Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Bước đột phá về chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc

Ngày phát hành: 03/09/2024 Lượt xem 144

 

Tờ Global Times số ra mới đây dẫn Sách trắng “Chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc” do Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện nước này công bố gần đây cho biết Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ qua, với "bước đột phá lịch sử" trong phát triển năng lượng xanh và carbon thấp khi nước này đang hướng tới xây dựng một hệ thống cung cấp năng lượng sạch, đa dạng, an toàn và linh hoạt.

 

Sách trắng liệt kê một loạt con số ấn tượng ghi lại các cột mốc chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc trong thập kỷ qua và nhấn mạnh những đóng góp nổi bật của nước này đối với Chương trình nghị sự xanh toàn cầu. Năm 2023, năng lượng sạch tạo ra gần 40% tổng sản lượng điện của Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm năng lượng gió và quang điện của nước này đã giúp các quốc gia khác cắt giảm khoảng 810 triệu tấn khí thải carbon dioxide năm 2023.

 

Các nhà quan sát cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc sẽ đóng vai trò hình mẫu, chỉ ra một con đường hiệu quả về chi phí, khả thi về mặt kinh tế và có tác động sâu sắc đến ngành năng lượng toàn cầu. Nó cũng chứng minh rằng ưu thế vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bắt nguồn từ sự đổi mới liên tục và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, chứ không phải như ý kiến sai lầm của phương Tây về sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi trợ cấp.

 

Sách trắng cũng nêu chi tiết cam kết của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một nước đang phát triển lớn và sẵn sàng hợp tác với các nước khác để giữ cho chuỗi cung ứng và công nghiệp năng lượng toàn cầu ổn định, duy trì an ninh năng lượng trong một môi trường mở.

 

Thành tựu lịch sử

 
Theo Sách trắng, Trung Quốc đã và đang phát triển nhanh chóng các nguồn năng lượng sạch, với tỷ lệ năng lượng xanh ngày càng tăng trong cơ cấu năng lượng của nước này.


Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, Lin Boqiang, nói rằng trong thập kỷ qua, "Trung Quốc đã dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, không chỉ ở tốc độ chuyển đổi mà còn ở việc mở rộng công suất và sản lượng năng lượng mới".

 

Dựa trên động lực này, các quan chức Trung Quốc và những người trong ngành tin tưởng rằng Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, có khả năng và đang dần đạt được mục tiêu "carbon kép" là đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

 

Những người trong ngành nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi năng lượng thành công của Trung Quốc đóng vai trò hình mẫu cho các nước đang phát triển và là một mô hình toàn cầu. Nhà kinh tế học Cao Heping của Đại học Bắc Kinh cho rằng đây cũng là một bài học cho các nước phát triển khác, những nước đã xem xét lại các mục tiêu khí hậu của mình trong bối cảnh thiếu năng lượng toàn cầu trong vài năm qua.

 

Động lực cho sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu

 
Sách trắng lưu ý rằng sự phát triển năng lượng xanh của Trung Quốc đã trở thành động lực chuyển đổi năng lượng toàn cầu và ngành công nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc cũng đã "tăng nguồn cung năng lượng toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu".

 

Sách trắng dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết từ năm 2014 đến 2023, tỷ trọng nhiên liệu phi hóa thạch toàn cầu trong tiêu thụ năng lượng đã tăng từ 13,6% lên 18,5%, trong đó Trung Quốc đóng góp 45,2%. Trong thập kỷ qua, chi phí trung bình cho mỗi kWh của các dự án điện gió trên toàn thế giới đã giảm hơn 60% và các dự án quang điện giảm hơn 80%. Sự suy giảm này phần lớn là nhờ những nỗ lực của Trung Quốc.

 

Các nhà phân tích cho rằng Sách trắng đưa ra phản bác mới đối với chiến dịch "bẻ lái" thông tin của phương Tây đối với ngành năng lượng mới của Trung Quốc, vốn tuyên bố rằng ngành công nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc được kích thích bởi trợ cấp.

 

Chuyên gia Lin nói rằng nó cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với các nước phương Tây về kế hoạch áp thuế đối với xuất khẩu năng lượng mới của Trung Quốc dưới danh nghĩa "dư thừa công suất công nghiệp". Sách trắng cảnh báo họ rằng chính trị hóa các vấn đề kinh tế sẽ "cản trở nghiêm trọng quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, cản trở tối ưu hóa cấu trúc năng lượng và trì hoãn nỗ lực chống biến đổi khí hậu".

 

Sách trắng nhấn mạnh, Trung Quốc phản đối mọi hình thức chủ nghĩa đơn phương hoặc chủ nghĩa bảo hộ, phản đối mọi hình thức "tách rời" và "vườn nhỏ, tường cao", đồng thời kêu gọi các nước lớn "quan tâm nhiều hơn đến tương lai của hành tinh và nhân loại, hành động có trách nhiệm, đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, thúc đẩy phát triển xanh và duy trì trật tự thị trường"./.


Theo TTXVN tại Bắc Kinh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết