Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi

Ngày phát hành: 28/02/2023 Lượt xem 2103


 Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943, là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển.

 

 

 Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng
 Xuất phát từ tình hình thế giới và trong nước, nhận rõ thời cơ để đánh đổ chế độ thực dân-phát xít và bè lũ tay sai để lập nên chế độ dân chủ, cộng hòa, trong nhiều công việc quan trọng và cần kíp phải chuẩn bị và tiến hành, Đảng ta, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Vì cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân-phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa; loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của thực dân-phát xít cũng như những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm để xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới.


Trong bối cảnh và những vấn đề nóng bỏng của đất nước, Tổng Bí thư Trường Chinh đã bắt tay khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Dù mới ở tầm mức “đề cương”, nhưng Đề cương văn hóa đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân-phát xít; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá; vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân-phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có kết cấu gồm 5 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.

Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc:


Thứ nhất, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.


Thứ hai, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật-Pháp; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.


Thứ ba, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó: Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam; Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan; Đại chúng hóa là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.


Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do Nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến chân-thiện-mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh.


Thứ tư, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ.

 Ánh sáng soi đường, động lực phát triển văn hóa
Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.


Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, bản Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" (1), "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" (2), vùng đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, làm nên thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với chủ trương: văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận; văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, nhiều người đã từ bỏ con đường "vinh thân, phì gia" sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân dấn thân đi theo cách mạng, cống hiến tâm huyết, tài năng và sức lực của mình cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi… văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, xây dựng một nền văn hóa mới "lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở" (3), "phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" (4), "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc… Văn hóa còn thì dân tộc còn" (5)... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hòa bình, thống nhất.


Năm 1943, khi bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời, dân tộc ta vẫn chưa giành được độc lập, đất nước ta vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Trải qua 80 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, phải thấy rõ rằng, ở bất cứ một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nào, Đảng ta đều luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương, không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.


Nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ đã được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII xác định mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế: “Hai vấn đề về văn hóa và kinh tế-xã hội gắn chặt nhau, vừa là những vấn đề cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trước mắt”. Khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, Nghị quyết đã nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” và nhấn mạnh: “Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế-xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò nhân tố con người và văn hóa, đó là góp phần quan trọng gia tăng sự cố kết cộng đồng, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội, hướng đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp để tạo lập nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, đồng thời là động lực, là nguồn lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

 

 Đến năm 2014, Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định cần xây dựng văn hóa Việt Nam gắn với phát triển con người toàn diện.
 Trong 10 năm đầu thế kỷ này, khái niệm công nghiệp văn hóa đã dần xuất hiện và lần đầu tiên phát triển công nghiệp văn hóa được đề cập trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam 2020. Cách đây hơn 10 năm, Đại hội XII của Đảng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hoá. Đến Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, đặt ra yêu cầu cụ thể hơn là triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp và dịch vụ văn hoá.


 Sau 8 thập kỷ, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Thời chiến tranh, văn hóa thành vũ khí đấu tranh giành độc lập thì nay văn hóa trở thành nguồn lực, tài sản. Văn hóa giúp khẳng định thương hiệu du lịch của nhiều địa phương, tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.


 Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21”.


 Lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước đã chứng minh rằng văn hóa dân tộc với lòng yêu nước, đoàn kết, tự lực và tự cường đã giúp Việt Nam vượt bao thiên tai và địch hoạ. Văn hóa sẽ tiếp sức làm nên sức mạnh trên chặng đường sắp tới, phát triển và hội nhập với khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Phát huy vai trò sức mạnh của văn hóa do đó không chỉ là trách nhiệm của quá khứ mà còn là trách nhiệm với tương lai, bởi văn hóa còn thì dân tộc còn./.


                                                                                                                                                                           Theo TTXVN                                                                                                                                                                           


(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, NXBCTQG-ST, tập II, tr 225.
(2) Hồ Chí Minh, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945.
(3) Hồ Chí Minh, Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Hà Nội.
(4) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969.
(5) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 24/11/2021, Hà Nội.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết