1. Khẳng định mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Kỷ nguyên vươn mình nội hàm là tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là: Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Mục tiêu tổng quát của kỷ nguyên mới là: Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thời điểm bắt đầu Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là Đại hội XIV của Đảng (2026 - 2030).
2. Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng công tác chuyển đổi số, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu giúp đất nước tận dụng được những cơ hội của CMCN 4.0, tạo bứt phá, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, mau chóng tiến kịp với các nước phát triển trên thế giới.[3]
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp: “Khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn; đẩy mạnh phát triển khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn nhằm tạo ra các sản phẩm, tri thức mới”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên; trong đó có phát triển công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, thẳng thắn đánh giá: “Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp”; đồng thời đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…; cụ thể:
Đến năm 2025, xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).[4] Chương trình Chuyển đổi số quốc gia gồm 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chiến lược xác định: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số; và Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Đồng thời xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025, năm 2030 trên các tiêu chí: (1) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; (2) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (3) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” đăng đúng ngày Quốc khánh năm nay, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tiến hành cuộc cách mạng chuyển đổi số để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra. Nghị quyết xác định: đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Đồng chí Tổng Bí thư luận giải: Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.[5] Phương châm đặt ra là: Thực hiện cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc.[6]
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nội hàm của chuyển đổi số lớn hơn nội hàm một cuộc cách mạng công nghiệp. “Chuyển đổi số nếu nói đơn giản thì gồm số hoá và chuyển đổi. Số hoá là số hoá toàn diện, là chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, chuyển toàn bộ thế giới thực thành bản sao số, từ đó hình thành không gian sống mới - không gian số, và sinh ra tài nguyên mới khổng lồ và vô vạn là dữ liệu. Chuyển đổi là thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức vận hành, hoạt động trên không gian số thông qua sử dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), là xử lý dữ liệu để sinh ra giá trị mới”.[7]
Phát biểu tại Hội nghị thông tin chuyên đề Quý IV/2024 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam từ vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình bứt phá tăng trưởng hai con số trong ít nhất 10 năm liên tục. Chỉ có như vậy thì mới có thể đạt được mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII đặt ra. Chuyển đổi số chính là động lực chính của sự phát triển, giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra với thực tiễn phát triển của đất nước, như việc tăng năng suất lao động, áp dụng vào công tác quản lý xã hội, tinh gọn bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực cho phân cấp, phân quyền... Công tác chuyển đổi số gắn với việc bảo đảm an ninh, an toàn mạng.[8]
3. Dữ liệu nói chung và đặc biệt là dữ liệu lớn (bigdata) đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công chuyển đổi số. Dữ liệu lớn là các tập dữ liệu rất lớn và phức tạp, rất khó để quản lý, lưu trữ và phân tích bằng các công cụ xử lý dữ liệu truyền thống. Phân tích được các tập dữ liệu lớn sẽ đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp, quốc gia…
Nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: (1) Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); (2) Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; (3) Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam triển khai phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2000. Đến năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số. Nhận thức về vai trò của dữ liệu cũng từng bước được bổ sung, phát triển, phù hợp với nhận thức chung của thế giới. Đó là, chuyển từ dữ liệu là phương tiện sang dữ liệu là nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa; chuyển từ vai trò dữ liệu là để lưu trữ, tìm kiếm sang dữ liệu làm thay đổi cách nghĩ, cách làm việc, cách tạo ra giá trị; chuyển trọng tâm từ xây dựng dữ liệu sang khai thác dữ liệu; chuyển từ các cơ sở dữ liệu riêng lẻ sang đám mây dữ liệu; chuyển từ xây dựng dữ liệu phục vụ một nhóm người, một hệ thống sang xây dữ liệu làm nền tảng, dùng chung…[9]
Theo một chuyên gia Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là rất cần thiết và quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số quốc gia. Hạ tầng số là các phương tiện, tài nguyên, hệ thống số mang tính nền móng cho mọi hoạt động trên môi trường thực số. Hạ tầng dữ liệu thuộc hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia gồm các dữ liệu phục vụ điều hành của Chính phủ. Hạ tầng dữ liệu quốc gia gồm 6 điểm trọng yếu đó là: (1) xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia; (2) kết nối được với các hạ tầng khác; (3) phải khai thác được dữ liệu; (4) cần có nhân lực cho hạ tầng số quốc gia; (5) phải an toàn và (6) pháp lý của hạ tầng dữ liệu số quốc gia. Đây là các điểm trọng yếu mà cấp trung ương hay bộ/ngành, địa phương cần tuân thủ. Dữ liệu quốc gia gắn với các bộ ngành, địa phương các dữ liệu phải đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống". Xây dựng hạ tầng dữ liệu phải gắn với khai thác ở mọi giai đoạn. Cơ sở dữ liệu quốc gia là dữ liệu chung, mở, cần được chia sẻ, khai thác để phát huy tính hiệu quả.[10]
Hạ tầng trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng để chuyển đổi số thành công và phát huy hiệu quả. Trung tâm dữ liệu (data center) là một cơ sở dữ liệu tập trung các hoạt động công nghệ thông tin và thiết bị của doanh nghiệp, nhà máy nhằm mục đích lưu trữ, quản lý và phân phối dữ liệu nội bộ. Do đó, trung tâm dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng đối với tính ổn định liên tục của các hoạt động hàng ngày. Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia để đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việt Nam hiện có 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc với tổng số 571.000 máy chủ.[11] Bộ Công an đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Trung tâm dữ liệu quốc gia được xác định là nơi tích hợp đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu thông tin liên quan đến con người; nơi tích hợp đồng bộ lưu trữ, điều phối tất cả dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện việc phân tích chuyên sâu các dữ liệu; là nơi tập trung các công nghệ, giải pháp hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an ninh an toàn…; là nơi trao đổi kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển đất nước và đặt nền tảng nghiên cứu hỗ trợ khai thác phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia.[12]
Trước đây data center là cơ sở hạ tầng vật lý được quản lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của công nghệ lưu trữ đám mây đã làm thay đổi mô hình hoạt động này. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt yêu cầu trung tâm dữ liệu vật lý không được kết nối Internet (như yêu cầu bảo mật thông tin về an ninh quốc gia), hầu hết các hệ thống trung tâm dữ liệu hiện nay đều đã được số hóa để xử lý công việc trên môi trường đám mây.[13]
Để phát huy hiệu quả hoạt dộng của các trung tâm dữ liệu thì cần tạo liên kết, truyền tải thông tin thông suốt giữa các trung tâm này. Đặc biệt, cần có nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Dữ liệu “đúng” đề cập đến tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu; phản ánh đúng tình huống hoặc sự kiện thực tế mà nó được cho là mô tả; không có lỗi, đặc biệt là những lỗi xảy ra do nhập dữ liệu không đúng hoặc quy trình bị lỗi. Dữ liệu “đủ” đề cập đến tính đầy đủ của dữ liệu. Tất cả dữ liệu cần thiết cần có sẵn và đầy đủ chi tiết. Nếu một tập dữ liệu không đầy đủ, điều này có thể dẫn đến các quyết định thiếu thông tin.[14] Dữ liệu “sạch” là dữ liệu đã trải qua quá trình làm sạch, loại bỏ, sửa lỗi dữ liệu, bao gồm dữ liệu không chính xác, định dạng sai, bị hỏng, gắn nhãn sai, trùng lặp hoặc không đầy đủ. Dữ liệu sạch không có lỗi và sẵn sàng để người dùng cuối sử dụng để hỗ trợ cho nhiệm vụ của họ.[15] Dữ liệu “sống” có nghĩa là tạo lập dữ liệu phải gắn với duy trì, nuôi sống dữ liệu, xây dựng liên tục. Tạo lập dữ liệu đã khó, duy trì nuôi sống dữ liệu còn khó hơn nhiều.
4. Tác giả khuyến nghị một số nhóm giải pháp sau để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới:
Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về sự cần thiết đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đồng thuận và quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hai là, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia. Một số việc cần triển khai trước mắt là: sớm triển khai Luật Dữ liệu vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đẩy nhanh việc xây dựng Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Ba là, sớm xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu; tập trung hoàn thiện việc xây dựng và vận hành thông suốt Trung tâm dữ liệu quốc gia theo Đề án 06 với hệ thống dữ liệu đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; xác định lại mô hình, vai trò xây dựng khai thác dữ liệu của bộ ngành với địa phương; hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu; cơ chế khai thác dữ liệu; có danh mục dữ liệu ưu tiên.
Bốn là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Trước mắt tập trung đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, băng thông rộng và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, đi liền với yêu cầu đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng.
Năm là, đổi mới nội dung, phương pháp, quản lý giáo dục đào tạo: cần xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, bản địa hóa kho tài liệu học và đẩy mạnh liên kết quốc tế. Chủ động xây dựng bộ tiêu chí cán bộ đối với từng vị trí công việc về kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, áp dụng cho quản lý nhà nước. Theo GS. James Harington, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản trị tổ chức về xây dựng bộ tiêu chí có thể áp dụng cho lĩnh vực quản trị nhà nước: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Dự báo cả nước cần tới 2,5 triệu nhân lực phục vụ chuyển đổi số vào năm năm 2030; do đó, việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực ICT và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ICT đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng là rất cấp bách.[16]
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số (trên các lĩnh vực như thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, chuyển giao công nghệ…) hướng đến mục tiêu xây dựng thế giới số toàn diện, công bằng, an toàn cho tất cả mọi người và các quốc gia. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân thúc đẩy chuyển đổi số.
Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành[1]
Trung tá, TS. Lục Anh Tuấn[2]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
“Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần có đột phá chiến lược cho chuyển đổi số”, ngày 13/10/2024, https://mic.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-can-co-dot-pha-chien-luoc-cho-chuyen-doi-so-197241013164737108.htm
“Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là lời giải cho những vấn đề lớn”, ngày 27/11/2024, https://tienphong.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-chuyen-doi-so-la-loi-giai-cho-nhung-van-de-lon-post1695291.tpo
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu”, ngày 25/12/2022, https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/chuyen-doi-so-la-xu-the-tat-yeu-628580.html
“Data accuracy in 2024: A complete guide to reliable data quality”, cập nhật ngày 25/10/2024, https://atlan.com/data-accuracy-101-guide/#:~:text=Accurate%20data%20correctly%20represents%20the,database%2C%20the%20data%20is%20inaccurate
“Data cleaning: Everything You Need to Know”, https://www.validity.com/data-quality/data-cleaning/
Hiền Minh, “Vai trò của dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận rõ nét”, ngày 07/10/2024, https://baochinhphu.vn/vai-tro-cua-du-lieu-so-ngay-cang-duoc-nhin-nhan-ro-net-hon-102231007175607005.htm
https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/About/Overview/-E-Government-Development-Index
“Kiến thức cần biết vè Data center, tiêu chí lựa chọn”, https://www.se.com/vn/vi/work/solutions/local/data-center.jsp
Minh Hiếu, “Phát triển hạ tầng số - nền tảng để bứt phá trong chuyển đổi số quốc gia”, ngày 13/11/2024, https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-ha-tang-so-nen-tang-de-but-pha-trong-chuyen-doi-so-quoc-gia-post992857.vnp
Nội dung trao đổi của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 30/10/2024 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ngày 01/11/2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
Thái Linh, “Tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số”, ngày 15/3/2024, https://nhandan.vn/tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-chuyen-doi-so-post800037.html
Thanh Tùng, “Làm thế nào để cơ sở dữ liệu quốc gia “đúng, đủ, sạch, sống”?”, ngày 25/5/2023, https://danviet.vn/lam-the-nao-de-co-so-du-lieu-quoc-gia-theo-tieu-chi-dung-du-sach-song-20230525123241285.htm
“Toàn văn bài viết về Chuyển đổi số của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm”, ngày 02/9/2024, https://tienphong.vn/toan-van-bai-viet-ve-chuyen-doi-so-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-post1669132.tpo
[1] Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
[2] Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương.
[4] Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index là chỉ số đánh giá tình hình phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; gồm các tiêu chí như: các mô hình phát triển trang web tại một quốc gia, việc quốc gia đang sử dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy khả năng tiếp cận và hòa nhập của người dân… EGDI là thước đo tổng hợp của ba chiều quan trọng của chính phủ điện tử, cụ thể là: cung cấp dịch vụ trực tuyến, kết nối viễn thông và năng lực con người. Xem https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/About/Overview/-E-Government-Development-Index
[12] Xem Thanh Tùng, “Làm thế nào để cơ sở dữ liệu quốc gia “đúng, đủ, sạch, sống”?”.
[16] Xem Thái Linh, “Tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số”, ngày 15/3/2024, https://nhandan.vn/tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-chuyen-doi-so-post800037.html. Năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 50 nghìn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông (ICT). Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực ICT. Cả nước hiện có 168 trường đại học, 520 trường nghề đào tạo về ICT với tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt hơn 84 nghìn người, gồm khoảng 50 nghìn người bậc đại học và khoảng 34 nghìn người bậc cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, theo một khảo sát, chỉ có khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp đáp ứng kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng.