Thứ Hai, ngày 02 tháng 12 năm 2024

Chủ thể, mục tiêu và động lực của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc

Ngày phát hành: 01/12/2024 Lượt xem 82

Trong dự thảo của các Văn kiện Đại hội XIV của Đảng có một nội dung mới rất quan trọng xác định Đại hội XIV của Đảng sẽ mở ra Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đây là nội dung rất quan trọng, đồng thời cũng rất mới nên có nhiều vấn đề cần phải được làm rõ để thống nhất nhận thức, tư tưởng, thống nhất hành động trong toàn Đảng, toàn dân, để thực hiện thắng lợi.

 

 

1. Kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc - một dấu mốc lịch sử trên con đường xây dựng, phát triển đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

 

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với đường lối đúng đắn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa của đất nước. Kinh tế đất nước phát triển với tốc độ tưởng đối cao (khoảng gần 7%/ năm); quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp 96 lần so với năm 1986, GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 4300 USD/người (cuối năm 1988 còn dưới 100 USD/ người). Đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đời sống của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm (theo chuẩn nghèo đa chiều); từ chỗ bị bao vây, cấm vận, đến nay có quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WB, IMF…; là đối tác chiến lược, toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới; tham gia, có đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới. Tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng lên. Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển.

 

Tuy nhiên, như Đảng đã nhiều lần đánh giá, thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta bình quân trong những năm đổi mới vẫn chưa tới 7%/ năm, trong khi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trước đây và Trung Quốc gần đây, trong thời kỳ trình độ nền kinh tế tương tự như nước ta, đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân tới gần 10%/ năm trong một thời gian dài tới 20-30 năm, vì vậy từ một nền kinh tế chưa phát triển sau 30 năm đến trở thành nước công nghiệp, còn nước ta sau 40 năm đổi mới vẫn chưa trở thành nước công nghiệp, mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Đại hội VIII của Đảng đề ra (1996) và được các Đại hội IX, X nhắc lại đã không thực hiện được. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế (ICOR cao), thất thoát, lãng phí lớn. Mặc dù việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh, nhưng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn phức tạp. Nền kinh tế vẫn còn phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực thấp. Tỷ trọng gia công, lắp ráp, công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp trong công nghiệp còn lớn. 60-70% vật tư, nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng cho sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ thấp, nguồn lực tài chính yếu; 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu là của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…

 

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có nhiều, trong đó có những nguyên nhân lớn, như có những vướng mắc về thể chế, tình trạng thể chế luật pháp, cơ chế chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, thiếu ổn định, không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn, trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển và sự lạc hậu của khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo dẫn đến tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước thấp, trở thành trở ngại lớn cho việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế theo chiều sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Nhận thấy tầm quan trọng của thể chế và giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, từ Đại hội XI (2011), Đảng đã xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá chiến lược, nhưng qua gần 15 năm, kết quả đạt được rất hạn chế, thể chế vẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có lĩnh vực còn phức tạp hơn. Khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo đã được xác định là quốc sách hàng đầu, là nguồn lực và động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng đã được tiến hành trong hàng chục năm qua, nhưng việc thực hiện lúng túng, những hạn chế, yếu kém trong giáo dục đào tạo chuyển biến rất chậm. Những điều này lại có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ máy cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, trách nhiệm tập thể và cá nhân không rõ. Đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhiều lần được nêu trong các văn kiện của Đảng, nhà nước, nhưng vẫn chậm được khắc phục…

 

Nếu không có quyết tâm chính trị cao, không mạnh mẽ, quyết liệt, tập trung vào giải quyết được căn bản những hạn chế, yếu kém, cản trở sự phát triển để những hạn chế, yếu kém này tiếp tục tồn tại kéo dài thì các mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra, như: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (khoảng 7500 USD/người/năm) và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao (trên 13000 USD/người/năm, theo tiêu chuẩn hiện nay) khó có thể thực hiện được. Những nguy cơ đã được cảnh báo, như rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chưa giàu đã già và tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới sẽ lớn hơn, nhiều khả năng hơn xảy ra với nước ta. Hơn nữa, trong những thập kỉ tới, trong bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mặc dù gặp trở ngại do những biến động phức tạp của tình hình chính trị - an ninh trên thế giới, nhất là sự cạnh tranh giữa các nước lớn, nhưng vẫn diễn ra mạnh mẽ, tạo cho nước ta nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức khi nước ta không nắm bắt được cơ hội để vượt lên (trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn phát triển nhanh), khi đó khoảng cách về trình độ phát triển, khoảng cách giàu - nghèo giữa nước ta và các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới sẽ ngày càng lớn.

 

Để những điều này không thể  xảy ra, Đảng cần phải có ngay những giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết; giải quyết những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển đã tồn tại kéo dài nhiều năm, tạo điều kiện để đất nước phát huy những thành quả đạt được trong 40 năm đổi mới, vượt qua thách thức, nắm bất được thời cơ của thời đại, phát triển nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Đại hội XIV của Đảng phải thể hiện mạnh mẽ ý chí, quyết tâm, khát vọng phát triển đất nước nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn, bền vững hơn để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, tạo ra một dấu mốc lịch sử trên con đường phát triển đất nước.

 

 

2. Chủ thể, mục tiêu và động lực của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.

 

- Về chủ thể của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển là của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là sự nghiệp của đất nước, của cả dân tộc. Vì vậy, chủ thể của kỷ nguyên này là đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, không phải là của một ngành, lĩnh vực hay một vùng, địa phương, một tầng lớp xã hội nào. Để tạo nên kỷ nguyên này, cần phải có sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, chung sức chung lòng của cả nước, của cả dân tộc. Như trước đây, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, cần phải có “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc” để làm nên chiến thắng. Khẳng định chủ thể của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là đất nước, là cả dân tộc để khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn của sự nghiệp này; đồng thời, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức đến mỗi người dân, mỗi thành viên xã hội cũng phải có ý chí, khát vọng vươn lên, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để đóng góp vào sự vươn mình của đất nước, của dân tộc. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải có ý thức làm chủ đất nước, có quyết tâm, trách nhiệm thực hiện đúng, thực hiện tốt vai trò của người làm chủ.

 

Toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị đều phải vươn mình cùng đất nước, cùng dân tộc, đều phải có khát vọng đẩy mạnh sự phát triển đất nước, đều nỗ lực phấn đấu để đóng góp vào sự vươn mình của đất nước đúng với vai trò, chức năng của mình: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Là lực lượng lãnh đạo đất nước, Đảng phải có chủ trương đường lối phát triển đất nước đúng đắn, thể hiện mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn mình của dân tộc và phải làm lan tỏa được ý chí, khát vọng đó của Đảng tới cả hệ thống chính trị, tới toàn dân, trở thành ý chí, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân. Cán bộ, Đảng viên của Đảng phải là những chiến sỹ tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện. Nhà nước phải thể chế hoá đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước, thể hiện đầy đủ đúng đắn ý chí, khát vọng của Đảng, của toàn dân về sự vươn mình của đất nước và tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt được các yêu cầu, mục tiêu đề ra. Nhân dân nhất trí, đồng lòng với chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của nhà nước; chủ động, tích cực, tự giác thực hiện sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để đất nước vươn mình phát triển và cũng là người hưởng thụ những thành quả phát triển đó.

 

- Về mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một dấu mốc lịch sử trên con đường phát triển của đất nước ta, không đề ra những mục tiêu mới, hoàn toàn khác với những mục tiêu của Đảng và nhân dân ra đã đề ra và thực hiện trong nhiều năm qua, từ nhiều giai đoạn cách mạng trước, mà kiên định, kiên trì thực hiện những mục tiêu đã được đề ra trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng được cụ thể hoá, bổ sung, phát triển cho phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước và bối cảnh mới của thế giới, của thời đại. Đó là mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng năm 1930 đến nay. Ngày nay, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc được cụ thể hoá là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, lợi ích quốc gia, dân tộc. Mục tiêu phát triển đất nước, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), được xác định là: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỉ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”[2]

 

Đại hội XIII của Đảng (2021) cụ thể hoá hơn các mục tiêu phát triển đất nước: “Phấn đấu đến giữa thế kỉ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.” [3] Kế thừa, phát triển các mục tiêu đó, có thể xác định một cách tổng quát kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đất nước phát triển mạnh mẽ, có tốc độ và chất lượng cao, bền vững, bao trùm, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển bền vững của thế giới, có uy tín, vị thế quốc tế ngày càng cao.

 

- Về động lực của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải có những động lực lớn, kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá của đất nước. Đầu tiên, hết sức quan trọng là động lực tinh thần, động lực từ phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Khi đất nước bị xâm lăng thì dân tộc ta “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khi có thời cơ đến thì “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập tự do” cho đất nước. Ngày nay, sau khi đã vượt qua đói nghèo, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chưa giàu đã già, tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển vẫn rất đáng lo ngại, rất cần phải vượt qua tư tưởng, tâm lý chủ quan, thoả mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được hay tư tưởng, tâm lý tự ty, thiếu tự tin, ý chí tự lực, tự cường; phải có ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển đất nước, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển, trở thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ý chí, quyết tâm đó phải bắt đầu, xuất phát từ Đảng và phải được lan tỏa tới toàn xã hội. Đồng thời, rất cần có sự cổ vũ, động viên, tôn vinh những tấm gương, những điển hình tiên tiến, năng động sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển, giàu mạnh của đất nước; phê phán, lên án những người, những việc làm cản trở, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước.

 

Cùng với động lực tinh thần, lợi ích và sự tuân thủ pháp luật do đổi mới, hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách của nhà nước tạo ra là những động lực mạnh mẽ để đất nước vươn mình phát triển. Thể chế tạo ra lợi ích, khuôn khổ pháp luật, những điều kiện thuận lợi, hấp dẫn thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước; tạo ra môi trường ổn định, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; hỗ trợ; khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng, nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, thâm nhập vào những thị trường mới, tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí chế tạo, luyện kim, hoá chất, năng lượng mới, vật liệu mới); các ngành công nghiệp công nghệ cao, mũi nhọn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, các máy móc, thiết bị, phương tiện, dây chuyền sản xuất thông minh); các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt phụ thuộc vào vật tư, nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu từ bên ngoài, nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm; các ngành công nghiệp đất nước có tiềm năng, lợi thế, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, hàng xuất khẩu cho đất nước (dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến nông sản) trên cơ sở máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; phát triển những dịch vụ đất nước có tiềm năng, lợi thế, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, như du lịch, vận tải, logistic, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, ….

Từ nhiều năm nay, Đảng, nhà nước ta đã xác định giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là nguồn lực và động lực hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước; đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển. Trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ càng trở thành những động lực quan trọng để đất nước vươn mình, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp đất nước có thể đi tắt, đón đầu, đi ngay vào hiện đại, theo kịp sự phát triển của thời đại.

 

Để giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ phát huy được vai trò động lực của mình, ở nước ta hiện nay, Nhà nước cần phải tăng đầu tư và đổi mới cơ bản, toàn diện cơ chế quản lý phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Cần đổi mới chương trình, nội dung, cách thức thi cử, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục phổ thông (không thu học phí), thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tới phổ thông trung học; cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường ra trường, lớp ra lớp, phải bảo đảm cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục sống được bằng tiền lương ở mức sống trung bình của xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Đối với giáo dục đại học và dạy nghề, cần nâng cao tính tự chủ của các trường, cơ sở đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với hoạt động của doanh nghiệp và thực tiễn cuộc sống. Xây dựng một số trường đại học thành trường có uy tín cao trong khu vực và thế giới về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà nước tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn nghiên cứu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Nhà nước đặt hàng (qua đấu thầu hay không qua đấu thầu) cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu tự chủ, tôn trọng tính tự chủ của tổ chức khoa học, đồng thời, phải đánh giá và quản lý chặt chẽ sản phẩm đầu ra của các chương trình, đề tài khoa học. Đặc biệt quan trọng là nhà nước cần phải có chiến lược, chính sách phát hiện, đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài khoa học công nghệ. Kinh nghiệm của Trung Quốc về những vấn đề này trong hơn 40 năm cải cách mở cửa là rất đáng học tập.

 

Hội nhập quốc tế, đi ra biển lớn, tạo ra cho đất nước những thời cơ lớn và cả những thách thức lớn, đồng thời, cũng tạo ra động lực để đất nước nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, vươn mình phát triển. Đó là động lực vươn lên để phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia, đóng góp vào giải quyết các vấn đề phức tạp, giữ gìn hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới; động lực vươn lên để tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, thành tựu mới trên các lĩnh vực khác của thế giới để phát triển đất nước; động lực vươn lên để cạnh tranh với các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của các nước trên thị trường thế giới, khu vực và ngay trên thị trường Việt Nam, để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động ra thị trường khu vực và thế giới, tham gia có hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu … Nhà nước cần phải có chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của đất nước, hỗ trợ và thúc đẩy động lực hoạt động cho các doanh nghiệp, của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các chủ thể trong nước chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Các tổ chức xã hội, cộng đồng người tiêu dùng trong nước cần đẩy mạnh phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, ngày càng lớn mạnh.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo[1]

PGS. TS. Bùi Thị Lý



[1] PGS.TS Nguyễn Văn Thạo. Nguyên PCT Hội đồng lý luận Trung ương

PGS.TS Bùi Thị Lý. Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, H, NXB CTQG, 2011, Trang 71

 

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, H, NXB CTQG, 2021, Tập 1, Trang 112

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết