Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay

Ngày phát hành: 06/09/2018 Lượt xem 4175

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, là chân lý, có giá trị vượt thời đại, có sức sống mãnh liệt. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống tư tưởng ở tầm đỉnh cao lý luận, vì nó không chỉ dừng lại ở việc mô tả hiện tượng của chủ nghĩa tư bản, mà còn phát hiện ra những quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản nói riêng và của sự phát triển xã hội loài người nói chung. Chính vì vậy, so với thời của C.Mác hơn một thế kỷ trước, mặc dù điều kiện lịch sử, bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề căn bản mà ngày nay chúng ta phải đối mặt đã thay đổi, song điều đó hoàn toàn không làm lay chuyển sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; là ngọn cờ tư tưởng và kim chỉ Nam dẫn dắt sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán chủ trương, kiên định, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản.

1. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận không khoan nhượng

Tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh ngay từ khi xuất hiện đã bị các thế lực thù địch và phản động không ngừng xuyên tạc, phê phán, bác bỏ và chống phá quyết liệt. Trên phạm vi thế giới chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất. Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều nhà cách mạng, nhiều nhà tư tưởng, song cũng chỉ có Hồ Chí Minh phê phán trực tiếp và đúng bản chất chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng như các lực lượng thù địch với dân tộc Việt Nam. Sự vạch trần và phê phán đến tận cốt tuỷ này đã khiến chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn thù hận và tìm mọi thủ đoạn chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các thế lực thù địch dùng trăm phương nghìn kế để bôi nhọ, phủ định sạch trơn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng tuyên truyền rằng tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen cách ngày nay 150 năm, của V.I.Lênin cách ngày nay 100 năm, thời gian đã quá xa, những tư tưởng này không còn phù hợp để lý giải một xã hội phát triển như hiện nay. Hơn nữa, họ còn cho rằng cả C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đều xuất phát từ bối cảnh lịch sử của phương Tây, vì vậy không thể hiểu và không thể giải quyết vấn đề của phương Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Lập luận này sai về cả lôgíc lẫn lịch sử. Thực tiễn cho thấy, không phải cứ thời gian càng trôi xa thì học thuyết, tư tưởng càng mất đi giá trị. Có những học thuyết, tư tưởng càng qua thời gian thì càng khẳng định giá trị của mình. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn mang đặc trưng tích luỹ chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ, chính vì vậy mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị.

Thứ hai, tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh với hai thái cực khác nhau, một là, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại tư tưởng của C.Mác, PhĂnghen, V.I.Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng không trở thành một hệ thống; hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng cả hai quan niệm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam, Người đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng truyền thống dân tộc và các giá trị tinh hoa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh không phải là những luận điểm sáo rỗng, giáo điều mà đã chuyển hoá thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo thành công của cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, phủ nhận tính hợp pháp và tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã hết vai trò lịch sử, Đảng cầm quyền là không chính đáng vì không được bầu lên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số nước Đông Âu,... Chúng cố tình quên đi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành chính quyền từ tay ngoại xâm để xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, tự chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn cả trong xây dựng đất nước. Thành tựu của đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao… là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Đảng là đại diện cho ý nguyện và lợi ích của nhân dân. Nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta.

Thứ tư, phủ nhận mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; cho rằng tất yếu phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Những luận điệu của họ bắt nguồn từ việc vô tình hoặc cố ý lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất, giữa tính đặc thù với tính phổ biến, giữa cái riêng với cái chung. Họ đã rêu rao tư bản chủ nghĩa là con đường duy nhất để phát triển, cố tình biến những khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản thành ưu điểm, thần thành hoá chủ nghĩa tư bản; khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, quy kết thành bản chất của chủ nghĩa xã hội .

2. Những vấn đề mới đặt ra hiện nay đối với việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh phức tạp, vừa có thuận lợi, vừa không ít khó khăn.

Về thuận lợi:

Một là, tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã thể hiện rõ nét những thành tựu đổi mới, nâng cao đáng kể chất lượng đời sống nhân dân. Những thành quả của tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội đã khẳng định đường lối xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn. Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại đã cho thấy, không có con đường nào chỉ có thuận lợi mà không có khó khăn, hay nói cách khác – không bao giờ có con đường chỉ đầy hoa hồng. Chính vì vậy không thể vì những khó khăn trước mắt mà hoài nghi con đường chân chính – đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã chọn.

Hai là, chính trị, xã hội ổn định, dân trí ngày càng cao, các quyền tự do, dân chủ ngày càng được thực hành rộng rãi trong xã hội. Những giá trị này hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của Mác, với tâm nguyện của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tự do và dân chủ. Quá trình dân chủ hoá trong Đảng và dân chủ hoá trong xã hội chính là thành công của tất cả cán bộ, đảng viên, của mọi người dân Việt Nam. Đây là nền tảng để có được sự ổn định của đất nước, đại đoàn kết dân tộc, là tiền đề để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Ba là, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha quan tâm đến tình hình đất nước. Trong sự vận động của xã hội Việt Nam ngày nay, cái mới và cái cũ, cái truyền thống và cái hiện đại, cái bản địa và cái ngoại nhập đan xen nhau, chồng lấp nhau, chúng vừa hoà quyện với nhau, vừa đấu tranh với nhau. Tuy nhiên khác với một số xã hội khi người dân có thể lãnh cảm với chính trị, chỉ quan tâm đến cá nhân mà không quan tâm đến cái chung thì ngược lại, ở Việt Nam một điều đáng mừng là trên nhiều phương diện, tinh thần trách nhiệm xã hội rất cao. Nhiều người thể hiện sự quan tâm đến tình hình đất nước, trăn trở cho vận mệnh dân tộc. Người dân không chỉ biết đến quyền lợi, mà còn thấu hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình; không chỉ biết đến cá nhân, mà còn biết đến cộng đồng, đến cái chung; không chỉ quan tâm đến bản thân mình, mà còn quan tâm đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo của Mác và Hồ Chí Minh.

Bốn là, quá trình hội nhập quốc tế mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới, biết được nhiều kinh nghiệm quốc tế, học được nhiều tấm gương của thế giới, tiếp xúc với các hệ giá trị, các tinh hoa văn hoá nhân loại, qua đó vươn lên để khẳng định vị thế Việt Nam. Việt Nam vốn là nước bao dung, rộng mở, đa dạng văn hoá, truyền thống này rất thích hợp với yêu cầu hội nhập của xã hội hiện đại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ăn sâu bám rễ được ở Việt Nam, hoà quyện với văn hoá Việt Nam chính nhờ tinh thần bao dung này.

Những khó khăn, thách thức:

Một là, niềm tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ có sự giảm sút. Nguyên nhân trực tiếp của thách thức trên chính là tệ nạn nhóm lợi ích, tham nhũng. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”1.

Hai là, trong những năm qua, đã xuất hiện hiện tượng một bộ phận đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân lơi là, thậm chí coi nhẹ việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuất hiện khuynh hướng đề cao, tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế, ít chú ý đến củng cố nền tảng tư tưởng.

Tính chiến đấu về mặt tư tưởng chưa được đề cao. Xuất hiện tâm lý ngại đấu tranh trên phương diện tư tưởng, lý luận. Một số người coi thường lý luận, chỉ quan tâm đến thực tiễn, mà không hiểu rằng lý luận và thực tiễn gắn bó chặt chẽ với nhau không thể tách rời.

Bà là, sự tấn công của các thế lực thù địch và phản động ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, các thế lực thù địch và phản động thường xuyên tạc, phủ nhận trực tiếp nền tảng tư tưởng của Đảng, hoặc tấn công cá nhân, bôi nhọ đời tư các nhà kinh điển và các lãnh tụ thì trong thời gian qua, bên cạnh các phương thức cũ, chúng tấn công về mặt lý luận ngày càng nhiều hơn. Ngày càng có nhiều bài viết dài, sâu nhằm phủ nhận những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những bài này thường đứng trên lập trường, cách tiếp cận phương Tây, trái ngược với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ở một mức độ tinh vi hơn, nhiều lý thuyết được dịch, truyền bá vào Việt Nam nhằm pha loãng hoặc nhằm dần thay thế cho hệ tư tưởng chính thống.

Một số kẻ cơ hội chính trị hết lời ca ngợi chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa dân chủ xã hội, họ cho rằng chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải đạt được thông qua đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản. Một số người theo quan điểm của chủ nghĩa vô chính phủ đã phản bác khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa, phản đối chuyên chính vô sản. Một số người phê phán những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, như chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận giá trị thặng dư,... Một số khác lại cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống chưa hoàn chỉnh, các lý luận về mặt triết học, kinh tế, chính trị, xã hội còn nhiều điểm lạc hậu. Tất cả mưu toan thâm hiểm và tinh vi đó của các thế lực thù địch và phản động cần phải bị bóc trần và đấu tranh ngăn chặn.

3. Những giải pháp cơ bản để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới

Dùng thực tiễn để bảo vệ lý luận, lấy thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân làm chỗ dựa vững chắc cho tư tưởng

Trong Lời mở đầu tác phẩm Phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác đã từng thông qua một hình ảnh ẩn dụ để khẳng định chân lý sức mạnh của vật chất, sức mạnh của thực tiễn: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí”. Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là thực tiễn, Mác đã từng nói “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”2. Không một lý thuyết nào có thể đứng vững nếu lý thuyết đó không giúp làm thay đổi thực tiễn theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cũng như vậy, với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, trong điều kiện mới của đất nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng ngày càng được khẳng định bằng chính thực tiễn sinh động của Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là phải bảo vệ những nguyên lý, bảo vệ lập trường, phương pháp và những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không chỉ nghiên cứu, học tập, mà còn phải phát triển và vận dụng sáng tạo. Đây chính là bài toán khó trong bối cảnh mới. Nếu không dùng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích, đánh giá, dự báo vấn đề mới, tình hình mới, xu thế mới của thời đại và dân tộc thì vô hình chung chúng ta đã làm xơ cứng và giáo điều hoá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, mà còn có cống hiến to lớn cho việc phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định bản chất cách mạng và phát triển không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chúng ta thường khẳng định thế giới quan và phương pháp luận triết học là lý luận nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Điều này góp phần tránh biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành giáo điều. Bởi lẽ, một số người đưa ra yêu cầu hết sức vô lý rằng nếu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị thì phải liệt kê ra những nguyên lý có giá trị vĩnh hằng, bất biến, có thể áp dụng ngay trong mọi không gian và thời gian. Song bản thân điều này đã trái với tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một thứ tín ngưỡng hay giáo điều cứng nhắc, mà là một học thuyết mang tính mở, sáng tạo, gắn liền với sự phát triển của thực tiễn, hay nói cách khác, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Chính học giả Mỹ Douglas Kellner3 cũng đã chia chủ nghĩa Mác thành 3 tầng bậc khác nhau: Đầu tiên là phương pháp (ví dụ như phép biện chứng, phương pháp phân tích lịch sử, phương pháp phân tích giai cấp,...), những phương pháp này chiếm địa vị cao nhất, cũng là quan trọng nhất trong chủ nghĩa Mác; thứ hai là những nguyên lý và quan điểm cơ bản trong lý luận của chủ nghĩa Mác (ví dụ lý luận sản xuất vật chất, lý luận giá trị thặng dư,...), những lý luận này đặc biệt quan trọng, về mặt giá trị chỉ thua kém phương pháp; cuối cùng là một số lý luận và khái niệm cụ thể (ví dụ lý luận chủ thể cách mạng, khái niệm giai cấp vô sản, khái niệm cách mạng,...), những khái niệm này phát triển không ngừng tuỳ thuộc vào bối cảnh thời đại và những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Sự phân chia như thế này có giá trị tham khảo nhất định trong việc phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin hiện nay.

Muốn bảo vệ một cách đúng nghĩa nhất phải thực sự sử dụng vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận của nền tảng tư tưởng trong hoạt động thực tiễn, nghĩa là phải có ích cho việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề của thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được nuôi dưỡng, bổ sung và phát triển bằng thực tiễn cuộc sống. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là để áp dụng vào chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Nói cách khác, thực tiễn hàng ngày chính là nguồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên đất nước Việt Nam. Tách rời thực tiễn đất nước khỏi nền tảng tư tưởng vừa khiến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên giáo điều, vừa làm chậm quá trình phát triển của đất nước.

Phê phán nền tảng tư tưởng của thế lực thù địch và phản động

Không chỉ chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, mà còn phải chống lại chính nền tảng tư tưởng của các luận điểm sai trái đó. Nhiều nhà tư tưởng phương Tây, từ các góc độ của mình đã tập trung phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, thì trước đó khoảng 6 tháng, Francis Fukuyma đã đăng một bài báo sau này trở thành tên một luận điểm: “Sự cáo chung của lịch sử”4. Nếu như C.Mác đã phát hiện, luận chứng quy luật phát triển của xã hội loài người qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao và cuối cùng sẽ đi tới chủ nghĩa cộng sản, thì Fukuyama cho rằng cái lịch sử đó đã dừng lại, đã kết thúc và điểm kết thúc chính là chủ nghĩa tư bản. Theo Fukuyama, dân chủ tự do phương Tây chính là hình thức chính thể cuối cùng của loài người.

Đến  năm 1993, Samuel P.Huntington trong bài viết gây nhiều ảnh hưởng “Sự va chạm giữa các nền văn minh?”5 đã kế thừa quan điểm của Fukuyama, đồng thời thông qua lập luận của mình để cố gắng bác bỏ những luận điểm quan trọng trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Ông ta cho rằng nền tảng kinh tế và thậm chí cả hệ tư tưởng không còn là nguyên nhân của xung đột, mà bị thay bằng nguyên nhân văn hoá, thông qua tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, truyền thống. Ông muốn chia thế giới vốn có sự tồn tại của hai cực là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, tư sản và vô sản, người bóc lột và người bị bóc lột thành hai cực hoàn toàn mới: Thế giới tự do dân chủ của phương Tây và thế giới độc tài của phương Đông. Rõ ràng sự phân chia này là hoàn toàn bất hợp lý, nó chỉ che đậy cho sự tấn công theo phương thức mới của phương Tây vào chủ nghĩa Mác - Lênin ở các nước phương Đông mà thôi.

Trong mấy năm qua, tác phẩm được phổ biến ở nhiều nơi “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, nghèo đói”6 cũng đưa ra một cách tiếp cận trái ngược với chủ nghĩa Mác - Lênin. Các tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson cho rằng, thể chế (political and economic institutions) mới là nhân tố trọng yếu quyết định sự giàu nghèo, thành công hay thất bại của các quốc gia; gián tiếp phản đối quan điểm của C.Mác coi kinh tế, sản xuất vật chất là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội.

Bên cạnh việc thảo luận học thuật thì việc đấu tranh với các hệ tư tưởng thấm đẫm trong các trào lưu chính trị cũng là một việc làm hết sức quan trọng. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm và đấu tranh với các hình thức cực đoan của các loại chủ nghĩa khác, như chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân tộc dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đế quốc,... Chủ nghĩa tự do mới phản đối sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, cực đoan hoá vai trò của thị trường tự do, quá thiên về chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa dân tộc dân tuý cực đoan hoá chủ nghĩa dân tộc, đe doạ đến hoà bình và thịnh vượng chung.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được đúc kết từ tinh hoa trí tuệ dân tộc và nhân loại, vì vậy phải được sử dụng để đối thoại với các trào lưu tư tưởng tiến bộ hiện nay, để hấp thụ, chuyển hoá và sử dụng những giá trị hợp lý phục vụ cho dân tộc và cộng đồng. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không tách rời kho tàng trí tuệ nhân loại, không quay lưng với thế giới, không “một mình một kiểu. Chủ nghĩa Mác - Lênin không xa lạ với những giá trị của thế giới phương Tây đương đại, như tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái, bao dung,... vì những giá trị này cũng chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta không nên chỉ tập trung vào những điểm khác biệt của chủ nghĩa Mác - Lênin so với các học thuyết khác, mà còn phải nhìn thấy những điểm tương đồng, dù cho cách tiếp cận có thể khác nhau. Có như vậy, chúng ta mới có thể xuất phát từ cao độ của chủ nghĩa Mác - Lênin để lý giải các học thuyết khác, phê phán và tiếp thu các học thuyết ấy nhằm làm phong phú thêm cho hệ tư tưởng mácxít và giải quyết tốt hơn những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Trong một tác phẩm vốn trở thành một hiện tượng mấy năm nay - “Tư bản trong thế kỷ XXI”7, nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty đã tiếp thu và phát triển một số luận điểm của C.Mác. Từ hiện trạng là tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận từ vốn cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, dẫn đến việc vốn sẽ ngày càng tập trung vào số ít người, Piketty đã phân tích và đi tới kết luận rằng sự bất bình đẳng trong xã hội tư bản và bất bình đẳng giữa các quốc gia sẽ ngày càng lớn, có xu hướng lặp lại, thậm chí vượt xa mức bất bình đẳng trong thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX.

Tiếp thu, truyền bá và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, biến chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành lý luận cách mạng của Việt Nam là công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã ăn sâu bám rễ vào đất nước Việt Nam gần 100 năm qua, trở thành một bộ phận của tư tưởng Việt Nam, thiết chế xã hội Việt Nam, văn hoá Việt Nam và tương lai Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, - trở thành hệ tư tưởng chỉ đạo, soi đường dẫn lối và vạch ra hướng giải quyết các vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam, điều này liên quan mật thiết đến việc giải quyết mối quan hệ giữa tính nhân loại và tính dân tộc cũng như tính thời đại và tính dân tộc. Tính nhân loại và tính dân tộc trong việc tiếp thu và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở chỗ chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học, mang giá trị phổ quát, phù hợp cho nhiều dân tộc, nhiều giai đoạn lịch sử. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, trở thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tính thời đại và tính dân tộc trong việc tiếp thu và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở chỗ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh vững vàng và sự kiên định, luôn biết đúc kết kinh nghiệm và rút ra được các bài học từ thực tiễn phát triển của đất nước cũng như của các nước. Trong khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, thì chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và ngày càng phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đó là một minh chứng không thể phủ nhận./.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHViệt Nam

 

 

 



1 Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

2 C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập, Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.20.

3 Douglas Kellner: “The Obsolescence of Marxism?”, in trong sách “Whither Marxism?: Global Crises in International Perspective”, Bernd Magnus (Editor), Stephen Cullenberg (Editor), Routledge, 1995, trang 17.

4 Francis Fukuyama, “The End of History?”, The National Interest, No. 16 (Summer), 1989, pp. 3-18.

5 Samuel P. Huntington,“The Clash of Civilizations?” Foreign Affairs, No. 72 (Summer), 1993, pp. 22-49

6 Daron Acemoglu, James A. Robinson, “Tại sao các quốc gia thất bại”, Nxb. Trẻ, 2013.

7 Thomas Piketty, “Capital in the Twenty-first Century”, translated by Arthur Goldhammer, Belknap Press - Harvard University Press, 2014

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết