Thứ Tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024

Việt Nam là câu chuyện thành công lớn về xuất khẩu trong thập kỷ qua

Ngày phát hành: 06/07/2020 Lượt xem 883

Mạng Livemint (Ấn Độ) vừa đăng bài viết của học giả Vivek Kaul cho rằng, Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn về xuất khẩu trong thập kỷ qua. Xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2008-2018 đã tăng rất nhanh từ 69,7 tỷ USD lên 259,5 tỷ USD. Tác giả đặt câu hỏi liệu Việt Nam có thể trở thành Trung Quốc tiếp theo trong thập kỷ tới hay không? Và tại sao Ấn Độ lại bị tụt hậu đáng kể trong tiến trình này?

 


Theo bài viết, năm 2009 (sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới), xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 66,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên kể từ đó, đạt 259,5 tỷ USD vào năm 2018. Năm 1992, xuất khẩu của Trung Quốc là 66,8 tỷ USD, đến năm 2001 đã tăng lên tới 272,1 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu ngày càng gia tăng của Việt Nam đã đi theo một quỹ đạo gần giống với Trung Quốc, dẫn đến những so sánh. Vấn đề là xuất khẩu của Ấn Độ cũng đi theo một quỹ đạo tương tự trong giai đoạn 2000-2009, tăng gần 350% từ 60,9 tỷ USD lên 273,8 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ đã chậm lại trong giai đoạn 2009-2018.
Một lý do cho câu chuyện thành công của xuất khẩu Trung Quốc là lĩnh vực sản xuất đã trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất các sản phẩm trong một mạng lưới. Cuộc Khảo sát Kinh tế năm 2019-2020 cho biết, các sản phẩm này không được sản xuất từ đầu đến cuối trong một quốc gia nhất định. Thay vào đó, các quốc gia chuyên trách những nhiệm vụ hoặc công đoạn cụ thể của chuỗi sản xuất hàng hóa. Các quốc gia có nguồn lao động dồi dào, như Trung Quốc, chuyên về các công đoạn sản xuất thâm dụng lao động tay nghề thấp như lắp ráp, trong khi các nước giàu hơn chuyên về vốn và những công đoạn đòi hỏi tay nghề cao như nghiên cứu và phát triển (R&D). Việt Nam đang đi theo một quỹ đạo tương tự.
Tỷ trọng các sản phẩm mạng, như thiết bị điện và điện tử, thiết bị viễn thông trong tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2000 chỉ đạt 6%. Đến năm 2018, con số này đã tăng vọt lên 47%. Trong cùng kỳ, tỷ trọng này của Trung Quốc đã tăng từ 34% lên 52%. Trong trường hợp của Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu này bao gồm các sản phẩm lắp ráp hoàn thiện, các bộ phận và linh kiện.
Những lý do cho sự thành công của Việt Nam
Cuộc khảo sát kinh tế chỉ ra rằng với Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam, hơn 80% giá trị xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp lớn, trong khi 80% của Ấn Độ thuộc về các doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, tại Ấn Độ, có thể phải mất 7-10 ngày để chuyển hàng đến cảng, trong khi ở các nước như Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam chỉ mất chưa đầy 1 ngày. Các sản phẩm mạng lưới được sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau, và do đó, cần thời gian luân chuyển nhanh. Ở Bangladesh mất khoảng 1 ngày để một lô hàng được chuyển đến cảng, trong khi ở Việt Nam chỉ mất 0,3 ngày.
Liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA), đầu tháng 6, Việt Nam đã phê chuẩn thỏa thuận này. Theo đó, thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm Việt Nam xuất sang EU sẽ được cắt giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi giờ đây các công ty di dời hoạt động khỏi Trung Quốc để chuyển đến Việt Nam. Trong khi đó, ở Ấn Độ, người ta vẫn nhắc đi nhắc lại đến lợi thế chi phí thấp. Điều này quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết