Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Từ đây, miền Nam chính thức được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. 49 năm sau, tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh hiện đại, xứng danh thành phố mang tên Bác.
Tiên phong, năng động đổi mới để phát triển
Ngày 2/7/1976, sau khi đất nước thống nhất, thể theo nguyện vọng toàn dân từ Bắc chí Nam, Quốc hội đã thống nhất lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn-Gia Định.
Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị. Sau nhiều nỗ lực, những giải pháp, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng tích cực trong sản xuất, động viên nhân dân hăng say lao động, góp phần từng bước tháo gỡ những khó khăn. Thành phố đã đi đầu "xé rào","bung ra", góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ chế kinh tế mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sang đến thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước. Theo đó, năm 1991, khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Đây cũng chính là sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành - cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước…
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Quyết định số 642/QĐ-TTg, ngày 26/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đầu tàu kinh tế của cả nước
Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng trong suốt nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Giai đoạn đầu sau giải phóng (1976-1985), cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào công cuộc xây dựng CNXH trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, do vậy tổng sản phẩm trong nước (GRDP) của Thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ở giai đoạn đầu (1986-1995), GRDP của Thành phố đã tăng trưởng mạnh, trong 5 năm 1986-1990, tăng trưởng bình quân 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994), 5 năm tiếp theo 1991-1995 đạt trung bình 12,62%/năm. Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.
Đến giai đoạn 1996-2010, tốc độ phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, đưa Thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số (1996-2000: 10,11%; 2001-2005: 11% và 2006-2010: 11,18%/năm). Thành phố là một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố chuyển biến tích cực từ chiều rộng sang chiều sâu.
Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,96%) và cả vùng (6,31%). Quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 (theo giá so sánh 2010) chiếm 25,79% của cả nước và chiếm 51,11% vùng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gấp 2,39 lần so với năm 2010. Trong giai đoạn này, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò động lực trong thu hút nguồn vốn FDI, đi đầu trong phát triển dịch vụ gắn với công nghệ hiện đại, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước.
Năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm mạnh. Sang đến năm 2022, kinh tế Thành phố đã phục hồi nhanh chóng với mức tăng trưởng đạt 9,03% vượt xa kế hoạch đề ra. Năm 2023 GRDP của Thành phố tăng 5,81%. Khu vực thương mại dịch vụ hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%) trong cơ cấu nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022. Trong những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm của ngành công nghệ và khởi nghiệp, thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Ngành du lịch và văn hóa cũng đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phát triển của các điểm du lịch, sự kiện văn hóa và giải trí đã thu hút nhiều khách du lịch và tạo ra nguồn thu nhập lớn. Năm 2023, Thành phố tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế (chiếm gần 50% lượng khách quốc tế của cả nước) và gần 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỷ đồng.
Cùng với những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, diện mạo của Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thay đổi lớn sau gần 5 thập kỷ. Những cao ốc hiện đại, “chọc trời” như Bitexco, Landmark 81; những công trình biểu tượng mới như bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2... là những công trình ấn tượng đã mang đến một diện mạo mới mẻ và hiện đại cho thành phố mang tên Bác. Cùng với đó, các nhà ga, đường vành đai và các tuyến giao thông liên vùng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ… đang được triển khai xây dựng, cùng những cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, 49 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hàng năm, Thành phố đóng góp khoảng 25% nguồn thu ngân sách và 22% GRDP của quốc gia
Chú trọng phát triển văn hóa-xã hội
Nhằm hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững, trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, với nhiều chương trình, đề án nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Thành phố đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường trang thiết bị dạy và học hiện đại; mạnh mẽ đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp dạy - học; triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế... Thành phố hiện có 54 trường đại học, học viện, với hơn 500.000 sinh viên đang theo học, trong đó có nhiều cơ sở, chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành phố tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh theo định hướng chuyên sâu tại các bệnh viện. Đồng thời, hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ địa bàn. Thành phố đã đạt chỉ tiêu 42 giường bệnh/vạn dân, trong đó bình quân diện tích đạt 45m2/giường bệnh, đạt 20 bác sỹ/vạn dân.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra việc làm. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, đã có hơn 1,54 triệu lượt lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 660.000 chỗ làm mới. Trong năm 2023, đã giải quyết việc làm cho 315.797 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm.
Thành phố thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; hoạt động của hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần chăm lo cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn; vận động toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt kết quả tốt.
Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cũng được Thành phố triển khai, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng góp công, góp của như: hỗ trợ vốn để kinh doanh, sản xuất, đào tạo nghề cho các hộ nghèo.
Có thể thấy, trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của mình, từ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định rồi Thành phố Hồ Chí Minh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thành phố vẫn luôn hướng về phía trước, tràn đầy khát vọng vươn lên. Với tinh thần trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước”, với kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo để vượt qua thử thách, thực hiện khát vọng bay cao, bay xa cùng với đất nước, cùng với dân tộc, xứng danh là Thành phố mang tên Bác, Thành phố anh hùng./.
Minh Duyên (TTXVN)