Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng.
Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp
Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/9/1954, Bác Hồ về thăm đền Hùng. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Bác căn dặn: “… Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng, của các thế hệ ông cha, lời Bác dặn còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc.
“Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”
Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Do đó, Đền Hùng và Đất Tổ giữ vị thế lịch sử và văn hóa quan trọng, là di sản vô cùng quý báu của tổ tiên, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Sau thời kỳ dựng nước, lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta luôn luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mỗi tấc đất giành lại được đều phải đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ ông cha.
Tháng 9/1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Sáng 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Đền Tổ Hùng Vương. Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (nay là Sư đoàn bộ binh 308, Quân đoàn 1) đang trên đường về tiếp quản Thủ đô. Chính tại nơi đây, trong cuộc gặp gỡ, giao nhiệm vụ lịch sử với cán bộ Đại đoàn 308, Bác Hồ đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: "Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Cuộc gặp gỡ của Bác với cán bộ Đại đoàn 308 diễn ra trong không khí thân mật, gần gũi và giản dị. Bác nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn...”. (1)
Sau đó, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau, giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng... Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề...
Câu nói “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” của Bác tuy dung dị nhưng vô cùng sâu sắc, là sự khái quát cao nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Trước hết, Bác khẳng định công lao to lớn “dựng nước” của các Vua Hùng, của các thế hệ cha ông; tiếp đến Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, câu nói của Bác còn hàm chứa một quy luật liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đó là: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Do đó, lời dạy của Bác cất lên ở Đền Hùng khi xưa không chỉ là nói với Đại đoàn 308 mà còn là nói với toàn quân, toàn dân; không chỉ nói với thế hệ ngày ấy mà còn là lời dặn dò đối với các thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Khắc ghi lời Bác dạy
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, vậy nên “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Đấy là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng.
Với Bác, “giữ nước” trước hết là quyết tâm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất và chủ quyền của đất nước. Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Bác từng nói: “… Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!” (2). Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (3). Với Bác, “giữ nước” còn là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân, làm cho người dân “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bởi nhân dân là gốc của đất nước. Đấy chính là “kế sâu dễ bền gốc” mà ông cha ta truyền lại.
Làm theo lời Bác, trong nhiều thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, "con thuyền" cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với chiến thắng chống thực dân Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử, “một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh”. Còn thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Trong sự nghiệp đổi mới, khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; giữ vững khối đại đoàn kết; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Đất nước không ngừng đổi mới và phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990-2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2006-2010 đạt 7%; giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương. Năm 2022, GDP tăng đến 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Đi đôi với phát triển kinh tế, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển con người toàn diện. Năm 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726, thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao của thế giới.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... Trên bình diện đa phương, Việt Nam hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN…
“Cùng nhau giữ lấy nước” không chỉ có nghĩa là ra trận chống giặc ngoại xâm hay đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là sự chia sẻ, đoàn kết, tương thân tương ái, cùng vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển vững mạnh hơn.
Đoàn kết, tương thân tương ái là một giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt, được thể hiện hết sức giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc trong tình làng, nghĩa xóm, trong sự chở che, giúp đỡ nhau lúc khó khăn của mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng. Đặc biệt được thể hiện rõ nét trong thiên tai, dịch bệnh.
Trong đại dịch COVID-19, lòng đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam đã thể hiện sinh động, cụ thể qua những việc làm thiết thực của tất cả mọi người, đặc biệt là những y, bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; những sự giúp đỡ từ nhỏ đến lớn tới bà con gặp khó khăn nơi vùng dịch hoặc trong khu cách ly…Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi có những hành động đa dạng, thiết thực góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Và những ngày này, người dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài lại đoàn kết một lòng, hướng sự quan tâm, chăm lo đến các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai... - nơi đang phải trải qua những ngày đau thương, mất mát lớn cả về người và tài sản do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở đất. Hàng triệu trái tim cùng chung nhịp đập hướng về bà con ta đang phải oằn mình chống chọi với cơn lũ dữ. Càng trong thử thách, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt lại càng sáng lên. Trên những cung đường, hàng trăm chuyến xe cứu trợ từ miền Trung, miền Nam và các địa phương trên cả nước nối đuôi nhau, gấp rút vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm... đến với bà con vùng lũ. Nhiều đội tình nguyện từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... ra Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai... để cùng chung tay với bà con khắc phục hậu quả của bão, lũ. Các nhà xe, nhà tàu tham gia vận chuyển người và hàng hóa miễn phí. Việc quyên góp cứu trợ người dân vùng bão lũ cũng nhanh chóng được người dân cả nước hưởng ứng. Tính đến 17 giờ ngày 15/9, số tiền các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt, chuyển khoản về tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương ủng hộ đồng bào bị thiệt hại của bão số 3 là 1.094 tỷ đồng. Mỗi người một tấm lòng, một sự đóng góp, làm cho tình đồng bào sâu đậm hơn, lòng người ấm áp hơn.
Có thể khẳng định, qua các cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh đầy cam go và hiểm nguy, những giá trị văn hóa Việt Nam vốn thấm đẫm tính nhân đạo, nhân văn từng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc trong lịch sử, một lần nữa lại tỏa sáng rực rỡ, trở thành niềm tin và tự hào Việt Nam. Qua đó, phát huy mạnh mẽ tinh thần “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.
70 năm đã trôi qua nhưng lời Bác dạy tại Đền Hùng năm xưa vẫn luôn vang vọng trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam ở mọi thế hệ, như nhắc nhở, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Càng thấm thía lời Bác dạy, chúng ta càng quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Người./.
Theo TTXVN
(1): Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.5, tr. 502.
(2):Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr.256
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t.3, tr. 557.