4. Một số vấn đề về phát triển bền vững dưới góc độ khoa học Trái đất
4.1. Tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển bền vững
Tài nguyên thiên nhiên là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. nhưng với tăng trưởng và phát triển thế giới, tài nguyên thiên nhiên là điều kiện cần chứ chưa đủ. Tài nguyên thiên nhiên chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên có nhiều quốc gia nhờ những ưu đãi của tự nhiên có nguồn tài nguyên lớn, đa dạng nên có thể rút ngắn quá trình tích lũy vốn bằng cách khai thác các sản phẩm thô để bán hoặc để đa dạng hóa nền kinh tế, tạo nguồn tích lũy vốn ban đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Thực tế cho thấy nguồn thu từ tài nguyên đã làm tăng thu nhập bình quân đầu người, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng các phương án lựa chọn chính sách. Do việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ lợi ích con người đã dẫn đến tình trạng báo động về môi trường sống trên toàn thế giới. Thiếu sự kiểm soát môi trường dẫn đến hậu quả là hàm lượng các chất gây ô nhiễm thải ra từ các hoạt động kinh tế ngày ngày càng tăng.
Các tài nguyên thiên nhiên trong quá trình khai thác sử dụng có tác động lớn tới các mục tiêu PTBV là tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng …
Đất đai và phát triển bền vững. Đất hay rộng hơn là đất đai là bộ phận hợp thành quan trọng của môi trường, là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, tuy nhiên có thể tái tạo khi có các giải pháp sử dụng và quản lý hợp lý. Đất đai còn là nền tảng không gian để phân bổ dân cư và các hoạt động kinh tế-xã hội, không chỉ là đối tượng của lao động mà còn là tư liệu sản xuất không thể thay thể được trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Đối với phát triển nông – lâm nghiệp, đất ở đồng bằng và trung du, miền núi đều có nguy cơ bị thoái hóa, ô nhiễm. Đã có nhiều giải pháp khoa học công nghệ và kỹ thuật trong giảm thiểu xói mòn – thoái hóa đất dốc, suy thoái – ô nhiễm đất ở đồng bằng, tuy nhiên, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa để sử dụng hiệu quả hơn dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng này.
Một vấn đề luôn là chủ đề nóng liên quan với PTBV trong sử dụng, quản lý đất đai là mục tiêu về xã hội – đảm bảo sự công bằng cho mọi người dân. Công tác đánh giá đất đai hiện mới tập trung vào việc xác định thích nghi cho sản xuất nông – lâm nghiệp. Việc đánh giá một cách đồng bộ theo tiếp cận địa lý, về không gian – mối liên hệ của các thửa đất với các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguy cơ suy thoái – rủi ro trong sử dụng đất sẽ góp phần giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân, giữa các mục đích sử dụng đất.
Tài nguyên khoáng sản trong phát triển bền vững. Trong “lời nguyền tài nguyên thiên nhiên” thì “lời nguyền” đối với tài nguyên khoáng sản là xác thực nhất: nơi nào có khoáng sản/khai thác càng nhiều khoáng sản thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là lớn nhất; nhiều vấn đề về trật tự - an ninh xã hội cũng thường xuyên xảy ra. Điển hình ở Việt Nam là các khu mỏ khai thác than đá, khai thác thiếc – vonfram, bauxite … Khai thác than đá ở Quảng Ninh luôn là nguy cơ đe dọa ô nhiễm – suy thoái môi trường di sản thế giới vịnh Hạ Long; mặc dù đã được chính quyền, Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam sử dụng nhiều giải pháp giảm thiểu tác hại, tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, các bãi thải hiện tồn tại như các khối núi nhân tạo sẽ tiềm ẩn nguy cơ lũ bùn đá, đe dọa an toàn cho các khu dân cư phía dưới, nguy cơ mang lượng bùn lớn tới vịnh Hạ Long. Khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã và đang tác động mạnh tới các mục tiêu về môi trường, về xã hội ở vùng đất Tây Nguyên vốn khá yên bình này.
Tài nguyên nước – lưu vực sông trong phát triển bền vững. Một số vấn đề nổi cộm trong sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên tác động mạnh tới phát triển bền vững là nguồn nước mặt theo các lưu vực sông, đặc biệt là việc xây dựng những công trình thủy điện, thủy lợi và giao thông. Hai lưu vực sông lớn, xuyên quốc gia của Việt Nam là sông Hồng và sông Mê Kông. Việc sử dụng nguồn nước từ lưu vực sông xuyên quốc gia luôn là vấn đề thời sự gây tranh cãi giữa các quốc gia ở vùng hạ lưu với các quốc gia ở thượng nguồn lưu vực, thậm chí có nơi đã xảy ra chiến tranh để giành quyền khai thác, sử dụng nước. Riêng lưu vực sông Mê Kông hiện nay do việc phát triển hệ thống thủy điện bậc thang trên dòng chính đã gây ra nhiều hệ lụy cho vùng hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nhưng chưa có giải pháp nào căn cơ để hạn chế những tác động đó.
Sông Mê Kông. Tổng lượng dòng chảy bình quân năm lớn và địa hình dốc, nhiều ghềnh thác đã tạo nên tiềm năng rất lớn để phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông. Hiện nay, các quốc gia ven sông đã và đang thúc đẩy quá trình xem xét, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Ở thượng nguồn, Trung Quốc lập kế hoạch xây dựng hàng loạt công trình thủy điện trên sông Lan Thương, trong khi ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước và Campuchia có 2 công trình. Các kế hoạch phát triển thủy điện đã gây ra mối quan ngại sâu sắc về tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện dòng chính tới vùng Châu thổ sông Mê Kông của Campuchia và Việt Nam.
Hệ thống bậc thang thủy điện dày đặc trên dòng chính sông Mê Kông đã gây ra những tác động tiêu cực đối với các quốc gia ở hạ nguồn, nhất là đối với Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sông Mê Kông chảy qua trước khi đổ vào Biển Đông là vùng trồng lúa, hoa quả và thủy sản lớn nhất của nước ta. Việc làm giảm nguồn nước xuống hạ lưu do các công trình thủy điện dẫn tới nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và hệ thống bậc thang thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông càng trở thành vấn đề khó khăn hơn đối với khu vực ĐBSCL. Ngày càng có nhiều thiên tai, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, chất lượng nguồn nước và mạch nước ngầm thay đổi …
Một vấn đề có tính thời sự hiện nay là dự án kênh đào “Đế chế Phù Nam”. Ngày 8 tháng 8, 2023, Campuchia đã gửi thông báo tới Ủy hội Sông Mekong về dự án kênh đào từ sông Bassac tới khu vực cảng biển ở tỉnh Kampot-Kep bên bờ Vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia đặt tên kênh đào này là “Funan Techo Canal”.
Theo tờ Phnomphenh Post, đây là dự án hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc. Từ trước tới nay, tuyến đường thủy từ biển đi vào Thủ đô Phnompenh của Campuchia phải qua Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Tuyến giao thông thủy Funan mới sẽ giúp Campuchia bớt phụ thuộc vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam. Tổng chi phí xây dựng tuyến kênh đào này khoảng 1,7 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong vòng bốn năm, dài khoảng 180 km, với chiều rộng ở vùng thượng lưu là 100 mét và chiều rộng ở hạ lưu là 80 mét, chia thành hai làn đường. Kênh đào này sẽ nối Prek Takeo trên sông Mekong ở Campuchia với biển ở tỉnh Kep, đi qua bốn tỉnh là Kandal, Takeo, Kampot và Kep, với khoảng 1,6 triệu cư dân sống dọc theo tuyến đường thủy. Nếu dự án này được thông qua và triển khai, các tác động tới tài nguyên và môi trường ở phần hạ lưu là rất lớn.
Hệ thống sông Hồng. Từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc xây dựng hàng loạt các công trình hồ chứa bậc thang, khai thác mạnh mẽ nguồn tài nguyên nước ở thượng nguồn và đang dự kiến xây dựng thêm nhiều hồ chứa mới trong những năm tới. Khi các hồ chứa này hoạt động điều tiết đã ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy phía hạ lưu của sông Đà và sông Thao về mùa lũ và mùa kiệt. Đánh giá ảnh hưởng của hệ thống hồ chứa thượng nguồn thuộc địa phận Trung Quốc đến chế độ dòng chảy hạ lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô là rất cần thiết cho việc xác định chế độ vận hành các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang. Trung Quốc cũng đã hoàn thành bản kế hoạch xây dựng khoảng 52 nhà máy thủy điện trên thượng nguồn các sông Đà, sông Lô và sông Thao. Trên sông Đà: Theo thứ tự từ thượng nguồn sông Đà xuống gần biên giới nước ta, 11 công trình thuỷ điện đã xây dựng xong hoặc đã có kế hoạch xây dựng như sau: Chung Ái Kiều, Phổ Tú Kiều, Tam Giang Khẩu, Tứ Nam Giang, Tọa Dương Sơn, Thạch Môn Khảm, Tân Bình Trại, Long Mã,… Các hồ chứa thượng nguồn Trung Quốc vận hành có tác động mạnh mẽ đến chế độ dòng chảy ở hạ lưu sông Đà và sông Thao. Về mùa lũ, gây bất lợi cho công tác dự báo lũ hồ chứa, gây nguy hiểm cho công tác điều hành, đặc biệt khi xảy ra lũ lớn.
Để giảm thiểu tác động của các công trình thủy lợi, thủy điện tới môi trường, thiên tai, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông. Việc thực hiện theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việt Nam đã chuyển hướng tiếp cận từ quản lý đơn ngành sang quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông.
Vấn đề khó khăn nhất là hai lưu vực sông xuyên quốc gia. Nhằm khắc phục các khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, trước mắt là trong Ủy ban sông Mê Kông. Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu. Đánh giá các tác động môi trường, ngay từ khi nhận được thông tin quy hoạch/ý tưởng quy hoạch khai thác tài nguyên của các quốc gia ở đầu nguồn.
Một giải pháp chủ động, lâu bền hơn trong giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện ở đầu nguồn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu là cần có chiến lược thích nghi trong sử dụng đất đai vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông.
4.2. Vùng và liên kết vùng cho phát triển bền vững
Trong xã hội phát triển, vùng là được xem là một bộ phận quan trong của chính sách kinh tế - xã hội quốc gia, là một nhân tố chủ yếu tạo ra của sự phát triển bền vững của đất nước. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, hệ thống điều tiết của nhà nước theo vùng ngày càng được hoàn thiện dựa trên vai trò quan trọng của hệ thống điều tiết nhà nước theo vùng, mà nếu thiếu sẽ không giải quyết, hoặc rất khó giải quyết được các mục tiêu lớn của quốc gia.
Ở Việt Nam, vai trò của vùng trong sự phát triển đã được xác định, nhiều chính sách phát triển vùng đã được xây dựng, hoàn thiện theo các giai đoạn phát triển. Tuy vậy, các chính sách để hướng tới phát triển vùng bền vững còn những vấn đề được đặt ra để luận bàn, góp ý. Vùng là sự đồng nhất tương đối giữa 4 loại tiêu chí (lãnh thổ, tự nhiên, văn hóa, kinh tế), đó là: (1) tính tuơng đối đồng nhất về hình thái lãnh thổ, (2) có đặc trưng chung về điều kiện tự nhiên, (3) có (chung) sắc thái riêng về văn hóa xã hội, (4) có lợi thế so sánh riêng về kinh tế, tạo nên sắc thái riêng phân biệt giữa các vùng, do đó, phát triển vùng là phát triển tổng hợp - phức hợp - liên ngành như một chỉnh thể địa phương - khu vực và nhiều cấp độ. Do đó, phát triển không chỉ ở chỉ số tăng trưởng mà là sự thay đổi cấu trúc - chức năng, tái cấu trúc - chức năng tạo nên chất lượng và thang bậc mới, tiến bộ cả về con người - cộng đồng và kinh tế - xã hội – môi trường nói chung của toàn vùng trong sự tương tác, bổ sung tạo nên “hợp trội - đột sinh” mà từng bộ phận không có.
Ở Việt Nam, các văn kiện Đại hội Đảng hầu hết đều xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng, cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết và kết luận về phát triển vùng. Tuy vậy, các chính sách phát triển vùng đồng bộ và toàn diện hiện nay mới chỉ tập trung cho các vùng KTTĐ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra hạn chế trong phát triển vùng ở Việt Nam là thiếu các chính sách liên kết vùng, thiếu “nhạc trưởng” phối hợp nên tạo ra những bất cập trong phát triển hạ tầng đô thị trong vùng và gắn kết với các vùng phụ cận, vai trò lan tỏa của vùng KTTĐ chưa được phát huy.
Trong hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2023”, nhiều nhà khoa học đã nhất trí khi xem xét để phân bổ, đánh giá các mục tiêu PTBV cần chú ý tới tính vùng. Mỗi vùng lãnh thổ có các đặc thù khác nhau về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội khác nhau; mỗi vùng có thế mạnh, tiềm năng, đồng thời cũng có những điểm yếu, thách thức khác nhau, cả về tài nguyên, nguồn nhân lực. Cần đưa yếu tố vùng một cách sắc nét, rõ ràng hơn trong phân bổ và đánh giá mục tiêu PTBV.
Một ví dụ nổi bật về liên kết vùng cho phát triển bền vững là liên kết giữa Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), Đông Nam Bộ và liên kết quốc tế với Lào và Cam Pu Chia. Tây Nguyên và DHNTB có vị thế địa chính trị hết sức quan trọng. Là phần giữa của đất nước, có địa hình từ vùng núi - cao nguyên xuống đồng bằng ra biển trong không gian rộng, gắn kết với 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong tiến trình phát triển của nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng của tài nguyên tri thức, tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Tầm quan trọng của vị thế địa chính trị vùng được xác định qua đặc trưng không gian địa chính trị, khu vực địa chính trị và biên giới quốc gia của Tây Nguyên. Từ trong thuộc tính tự nhiên, văn hóa và dân tộc, Tây Nguyên và DHTNB có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên thể thống nhất và góp phần nâng cao vị thế địa chính trị không những cho quốc gia mà còn trong khu vực. Phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, sự liên kết này biểu hiện rõ nét trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong phát triển các ngành kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và đặc biệt là trong bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững hệ thống chính trị.
Dựa trên lợi thế so sánh của Tây Nguyên và các nhu cầu liên kết vùng với Nam Trung Bộ, một số giải pháp thực hiện liên kết vùng giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ được đề xuất là:
i) Liên kết trong quy hoạch sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, trong trao đổi hàng hóa, trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp. Tây Nguyên có nhiều thế mạnh phát triển các cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, chè, phát triển chăn nuôi đại gia súc, cần đến sự liên kết với các vùng khác trong áp dụng các công nghệ mới để thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng cần nhiều sản phẩm vốn là thế mạnh của Nam Trung Bộ mà Tây Nguyên không sản xuất được hoặc năng lực sản xuất còn hạn chế, như: dầu, khí, thủy hải sản, muối, gạo, cây ăn quả, các sản phẩm chế biến, và dịch vụ…;
ii) Liên kết với các vùng để phát triển du lịch, đặc biệt trong liên kết tuyến du lịch, quảng bá các sản phẩm du lịch. Du lịch là một trong những thế mạnh của Tây Nguyên, với những địa danh du lịch nổi tiếng và hấp dẫn như: Đà Lạt; Vườn Quốc gia Yordon và tới đây là Măng Đen, cùng hệ thống văn hóa phi vật thể như văn hóa cồng chiêng, lễ hội, thiết chế xã hội… của các đồng bào dân tộc thiểu số. Liên kết du lịch phát triển sẽ hỗ trợ cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tăng cường nguồn thu do đa dạng các sản phẩm và chương trình du lịch, quản lý du lịch hiệu quả, đồng thời mở rộng quảng bá hình ảnh của Tây Nguyên với khách du lịch trong nước và quốc tế;
iii) Liên kết với các tỉnh trong nâng cấp và phát triển các tuyến giao thông đường bộ trong vùng và các tuyến giao thông nối với các tỉnh Nam Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh. Cần thiết phải nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định đến việc sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai của cả vùng Tây Nguyên;
iv) Liên kết với các vùng lân cận để đào tạo nguồn nhân lực và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực nông nghiệp. Ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện đã được bắt đầu thực hiện ở Đà Lạt, Lâm Đồng trong trồng hoa và rau an toàn. Sự phối hợp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao giữa trường Đại học Tây Nguyên với các trường Đại học ở Đà Nẵng, ở thành phố Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt để khắc phục “lỗ hổng” về nguồn nhân lực của vùng Tây Nguyên;
v) Liên kết để phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao trong chế biến các sản phẩm nông lâm, chăn nuôi để xuất khẩu, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; chế biến sâu bauxit khi 2 nhà máy Nhân Cơ và Tân Rai đi vào hoạt động ổn định,…;
vi) Liên kết trong bảo vệ tài nguyên đất – nước và rừng: là “mái nhà” đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên “chỉ có nước chảy đi chứ không có nước chảy đến” nên công tác quản lý, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phát triển và bảo tồn rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, hợp tác đôi bên và nhiều bên đối với việc tập huấn, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên rừng hợp lý cũng cần được thực hiện;
vii) Phát triển hệ thống giao liên vùng đóng vai trò quan trọng cho phát triển bền vững. Các nghiên cứu cho thấy các tuyến đường giao thông hiện tại từ Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên đều phải đi qua các đèo có độ dốc lớn. Trong khi đó, sự chuyển tiếp một cách từ từ, ít tạo nên tính phân bậc theo chiều dọc thung lũng là một đặc điểm quan trọng, có ý nghĩa lớn cho phát triển hệ thống giao thông. Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ và Duyên hải NTB, qua cảng biển để xuất khẩu, thực hiện chủ trương và các văn bản chỉ đạo của chính phủ, cần phải nghiên cứu, đánh giá để đề xuất xây dựng tuyến đường cao tốc và đường sắt nối Tây Nguyên với Duyên hải NTB. Với địa hình nghiêng thoải, địa hình bề mặt khá ổn định với các cấp tai biến trượt lở đất, nứt sụt đất hầu hết là rất thấp và thấp, điều kiện thuận lợi nhất cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc (và đường sắt) liên kết giữa Tây Nguyên với Duyên hải NTB là không gian ở phía nam thung lũng sông Ba.
Về liên kết vùng, một nội dung nữa cũng được đề xuất, đó là giải pháp quản lý và chia sẻ tài nguyên nước đối với vấn đề hoang mạc hóa vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận. Tại Bình Thuận và Ninh Thuận có một diện tích đất khá lớn là các đồi cát đỏ phân bố trên độ cao từ 30 -250m, đang có nguy cơ sa mạc hóa cao nhất ở Việt Nam.
Hiện chưa có các giải pháp thủy lợi để cải tạo, phục hồi và chống sa mạc hóa nguồn tài nguyên đất này. Một trong các giải pháp có tính ý tưởng ở đây là chuyển nước từ Tây Nguyên để cải tạo vùng cát đỏ này. Trong những năm gần đây, công trình thủy điện Đại Ninh đã sử dụng nguồn nước từ một nhánh của sông Đồng Nai là lưu vực sông Đa Nhim để phát điện. Việc xây dựng hệ thống kênh và ống dẫn nước qua hầm xuyên qua dãy núi đông Đức Trọng ở độ cao 1000m, đổ xuống khu vực nhà máy thủy điện có độ cao tuyệt đối khoảng 200m đã làm gia tăng giá trị phát điện của một lượng nước không lớn. Với độ cao của cửa hầm lấy nước khoảng 1000m, việc chuyển nước để cải tạo vùng hoang mạc cát đỏ là hoàn toàn đáp ứng được. Vùng cát đỏ có thể trở thành một vùng sinh thái đặc thù, khi có sự tương phản cao giữa sự khô hạn và việc đáp ứng được nguồn nước.
Nghiên cứu cải tạo, phục hồi và sử dụng hợp lý vùng đất này sẽ cho được hiệu quả kinh tế và sinh thái tốt, như đã từng có đối với vùng đất Ninh Thuận với việc phát triển cây thanh long trước đây. Vùng sinh thái nông nghiệp này sẽ còn có thêm một giá trị nữa, đó là phát triển du lịch, khi ở đây vốn đã giàu tiềm năng này.
Liên kết vùng trong phát triển bền vững cũng cần chú ý tới liên kết ngoại vùng, giữa các quốc gia liền kề, đặc biệt là liên kết trong sử dụng tài nguyên rừng và di sản thiên nhiên. Các di sản thiên nhiên phân bó khá phổ biến ở biên giới Việt – Trung (điển hình như thác Bản Giốc), biên giới Việt Lào (điển hình là Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng – kéo dài sang khối Mahaxay của Lào) cần được phối hợp trong quản lý, khai thác sử dụng.
4.3. Về phát triển bền vững bờ biển và vùng bờ
Bờ biển Việt Nam kéo dài trên 3260km, có sự phân hóa đa dạng, chứa nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Hiện tại, công tác quản lý bờ biển còn một số bất cập, nhiều đoạn bờ bị cát cứ bởi các khu du lịch. Vùng bờ khá giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất, địa mạo - cảnh quan,… Đây là khu vực phân bố các hệ sinh thái đa dạng, phong phú, năng xuất sinh học cao như HST san hô, rừng ngập mặn,.... Các hoạt động phát triển kinh tế ở vùng bờ biển đã tác động mạnh tới các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Các tác động này đã dẫn tới suy giảm nghiêm trọng cả về diện phân bố, chất lượng và các nguồn tài nguyên đi kèm các hệ sinh thái. Thiên tai xói lở bờ biển, ngập lụt, nước biển do bão đang có xu hướng gia tăng.
Nhằm sử dụng bền vững bờ biển và vùng bờ, cần phải đẩy nhanh công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) và tăng cường công tác quản lý hành lang này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhằm quản lý bền vững vùng bờ, các địa phương có biển cần xem xét một cách đầy đủ để quyết định tối đa các khu vực cần phải thiết lập HLBVBB, hướng tới bờ biển Việt Nam không bị cát cứ bởi các dự án, các chủ đầu tư ở bờ biển. Chính sách này hướng tới phát triển bền vững vùng bờ, HLBVBB với ba chức năng chính là i) bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; ii) giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và iii) bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
5. Thay lời kết
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là đòi hỏi của thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển, con người khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức dẫn tới cạn kiệt, gây nguy cơ suy thoái, ô nhiễm môi trường, xung đột xã hội.
Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có đường bờ biển dài, các lưu vực sông liên vùng tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội, chịu tác động mạnh của biến đổi toàn cầu, cả biến đổi khí hậu và biến đổi tự nhiên do tác động có tính liên vùng, việc liên kết trong thực hiện các mục tiêu PTBV, cả mục tiêu về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là hết sức cần thiết và cấp bách.
Các nội dung về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong PTBV liên quan chặt chẽ với điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên và môi trường, là đối tượng nghiên cứu của khoa học Trái đất. Việc định hướng trong nghiên cứu và đào tạo của lĩnh vực khoa học này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam.
(Hết)
PGS.TS. Đặng Văn Bào
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
Tài liệu tham khảo
Đặng Văn Bào (chủ trì) và nnk., 2015. Nghiên cứu cơ sở khoa học cho các giải pháp tăng cường liên kết vùng giữa Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, Báo cáo tổng hợp Đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên, Mã số TN3/T19
Đặng Văn Bào (chủ trì) và nnk., 2020. Luận cứ khoa học cho việc thiết lập và giải pháp quản lý hành lang bảo vệ bờ biển Việt Nam. Báo cáo tổng hợp đề tài cấp quốc gia, mã số: KC.09.17/16-20.
Bộ Kế hoạch và đầu tư (2023), Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2022.
Bùi Việt Cường, 2013. Vai trò của liên kết vùng trong sự phát triển bền vững. Tạp chí Khoa học Xã hội, số 8 (180)
Trương Quang Học, 2012. VIỆT NAM: Thiên nhiên, Môi trường và Phát triển bền vững. Nxb Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội.
Trương Quang Học, 2016. Phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5, chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.
Nguyễn Quy Hoạch, 2022. Tác động xuyên biên giới của hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Mê Kông | Tạp chí Năng lượng Việt Nam (nangluongvietnam.vn)
Nguyễn Thị Thanh Nga, 2023. Tổng quan về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDGs) đến năm 2023”. NxB. Khoa học xã hội, Tr. 16 – 40.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021), Báo cáo quốc gia năm 2020 - Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Liên Hợp Quốc, 2017. Phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương: Hướng dẫn chuyển đổi lấy con người là trung tâm. Băng Cốc, Thái Lan, ST/ESCAP/2782, ISBN: 978-92-1-120749-1, eISBN: 978-92-1-361430-3.
Thủ tướng chính phủ, 2017. Quyết định số 622/QQĐ-TTg về “Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.
Hà Huy Thành (chủ biên) và nnk., 209. Phát triển bền vững từ quan niệm đến hành động /Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững. NxB Khoa học Xã hội, 365tr.
Hồ Bá Thâm, (2009). Cơ sở lý luận triết học và thực tiễn trong nghiên cứu phát triển vùng. Kỷ yếu hội thảo “Cơ sở khoa học cho phát triển vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam” ” Nxb Thế giới.
Bosselmann, K. (2010). Losing the Forest for the Trees: Environmental Reductionism in the Law. Sustainability 2010, Vol. 2, Pages 2424-2448, 2(8), 2424–2448. https://doi.org/10.3390/SU2082424
Indra Morandín Ahuerma, Armando Contreras Hernández, Dante Ariel Ayala-Ortiz, & Octavio Pérez-Maqueo. (2019). Socio-ecosystemic sustainability. Sustainability (Switzerland), 11(12), 27. https://doi.org/10.3390/SU11123354
Sustainable Aotearoa New Zealand Incorporated (SANZ). (2009). Strong sustainability for New Zealand: Principles and Scenarios. In Nakedize Limited (Issue May).