Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Một số kinh nghiệm của New Zealand về phòng, chống tham nhũng; phát triển kinh tế biển; quản lý, phát triển văn hóa, xã hội

Ngày phát hành: 27/08/2018 Lượt xem 6265

 

 

Đoàn công tác làm việc với Bộ Nông nghiệp New Zealand về vấn đề quản lý, đánh bắt hải sản

                                                                                                                                                   Ảnh: PV


1. Tổ chức thực thi phòng, chống tham nhũng
Theo Ủy ban Công vụ New Zealand (the State Services Commission - SSC),  kinh nghiệm, chính sách của New Zealand trong tổ chức phòng ngừa tham nhũng được thể hiện nổi bật ở một số khía cạnh sau:
- Có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng
SSC là cơ quan trực thuộc Chính phủ, (cơ quan này có hơn 100 người, Chủ tịch Ủy ban là thành viên nội các), có các chức năng : xem xét lại thiết kế, cách thức quản lý, cấu trúc của hệ thống; bổ nhiệm người lãnh đạo điều hành ở các cơ quan công vụ; xem xét, rà soát lại việc thực thi nhiệm vụ của người lãnh đạo điều hành được bổ nhiệm và các bộ phận trực thuộc; thúc đẩy sự phát triển khả năng quản lý, năng lực, năng suất và trách nhiệm của người lãnh đạo; đề ra những tiêu chuẩn cao về sự liêm chính và tư cách đạo đức.  
SSC đã xây dựng và ban hành Bộ luật về liêm chính và tư cách đạo đức, được công bố trong Đạo luật khu vực công năm 1988 (the State Sector Act 1988), quy định các công chức trong các cơ quan công vụ phải công bằng, vô tư, có trách nhiệm và đáng tin cậy.
Các cơ quan công vụ được tạo nên bởi nhiều tổ chức với quyền lực để tiến hành, giải quyết những công việc của Chính phủ đã được bầu cử một cách dân chủ. Dù làm việc trong một bộ phận trực thuộc hay trong cơ quan tối cao, các công chức phải hành động với một tinh thần phục vụ vì cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sự liêm chính và tư cách đạo đức trong mọi việc. Một phần của sự tuân thủ bộ luật này là các tổ chức phải duy trì các chính sách và thủ tục đã được quy định trong đó.  
  Các công chức phải tuân theo các tiêu chuẩn của liêm chính và tư cách đạo đức được đặt ra trong bộ luật này. Đó là : 
+ Về công bằng, các công chức phải : đối xử tôn trọng với tất cả mọi người như nhau; chuyên nghiệp và đáp ứng kịp thời; làm việc để sự phục vụ của Nhà nước trở nên dễ tiếp cận và có hiệu quả; phấn đấu để tạo nên sự khác biệt cho hạnh phúc của đất nước, của nhân dân.
+ Về vô tư, các công chức phải : duy trì quan điểm chính trị trung lập cần có để làm việc vì chính quyền hiện tại và tương lai; thực hiện các chức năng của tổ chức, không bị ảnh hưởng bởi quan niệm cá nhân để cung cấp các dịch vụ, xử lý công việc, đưa ra các lời khuyên có căn cứ, chính xác; tôn trọng quyền lực của Chính phủ đương nhiệm.
+ Về trách nhiệm, các công chức phải : hành động theo luật và mang tính khách quan; sử dụng các nguồn lực của tổ chức một cách cẩn thận và chỉ dùng cho mục đích có chủ định; xử lý thông tin cẩn thận và chỉ dùng cho những mục đích chính đáng; làm việc để nâng cao hiệu suất và hiệu quả của tổ chức.
+ Về đáng tin cậy, các công chức phải : trung thực; làm việc hết sức có thể; chắc chắn rằng hành động không bị ảnh hưởng bởi ý kiến cá nhân hoặc các mối quan hệ; không bao giờ lạm dụng chức quyền vì tư lợi; khước từ những quà cáp hay lợi ích đặt vào thế bắt buộc hay bị động; tránh tất cả các hoạt động, làm việc hay không phải làm việc, có thể gây nguy hại tới danh tiếng của tổ chức, của các cơ quan công vụ.
SSC đặc biệt nhấn mạnh tính trung thực của công chức, coi tính trung thực là yêu cầu hàng đầu của người công chức.
- Việc bổ nhiệm công chức nói chung ở các cơ quan công vụ được phân quyền cho các bộ; ở địa phương do Hội đồng địa phương lựa chọn, bổ nhiệm.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm người lãnh đạo điều hành ở các bộ thuộc Chính phủ (Thứ trưởng chuyên trách, Tổng Thư ký ở các bộ, ngành) do SSC là cơ quan điều phối. SSC có trách nhiệm mời hội đồng thẩm định và thi tuyển, đăng tuyển công khai nhân sự trên các trang mạng và phỏng vấn trực tiếp người dự thi tuyển (như các công ty tư nhân tuyển chọn nhân sự). Sau thi tuyển, nhân sự được lựa chọn sẽ có cuộc gặp với bộ trưởng (người của Đảng cầm quyền, các quan chức chính trị) trước khi SSC ra quyết định bổ nhiệm. Mặc dù ít xảy ra, nhưng đã có trường hợp bộ trưởng từ chối việc bổ nhiệm nhân sự đã qua thi tuyển và được SSC lựa chọn.
Việc tuyển chọn lãnh đạo các cục, vụ, phòng, ban, đơn vị trong các bộ, ngành, cơ quan quản lý ở địa phương đều được thực hiện qua thi tuyển. Khi cần tuyển một vị trí lãnh đạo, bộ, ngành, địa phương công khai tiêu chuẩn ở chức danh đó để mọi người đăng ký tham gia. Tiêu chuẩn của chức danh, cách thức tổ chức thi tuyển công bố công khai, theo quy định của SSC. Mọi người, ở trong hoặc ngoài cơ quan, công chức hay chưa phải là công chức, đủ điều kiện đều có thể đăng ký tham gia.
- Tổ chức và thực thi tốt mô hình chính phủ điện tử
Qua buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G) cho thấy nền hành chính và thủ tục hành chính của đất nước này không rườm rà, rất đơn giản và cởi mở : từ việc thành lập doanh nghiệp, nộp thuế; quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước đều thông qua việc sử dụng mạng thông tin, máy móc tự động, giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với công chức; thanh toán trên mạng, nộp hồ sơ, thủ tục khai báo trên mạng,… với quy trình công khai, minh bạch và rõ ràng. Quy định thời gian các cơ quan quản lý phải có trả lời về kết quả xử lý yêu cầu của công dân, doanh nghiệp. Ở New Zealand, mô hình chính phủ điện tử, chính phủ số được triển khai rộng rãi và được coi là giải pháp quản lý quốc gia tốt nhất để ngăn ngừa các căn bệnh cố hữu của công quyền như quan liêu, trì trệ, thiếu trách nhiệm, lãng phí và tham nhũng. Trong nhiều năm qua New Zealand được Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá là có mức độ công khai, minh bạch và ít tham nhũng nhất trên thế giới.
Theo đại diện G2G, chính phủ điện tử là hình mẫu của một chính quyền gần dân, thân dân và thật sự phục vụ nhân dân; là giải pháp quản lý quốc gia nhanh nhất, kịp thời nhất, tiết kiệm nhất và đặc biệt góp phần quan trọng vào phòng, chống tệ nạn tham nhũng một cách hữu hiệu nhất. Ngày nay, rất nhiều quốc gia đang đi theo mô hình này trong tổ chức xây dựng chính quyền nhà nước ở tất cả các cấp. New Zealand là một những quốc gia đã đạt được nhiều thành công trong triển khai vận hành mô hình chính phủ điện tử.
2. Phát triển kinh tế biển 
Tại buổi làm việc với Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand (MPI) về hệ thống quản lý nghề cá, về nuôi trồng và phát triển nuôi trồng hải sản, về chính sách quản lý và hỗ trợ nghề cá, nuôi trồng hải sản, các đại diện của Bộ cho biết : 
New Zealand là quốc đảo, 4 phía đều là biển, theo Luật biển của Liên hợp quốc, New Zealand có hơn 4 triệu km2 vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền nhưng không có tranh chấp với quốc gia láng giềng nào. Biển xung quanh New Zealand đều là biển nước sâu, vùng nước lạnh nên nguồn lợi thủy sản không phong phú, đa dạng như các vùng biển nông, biển nhiệt đới, có các dòng hải lưu nóng đi qua. Tuy không có tranh chấp về chủ quyền, nhưng gần đây cũng có một số tàu, thuyền nước ngoài vào đánh bắt cá ở vùng biển của New Zealand.
Đánh bắt cá là ngành kinh tế lớn của New Zealand, tuy nhiên, New Zealand không chỉ quan tâm tới đánh bắt, khai thác, mà rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn tài nguyên cá và hải sản.
- Về tổ chức, quản lý, New Zealand đang có chính sách mới với ngành thủy sản và thành lập mới Vụ Thủy sản (là cơ quan quản lý nhà nước và đề ra các chính sách phát triển thủy sản nói chung, nghề cá nói riêng). 
- Về nghề cá, hiện nay phương thức đánh cá đang là vấn đề nóng và được sự quan tâm của cả xã hội, đó là đánh cá an toàn và giám sát việc đánh cá (bằng camera).
+ New Zealand đã thiết lập Chương trình quản lý đánh cá bằng hạn ngạch, với biện pháp kiểm soát, giới hạn lượng tầu đánh cá và những khu vực có thể đánh cá được. Chương trình này quy định : hạn chế việc đánh cá gần bờ, kiểm soát đánh cá ở vùng nước sâu (cách bờ 12 hải lý), áp dụng hạn chế lượng người đánh cá và quy định người đánh cá phải có chứng chỉ đánh cá; chia ra các vùng đánh cá, từng vùng có loại cá nào, cá nào được đánh bắt; người dân được quyền lựa chọn vùng đánh cá tốt nhất. Quy định của Chương trình có chuẩn chung để người dân tuân theo và Chương trình được thực hiện thông qua việc tuyên truyền, đào tạo cho người dân.
 + Từ năm 1986, New Zealand ban hành Hệ thống quản lý hạn ngạch (Quota Management System - QMS) với 20 loài cá; quy định người dân được trao đổi, mua bán quota và Nhà nước được mua lại hoặc bán thêm quota cho người dân. Việc đánh cá phải nộp thuế tài nguyên và hiện nay được chuyển thành phí tái tạo tài nguyên. Người dân tộc Maori đánh cá được quy định bàng điều luật riêng, với những ưu đãi hơn.
+ Vào năm 1996, New Zealand có luật đánh cá mới với những chuẩn mực mới, như là quy định về thời gian được phép đánh cá, về bảo vệ môi trường, về báo cáo thông tin tình hình đánh cá,...
+ Đến năm 1999, luật đánh cá của New Zealand quy định giới hạn lượng cá đánh bắt tối đa hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mua bán quota đánh cá giữa những người dân; mua quota theo tháng hoặc trong thời gian nhất định; tổng số lượng cá được đánh bắt là 97 loài.  
+ Theo Bạn, qua 30 năm quản lý việc đánh bắt cá, New Zealand đã kiểm soát được loài cá đánh bắt; việc thay đổi quota hay việc mua bán quota đã thay đổi mục đích đánh bắt cá; quản lý được loài cá bị đánh bắt quá mức; kiểm soát được cả số lượng và chất lượng cá đánh bắt.
+ Hiện nay, New Zealand có 3 cơ chế quản lý : (1) quản lý mở với việc người dân có chứng chỉ đánh bắt cá được tự do đánh bắt loài cá có giá trị thấp (nhưng khi có vấn đề sẽ chuyển sang quản lý bằng quota). (2) quản lý bằng quota - QMS; quản lý đặc biệt (riêng biệt cho từng loài cá). Với các cơ chế quản lý này, việc điều chỉnh đánh bắt cá không làm ảnh hưởng đến các loài khác như cá voi, chim hải âu,... (3) Ngoài ra, New Zealand có quy định : sử dụng biện pháp mạnh như đóng cửa những vùng đánh cá mà ở đó có loài cá bị đánh bắt có nguy cơ tuyệt chủng; có chế tài với cả người đánh cá, người mua bán cá và họ phải có báo cáo về việc đánh cá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trọng lượng, kích cỡ cá được đánh bắt và cá phải thả về biển, lắp camera trên các tàu đánh cá,…  
- Về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, đây là ngành có thế mạnh của New Zealand với 2 cấp độ quản lý nhà nước (Trung ương ban hành luật chung, địa phương ban hành luật riêng) để bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững. Hiện nay, New Zealand nuôi 3 loại thủy sản chính là vẹm xanh, cá hồi và hàu. 
Việc nuôi trồng thủy sản xa bờ (đại dương) được Chính phủ quan tâm, áp dụng khoa học công nghệ cao, lai tạo, chọn giống, có chương trình khoa học, kỹ thuật phòng chống biến đổi khí hậu (nước ấm lên, ngày dài hơn,…)
New Zealand đề ra mục tiêu đạt được giá trị 1 tỷ USD vào năm 2025, với 90% sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài (trong đó có nhập một số mặt hàng từ nước ngoài để phục vụ xuất khẩu) và rất coi trọng giá trị gia tăng trong xuất khẩu và chế biến thủy sản an toàn.
- Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ và phát triển ngành thủy sản : ngoài việc đề ra các chính sách, ban hành các quy định để quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước New Zealand đã đề ra 14 chương trình cùng 900 dự án với nguồn quỹ từ Chính phủ và các tổ chức khác hỗ trợ cho ngư dân, các doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch và chế biến thủy sản có được công nghệ đánh cá, nuôi trồng thủy sản mới, tiếp cận được thông tin chọn giống, sản xuất giống mới, chọn biện pháp bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường,…
- Một số nguy cơ, thách thức hiện nay đối với phát triển nghề cá, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường biển: môi trường biển còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đến từ ngành khai thác dầu khí, chất độc, chất thải từ đất liền, từ tàu thuyền; biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp; việc sử dụng các chất cấm trong nuôi trồng, bảo quản hàng thủy sản xuất khẩu; vẫn còn có ý kiến khác nhau của cộng đồng người dân về các chính sách, quy định của cơ quan quản lý nhà nước;… 
+ Về quản lý vùng biển đánh cá, các tàu nước ngoài vào khai thác phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. 
+ Diện tích New Zealand chỉ có 25% là đất liền, 75% là biển, do vậy diện tích phòng vệ bờ biển là rất lớn. Để phát triển kinh tế biển, bảo đảm cho các tuyến đường tự do vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đối với New Zealand, an toàn, an ninh hàng hải là rất quan trọng. Theo đại diện của G2G (là chuyên gia thuộc trường Đại học Victoria do G2G mời đến), New Zealand hiện đang gặp phải 3 thách thức lớn đối với an ninh hàng hải: Thách thức về môi trường; Thách thức về tội phạm xuyên quốc gia; Thách thức về địa chính trị.
3. Quản lý, phát triển văn hóa, xã hội
Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G) cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, New Zealand không có người nghèo đói, mọi người đều có nhà ở, có tiện nghi sinh hoạt và việc làm đầy đủ. 
Người Maori là người dân bản địa ở New Zealand trước khi có người Anh, người Hà Lan ở phương Tây đến đây định cư. Hiện nay, người Maori là thiểu số trong dân cư nhưng được hưởng nhiều ưu đãi về chính trị, kinh tế, văn hóa. Ngoài những người tham gia ứng cử được bầu theo chế độ chung, người Maori được quy định có 7 ghế trong Quốc hội do người Maori tự lựa chọn; được ưu tiên trong hạn ngạch đánh bắt cá, có kênh truyền hình riêng trên toàn quốc…
Trong vài năm qua, New Zealand có cuộc khủng hoảng bất động sản, khiến nhiều người dân không mua nổi nhà. Do lãi suất thấp, nguồn cung hạn chế và đặc biệt là lượng người nhập cư cao đã làm giá nhà tăng mạnh. Cuối năm 2017, New Zealand siết chặt quy định nhập cư với việc tuyên bố thắt chặt việc tiếp cận với thị thực lao động có tay nghề. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ áp dụng cho những người không định cư ở New Zealand./.


P.V


(Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Đoàn cán bộ Chương trình KX.04/16-20, Hội đồng Lý luận Trung ương tại New Zealand)


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết