Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Kinh tế Việt Nam - những tín hiệu đáng mừng

Ngày phát hành: 23/11/2020 Lượt xem 645


Nhiều hãng tin khu vực và quốc tế dẫn số liệu của một loạt tổ chức và cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam cùng những phân tích về lý do đưa ra dự báo như vậy.

 

Đánh giá lạc quan
Theo Globaldata.com (Anh) ngày 19/11, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát được đại dịch ở mức độ nhất định với số ca mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8% vào năm 2020 và tăng lên 6,8% vào năm 2021.
Trang bbc.co.uk (Anh), Việt Nam đã giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ COVID-19 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng trong năm 2020. Số liệu mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay nhờ “quyết tâm ngăn chặn suy thoái kinh tế và tác động của đại dịch COVID-19 tới sức khỏe cộng đồng” và sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 6,5% "khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước dần trở lại bình thường".
Trang malaymail.com (Malaysia) ngày 20/11 dẫn lời ông Steve Cochrane, chuyên gia kinh tế trưởng tham gia soạn thảo Báo cáo về triển vọng của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APAC) năm 2021 tại Moody’s Analytics, cho biết tính đến tháng 9/2020, Việt Nam và một số nền kinh tế trong APAC như Singapore, Đài Loan, Malaysia và New Zealand đều có báo cáo xuất khẩu cao hơn mức 1 năm trước. Cùng với Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất APAC trong năm 2021.
Trang proactiveinvestors.co.uk (Anh) ngày 20/11 dẫn nhận định của Quỹ Vietnam Holding, quỹ đóng theo trường phái đầu tư giá trị và dài hạn tại Việt Nam, dự đoán rằng nền kinh tế đất nước sẽ trở lại tốc độ hơn 6% vào năm 2021 do có "nhiều động lực tăng trưởng".


Bí quyết thành công
Theo proactiveinvestors.co.uk, khả năng phục hồi giữa đại dịch “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác được "tiếp thêm động lực". Vị thế của Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại cũng có khả năng được củng cố nhờ việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Craig Martin, Giám đốc Quỹ Vietnam Holding, cho rằng RCEP có thể tăng thêm 1% cho nền kinh tế Việt Nam trong vài năm: “Luôn có lợi nhuận từ thương mại. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam - với tư cách là một quốc gia thương mại - thì đây là tin tốt. RCEP có thể mất vài năm để được phê chuẩn, nhưng những thỏa thuận thương mại như thế này sẽ đẩy nhanh hơn nữa câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam”
Theo bbc.co.uk, dù so với nhiều quốc gia giàu có hơn, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng y tế, song Việt Nam được hầu hết các nước ca ngợi về các biện pháp y tế công cộng, nhanh chóng kiểm soát được số ca lây nhiễm COVID-19. Việt Nam đã nhanh chóng sản xuất các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19, kết hợp với chiến lược truy vết và kiểm soát nguồn lây để hạn chế số ca nhiễm bệnh.
Năm 2020, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm và lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Dẫu vậy,  Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch.

 

Làm việc từ xa
Trang bbc.co.uk dẫn lời Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của Vinacapital cho rằng có một số yếu tố làm giảm nhẹ tác động của COVID-19. Một trong những yếu tố bất ngờ nhất là sự gia tăng mạnh mẽ số người làm việc tại nhà trên toàn cầu. Ông Kokalari nói: “Mọi người tự trang bị máy tính xách tay và nội thất văn phòng để có thể dành nhiều thời gian làm việc tại nhà hơn. Và rất nhiều sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam”.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 23% trong 3 quý đầu tiên so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đồ điện tử tăng 26%.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phát triển vượt bậc trong thập kỷ qua khi các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm địa điểm để dịch chuyển sản xuất do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc với vai trò “công xưởng” của thế giới.
Nhiều công ty đa quốc gia đã bắt đầu chuyển hoạt động sang Việt Nam, trong đó có các công ty hàng đầu về công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung. Apple hiện đã có kế hoạch sản xuất tai nghe Airpods cao cấp tại Việt Nam.
Theo ông Kokalari, đại dịch cũng là lý do khiến nhiều công ty cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng: “Khi COVID-19 ập đến, bạn nghĩ rằng bạn có một chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng bạn phát hiện ra rằng bạn chỉ có một chuỗi cung ứng là Trung Quốc. Đó thực sự là một vấn đề cấp bách”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết