Thứ Sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024

Kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng trưởng xanh và giá trị tham khảo đối với một số địa phương của Việt Nam[1]*

Ngày phát hành: 29/05/2024 Lượt xem 3508


 

Tóm tắt: Nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, Nhật Bản và các địa phương đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển ngành công nghiệp chủ chốt dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở phân tích một số kinh nghiệm chung của Nhật Bản và tỉnh Yamaguchi, bài viết rút ra một số giá trị tham khảo đối với một số địa phương ở Việt Nam, nhất là các địa phương có công nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển ở Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nhằm hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 

1. Kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng trưởng xanh, phát triển ngành công nghiệp chủ chốt dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

 

Một số kinh nghiệm chung của Nhật Bản

 

Trong bối cảnh thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nhật Bản đẩy mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon. Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2013 và giảm tổng lượng khí nhà kính xuống bằng không vào năm 20502. Nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên, Nhật Bản xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh là một “cơ hội tăng trưởng”, không phải là một hạn chế, trở ngại về chi phí đối với phát triển kinh tế. Tăng trưởng xanh của Nhật Bản dựa trên sự dẫn dắt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới trong toàn xã hội và hoạt động quản lý. Tăng trưởng xanh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, khí CO2 đơn thuần, giúp đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà còn mang lại những lợi ích bền vững cho người dân. Việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện ổn định theo từng bước, từng giai đoạn của phát triển công nghệ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Nhật Bản.

 

Nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Nhật Bản lựa chọn, tập trung phát triển 14 lĩnh vực chủ chốt dự kiến có tiềm năng phát triển đến năm 2025, bao gồm: Điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện địa nhiệt; hydro và nhiên liệu Ammonia; công nghệ năng lượng nhiệt mới; điện hạt nhân; xe điện -pin lưu trữ;  bán dẫn - công nghệ  thông tin; hàng hải; vận tải hàng hóa, hành khách, hạ tầng giao thông; thực phẩm, nông lâm thủy sản; hàng không; tái chế vật liệu, carbon; nhà ở, công trình, giải pháp quản lý điện; tái chế tài nguyên; lĩnh vực đời sống.  Ước tính hiệu quả kinh tế của những ngành nêu trên vào năm 2050 sẽ vào khoảng 290 nghìn tỷ yên và góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 18 triệu người2.

 

Kinh nghiệm của tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản

 

Trên cơ sở các mục tiêu chung của quốc gia, nhiều địa phương của Nhật Bản đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon phù hợp với điều kiện đặc thù từng nơi, trong đó có tỉnh Yamaguchi - địa phương tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp phát thải lượng khí nhà kính lớn.

 

Tỉnh Yamaguchi nằm trên đảo Shikoku, có diện tích 6.110 km2, dân số khoảng 1,5 triệu người3. Tỉnh Yamaguchi có nhiều khu phức hợp công nghiệp với nhiều công ty, nhà máy có liên quan chặt chẽ về công nghệ và quy trình sản xuất. Tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp xi măng, hóa chất, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo và các ngành sản xuất phụ tùng xe ô tô. Yamaguchi cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Do tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi măng, hóa chất, nên tỉnh có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Năm 2019, tổng lượng phát thải của tỉnh khoảng 40,45 triệu tấn CO2, trong đó lĩnh vực công nghiệp (các ngành sản xuất công nghiệp, nông lâm thủy sản, khai khoáng, xây dựng…) chiếm 70,6%; lĩnh vực dân sự (hộ gia đình, giao thông vận tải, thương mai, dịch vụ...) chiếm 29,45%4.

 

Yamaguchi đã đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon với lộ trình phù hợp điều kiện của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu giảm 35,1% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2013 và giảm tổng lượng khí nhà kính xuống bằng không vào năm 20505. Mục tiêu của tỉnh thấp hơn mục tiêu chung của Nhật Bản do căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh là có nhiều ngành công nghiệp phát thải khí nhà kính và nhằm tạo đồng thuận, xây dựng lộ trình từng bước giảm phát thải khí nhà kính.

 

Về chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh Yamaguchi

 

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tỉnh Yamaguchi đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh với 5 nội dung cơ bản: 1) Chuyển đổi cơ cấu cung cầu năng lượng; 2) Đẩy mạnh đổi mới và tạo ra các ngành công nghiệp tăng trưởng; 3) Tích cực chuyển đổi kinh doanh/phát triển kinh doanh mới; 4) Hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức tài chính công; 5) Đẩy mạnh kết hợp với chính sách của Trung ương.

 

Trong chiến lược tăng trưởng xanh, tỉnh Yamaguchi đưa ra một số biện pháp chủ yếu đề trung hòa carbon của tỉnh, cụ thể:

 

Một là, liên kết, gắn kết các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong khu phức hợp công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, nguồn phát thải của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp, đơn vị khác trong khu phức hợp công nghiệp. Các mô hình cụ thể được thực hiện là: Khí thải CO2 được sử dụng làm nguyên liệu thô cho sản phẩm khác. Các nhà máy xi măng là nguồn hấp thu CO2. Nhiên liệu tổng hợp lỏng và khí methane tổng hợp được tạo ra từ quá trình tái chế carbon sẽ là đầu vào cung cấp đến nơi sử dụng bằng đường ống dẫn gas của tỉnh.

 

Hai là, phát triển công nghệ sản xuất và xử lý hydro, amoniac và sử dụng hidro, amoniac thay thế một phần cho nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy. Khí hydro được sử dụng đồng đốt trong nhà máy điện khí hoặc được sử dụng cho sản xuất sắt khử hydro, sử dụng làm nguyên liệu trong quá trình sản xuất hợp chất hóa học cơ bản như là khí methane. Khí amoniac được sử dụng đồng đốt với than trong nhà máy nhiệt điện chạy than và ứng dụng trong lĩnh vực vận tải hàng hải đường dài.

 

Ba là, thúc đẩy xây dựng nhà máy điện sinh khối nhằm tận dụng nguồn cung nhiên liệu sinh khối (biomass) tại địa phương. Ngoài ra, nguồn nhiên liệu sinh khối (viên nén, vỏ cọ…) cũng được nhập khẩu từ các nước như: Việt Nam, Malaysia, Canada... và từ dự án sản xuất nhiên liệu gỗ sinh khối tận dụng nguồn gỗ từ rừng đô thị của thành phố Shunan. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và một số doanh nghiệp khác tiến hành trồng những cây sinh trưởng nhanh trên khu đất được phép khai thác gỗ trong khu vực rừng đô thị của tỉnh Yamaguchi.

 

Để thực hiện chiến lược trung hòa carbon, tỉnh Yamaguchi đưa ra 5 dự án  để thực hiện chiến lược: 1) Phát triển các khu công nghiệp carbon thấp, sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch; 2) Phát triển giao thông xanh, chuyển đổi sang sử dụng xe điện, giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất; 3) Thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp, ngành năng lượng ít phát thải và gây ô nhiễm môi trường và năng lượng như sử dụng khí hydro, amoniac; 4) Nâng cao nhận thức về khí nhà kính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào sử dụng các thiết bị giảm phát thải...; 5) Giảm phát thải trong lĩnh vực nông lâm, thủy hải sản, tăng lượng hấp thu CO2 của rừng và quần thể tảo.

 

Nhằm thực hiện chiến lược trung hòa carbon thành công, tỉnh luôn quan tâm đến việc xây dựng các chính sách, quy định và bảo đảm các điều kiện thực hiện chiến lược. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ trung hòa carbon như: Chính sách xây dựng và tăng cường cơ chế hợp tác khu vực nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, kêu gọi các bên liên quan chia sẻ thông tin, hỗ trợ, tăng cường hợp tác… trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon; chính sách điều phối, thúc đẩy hình thành các dự án hợp tác trung hòa carbon; quán triệt, thu thập và cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ của Trung ương; chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án hợp tác thông qua hình thức tỉnh trực tiếp hoặc đề nghị Chính phủ Trung ương hỗ trợ; chính sách hỗ trợ về mặt quy chế, quy định, đề xuất lên Chính phủ xem xét, điều chỉnh lại các quy định hiện có nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh của tỉnh liên quan đến trung hòa carbon; chính sách khuyến khích, thúc đẩy cung cấp nguyên, nhiên liệu ngay tại địa phương, hợp tác với các thành phố khác về cung cấp sinh khối và chất thải..; chính sách chuyển đổi, tăng cường chức năng cảng biển hướng đến trung hòa carbon, hoạch định kế hoạch thực hiện khử carbon cảng biển...

 

Nhằm tổ chức thực hiện chiến lược, về quản lý, tỉnh Yamaguchi thành lập Hội đồng Trung hòa carbon của tỉnh do Thống đốc làm chủ tịch, thành viên là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc khu phức hợp công nghiệp. Hội đồng định kỳ tổ chức hội nghị, tọa đàm chia sẻ các định hướng, giải pháp, phương án giải quyết và các vấn đề liên liên quan. Về nhân lực, công nghệ, tỉnh đẩy mạnh thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao, nhất là trong khối tư nhân và thúc đẩy nghiên cứu phát triển và triển khai dự án liên quan đến phát triển công nghệ. Tại Trung tâm Công nghệ công nghiệp tỉnh, Yamaguchi đã thành lập Trung tâm Khuyến khích Đổi mới nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, triển khai dự án kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh thông qua việc khai thác các “hạt giống” công nghệ và kết hợp giữa các doanh nghiệp, viện, trường và tổ chức công. Ngoài ra, tỉnh tổ chức Nhóm Thúc đẩy môi trường và năng lượng trong Trung tâm Công nghệ công nghiệp tỉnh nhằm thiết lập các dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến khí hydro và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh cải thiện công nghệ liên quan đến khí hydro. Về tài chính, tỉnh cũng hình thành Quỹ Xây dựng xã hội không phát thải. Tỉnh đã dành riêng nguồn vốn ngân sách trung dài hạn trị giá 6 tỷ yên cho Quỹ Xây dựng xã hội không phát thải và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển độc lập của tỉnh Yamaguchi nhằm hỗ trợ phát triển các công nghệ liên quan đến trung hòa carbon. Về thị trường, tỉnh cùng với các doanh nghiệp trong địa phương tham gia hội chợ về công nghệ, nhằm trưng bày, tìm hiểu, hợp tác phát triển các công nghệ phục vụ cho trung hòa carbon.

 

Như vậy, tỉnh Yamaguchi có quyết tâm chính trị cao trong huy động sự tham gia các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, nhất là các lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chiến lược trung hòa carbon. Để đẩy mạnh trung hòa carbon, tỉnh đã tăng cường liên kết, sắp xếp, chuyển dịch nhu cầu năng lượng theo mô hình tuần hoàn; tận dụng, tái sử dụng khí phát thải; giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh khối; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xử lý khí phát thải, chuyển đổi khí phát thải thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.

Về định hướng phát triển ngành công nghiệp chủ chốt dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon của tỉnh Yamaguchi

 

Nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, phát huy lợi thế của tỉnh và đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới. Tỉnh Yamaguchi xác định, trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, cần tập trung thu hút, phát triển công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ trên địa bàn tỉnh vì đây là 2 ngành có tiềm năng phát triển, ít gây ô nhiễm, phát thải khí nhà kinh và có tốc độ tăng trưởng cao5 bởi nhu cầu sử dụng xe điện và trí tuệ nhân tạo. Nhằm phát triển những ngành này, tỉnh Yamaguchi đã thành lập Hội đồng Mạng lưới ngành công nghiệp pin lưu trữ và chất bán dẫn tỉnh để điều phối, gắn kết, định hướng phát triển. Chủ tịch Hội đồng là Thống đốc tỉnh Yamaguchi; Ban Thư ký là Phòng Chính sách công nghiệp tỉnh; thành viên của Hội đồng là các công ty (nhà sản xuất), các viên nghiên cứu và trường đại học, các tổ chức công (đơn vị hành chính, tổ chức hỗ trợ công nghiệp). Các hoạt động chính của Hội đồng là thu hút, xúc tiến đầu tư; phát triển, thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường; chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chia sẻ thông tin…

 

Tỉnh Yamaguchi đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ, điển hình như:

 

Một là, chính sách hỗ trợ thành lập cơ sở, doanh nghiệp mới và mở rộng đầu tư, như: Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng lao động... Chi phí hỗ trợ xây dựng mới nhà máy, bảo trì các cơ sở vật chất liên tới 3 tỷ yên. Hỗ trợ thu hút lao động, khuyến khích việc làm liên tới 1 triệu yên/người. Ngoài ra, đối với lao động trẻ chuyển đến được hỗ trợ thêm 300.000 yên và lao động nữ chuyển đến được hỗ trợ thêm 600.000 yên6.

 

Hai là, chính sách hỗ trợ đối với nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa. Nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ, tỉnh Yamaguchi thực hiện mức hỗ trợ cho dự án của một nhóm hay cộng đồng nghiên cứu (từ 2 hoặc nhiều bên, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh) 2/3 tổng chi phí, mức tối đa là 30 triệu yên (trường hợp đặc biệt là 100 triệu yên), thời gian hỗ trợ dự án là 1 năm (tối đa 3 năm cho trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tỉnh thực hiện hỗ trợ cho nhu cầu nghiên cứu, phát triển vật liệu bộ phận của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh là 2/3 tổng chi phí, mức trợ cấp tối đa là 5 triệu yên và thời gian hỗ trợ dự án là 1 năm7.

 

Ba là, tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài có thế mạnh về công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ như Đài Loan. Tỉnh đã tổ chức các chuyến tham quan công ty, các hội nghị kinh doanh ở Nhật Bản và Đài Loan; đẩy mạnh quảng bá thông tin về các doanh nghiệp liên quan trong tỉnh để mở rộng hợp tác với nước ngoài.

 

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ thông qua liên kết giữa các công ty, các viện nghiên cứu, trường đại học học và các tổ chức công. Tỉnh thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp và khả năng đáp ứng nhân lực của các tổ chức giáo dục bậc sau trung học phổ thông nhằm đưa ra các biện pháp bảo đảm và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Tỉnh đánh giá thực trạng các hoạt động và vấn đề mà các công ty và tổ chức giáo dục bậc sau trung học phổ thông phải đối mặt để đưa ra biện pháp giải quyết; đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các công ty, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức công nhằm bảo đảm nguồn nhân lực công nghiệp cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng chú trọng tổ chức các buổi hội thảo để tăng cường thu hút sự quan tâm của sinh viên đối với ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ và tổ chức các hội nghị đánh giá nhằm bảo đảm và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành này.

 

2. Một số giá trị tham khảo cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng đã tích cực và có cam kết quốc tế để thực hiện việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu như: Phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “không” vào năm 2050 tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) ở Scotland (tháng 11-2021). Đây là những mức cam kết cắt giảm cao so với điều kiện thực tế của Việt Nam, thể hiện trách nhiệm tích cực của nước ta trong việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được mục tiêu như đã cam kết, các địa phương ở Việt Nam, nhất là các địa phương có công nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển với nhiều điểm tương đồng với tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cần quan tâm tham khảo mô hình, kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng trưởng xanh; phát triển ngành công nghiệp chủ chốt dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể:

 

Thứ nhất, các địa phương cần xây dựng chiến lược trung hòa carbon, chiến lược phát triển công nghiệp chủ chốt của địa phương với quyết tâm chính trị cao, bài bản, có lộ trình phù hợp. Thành lập hội đồng thực hiện chiến lược trung hòa carbon, chiến lược phát triển công nghiệp chủ chốt trong đó chủ tịch hội đồng là đồng chí đại diện lãnh đạo địa phương, thành viên hội đồng là đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan. Hội đồng có chức năng, nhiệm vụ thường xuyên sâu sát, thảo luận, trao đổi, xây dựng kế hoạch, chính sách, giải quyết khó khăn, vướng mắc về trung hòa carbon, phát triển công nghiệp chủ chốt của địa phương.

 

Thứ hai, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để chuyển đổi, phát triển địa phương theo mô hình thành phố công nghiệp, thành phố xanh, thành phố thông minh; phát triển các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp của địa phương theo mô hình khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh việc xanh hóa nền kinh tế của địa phương. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới có tiềm năng trên địa bàn.

 

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ. Đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế của địa phương. Xây dựng trung tâm công nghiệp hiện đại, chuyển đổi sang mô hình cộng sinh để đạt tiêu chuẩn nền kinh tế carbon thấp, công nghiệp sinh thái của địa phương.

 

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa phương. Chú trọng tháo gỡ những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các chính sách liên quan nhằm thu hút đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương.

 

Thứ năm, tỉnh Yamaguchi mặc dù là tỉnh có tiềm lực công nghệ lớn, nhiều kinh nghiệm phát triển, nhưng rất cởi mở, quan tâm đến hợp tác với Đài Loan nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, pin lưu trữ nhằm tiếp thu công nghệ, mở rộng thị trường. Tỉnh Yamaguchi đã ký kết, hợp tác về phát triển công nghệ với Đài Loan, ký kết hợp tác với Viện Nghiên cứu công nghệ, công nghiệp Đài Loan8. Do vậy, kinh nghiệm tham khảo với các địa phương ở Việt Nam thời gian tới là cần tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh việc hợp tác, kết nối quốc tế nhằm tăng cường trao đổi, học hỏi, tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, nhất là với những địa phương có điểm tương đồng. Kết hợp các cấp độ hợp tác, trong đó chú trọng kết hợp, bổ trợ, liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp trong hợp tác, làm việc với các đối tác nước ngoài.

 

Thứ sáu, các địa phương cần quan tâm, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ chốt, tiên tiến, những ngành về xanh hóa nền kinh tế, giàm khí phát thải, giảm ô nhiễm môi trường và gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Công nghiệp bán dẫn, pin lưu trữ…; thúc đẩy khoa học công nghệ trở thành nhân tố dẫn dắt và có đóng góp thực sự hiệu quả vào tăng trưởng của nền kinh tế. Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao. Đẩy mạnh việc kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp của địa phương nhằm phát triển nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với viện, cơ quan nghiên cứu phát triển công nghệ trên thế giới nhằm tạo sức hút, tiếp thu, chuyển giao công nghệ cao, hiện đại cho địa phương.

 

Thứ bảy, xây dựng quy hoạch phát triển và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp then chốt của địa phương. Xây dựng cơ chế đãi ngộ thích đáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt của địa phương. Hình thành các trung tâm, nhóm khoa học công nghệ mạnh để có thể giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực phát công nghiệp của địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng cán cán bộ chuyên sâu, cán bộ quản lý nhà nước am hiểu về phát triển công nghiệp then chốt./.

 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Chú thích:

1   Tuyên bố trung hòa carbon của cựu Thủ tướng Suga ngày 26-10-2023. Xem: Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Những thách thức của ngành công nghiệp hướng tới trung hòa carbon” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

2 Xem: Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Những thách thức của ngành công nghiệp hướng tới trung hòa carbon” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

3 Xem: Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Nhật Bản từ ngày 26-3-2024 đến ngày 02-4-2024 của Hội đồng Lý luận Trung ương.

4 Xem: Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Những thách thức của ngành công nghiệp hướng tới trung hòa carbon” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

5 Xem: Tuyên bố trung hòa carbon của Thống đốc Muraoka ngày 2-12-2022 trong Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Những thách thức của ngành công nghiệp hướng tới trung hòa carbon” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

  6 Xem: Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

7 Xem: Báo cáo của Tỉnh Yamaguchi về “Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và pin lưu trữ” tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 28-3-2024.

8 Là cơ sở phát triển công nghệ hàng đầu của Đài Loan.

 

 

 

 

 



[1]* Bài báo là kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Nhật Bản trong khuôn khổ Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết