Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Kiến nghị của Đề tài: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) - Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện”

Ngày phát hành: 30/11/2020 Lượt xem 20123

 

         Đề tài: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) - Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện”, mã số KX.04.33/16-20, do GS.TS Tạ Ngọc Tấn làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của Đề tài:

         Đề tài đã cung cấp kịp thời, thường xuyên các sản phẩm nghiên cứu cho Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII xây dựng Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011. Báo cáo này đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII thông qua. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật in và phát hành tháng 4 năm 2020.

Ngoài những kiến nghị đã được chấp nhận, in trong Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đề tài có những kiến nghị sau:

 

1. Kiến nghị Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, Bộ Chính trị đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh

Mười năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tạo những bước tiến quan trọng vả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện.

a. Về nhận thức lý luận

Nhận thức rõ hơn mục tiêu đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình đi lên CNXH ở nước ta.

- Đã xác định: đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tầm nhìn đến 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. Cần làm rõ một số tiêu chí đặc trưng quan trọng nhất về mục tiêu đặt ra cho mỗi giai đoạn để định hướng nhận thức tư tưởng, động viên tinh thần quyết tâm phấn đấu trong nhân dân. Trong trường hợp mục tiêu “nước công nghiệp” khó xác định tiêu chí hoặc không còn phù hợp, cần chuyển sang mục tiêu mới có nội hàm tương đồng, phù hợp với thang đánh giá chung của thế giới: “nước đang phát triển thu nhập trung bình cao”, “nước phát triển thu nhập cao”.

- Công nghiệp hóa gắn hiện đại hóa; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xác định: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như mối liên hệ giữa xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được xác định rõ hơn. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực của phát triển. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững; làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là văn hóa nhân cách, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa.

- Gắn kết nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia với nhiệm vụ giữ vững chế độ, bảo vệ Đảng, giữ vững an toàn, trật tự xã hội, văn hóa cũng như gắn kết phương hướng bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia với với yêu cầu giữ vững an toàn, trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội luôn gắn với nhiệm vụ đối ngoại. Nhận thức mềm dẻo, linh hoạt phù hợp thực tiễn về “đối tác” và “đối tượng” trong quốc phòng, an ninh được thay thế cho nhận thức cũ, cứng nhắc. Gắn xây dựng đường lối quốc phòng, an ninh nhân dân với kiên quyết, kiên trì giữa vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

- Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong đối ngoại. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đã được kiên trì, kiên định trong qúa trình thực hiện Cương lĩnh.

- Coi xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên tất cả các mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp và xây dựng đội ngũ công chức là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

- Khẳng định và kiên trì, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà còn của cả dân tộc. Cùng với xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức thì Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức.

- Bổ sung mối quan hệ giữa “Nhà nước và thị trường”, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã phát triển thành mối quan hệ “giữa Nhà nước - thị trường và xã hội”; đã điều chỉnh mối quan hệ “giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN” thành mối quan hệ “giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN”.

Tuy nhiên, nhận thức lý luận còn những hạn chế, khuyết điểm.

- Cương lĩnh mới phác thảo ra các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta sẽ xây dựng, nhưng nội hàm các đặc trưng là gì và cụ thể hóa cho từng giai đoạn như thế nào vẫn chưa được làm rõ.

- Tiêu chí của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tiêu chí của nền kinh tế tri thức vận dụng vào điều kiện cụ thể Việt Nam chưa thống nhất.

- Vẫn chưa thống nhất trong Đảng, nhất là trong xã hội về những đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đặc biệt là việc cụ thể hóa những đặc trưng này trong từng lĩnh vực để bảo đảm giữ vững định hướng XHCN.

- Cơ chế, điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ XHCN còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Xã hội dân sự chưa được nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc. Chưa đề ra được hệ giá trị chuẩn mực văn hóa Việt Nam; hệ giá trị con người Việt Nam. Chưa có giải pháp đột phá để bứt phá về giáo dục, đào tạo; phát triển khoa học công nghệ; trọng dụng nhân tài. Nhiều chủ trương đúng vẫn dừng ở tư tưởng, quan điểm chưa hoặc chậm triển khai trên thực tế. Chậm ban hành luật về hội.

- Nhận thức lý luận về vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ xa vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Có những vấn đề liên quan đến nội bộ trong đời sống xã hội của nhân dân gắn với an toàn, trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân như Luật biểu tình chưa được nhận thức giải quyết triệt để, còn các ý kiến trái chiều.

- Cơ chế, phương thức thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra chưa rõ” cho nên việc phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân còn hạn chế. Cơ chế, điều kiện thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân còn hạn chế. Phương thức hoạt động hiệu quả nhất trong điều kiện quá độ lên CNXH ở Việt Nam của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân chưa rõ. Bệnh hành chính hóa, nguy cơ quan liêu hóa của các cơ quan này được nhận thức từ sớm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, triệt để khắc phục.

- Mô hình, cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN còn chưa rõ, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Cụ thể cơ chế “phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp” trong thực hiện quyền lực nhà nước chưa được làm rõ. Do vậy, chưa có cơ chế ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước.

- Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được nêu ra từ rất sớm nhưng nội hàm, cơ chế vận hành của mối quan hệ này còn lúng túng, chưa rõ. Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và công dân cũng chưa được làm rõ. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong Đảng cũng chưa được nhận thức và giải quyết một cách quyết liệt. Cơ chế ngăn ngừa sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự suy thoái, tự chuyển hóa” còn chung chung.

- Việc nhận thức chín mối quan hệ lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế nhất định. Do chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc giải quyết chín quan hệ này cũng như mối liên hệ hữu cơ của việc giải quyết chúng vói tám đặc trưng, tám phương hướng xây dựng CNXH ở nước ta mà Cương lĩnh năm 2011 nêu ra.

b. Về thực tiễn

Trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được phục hồi và luôn duy trì ở mức khá cao tính đến năm 2019. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất châu Á. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược có bước chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả khích lệ. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước đucợ xác lập đầy đủ theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Giáo dục và đào tạo có bước đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Kết cấu hạ tầng được xây dựng theo hướng đồng bộ, với một số công trình hiện đại.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một được nâng cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.

Hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Thế trận lòng dân được củng cố, nâng cao. Phát huy được chủ nghĩa yêu nước, ý chí, khát vọng phát triển của con người Việt Nam. Xây dựng Đảng được coi trọng, bảo đảm và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng

Cùng với những thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Kinh tế trí thức phát triển còn chậm, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường còn có những hạn chế, bất cập. Một số thị trường chậm hình thành, phát triển; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao còn thấp, tình trạng gia công còn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế. Khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về đời sống so với khu vực đồng bằng, đô thị; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng ngày càng roãng ra. Có lúc, có nơi còn biểu hiện dân chủ hình thức. Cải cách hành chính còn chậm, có lúc có nơi, còn nhiều thủ tục hành chính phiền hà. Tham nhũng,lãng phí, tiêu cực chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi triệt để; có nơi, có lúc, tổ chức đảng, đảng viên và cán bộ cơ quan nhà nước còn quan liêu, xa dân.

 

2. Kiến nghị Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII

(1) Đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị nội dung đánh giá giá trị của Cương lĩnh chính trị của Đảng: Những thành tựu đạt được trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định tính ưu việt của CNXH Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(2) Bổ sung mối quan hệ lớn cần giải quyết trong quá trình thực hiện phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: Mối quan hệ giữa thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương xã hội. Thực tiễn thực hiện Cương lĩnh của Đảng trong thời gian vừa qua cho thấy, dân chủ XHCN thực hiện chưa tốt, nhiều chỗ, nhiều nơi còn hình thức; pháp chế không được tôn trọng, tôn nghiêm; kỷ luật, kỷ cương xã hội không được giữ vững, dẫn đến những mâu thuẫn, những hiện tượng nhiễu loạn, mất đoàn kết trong các cộng đồng dân cư, gây nên những nhiễu loạn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Dân chủ XHCN và pháp chế, kỷ luật, kỷ cương xã hội thực chất là hai mặt của một vấn đề, một trong những điều kiện cần và đủ để bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, và cần phải được bổ sung vào các mối quan hệ lớn cần giải quyết.

(3) Bổ sung đối ngoại cùng với quốc phòng, an ninh thành nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Đây là vấn dề được đúc kết và làm rỗ từ thực tiễn thực hiện Cương lĩnh trong những năm qua. Thực tế cho thấy, đối ngoại là công tác gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với quốc phòng, an ninh, là một phần không thể chia tách của quốc phòng, an ninh. Muốn bảo vệ quốc phòng, an ninh cho đất nước từ sớm, từ xa, cần phải làm tốt công tác đối ngoại.

3. Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nhận thức lý luận và thực hiện Cương lĩnh

Trên cơ sở tổng kết lý luận, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, có thể đề xuất một số vấn đề lý luận về CNXH và quá độ đi lên CNXH của Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển trong thờỉ gian tới:

(1) Tiếp tục nghiên cứu, nhận thức sâu sắc và cập nhật về tính chất, đặc điểm của thời đại, bối cảnh và những yếu tố từ bên ngoài tác động đến công cuộc xây dựng và phát triển của nước ta trở thành yêu cầu cấp thiết và thường xuyên. Nghiên cứu về sự phát triển có tính quy luật của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những thay đổi của nó để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là các điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như quá trình xã hội hóa của lực lượng sản xuất trong nền kinh tế tri thức.

(2) Tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm hiểu và xác định rõ những vấn đề còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay, những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn cách mạng. Đặc biệt chú trọng  nghiên cứu tổng kết quá trinh Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn, những vấn đề cần đổi mới.

(3) Tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhận thức lý luận về thời kỳ quá độ, mô hình CNXH mà nhân dân ta xây dựng, làm rõ và sâu sắc hơn cơ sở lý luận, cơ sở thực tế và tính quy luật nào chi phối, quyết định thành phần, tính chất của mô hình ấy. Nghiên cứu bổ sung, phát triển, làm rõ nội hàm, sự biểu hiện của các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Nghiên cứu làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cho phù hợp với từng chặng đường của thời kỳ quá độ lên CNXH.

(4) Nghiên cứu để xác định rõ hơn mục tiêu, phương hướng, mối quan hệ lớn cần giải quyết trong xây dựng, phát triển đất nước ta từ nay đến giữa thế kỷ XXI và đến kết thúc thời kỳ quá độ. Đặc biệt, cần tiếp tục làm rõ các cơ sở lý luận và thực tiễn, trong đó có những đặc điểm của thời đại, những giá trị chung nhân loại, của việc xác định các mục tiêu, phương hướng đó, bảo đảm cho mục tiêu, phương hướng xây dựng, phát triển đất nước vừa đúng với định hướng XHCN, vừa hài hoà với những giá trị nhân văn, tiến bộ chung của thế giới.

(5) Tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhận thức lý luận về kinh tế, xã hội và những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng đất nước đi lên CNXH. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; mối quan hệ, tác động qua lại của nền kinh tế ấy với các lĩnh vực khác của đời sống chính trị - xã hội. Nghiên cứu làm rõ vai trò, vị trí, tính chất của các khu vực kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn chó việc hoạch định các chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ, hợp lý các khu vực kinh tế, quản lý và phát huy tốt nhất hiệu quả của các khu vực kinh tế trong xây dựng, phát triển đất nước.

(6) Tiếp tục nghiên cứu phát triển nhận thức lý luận về văn hoá và con người, mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với văn hoá và môi trường xã hội. Làm rõ hơn vai trò cũa con người với tính chất vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nghiên cứu, tổng kết hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện đại.

(7) Tiếp tục nghiên cứu phát triển nhận thức lý luận về Đảng Cộng sản, Nhà nước, nhân dân và mối quan hệ giữa các chủ thể quyền lực trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Nghiên cứu làm rõ tính quy luật trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, các yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ đó, các nội dung, giải pháp cần làm để không ngừng tăng cường mối quan hệ hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ; phát huy sức mạnh niềm tin ấy thành sức mạnh sáng tạo trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ. Nghiên cứu để làm rõ hơn mối quan hệ, tính chất đặc thù, tổ chức hệ thống, cơ chế vận hành, tác động qua lại giữa Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý đất nước và nhân dân thực hiện quyền là chủ, làm chủ xã hội.

(8) Nghiên cứu những vấn đề có tính quy luật, những bài học kinh nghiệm quốc tế và trong nước về bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ gìn hòa bình và điều kiện ổn định chính trị - xã hội cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống, làm rõ nội dung, giải pháp nhằm chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời những tình huống ảnh hưởng đến an ninh đất nước có thể xảy ra; chủ động ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nghiên cứu làm rõ nội dung, giải pháp, các yếu tố cần xây dựng, củng cố, phát huy trong công tác đối ngoại nhằm thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của hoạt động đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, củng cố sự tin cậy với các đối tác, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.

4. Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trong đó, có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, tầm nhìn đến 2030 - năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011 làm cơ sở cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh hoặc ban hành Cương lĩnh mới.

5. Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kế hoạch tổng kết một cách toàn diện, sâu sắc 40 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011.

 

PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.33/16-20 )

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết