Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo; quan hệ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày phát hành: 04/04/2020 Lượt xem 23072

          1. Quan niệm đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo

 

 

          1) Quan niệm đảng cầm quyền

Đảng là khái niệm rất rộng - tổ chức của một nhóm người, một phe phái có cùng quan điểm, cùng chí hướng, thực hiện một mục đích. Khái niệm đảng trong bài viết này là đảng chính trị - tổ chức đại diện cho một cộng đồng lớn, một giai cấp, có tôn chỉ, mục đích thực hiện ý chí và lợi ích của cộng đồng, của giai cấp.

Ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào mô hình chế độ chính trị khác nhau mà ở đó có một hay nhiều đảng cạnh tranh, đấu tranh với nhau để nắm quyền lãnh đạo xã hội, thực hiện mục đích của mỗi đảng. Để thực hiện được mục đích của mình,, nhiệm vụ đầu tiên của mỗi đảng chính trị là phải nắm được chính quyền (nắm giữ quyền lực nhà nước) để lãnh đạo nhà nước, triển khai chủ trương, đường lối chính trị của đảng.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, đảng cầm quyền là đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và cạnh tranh giữa nhiều đảng. Đảng thắng cử đứng ra thành lập chính quyền, đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách dưới danh nghĩa quyền lực nhà nước, đại diện cho công dân cả nước. Theo quan niệm này, trên thế giới có nhiều cách thức và mô hình cầm quyền, song chủ yếu xoay quanh 2 mô hình chính: mô hình Nghị viện và mô hình Tổng thống.

Sự cầm quyền của mô hình Nghị viện: Đảng cầm quyền là đảng chính trị hoặc liên minh chính trị chiếm đa số trong nghị viện. Trong cơ quan lập pháp (quốc hội), đảng này nắm quyền hành pháp - Chính phủ (Thủ tướng). Sự cầm quyền của mô hình Tổng thống: Đảng cầm quyền là đảng của tổng thống - người đã được nhân dân lựa chọn (qua cuộc bầu cử tổng thống). Tổng thống đứng đầu cơ quan hành pháp. Quyền lực tổng thống do vậy, ưu trội hơn quyền lực của quốc hội (lập pháp).

Quá trình cầm quyền của Đảng Cộng sản khác với quá trình cầm quyền phổ biến nêu trên - do bản chất và sứ mệnh chính trị đặc thù của đảng. Tôn chỉ, mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản là đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, tiến tới chủ nghĩa cộng sản -  chế độ tiến bộ nhất của loài người. Về lý thuyết, đảng cộng sản có thể giành chính quyền trong nhà nước tư sản, song trong thực tế, điều đó là không thể, bởi thể chế chính trị tư sản chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản, các đảng cộng sản không thể bình đẳng với các chính đảng tư sản. V.I. Lênin đã chỉ rõ: “chỉ kẻ ngu ngốc mới nghĩ rằng, giai cấp vô sản phải giành lấy đa số trong các cuộc bầu cử dưới sự áp bức của giai cấp tư sản...rồi mới giành chính quyền”.

Do tính chất và đặc điểm như vậy, các đảng cộng sản (Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, Cu Ba, Việt Nam...) đều không thể cầm quyền bằng các cuộc bầu cử, mà phải tiến hành các cuộc cách mạng lật đổ chế độ xã hội cũ, lập ra chính quyền mới, xây dựng thể chế chính trị với một nhà nước mới phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Nắm được chính quyền, đảng cầm quyền bằng cách, đưa ra cương lĩnh và đường lối chính trị, chiến lược hành động bảo vệ chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị với trụ cột là nhà nước, huy động lực lượng toàn xã hội thực hiện mục đích của đảng và cũng là của nhân dân.

2) Về mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo

Với bản chất, nguyên tắc và thực tế của quá trình giành chính quyền của các đảng cộng sản nêu trên, sự cầm quyềnsự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là 2 khái niệm vừa khác nhau, vừa thống nhất với nhau.

Sự khác nhau giữa đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền: Khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, như trình bày ở trên, rộng hơn khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang bản chất lãnh đạo và thực tế đã thực hiện chức năng lãnh đạo của mình. Để đạt được mục đích giải phóng dân tộc, thực hiện độc lập tự do, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức, xây dựng lực lượng, lãnh đạo giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền tư tưởng cộng sản, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tập hợp quần chúng, làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong điều kiện Đảng chưa có chính quyền. Mới 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám thần thánh, giành chính quyền về tay nhân dân.

Rõ ràng, lãnh đạo là thuộc tính, là sứ mệnh tự thân của Đảng. Nói đến đảng là nói đến chức năng lãnh đạo. Đảng là lực lượng tiên phong, là hạt nhân của phong trào, của hy sinh phấn đấu để đạt tới mục đích của đảng. Là đảng mang lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tư tưởng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng ra đời là từ ý nguyện, lợi ích của nhân dân tiến bộ, đảng phải mang và thể hiện ý chí của nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hiện cho được mục đích của nhân dân.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ rõ trong tất cả các giai đoạn đấu tranh, xây dựng nhà nước và thực hiện lợi ích của nhân dân Việt Nam từ khi giành được chính quyền, xây dựng chính quyền mới và sử dụng quyền đó để xây dựng chế độ chính trị - xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng chính là quá trình phát triển của đảng, nó cũng thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tài tính của đảng.

Sự thống nhất giữa đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền: Giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền (Hồ Chí Minh). Đó là bối cảnh thuận lợi mới để Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình. Đảng không phải hoạt động bí mật với những điều kiện khó khăn trong việc thực hiện sứ mệnh của đảng trước dân tộc, nhân dân như khi chưa cầm quyền. Đảng cầm quyền nghĩa là Đảng có toàn bộ chính quyền, sử dụng quyền lực nhà nước để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục đích của đảng và của toàn dân; Đảng nắm toàn bộ chính quyền bằng sự tổ chức và sử dụng chính quyền nhà nước để lãnh đạo toàn xã hội xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, trong điều kiện đảng cầm quyền thì đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo là thống nhất với nhau. Đảng lãnh đạo không chỉ bằng quyền lực chính trị mà bằng cả quyền lực nhà nước. Nhà nước lúc này (trong nghĩa này) trở thành công cụ chính trị của đảng. Đảng lãnh đạo bằng sức mạnh của toàn bộ nhà nước (pháp quyền xã hội chủ nghĩa). Đảng vừa lãnh đạo bằng sức mạnh và lực lượng của đảng, vừa lãnh đạo bằng sức mạnh và lực lượng của nhà nước. Nội hàm sự lãnh đạo của đảng trong bối cảnh, điều kiện này là rộng hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn.

Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng là chủ thể lãnh đạo, nhà nước là trụ cột và thực hiện chức năng quản lý xã hội. Đảng cầm quyền và lãnh đạo, có nghĩa là đảng không chỉ sử dụng quyền lực chính trị của đảng để lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Điều quan trọng hơn là, cùng với  sức mạnh quyền lực chính trị của mình, Đảng sử dụng cả sức mạnh quyền lực nhà nước (chính quyền) để lãnh đạo toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ở đây không thể đồng nhất quyền lực chính trị của đảng với quyền lực chính quyền (của nhà nước). Song đảng cầm quyền và lãnh đạo, hay đảng lãnh đạo trong điều kiện cầm quyền, trên cơ sở tôn chỉ mục đích của đảng, đảng tổ chức, xây dựng nhà nước, đề ra nguyên tắc và cơ chế vận hành để hoạt động hiệu lực và hiệu quả, thực hiện đúng mục đích của đảng.

Ở các mô hình cầm quyền phương Tây, khi một đảng đứng lên cầm quyền, đảng đó hóa thân vào nhà nước. Trong mô hình của Việt Nam, đảng không biến thành (hóa thân vào) nhà nước. Mà đảng sử dụng quyền lực nhà nước bằng cách xây dựng nhà nước (pháp quyền xã hội chủ nghĩa) theo đúng bản chất, ý chí, mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này thể hiện tính đặc thù trong phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng.

2. Quan hệ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

1) Đặc điểm có tính nguyên tắc của phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng

Nếu như đặc điểm về bản chất và mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định đặc điểm của quá trình giành quyền lực chính trị, thì đó cũng là cái tạo nên đặc điểm có tính nguyên tắc về phương thức cầm quyền và phương thức lãnh dạo của Đảng.

Phương thức cầm quyền và lãnh đạo có tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam là không chấp nhận đa nguyên chính tri, đa đảng đối lập - Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất cầm quyền. Phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu bất di bất dịch của Đảng. Điều đó, về nguyên tắc, chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền (nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa), đảng không chia sẻ quyền lực cho bất cứ đảng nào khác. Thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa, thành quả xây dựng và phát triển chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành quả của sự hy sinh, phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của toàn dân tộc. Đòi hỏi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, để bảo đảm dân chủ trong cầm quyền và lãnh đạo của đảng như một số người nêu lên chỉ là lý luận lừa bịp, muốn thủ tiêu vai trò duy nhất cầm quyền và lãnh đạo chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đã nắm được quyền thống trị, V.I. Lênin chỉ rõ: “Đảng nắm quyền đó với ý thức là chỉ một mình mình nắm”[1].

Khi nói “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh vị thế duy nhất nắm quyền lực nhà nước, mà còn nhấn mạnh vị thế lãnh đạo Nhà nước, cả hệ thống chính trị và xã hội của Đảng. Đảng cầm quyền trong ý nghĩa này đã hàm chứa cả đảng lãnh đạo. Điều đó không có nghĩa, quyền lực của Đảng là “siêu quyền lực”, đứng trên quyền lực nhà nước (như có người hiểu). Đảng và Nhà nước là hai chủ thể quyền lực khác nhau trong một thể chế chính trị - xã hội. Quyền lực của Đảng là quyền lực của giai cấp - một lực lượng trong xã hội; đây là quyền lực chính trị. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân - đây là quyền lực tổ chức, phục vụ, kiến tạo phát triển đất nước. Sự duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được Nhân dân thừa nhận, lựa chọn và được ghi nhận trong Hiến pháp (tính chính đáng chính trị). Đảng cầm quyền bằng Nhà nước, thông qua hệ thống cơ quan công quyền, không tự biến mình thành Nhà nước. Nếu quyền lực đảng đồng nhất với quyền lực nhà nước thì xã hội sẽ không còn dân chủ, mà trở thành độc tài.

Phương thức cầm quyền và lãnh đạo đó cũng không phải là phương thức “toàn trị” như có người đã gán cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng duy nhất cầm quyền là để giữ vững mục đích chính trị (CSCN) của Đảng, của Nhân dân. Đảng không toàn ý (độc quyền) nắm quyền và “cai trị”, “cưỡng ép” Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm theo ý chí chủ quan của Đảng. Đảng cầm quyền bằng ý chí và nguyện vọng của Nhân dân (ghi trong Hiến pháp) và lãnh đạo cả hệ thống chính trị thực hiện mục đích của Nhân dân và cũng là của Đảng.

2) Phương thức cầm quyền của Đảng

Là chủ thể duy nhất cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm trước toàn dân về vận mệnh của đất nước. Để làm tốt sứ mệnh đó, Đảng dùng quyền lực chính trị của mình, xây dựng hệ thống chính trị: Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; xác định vị trí, vai trò, quyền hạn của mình cũng như của các thành viên trong hệ thống chính trị. Đảng xây dựng nhà nước đúng bản chất, chức năng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có bộ máy, nguyên tắc và cơ chế vận hành bảo đảm cho việc thực hiện tốt nhất mục đích của Đảng. Đảng xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sao cho chúng thực sự là đại diện hiệu lực và giám sát, phản biện hiệu quả của nhân dân; đồng thời chúng trở thành tổng lực tham chính và xây dựng đảng, nhà nước.

Đảng bố trí người của đảng (một cách hợp pháp) giữ các vị trí chủ chốt của  bộ máy nhà nước; đề ra phương hướng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nắm công tác cán bộ của nhà nước. Trên cơ sở đó, Đảng xây dựng cương lĩnh chính trị, hoạch định đường lối phát triển đất nước theo đúng mục tiêu của Đảng. Thông qua Nhà nước, Đảng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật; lãnh đạo Nhà nước thực hiện đường lối phát triển đất nước của Đảng.

Xây dựng thể chế chính trị và gắn liền với đó là thiết chế chính trị bảo đảm tính khoa học và tính hợp lý (phù hợp với các đặc điểm quốc gia, dân tộc) là yêu cầu và điều kiện tiên quyết để Đảng cầm quyền - sử dụng và thực thi quyền lực hiệu lực và hiệu quả. Phương thức cầm quyền thành công của Đảng còn là xác định đúng các mục tiêu chính trị và lãnh đạo các thành viên của hệ thống chính trị làm tốt các nhiệm vụ của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng,...

3) Phương thức lãnh đạo của Đảng:

- Bằng quyền lực của mình, Đảng chi phối, tác động, chỉ đạo các thành viên trong hệ thống chính trị, quan trọng nhất là Nhà nước và bằng Nhà nước, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng

- Đảng lãnh đạo thông qua cương lĩnh, chiến lược, chỉ thị, các nghị quyết của Đảng đối với các tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội,...

- Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưa chúng vào thực tiễn.

- Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị.

- Đảng đào tạo đảng viên có đủ phẩm chất, tài năng, có năng lực tuyên truyền, vận động quần chúng, giới thiệu người vào các cơ quan quyền lực  dân cử (QH, HĐND các cấp) và giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

- Đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra của các tổ chức đảng với nội dung chủ yếu là kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành nghị quyết của đảng.

- Đảng lãnh đạo bằng tính tiên phong, gương mẫu, từ tư tưởng, hành động đến đạo đức, lối sống, nhân cách “công bộc của dân”.

- Lãnh đạo theo tinh thần “dân là gốc”, dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh nhân dân đúng tinh thần của dân, do dân, vì dân, hiệu quả, thu phục và cuốn hút quần chúng làm theo đảng.

- Lãnh đạo một cách dân chủ, trí tuệ, khoa học, nghệ thuật, văn minh..., đó là phương thức lãnh đạo nhạy bén, khéo léo, linh hoạt. Phương thức lãnh đạo này càng cần thiết đối với một đảng duy nhất cầm quyền./.

 

GS, TS. Nguyễn Văn Huyên

Nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.


 



[1] V.I. Lênin toàn tập, t.43, Nxb. Tiến bộ, M.1978, tr156.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết