Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại trong kỷ nguyên số

Ngày phát hành: 19/11/2020 Lượt xem 2280

          Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam phát triển khá toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Trong xu hướng của cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đang là ưu tiên hàng đầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại.

 


          * Mục tiêu then chốt
          Nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực, trong mỗi thời kỳ, định hướng phát triển nông nghiệp đều được Nhà nước điều chỉnh một cách thiết thực, phù hợp. Nhờ đó, không chỉ đảm bảo lương thực quốc gia, nông nghiệp Việt Nam từng bước có đóng góp quan trọng, giúp nâng cao thu nhập, mức sống của người dân và phát triển kinh tế chung của đất nước.
          “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài" là mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
          Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học-công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…
          Bám sát các Nghị quyết này, nông nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, tìm tòi, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ, như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

          * Công nghệ tham gia tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp
          Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2019, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ cao là một trong các giải pháp quan trọng tạo chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. Theo các chuyên gia, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
          Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và cải thiện giống. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, giống gạo ST25 của Việt Nam đã được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.
          Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …
          Ngành lâm nghiệp cũng có sự phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng ổn định; đã làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo ra các dây chuyền chế biến, bảo quản có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu; hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ hai châu Á và đứng thứ năm trên thế giới.
          Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. 
          Sự giúp sức của khoa học công nghệ đã có mặt trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… Nhờ đó tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...
          Các kết quả này góp phần gia tăng giá trị cũng như sức chống đỡ cho nông nghiệp trước các thách thức của biến đổi khí hậu. Trong vòng 10 năm (2009-2019), sản lượng lúa gạo tăng 12,2%, từ 39,2 triệu tấn (2009) lên 43,45 triệu tấn (2019). Sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này. Hiện năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và 1,5 lần so với Ấn Độ; trở thành quốc gia có chỉ số bền vững an ninh lương thực cao hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á. Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19...) nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, dự kiến diện tích, sản lượng các loại nông sản hàng hóa vẫn ổn định và tăng so với năm 2019, bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
          Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt 2,8-3%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước. Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến đạt khoảng 41 tỷ USD.
          Xét ở bình diện quốc tế, nông nghiệp Việt Nam từng bước tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập và toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với năng lực tốt về cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu; vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới; trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, gạo, tôm, đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD.
          Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 150 đơn vị so với năm 2015. Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 2.400 sản phẩm được phân hạng và công nhận OCOP...

          * Còn nhiều thách thức
          Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta còn có những hạn chế, yếu kém và thách thức, như: vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa thành phổ biến; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Năng lực quản trị, công tác dự báo cung cầu còn bất cập...
          Trong khi đó, năm 2020 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, ứng phó thành công trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học-công nghệ…
          Với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, cùng chính sách, mục tiêu phù hợp, chắc chắn ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp vào phát triển đời sống xã hội, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế quốc gia./.


          Thu Hạnh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết