Thứ Tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024

Châu Á đối mặt nguy cơ xảy ra "cơn sóng thần" thất nghiệp

Ngày phát hành: 07/07/2020 Lượt xem 934
Thị trường lao động châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức, với số lượng lớn người lao động có nguy cơ mất việc làm nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong khu vực, hoặc nếu xuất khẩu bị sụt giảm mạnh hơn nữa do khó khăn tại các nền kinh tế phương Tây.
 
Giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận tại các quốc gia châu Á nhìn chung không phải là vấn đề đáng báo động. Tỷ lệ thất nghiệp của khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) chỉ tăng lên 5,9% trong tháng 5/2020, từ mức 2,8% của cùng kỳ năm ngoái, cho dù nền kinh tế của đặc khu này đã rơi vào suy thoái thậm chí trước cả khi xảy ra đại dịch COVID-19. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Philippines đã tăng hơn ba lần lên 17,7% trong giai đoạn từ tháng 1-4/2020, số liệu chính thức của hầu hết các nền kinh tế châu Á khác là tương đối ổn định.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và thực tế là thị trường lao động châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, có một lượng lớn người lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại châu lục này, hoặc nếu xuất khẩu bị sụt giảm mạnh hơn nữa do khó khăn tại các nền kinh tế phương Tây.
 
Bên cạnh đó, số liệu thất nghiệp hiện tại của khu vực châu Á cũng đang đưa ra một bức tranh không hoàn chỉnh. Trên thực tế, những người vốn đã mất việc làm nhưng lại chọn cách không tìm kiếm một công việc mới do lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã không được tính đến. Ngoài ra, tại khu vực Đông Bắc Á cũng tồn tại tình trạng những người lao động lớn tuổi lựa chọn nghỉ hưu non thay vì tiếp tục công tác. Trong khi đó, sự tồn tại của thị trường lao động không chính thức tại các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á cũng có thể khiến những số liệu thống kê không phản ánh đúng tình trạng thất nghiệp.
 
Ở một khía cạnh khác, một số người lao động châu Á dù giữ được việc làm nhưng thời gian làm việc lại ít hơn, với mức lương thấp hơn so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do luật pháp và các yếu tố văn hóa khác đã khiến việc sa thải công nhân tại châu Á trở nên khó khăn hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Tại Hong Kong, số lượng người lao động thiếu việc làm đã tăng 185% lên 135.100 người trong tháng 5/2020, ghi dấu mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
 
Tại Nhật Bản, số lao động không có việc làm đã tăng trong tháng Tư lên mức kỷ lục 6 triệu người, tương đương 8,8% lực lượng lao động, từ con số chỉ 2,5 triệu người của tháng Ba. Ở các nước có thu nhập thấp tại châu Á, nơi hầu hết người lao động làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức, số lao động thất nghiệp không được tính đến đang gia tăng và các số liệu chính thức không thể phản ánh chính xác thực trạng này. Chẳng hạn, những người di cư trở về làng quê vì cơ hội việc làm ở thành thị đã biến mất khi các nhà máy và cửa hàng đóng cửa vẫn được coi là có việc làm, mặc dù họ có thể không tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.
 
Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị là 5,9% trong tháng 5/2020, song con số này được cho là chưa tính đến số người di cư. Mặc dù ước tính 90% lao động nhập cư đã trở lại làm việc trước ngày 30/4 nhưng các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đánh mất đến 30 triệu việc làm. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có gần 48 triệu công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm trong các ngành dịch vụ và xuất khẩu.
 
Bức tranh tương tự cũng diễn ra ở Ấn Độ. Các cuộc điều tra cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã ở mức 8,5% trong tuần thứ ba của tháng 6/2020. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm hàng triệu người lao động nhập cư đã trở về nhà.
 
Cú sốc mang tên COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề nhất đối với lĩnh vực dịch vụ, từ nhà hàng và khách sạn đến du lịch và giải trí. Đây là những ngành kinh tế đang phải đối mặt với sự phục hồi chậm trong khi nắm giữ tỷ lệ việc làm cao. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng việc những doanh nghiệp này buộc phải lựa chọn giữa cắt giảm nhân công hoặc đối mặt với phá sản chỉ là vấn đề thời gian.
 
Nhìn từ góc độ quản lý rủi ro, các nhà hoạch định chính sách châu Á nên hỗ trợ trực tiếp cho các công ty dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp hoặc trợ cấp có điều kiện, để họ bảo toàn việc làm cho người lao động. Điều tương tự đã được thực hiện tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore và Hong Kong.
 
Đối với các quốc gia có khu vực kinh tế phi chính thức lớn và rủi ro thất nghiệp tiềm ẩn, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng có thể đóng một vai trò lớn hơn bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp cho họ nguồn vốn với lãi suất thấp, thậm chí là bằng 0%.
 
Động thái trên dù có thể khiến đồng tiền của một quốc gia suy yếu, nhưng đây sẽ chỉ là một mức giá nhỏ phải trả để giảm thiểu nguy cơ xảy ra “cơn sóng thần” thất nghiệp, đi kèm với những hệ lụy về năng suất lao động và triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn./.

Phương Nga (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết