá trình phát triển nhân loại; không thể tiếp cận duy ý chí về quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu (đây không phải là sự kiện biện minh rằng tất cả các dân tộc, các nước đều phải trải qua chế độ chính trị - xã hội tư bản chủ nghĩa. Ở đây muốn nói tới tính tất yếu của sự tồn tại các hình thức sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất).

Mâu thuẫn giữa trình độ phát triển và xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, tất yếu sẽ tạo những tiền đề khách quan để từng bước làm “tan rã”, “phủ định” hình thức sở hữu tư bản tư nhân. Nhưng bằng cách nào, dưới hình thức nào, đây là vấn đề cần được làm rõ hơn.

Thứ ba, quá trình cá thể hóa - chủ thể hóa sở hữu và phân hóa sở hữu không đều, về thực chất là quá trình khách quan “giao” các đối tượng sở hữu cho các cá thể có năng lực quản lý - sử dụng vượt trội hơn, có hiệu quả hơn thông qua con đường cạnh tranh, qua các quy luật kinh tế (ở đây chưa đề cập tới các hình thức tước đoạt phi kinh tế). Đây cũng chính là quá trình các chủ thể có năng lực trội hơn trong việc thực hiện quá trình tích tụ các nguồn lực (các đối tượng sở hữu) để đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất.

Thứ tư, trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất các hình thức quan hệ sở hữu tiến bộ hơn, hiệu quả hơn sẽ thay thế, phủ định các hình thức quan hệ sở hữu cũ. Vấn đề cơ bản không chỉ là ở chỗ thay thế chủ sở hữu, mà điều quan trọng là quan hệ sở hữu đó được “tái cấu trúc” như thế nào, theo phương thức nào giữa chủ sở hữu, người lao động và các đối tượng sở hữu khác. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên quan hệ quan hệ sở hữu giá trị và mối quan hệ trao đổi giá trị giữa chủ sở hữu, người lao động và các đối tượng sở hữu khác, đã chiến thắng nền sản xuất hiện vật với các quan hệ sở hữu giá trị sử dụng trước đó. Bởi vì, chính giá trị trao đổi trở thành một thước đo, một công cụ tạo nên cấu trúc quan hệ sở hữu mới giữa chủ sở hữu, người lao động, các đối tượng sở hữu khác một cách năng động và hiệu quả cao hơn. Chính giá trị trao đổi này đã điều tiết nền sản xuất, thúc đẩy nâng cao hiệu quả của nền sản xuất xã hội - động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, từ nghiên cứu - tổng kết thực tiễn sự phát triển của lực lượng sản xuất và gắn với đó là sự phát triển của quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu tư nhân của các chế độ xã hội tiền Tư bản, của xã hội Tư bản (khi đó), C.Mác - Ph.Ăngghen cũng đã đưa ra các luận điểm khoa học quan trọng mang tính dự báo về sự phát triển của lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu của xã hội Tư bản phát triển cao, của xã hội sau xã hội Tư bản - xã hội cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn thấp là xã hội chủ nghĩa), như một sự phủ định biện chứng khách quan của các nấc thang phát triển trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Những luận điểm khoa học mang tính dự báo đó được thực tiễn kiểm nghiệm thế nào trong hơn 100 năm qua, và thực tiễn phát triển của nhân loại đang nói lên điều gì (?), rất cần được nghiên cứu - tổng kết sâu sắc.  

Thứ sáu, một số nhận xét :  

- Những nghiên cứu và luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen cho thấy sự ra đời của sở hữu tư nhân, chế độ sở hữu tư nhân không phải là từ lòng tham, từ “đầu óc tư hữu”, từ “khát vọng” muốn bóc lột, nô dịch người khác của những cá thể người (cho dù trên thực tế là có), mà trước hết từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà con người là chủ thể, theo những quy luật khách quan. Điều này cho đến nay vẫn còn có những lầm lẫn.

- Sở hữu tư nhân trên cơ sở lao động của chính mình (sở hữu cá thể), sở hữu tư nhân phong kiến và sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa có sự khác nhau về bản chất kinh tế - xã hội, về trình độ xã hội hóa.

- C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích và vạch rõ, chính chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã làm cho con người bị tha hóa, biểu hiện trên hai phương diện: i) - sự tha hóa của người công nhân trong sản phẩm lao động làm ra, nhưng lại không thuộc về họ; “Người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới con người càng mất giá trị”. Như vậy, người công nhân làm ra càng nhiều vật phẩm thì số vật phẩm mà họ có thể chiếm hữu được càng ít và họ bị chính sản phẩm do mình làm ra (tức tư bản) thống trị càng mạnh mẽ. ii) - sự tha hóa của người công nhân biểu hiện trong hành vi sản xuất và trong bản thân hoạt động sản xuất. Ở đây cần lưu ý là : các ông nhấn mạnh về phương diện tha hóa (là đúng), nhưng chưa đề cập sâu đến phương diện phát triển năng lực chủ sở hữu và năng lực của đối tượng sở hữu (trước hết là người lao động) trong quá trình phát triển chế độ sở hữu tư nhân (nhất là trong chế độ sở hữu tư nhân TBCN). Chính sự phát triển năng lực này mới tạo được động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Đương nhiên, quá trình đó làm này sinh các mâu thuẫn khách quan cần phải giải quyết trong quá trình phát riển. Nhưng tiền đề khách quan để giải quyết các mâu thuẫn đó lại được hình thành chính trong quá trình phát triển, bằng con đường phủ định biện chứng, chứ không phải bằng mong muốn chủ quan, duy ý chí.

- C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cấp rất sâu về sở hữu vật chất (đất đai, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng…), nhưng các ông dường như chưa đề cập nhiều về các đối tượng sở hữu khác như sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu, sở hữu năng lực quản lý…vốn có ý nghĩa và vai trò ngày càng tăng lên trong quá trình phát triển của loài người (đây có thể là một hạn chế lịch sử). Hơn nữa, các ông đã nhìn nhận quan hệ giữa người sở hữu và người lao động như là kẻ tước đoạt - bị tước đoạt đối lập với nhau tuyệt đối về phương diện lao động: một người không lao động lại đi tước đoạt của người lao động, khi cho rằng “người sở hữu thì không lao động, còn người lao động thì không được quyền sở hữu, và xã hội vận động trong hai cực đối lập ấy” (ở đây phải chăng các ông nêu khái quát chung về mặt khoa học để cho rõ bản chất vấn đề ?). Trên thực tế, quá trình phát triển của xã hội luôn cho thấy tuyệt đại đa số những người sở hữu tư nhân ngày càng phát triển đều phải là những người lao động quản lý giỏi, không phải là những người “ngồi mát ăn bát vàng”.

- Những phân tích và luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sự ra đời và phát triển của các hình thức sở hữu tư nhân được rút ra từ những nghiên cứu chủ yếu đối với xã hội phương Tây (châu Âu), về nguyên tắc chung là đúng và rất có giá trị. Tuy nhiên, đối với các xã hội phương Đông có những đặc điểm riêng cần được làm rõ hơn (như Việt Nam chẳng hạn, hầu như không có chế độ nô lệ, do đặc điểm lịch sử và tự nhiên mà sự hình thành sở hữu tư nhân trong quan hệ với sở hữu cộng đồng và sở hữu nhà nước cũng có những hình thái khác với phương Tây)./.

 

 

PGS.TS.Trần Quốc Toản     

                                                                              Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



         [1]. Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976

    [2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.15-16

       [3]. Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976, tr.23

     [4] Mác – Ăngghen tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980, tập V, tr. 239-230

     [5] Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976, tr.48

[6].Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976.

[7]. Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976, tr.73

[8]. Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976.tr,79

    [9]. Các Mác, Những hình thức có trước sản xuất Tư bản chủ nghĩa, NXB Sự thật,HN, HN, 1976.tr.49

 

  

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết