Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Vị thế làm chủ của nhân dân - nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền

Ngày phát hành: 10/04/2020 Lượt xem 4419

 

           Giành chính quyền để trở thành đảng cầm quyền là nhiệm vụ trung tâm của mọi cuộc cách mạng. Vì thế, nếu Mác - Ăngghen yêu cầu “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”[1] thì ngay sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin đã tuyên bố: “Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất”[2]. Tuy nhiên, so với  Mác và Ăngghen  - những người không được nhìn thấy giai cấp vô sản Nga giành chính quyền, so với Lênin - người chỉ có hơn 6 năm đứng đầu Đảng Bônsêvích Nga cầm quyền (7/1/1917- 21/1/1924) thì Hồ Chí Minh có thực tiễn phong phú của 24 năm đứng đầu nhà nước cách mạng để xây dựng hệ thống lý luận về đảng cầm quyền. Điều đặc biệt nằm ở chỗ: Hồ Chí Minh nói về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nhưng thực chất là nói về dân bởi trong tư tưởng của Người, mọi vấn đề của đảng cầm quyền - từ mục đích, lý tưởng, nhiệm vụ, phương châm lãnh đạo đến vai trò của người đảng viên … đều do vị thế làm chủ của nhân dân chi phối. Luận giải mọi vấn đề của Đảng cầm quyền từ góc độ lợi ích của nhân dân, trong mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân là sự độc đáo trong tư duy chính trị của Hồ Chí Minh. 

           Trong lịch sử gần 90 năm phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam  trải qua 2 chặng đường: Chặng đường hoạt động bí mật để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và chặng đường nắm giữ chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội bằng chính quyền, tức là trở thành đảng cầm quyền. Trong tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần dùng cụm từ “Đảng nắm chính quyền[3] để chỉ hiện tượng Đảng lãnh đạo xã hội sau khi đã giành được chính quyền nhà nước. Đến Di chúc, thuật ngữ Đảng cầm quyền được Người sử dụng lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Hồ Chí Minh không đưa ra một định nghĩa chính thức về “Đảng cầm quyền” nhưng từ di sản của Người, chúng ta có thể hiểu: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành được chính quyền trong cách mạng giải phóng dân tộc và nay đang nắm giữ chính quyền để lãnh đạo nhân dân hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Điều đặc biệt của Đảng và nhà nước do Hồ Chí Minh lãnh đạo nằm ở chỗ: Tự thân Đảng và nhà nước không có quyền lực. Quyền mà Đảng cầm, Đảng nắm và nhà nước thực chất là quyền của dân. Dân chính là chủ sở hữu của quyền lực còn Đảng và Chính phủ chỉ có quyền sử dụng quyền lực mà dân giao phó để phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”[4]. Hồ Chí Minh muốn xây dựng một xã hội mà ở đó “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” nên trong tư tưởng của Người, mọi vấn đề thiết yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đều gắn với vị thế làm chủ và lợi ích của nhân dân.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh luôn khẳng định:Lợi ích của nhân dân chính là mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.   

Trong lịch sử, bất kỳ đảng phái chính trị nào muốn đạt được mục tiêu đề ra đều phải tập hợp quần chúng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Sự khác nhau giữa các đảng chỉ ở mục đích cuối cùng, lý tưởng sâu xa. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không vì mục đích tự thân, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[5]. Hồ Chí Minh còn nói rõ: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”[6]. Mục tiêu vì dân mang lại cho Đảng phương châm hành động “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”[7]. Việc Đảng lấy lợi ích của dân làm mục đích, lý tưởng của mình đã làm cho nhân dân tin vào Đảng và khi nhân dân tự nguyện đi theo Đảng thì sức mạnh của Đảng được nhân lên bởi sức mạnh của những con người “làm nên lịch sử”. 

 

 

Có thể nói: Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng trong nhận thức về vị thế, vai trò của nhân dân. Nhân dân - những con người vốn bị coi là thần dân, thảo dân, luôn cần sự “chăn dắt” của các quan phụ mẫu thời phong kiến nay trở thành giá trị cao quý nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh và là đối tượng phụng sự của Người. Người cũng kiên trì giáo dục Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với mục đích, lý tưởng vì dân, đặc biệt khi trở thành Đảng cầm quyền. Điều này hết sức cần thiết bởi khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì đảng viên của Đảng nắm giữ những vị trí trọng yếu trong hệ thống công quyền. Quyền lực luôn có tính hai mặt và mặt trái của nó là dễ làm cho con người tha hóa, trở nên “lộng quyền” và sa vào”chủ nghĩa cá nhân”. Vì thế, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, những người cộng sản phải nhận thấy đây chính là lúc có điều kiện, cơ hội, sức mạnh để hiện thực hóa lý tưởng đó và toàn tâm, toàn ý phụng sự cho lý tưởng đó. Họ phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân theo tinh thần “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, sẵn lòng hy sinh lợi ích của bản thân cho lợi ích của nhân dân. Thấu hiểu rằng mọi sự hy sinh đều đau đớn, mọi sự tận tụy đều vất vả, Hồ Chí Minh nói rõ: “Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng… Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hoặc khoan hãy vào”[8]. Điều phân biệt những người cộng sản với quần chúng chính là lý tưởng - điều mà Hồ Chí Minh gọi là “cái chất của người đảng viên”[9]. Ngược lại, mọi sự xao nhãng mục đích, nhạt phai lý tưởng đều biến cán bộ, đảng viên thành “quan cách mạng” và sự tha hóa của đảng viên sẽ dẫn đến sự tha hóa của nhà nước do Đảng lãnh đạo, làm cho Đảng và nhà nước trở nên đối lập với nhân dân. Đối lập với những con người có sức mạnh “đẩy thuyền và lật thuyền” thì vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước sớm muộn cũng sẽ rơi vào hồi “cáo chung”.

Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn cảnh báo”xa dân” là nguy cơ lớn nhất của Đảng cầm quyền.

Trở thành Đảng cầm quyền là một bước ngoặt vĩ đại đánh dấu sự chuyển biến “về chất” trong vị thế của Đảng đối với dân tộc. Tuy nhiên, trở thành Đảng cầm quyền thì một trong những nguy cơ mà Đảng dễ mắc phải đó là căn bệnh “xa dân”. Nếu Lênin cho rằng các chứng bệnh “quan liêu”, “kiêu ngạo cộng sản” sẽ làm cho Đảng tiêu vong thì Hồ Chí Minh cũng cho rằng “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[10]. Để tránh nguy cơ “xa dân”, Hồ Chí Minh luôn khẳng định một vấn đề mang tính nguyên tắc: Đảng cầm quyền nhưng dân làm chủ, Đảng cầm quyền để dân làm chủ, Đảng lãnh đạo cách mạng là để thiết lập và củng cố chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đây là điểm khác biệt giữa đảng cộng sản cầm quyền và đảng tư sản cầm quyền. Từ đó, Người yêu cầu những người cộng sản hành động theo phương châm “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”.

 Thứ ba, Hồ Chí Minh xác định phương châm hoạt động của Đảng cầm quyền là phải dựa vào dân,”lấy dân làm gốc”.

           Dân là gốc của nước là một thực tế khách quan. Đảng muốn thành công thì phải hành động đúng theo quy luật khách quan đó. Nói đến sự lãnh đạo của Đảng là nói đến việc hoạch định đường lối và tổ chức thực hiện đường lối. Đường lối hợp lòng dân là nguồn gốc của thắng lợi và để đạt được điều đó thì quy trình xây dựng đường lối cần phải tiến hành như sau: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”[11]. Tức là Hồ Chí Minh yêu cầu đường lối của Đảng phải được xây dựng trên tinh thần dân chủ và thể theo nguyện vọng của nhân dân. Người còn lưu ý: Khi đề ra đường lối, cán bộ phải hết sức cầu thị, “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ sửa chữa”[12]. Khi chân lý là những gì hợp với lòng dân thì “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra và trở lại nơi quần chúng[13].

Khi đường lối đã ra đời, việc tổ chức thực hiện đường lối còn khó khăn, phức tạp hơn nên Đảng càng phải dựa vào dân, Đảng phải  biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng, “phải đi đúng đường lối của quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép nhân dân”[14].

 

 

Thực hiện hóa phương châm “lấy dân làm gốc” vào công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh chủ trương “dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng[15]. Tức là trong khi lãnh đạo dân chúng, Đảng phải thành thực trước nhân dân. Nếu “có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình”[16]. Sự thành thực của Đảng sẽ không chỉ làm dân thông cảm, tin yêu mà còn tạo cơ sở để Đảng khắc phục những sai lầm, hạn chế, ngày càng trưởng thành để hoàn thành tốt vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân. Trên thực tế, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực không chỉ về đức tận tụy, hy sinh mà còn về sự khiêm nhường trước quần chúng nhân dân. Làm cách mạng thì đương nhiên lúc thành công nhiều, lúc thành công ít và cũng có lúc thất bại nhưng trước mọi kết quả, Hồ Chí Minh luôn kết luận: “Tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi… Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ”[17]. Đây không phải là những lời mang tính dân túy mà là tấm lòng thành thật của một bậc vĩ nhân và tư tưởng “dựa vào dân mà xây dựng Đảng” của Người.

Thứ tư, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền phải là”đày tớ”, công bộc của dân.

Từ “đày tớ” (hay còn gọi là “đầy tớ”) trong quan điểm của Hồ Chí Minh không có nghĩa là “tôi tớ, tôi đòi” mà là tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đã phụng sự nhân dân phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”[18]. Người còn sử dụng cụm từ “đày tớ thật trung thành” để nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực sự tận tụy suốt đời phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, gương mẫu trước nhân dân và  tuyệt đối không được biến quyền dân ủy thác thành quyền lực cá nhân rồi quay lại “đè đầu, cưỡi cổ” nhân dân. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò đày tớ của cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ bản chất của chế độ mới. Hồ Chí Minh luận giải: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ chứ không phải làm quan cách mạng”[19]. Người luôn khẳng định dân là người chủ đích thực của chế độ, dân chỉ trao cho Đảng, cho nhà nước quyền thực thi quyền lực để lãnh đạo, quản lý xã hội theo ý tưởng và lợi ích của dân. Vì thế, đảng viên của Đảng tất yếu phải là đày tớ cho người đã cho giao quyền cho mình và có quyền phế truất mình. Hồ Chí Minh có cách kiến giải hết sức độc đáo về vai trò lãnh đạo của Đảng. Người viết: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải làngười đầy tớ trung thành của nhân dân”[20], “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”[21];“làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”[22]. Điều tưởng chừng mâu thuẫn (người lãnh đạo cuối cùng lại là người phục vụ, người chịu sự lãnh đạo lại là người thụ hưởng) lại hết sức hợp lý vì với một Đảng không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân như Đảng cộng sản Việt Nam thì dù người đảng viên có đóng vai trò gì, thực hiện chức năng gì thì cuối cùng cũng đều hướng tới một đối tượng  duy nhất - nhân dân, đều có một mục đích duy nhất - vì dân. Do sự chung đúc, thống nhất về đối tượng phục vụ và đối tượng lãnh đạo nên vai trò “người lãnh đạo” và “người đày tớ” của người đảng viên khi thì hòa quyện trong nhau, khi thì trở thành điều kiện và tiền đề của nhau. Điều này thật chí lý bởi thực tế cho thấy: Khi Đảng lãnh đạo cách mạng thành công là Đảng đã mang lại lợi ích cho dân, đã  phục vụ dân; ngược lại, khi đảng viên là người đày tớ tận tâm tận lực phục vụ nhân dân thì sẽ được dân tin yêu, đi theo, ủng hộ và quyền lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân sẽ được đảm bảo. Vì thế, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu không chỉ để thành người lãnh đạo tốt mà còn phải phấn đấu để thành người đày tớ tốt. Phụng sự nhân dân là phụng sự chân lý lớn nhất nên dù người cán bộ thực hiện vai trò gì, chức năng gì nhưng cứ một lòng vì dân thì đó đều là công việc cao quý. Quan điểm này của Người hoàn toàn nhất quán với định đề về chân lýcái đẹp mà Người từng đưa ra: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân… Phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”[23] và “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[24].

Có thể khẳng định: Trong số các lãnh tụ của phong trào Cộng sản, không ai yêu cầu đảng viên của một đảng cầm quyền phải là đày tớ của nhân dân như Hồ Chí Minh. Luận điểm cán bộ, đảng viên là người đày tớ trung thành của nhân dân không chỉ thể hiện tư duy chính trị độc đáo mà còn thể hiện chiều sâu của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

 Kế thừa và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho lý luận về đảng cầm quyền ở Việt Nam khi những vấn đề cốt yếu nhất của một đảng chính trị cầm quyền như mục đích, lý tưởng, nguy cơ, phương châm hoạt động của Đảng, vai trò của người đảng viên đều được Người luận giải sâu sắc. Điều đặc biệt nằm ở chỗ: Mọi vấn đề của Đảng cầm quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh đều xoay quanh chữ “dân” và hướng tới việc đảm bảo lợi ích của nhân dân. Vị thế làm chủ của nhân dân là nền tảng vững chắc để Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống quan điểm đúng đắn về Đảng cầm quyền, văn hóa trọng dân đã giúp cho Đảng do Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện tránh được nguy cơ “tự tha hóa” khi trở thành đảng cầm quyền.Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung và đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền càng tỏ rõ ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Vì dândựa vào dân là triết lý rút ra từ tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và cũng là phương châm hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo. Phải nói rằng, vị thế của Đảng trong lòng dân tộc không do nhân dân quyết định mà do chính Đảng quyết định. Như Hồ Chí Minh đã nói, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[25], nếu mỗi đảng viên của Đảng đều ý thức sâu sắc về vị thế làm chủ của nhân dân, thực sự coi lợi ích của nhân dân là mục đích, lý tưởng của mình, luôn thực hành phương châm “lấy dân làm gốc”, tự nguyện làm người đày tớ trung thành của dân thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chỉ còn là “vấn đề kỹ thuật” mà thôi./.

PGS, TS. Trần Thị Minh Tuyết

Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 



[1] C.Mác – Ph. Ăngghen: Toàn tập,  Nxb CTQG, H, 1993,  t.4, tr 623 - 624.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, t.45, tr.137.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011,  t.15, tr.102.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 263.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7,tr.49.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.292.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.292.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 326.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.330-331.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 337 – 338.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.330.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.454.

[15]Hồ Chí  Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.281.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.177.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.192 - 193

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.572.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr 83 - 84.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 292.

[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 670.

[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 378.

[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 453.

[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết