Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Về động lực tăng trưởng đất nước giai đoạn 2021-2030 (phần 2)

Ngày phát hành: 17/03/2020 Lượt xem 2722

 

II. Xác định các động lực tăng trưởng-phát triển chủ yếu của đất nước trong giai đoạn 2021-2030

1. Nguyên tắc xác định động lực

Từ những khác biệt trong cách tiếp cận về động lực tăng trưởng - phát triển nêu trên, xin nêu các nguyên tắc xác định động lực tăng trưởng - phát triển của đất nước trong giai đoạn mới như sau :

- Động lực tăng trưởng - phát triển được xác định theo yêu cầu phát triển theo chiều sâu, nhanh - bền vững đất nước trong gia đoạn mới.

- Động lực tăng trưởng - phát triển được xác định ở tầm quốc gia, có nghĩa là tác động bao quát trên bình diện cả nước, không đi riêng sâu cho từng lĩnh vực cụ thể, các động lực phân nhánh.

- Động lực tăng trưởng - phát triển được xác định đồng bộ về các phương diện thể chế, chủ thể và một số yếu tố cơ bản, then chốt cả về vật chất và tinh thần chi phối các lĩnh vực để tạo nên động lực phát triển tổng hợp của đất nước.

- Động lực tăng trưởng - phát triển được xác định theo vị trí vai trò tác động đối với sự phát triển tổng hợp của đất nước trong từng giai đoạn.

 

 

2. Xác định các động lực tăng trưởng - phát triển

Bước sang giai đoạn phát triển mới, đất nước ta đứng trước đòi hỏi khách quan phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển nhanh - bền vững dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ cao, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, để đất nước không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước bước vào nhóm nước phát triển hiện đại, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, phải xác định và hiện thực hóa được các động lực tăng trưởng - phát triển ở tất cả các cấp độ, các chủ thể; mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị đều cần phải xác định và hiện thực hóa có hiệu quả động lực tăng trưởng và phát triển của mình trong sự kết nối với động lực tăng trưởng - phát triển của cả nước. Trong khuôn khổ Báo cáo này chỉ đề cập đến các động lực tăng trưởng - phát triển ở tầm quốc gia, tác động tới sự phát triển tổng hợp chung của cả nước. Với cách tiếp cận đó, xin đề xuất các động lực tăng trưởng - phát triển chủ yếu sau:

(1) Động lực niềm tin Quốc gia - Dân tộc. Đây là động lực mang yếu tố tư tưởng - tinh thần - đạo đức của một quốc gia. Một quốc gia muốn phát triển nhanh - bền vững không thể không kiến tạo được động lực này; nó có thể giúp cho một quốc gia - dân tộc gắn kết lại với nhau, vượt qua những khó khăn, thách thức cam go nhất, khốc liệt nhất để vượt lên, tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Lịch sử phát triển của đất nước ta đã không một lần nói lên điều này, và trong giai đoạn phát triển mới lại càng phải kế thừa và phát huy cao độ. Động lực này không chỉ là kết quả của sự kiến tạo lòng tin của nhân dân, của mỗi người lao động, của các doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quản lý - quản trị hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; mà còn là kiến tạo niềm tin và trách nhiệm cao cả của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân với tư cách là chủ nhân - chủ thể phát triển của xã hội, của đất nước; đó còn là sự kiến tạo niềm tin, những giá trị phát triển tốt đẹp giữa con người với con người, giữa các chủ thể với nhau trong cộng đồng quốc gia - dân tộc, kết tụ ở đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết.

Động lực này sẽ được xác lập trên nền tảng đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn của Đảng vì mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trên nền tảng một Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân, một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách quản lý - quản trị phát triển hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch; một nền hành chính liêm chính, tinh thần trách nhiệm cao trước dân; trên nền tảng một đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức “thực đức - thực tài”, thực sự công bộc, đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích phát triển của đất nước lên trên hết. Động lực này sẽ phát huy cao độ khi thực hành dân chủ xã hội rộng rãi gắn liền với thực thi kỷ cương phép nước, “sống và làm việc theo pháp luật”; tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của của mỗi con người, của nhân dân và của tất cả các chủ thể trong xã hội. Có động lực niềm tin này, mọi người dân, tất cả các chủ thể trong xã hội sẽ vững tâm mang tất cả các nguồn lực, trí tuệ, tâm huyết, tài năng của mình ra đầu tư phát triển vì lợi ích của mình và lợi ích phát triển chung của đất nước - dân tộc. Động lực này cũng là kết tinh - kết tụ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội khát vọng chấn hưng đất nước của mỗi con người, của toàn dân tộc với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Có thể nói, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quản lý - quản trị hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của quốc gia - dân tộc  là nhân tố cốt lõi để kiến tạo động lực niền tin - là một động lực hàng đầu cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước.

Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng vững mạnh đồng bộ về chính trị, về tư tưởng và lý luận, về tổ chức và phương thức lãnh đạo - cầm quyền, về đạo đức và văn minh (như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói); gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Nhà nước pháp quyền - Nhà nước kiến tạo phát triển theo phương châm “Liêm chính - kỷ cương - hành động - sáng tạo - đột phá - hiệu lực - hiệu quả”, với đội ngũ cán bộ, công chức “thực đức - thực tài” đề cao tinh thần trách nhiệm và nêu gương trước nhân dân và xã hội…sẽ là nền tảng cơ bản và vững chắc để kiến tạo niềm tin quốc gia - một động lực hết sức quan trọng, có tính then chốt đối với sự phát triển của một đất nước. Thực tế, trong những năm qua, việc Đảng và Nhà nước, nhất là vai trò của đồng chí Tổng bí thư - Chủ tịch nước, quyết liệt đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cưc và đã thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Đó thực sự là một động lực to lớn đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước; động lực này tác động không chỉ ở tầm vĩ mô, mà thực sự đã có sự lan tỏa tới tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị, và mỗi con người.

(2) Động lực thể chế

Trên thế giới, trong mỗi quốc gia, tương ứng với mỗi mô hình tăng trưởng, trình độ phát triển, phương thức tăng trưởng - phát triển, đều lựa chọn, xây dựng những thể chế phát triển nào đó, với mong muốn thúc đẩy nhanh sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, mức độ thành công ở các nước rất khác nhau, có nước rất thành công, có nước ít thành công, thậm chí có nước thất bại. Cái chính là việc xây dựng thể chế phát triển phù hợp tới mức nào yêu cầu và điều kiện khách quan của đất nước cũng như bối cảnh quốc tế. Thể chế đóng vai trò chủ yếu kết nối (cấu trúc) tất cả các chủ thể (với vai trò và chức năng khác nhau), các yếu tố, các nguồn lực theo những trật tự (khung pháp lý, luật chơi) xác định, phù hợp với những nội dung phát triển (sân chơi), tạo nên cơ chế vận hành của cả hệ thống theo những quy luật khách quan, nhằm đạt được những mục tiêu phát triển đặt ra. Các nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn trên thế giới đã chỉ ra : chất lượng của thể chế đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia.

Trong hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhưng thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta ra khỏi nhóm các nước kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình (hiện đang ở mức thấp). Những thành tựu đó, một phần rất cơ bản là nước ta đã chuyển đổi khà thành công từ thể chế kế khoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thể chế đó đã huy động được cao các nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế thuộc loại cao trong khu vực và thể giới liên tục trong nhiều năm. Tuy nhiên, thể chế phát triển đó về cơ bản là thể chế tăng trưởng - phát triển theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào thâm dụng đất đai, tài nguyên, thâm dụng vốn, lao động giá rẻ - trình độ thấp, trình độ công nghệ thấp, sản phẩm chủ yếu là chế biến thô và gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Thể chế tăng trưởng - phát triển theo chiều rộng đến nay về cơ bản đã gần hết động lực tăng trưởng, thậm chí về phương diện nào đó đang trở thành lực cản sự phát triển.

 

 

           Bước sang giai đoạn phát triển mới, đất nước ta đứng trước đòi hỏi khách quan phải chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển nhanh - bền vững dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Bước ngoặt trong sự phát triển này đòi hỏi phải xây dựng thể chế phát triển mới - thể chế phát triển theo chiều sâu, khác về chất đối với thể chế phát triển theo chiều rộng. Thể chế phát triển theo chiều sâu dựa cơ bản vào trí tuệ, tri thức, khoa học - công nghệ hiện đại để tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và phát triển. Điều này lại liên quan trực tiếp đến nhân tố con người với tư cách là chủ thể - mục tiêu của quá trình phát triển, phải có trình độ cao và chất lượng cao. Động lực tăng trưởng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới không thể chỉ dựa chủ yếu vào phát triển kinh tế. Do đó, sự phát triển theo chiều sâu, đặc biệt là yêu cầu phát triển nhanh - bền vững, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường đòi hỏi không chỉ và không thể chỉ dựa vào nâng cấp và hoàn thiện thể chế kinh tế, mà phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tổng thể, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, phải đảm bảo “sự phù hợp và đồng bộ động” giữa thể chế chính trị với thể chế kinh tế và thể chế xã hội, theo hướng thể chế chính trị đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển, tạo nền tảng chính trị - pháp lý cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực; thể chế kinh tế đóng vai trò trung tâm tạo động lực lợi ích cho sự phát triển; còn thể chế phát triển văn hóa, xã hội là hệ điều tiết phát triển xã hội lành mạnh, bền vững; thể chế bảo vệ môi trưởng và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ trở thành nhân tố hết sức quan trọng tạo động lực phát triển bền vững đất nước… Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất hiện đại, quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, các quan hệ xã hội ngày càng sâu rộng hơn trong mỗi nước cũng như trên bình diện quốc tế; hình thành các mối liên kết theo cả chiều dọc, chiều ngang và theo mạng. Chính vì vậy việc xây dưng thể chế liên kết giữa các chủ thể, các yếu tố phát triển trong nước cũng như trên bình diện quốc tế trở thành một nhân tố trọng yếu trong thể chế phát triển hiện đại.

  Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển theo chiều sâu, tổng thể, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và hội nhập quốc tế bao quát rất nhiều những nội dung: Từ xây dựng và hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả; đến nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội; đến xây dựng Nhà nước pháp quyền - Nhà nước kiến tạo phát triển đáp ứng yêu cầu của giai đoan mới; xây dựng và phát huy có hiệu quả nền dân chủ, thực thi quyền con người và quyền công dân…; đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thúc đẩy phát triển theo chiều sâu và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đáp ứng có hiệu quả với những bước phát triển mới, những mô hình, loại hình kinh tế mới, hiện đại đã và đang xuất hiện - phát triển rất nhanh (như nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ…); xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao; xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển xã hội; xây dựng và hoàn thiện thể chế bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nước ta đang trong quá trình chuyển đổi thể chế phát triển theo chiều rộng sang thể chế phát triển theo chiều sâu. Đây là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi đồng thời thực hiện việc loại bỏ các yếu tố của thể chế cũ không còn phù hợp, đang là “điểm nghẽn”, “rào cản” đối với sự phát triển; phải cải cách, hiện đại hóa thể chế cũ (còn có những mặt tích cực) đáp ứng với với đòi hỏi của giai đoạn mới; đồng thời phải xây dựng các thể chế mới để tạo động lực chủ đạo cho sự phát triển theo chiều sâu, nhanh - bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

Chính vì quá trình chuyển đổi thể chế phát triển này mà nhiều chuyên gia cho rằng đối với nước ta hiện nay, cải cách thể chế sẽ tạo được động lực mạnh nhất đối với sự tăng trưởng - phát triển đất nước. Tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thể chế cũ sẽ có tác động tích cực lớn nhất tới tăng trưởng trong ngắn hạn; còn xây dựng đồng bộ thể chế phát triển mới sẽ tạo được động lực tăng trưởng - phát triển mạnh trong trung và dài hạn. Có không ít ý kiến cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là sự bất cập của nền hành chính, năng lực kiến tạo phát triển, hiệu lực và hiệu quả thấp của bộ máy nhà nước (thể hiện ở những bất cập, chưa đồng bộ, chưa phù hợp của hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; ở tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, quan liêu, “trên nóng dưới lạnh”, thủ tục hành chính và điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập, chi phí chính thức và chi phí không chính thức vẫn còn rất cao…)[1]. Vì thế cần phải tập trung cải cách và hiện đại hóa các thể chế cốt lõi của nhà nước, xây dựng được mối quan hệ hữu cơ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo hướng “Nhà nước mạnh - Thị trường hiệu quả - Xã hội, doanh nghiệp và người dân năng động, sáng tạo”; sẽ không thể tận dụng và phát huy có hiệu quả cao các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa lại, nếu thể chế nhà nước (hay nói rộng hơn là thể chế của cả hệ thống chính trị) vẫn chứa đựng chủ yếu những yếu tố của thể chế 2.0, 3.0, thậm chí 1.0.

3) Động lực nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao

Trong tất cả các mô hình tăng trưởng - phát triển, con người luôn là chủ thể trung tâm; tuy nhiên, khi nền kinh tế, xã hội chuyển sang phát triển theo chiều sâu, dựa yếu vào khoa học - công nghệ, vào đổi mới sáng tạo, thì vai trò chủ thể của con người bước lên một nấc thang mới về chất : phương diện tri thức sáng tạo trở thành nhân tố chủ đạo trong hoạt động của con người ở mọi cấp độ.

Nhân tố con người không thể chỉ nhìn nhận đơn giản theo giác độ người lao động với những tri thức và kỹ năng chuyên môn nào đó, mà phải được nhìn nhận theo giác độ là chủ thể của quá trình xây dựng - phát triển - bảo vệ Tổ quốc. Nhân tố con người là tâm điểm quy tụ tất cả các yếu tố vật chất và phi vật chất, giá trị văn hóa, khoa học - công nghệ, để tạo thành động lực phát triển; nhân tố con người không đáp ứng yêu cầu thì dù có nhiều cơ hội, có trong tay nhiều nguồn lực, nhiều phương tiện hiện đại cũng không thể sử dụng có hiệu quả để thúc đẩy phát triển. Do đó, nhân tố con người phải chứa đựng những giá trị cốt lõi nhất của một chủ thể phát triển đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới, đó là : những giá trị văn hóa, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, lối sống, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ; tri thức khoa học, công nghệ hiện đại; năng lực thực hành sáng tạo, hiệu quả; thể chất, kỹ năng sống, năng lực liên kết, hợp tác và hội nhập…Nhân tố con người với tư cách là một động lực phát triển không thể chỉ tiếp cận theo giác độ cá nhân con người, mà còn phải được tiếp cận theo sức mạnh cộng sinh (cấp số nhân) giữa các cá nhân trong một cộng đồng, một đơn vị, một tổ chức, giữa các cộng đồng, đơn vị, tổ chức, cao hơn nữa là cả một dân tộc. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong lịch sử phát triển của thế giới và của nước ta.

Trong sự phát triển của đất nước, các tầng lớp xã hội khác nhau, các nhóm xã hội khác nhau, các chủ thể khác nhau sẽ có vai trò nhân tố con người khác nhau, tuy nhiên sẽ liên kết với nhau một cách khách quan theo một cấu trúc phù hợp để tạo nên động lực phát triển của mỗi đơn vị, tổ chức, và của cả dân tộc. Theo chức năng xã hội, có thể phân ra các loại nguồn nhân lực sau : đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý các cấp; đội ngũ chuyên gia khoa học - công nghệ; đội ngũ doanh nhân; đội ngũ chuyên viên kỹ thuật; đội ngũ công nhân lành nghề; đội ngũ lao động phổ thông (có thể có các cách phân loại khác). Trong mỗi loại nhân lực đó lại có thể chia ra các trình độ khác nhau (ví dụ, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý sẽ có các cán bộ lãnh đạo - quản lý cấp chiến lược, cấp cao, cấp trung và cấp sơ…). Sức chi phối, sức lan tỏa nhân tố con người của mỗi loại nhân lực đó là khác nhau, cấp càng cao thì càng có vai trò lớn hơn. Chính vì vậy, khi chuyển sang phát triển theo chiều sâu, thì những giá trị cốt lõi về nhân tố con người ở cấp càng cao thì càng phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cấp cao. Nhưng dù ở cấp nào thì yêu cầu “thực đức - thực tài” tương ứng vẫn phải được đảm bảo. Chính vì vậy, để phát triển nhân tố con người đáp ứng với yêu cầu là chủ thể vững vàng của quá trình phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới, phải quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm và đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”, gắn liền với hoàn thiện đồng bộ thể chế và thiết chế phát triển văn hóa để xây dựng được hệ giá trị Việt Nam (bao hàm tổng hợp các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội) đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới.

 

Đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, khung và chuẩn trình độ giáo dục - đào tạo quốc gia; đổi mới và hiện đại hóa nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp giáo dục đáp ứng với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang tăng tốc. Đồng thời, phải đổi mới căn bản và nâng cao nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo - quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia cao cấp, đội ngũ doanh nhân hiện đại, thích ứng với những đòi hỏi, những bước phát triển mới của kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là mục tiêu trung tâm, xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp và bậc học, đặc biệt thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực trình độ cao. Ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng, hiện đại, mũi nhọn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đất nước; từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; xây dựng chương trình và cơ chế chính sách phù hợp để đào tạo đội ngũ nông dân hiện đại, đáp ứng với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại nghề nghiệp cho các lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp và mất việc làm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tác động của việc ứng dụng công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0.

  Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục - đào tạo gắn với đổi mới cơ chế đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Quan tâm thích đáng đến đầu tư cho giáo dục - đào tạo chất lượng cao, trình độ cao và cho vùng khó khăn và đồng bào dân tộc ít người. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục - đào tạo.

  Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục - đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục - đào tạo ở khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến của quốc tế, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. 

(còn tiếp)

PGS.TS Trần Quốc Toản

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Chủ nhiệm Đề tài KX.04.29/16-20

 

 



        [1] Theo PGS. TS Trần Ngọc Anh, điểm nghẽn lớn nhất là hiệu quả của bộ máy và theo tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết