Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Trí thức và vấn đề trách nhiệm xã hội

Ngày phát hành: 17/02/2023 Lượt xem 2105

 

 

1. Về nội hàm cơ bản của khái niệm trí thức

 

Rất nhiều tài liệu khẳng định, khái niệm “Trí thức” (Smartia - tiếng Latin; Интеллектуалы, Intellectual) xuất hiện tại Pháp khi các học giả nổi tiếng, mà đứng đầu là nhà văn Émile Zola vào năm 1898 cùng ký tên vào bản kháng nghị có tên “J'accuse…!  Lettre au President de la Republique” về việc Tòa án xử oan đại úy Alfred Dreyfuss về tội phản quốc. Suốt từ năm 1898 đến năm 1906, xã hội Pháp sôi động và chia rẽ về sự kiện này. Năm 1906, sau khi Alfred Dreyfuss được minh oan, thủ tướng Pháp Clemenceau đã gọi bản kháng nghị này là “Tuyên ngôn của giới Trí thức” (Manifeste Des Intellectuels). Vậy là, khái niệm trí thức (Intellectuel) trước đó chưa hề có trong từ điển như Larousse 1866-1878 hay La Grande Encyclopédie 1885-1902, đã xuất hiện trong một sự kiện chống bất công, và được xã hội thừa nhận.

 

Cũng từ đây, xu hướng phản ứng chống lại bất công, lạc hậu và phí lý… đã trở thành truyền thống của giới trí thức toàn thế giới.

 

Thực ra, từ khá lâu trước đó, thuật ngữ trí thức, giới trí thức đã được biết đến trong các bối cảnh chính trị khác nhau ở Ý, Đức, Nga, Ba lan… Ở cả mấy nước này đều có những luận thuyết khẳng định khái niệm trí thức xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Đức, tiếng Nga hoặc trong tiếng Balan… chứ không phải ở những ngôn ngữ khác. Xuất xứ của thuật ngữ Intellectuel này đến nay vẫn còn còn gây tranh cãi.

 

Mặc dù lúc đầu, được hiểu thường không giống nhau trong các tình huống chính trị - xã hội cụ thể ở các xã hội. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, sau những tranh luận tương đối gay gắt của giới trí tuệ châu Âu, khái niệm này (Trí thức và Giới trí thức) trong hầu hết các quan niệm dần được hiểu là dùng để chỉ những người có những phẩm chất đặc trưng như sau:

  • Lao động trí óc, sản phẩm của lao động là trí tuệ (hay trước hết và chủ yếu là trí tuệ).
  • Có khả năng cung cấp cho xã hội một cái nhìn sáng suốt, hợp thời và toàn diện về thế giới, về xã hội và tiến bộ xã hội.
  • Có niềm tin sâu sắc vào các giá trị của con người, đặc biệt là giá tri tự do và dũng cảm theo đuổi tư tưởng mà họ coi là chân lý.
  • Mẫn cảm với lẽ phải, công bằng và quyền lực xã hội.
  • Thường không dễ thần phục quyền lực.
  • Biết tỏ thái độ và sẵn sàng tỏ thái độ với bất cứ điều gì được coi là lạc hậu và phi lý.

Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, với tầm nhìn sâu rộng, với đặc trưng nghề nghiệp lao động trí óc và phẩm cách tự trọng cá nhân… trí thức luôn là những người mẫn cảm với lẽ phải xã hội, với bất công và tiến bộ xã hội, luôn quan tâm đến cuộc sống xã hội xung quanh mình, có trách nhiệm rất cao và sâu sắc về các vấn đề xã hội. Trí thức khắp thế giới đều là những người như vậy - tự cho mình là có trách nhiệm làm cho xã hội tốt lên, nên thường bị coi là những người “nhúng mũi vào chuyện của người khác” như Sactre đã nhận định[1].

 

Như vậy, dù được hiểu hoặc được nhấn mạnh ở khía cạnh nào, thì nội dung hàng đầu của khái niệm trí thức – điều có trong tất cả các quan niệm về trí thức, vẫn là trách nhiệm xã hội của trí thức đối với tiến bộ xã hội. Đáng lưu ý là, tư tưởng này đã có từ lâu trong quan niệm truyền thống ở Việt Nam về trí thức - “Quốc gia phế hưng, thất phu hữu trách” (Quốc gia thịnh suy, trí thức phải có trách nhiệm)[2].

 

Trách nhiệm xã hội – một trong những nội hàm cơ bản của khái niệm trí thức. Dĩ nhiên, trách nhiệm xã hội được hiểu từ cả hai phía, từ phía xã hội và từ phía trí thức, giới trí thức.

 

2. Về một vài bài học lịch sử

 

2.1. Có lẽ trong lịch sử, Việt Nam sử dụng trí thức giỏi nhất là vào thời Minh mệnh (1820-1841). Điều này giải thích, tại sao đây cũng là thời kỳ Việt Nam thịnh trị nhất trong lịch sử quân chủ phong kiến và cả trong so sánh với các nước lân bang. Riêng việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa thể hiện trên hàng trăm văn khố, châu bản còn lưu giữ đến nay, thì việc quản lý Hoàng Sa vào thời Minh Mạng đã được thực hiện hàng năm với các hoạt động đo vẽ bản đồ, cắm mốc hải giới, trồng cây, xây miếu thờ trên đảo… “Đại Nam thống nhất toàn đồ” vẽ năm 1834-1838, là bản đồ đầu tiên của Việt Nam có đủ các vùng lãnh thổ và hải đảo như ngày nay. Thời kỳ này, lãnh thổ Việt Nam rộng gấp 1,7 lần hiện nay[3].

 

Biết cách trọng dụng và cả trừng phạt trí thức, vua Minh Mạng đã thành công với rất nhiều cải cách từ tổ chức lại hệ thống chính trị trung ương và hành chính địa phương, xác lập chủ quyền lãnh thổ thống nhất Việt Nam, cải cách nội trị và ngoại giao… Những tên tuổi trí thức thời Minh Mạng ngày nay vẫn được sử sách nhắc tới và ghi công là Phan Huy Chú, Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền, Thân Văn Quyền, Phan Bá Đạt, Phan Huy Thực, Nguyễn Khoa Minh, Vũ Xuân Cẩn, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quýnh… Lê Đại Cương, Doãn Uẩn, Lý Văn Phức, Hà Quyền… Họ để lại dấu ấn cực kỳ quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc[4].

 

2.2. Nền khoa học cách mạng Việt Nam được ghi trong sử sách là có lịch sử từ khi thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, tổ chức tiền thân của tất cả các cơ quan khoa học Việt Nam ngày nay, theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch Nước. Tuy nhiên, nếu nói đến thực lực nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam, thì không thể không kể đến giai đoạn trước đó, khi khoa học phương Tây có mặt tại Việt Nam.

 

Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp ở Việt Nam chủ trương khám phá sâu hơn về phương Đông, thì đặc thù của văn hóa và con người Việt Nam đã được các học giả Pháp và Việt Nam chú ý nghiên cứu ở trình độ rất cao. Các KHXH&NV Pháp lúc đó, đặc biệt dân tộc học, khảo cổ học, tôn giáo học, ngôn ngữ học… được coi là thuộc loại hàng đầu châu Âu.

 

Viện Viễn Đông bác cổ (École française d'Extrême-Orient, EFEO) được thành lập tại Sài Gòn năm 1900, chuyển ra Hà Nội năm 1902 và là tiền thân của tất cả 18 trung tâm EFEO tại 13 quốc gia hiện nay. EFEO đã nghiên cứu rất sâu về văn hóa và con người Việt Nam và đã để lại những kết quả nghiên cứu khoa học và văn hóa có ý nghĩa nền tảng vô cùng giá trị đối với các thế hệ sau, mà đến nay ở một số lĩnh vực, giới nghiên cứu KHXH&NV cũng chưa tiến xa hơn được bao nhiêu. Chẳng hạn, về các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa…; những nghiên cứu về Tây Nguyên hay những khám phá về thánh địa Mỹ Sơn, bãi đá cổ Sa Pa…

 

Tạp chí nghiên cứu B’EFEO (Bulletin de l' École française d'Extrême-Orient) khoảng 100 năm nay đã trở thành nguồn dữ liệu không thể thiếu trong danh mục tham khảo của các nghiên cứu về Việt Nam và khu vực châu Á. Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902. Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập năm 1905 (bao gồm một loạt trường chuyên ngành, được thành lập từ năm 1905 đến năm 1941), sau này là Đại học Quốc gia Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924, là trung tâm mỹ thuật đầu tiên ở khu vực vẽ và sáng tạo theo các chuẩn mực phương Tây. Viện Hải dương học Đông dương (Institut Océanographique de l’Indochine) thành lập năm 1922 tại Nha Trang. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu hải dương học ra đời sớm nhất và có hiện vật biển lớn nhất Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang cũng là nơi có những nghiên cứu khảo cổ, địa chất, hải dương… sớm nhất ở Hoàng sa và Trường Sa và có những đóng góp to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này. Những thiết chế khoa học này, đã sớm đem đến cho giới trí thức Việt Nam tinh thần khoa học, phương pháp luận nghiên cứu, tình yêu chân lý, phong cách sáng tạo, và thái độ của giới trí thức đối với xã hội và đối với nhà cầm quyền… - những phẩm chất rất cơ bản và toàn cầu của trí thức[5].

 

Cùng với những viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, công trình, tác phẩm… rất giá trị về khoa học và văn hóa, nền khoa học Việt Nam thuộc Pháp hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX còn để lại những tên tuổi lớn, mà dù vì lý do gì thì lịch sử KHXH&NV Việt Nam (chứ không phải lịch sử KHXH&NV Pháp hay thế giới) không thể không ghi nhận.

 

Bên cạnh các học giả Pháp và châu Âu đầu thế kỷ XX[6], là thế hệ vàng của giới trí thức Việt Nam, những người đã trưởng thành trong khoa học nhờ hợp tác chặt chẽ với EFEO, nắm chắc các lý thuyết và vận dụng được các phương pháp Âu Tây trong nghiên cứu và hoạt động học thuật, khám phá đối tượng nghiên cứu là văn hóa và con người Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam được nghiên cứu theo các phương pháp, chuẩn mực phương Tây. Đó là những thành viên của EFEO, như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973), Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Và nhiều học giả khác không phải là thành viên EFEO như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Hoài Thanh (1909-1982), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Lê Dư (1885-1957)[7]

 

Nhiều người trong số các học giả nói trên, về sau đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Huyên (2000), Đặng Thai Mai (1996), Đào Duy Anh (2000), Nguyễn Đỗ Cung (1996), Hoàng Xuân Hãn (2000), Trần Văn Giáp (2000), Cao Xuân Huy (1996), Hoài Thanh (2000)…

 

2.3. Trong nền khoa học cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là lãnh tụ điển hình của việc thu hút trí thức, sử dụng nhân tài. Ngay từ khi còn hoạt động bí mật ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan… đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, hay khi cả nước tiến hành kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… hàng loạt nhân sỹ, trí thức tài ba đã được cảm hóa và thuyết phục để họ đem tài năng phục vụ Tổ quốc.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng dụng những nhân sỹ, trí thức của chế độ trước như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe…; những quan chức thuộc Nội các chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Hoàng Xuân Hãn...; những “trí thức Tây học” như Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Trịnh Văn Bính…; những trí thức ở Pháp về như Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh; ở Nhật về như Lương Định Của, Hồ Đắc Di… hay ở Nga về như Nguyễn Khánh Toàn... Và, những tên tuổi lớn khác chẳng hạn, trong ngành y tế: Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ...; trong ngành giáo dục: Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Ngô Thúc Lanh… trong hoạt động khoa học: Trần Đại Nghĩa, Võ Quí Huân...; trong hoạt động luật pháp: Hồ Đắc Điềm, Vũ Trọng Khánh... hay trong hoạt động xã hội: giám mục Lê Hữu Từ, nhà tư sản Ngô Tử Hạ, linh mục Phạm Bá Trực…

 

Trong những năm kháng chiến gian khổ, việc cử thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này trở về phục vụ đất nước cũng là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử đất nước.

 

3. Về trách nhiệm xã hội của trí thức và của Đảng và Nhà nước đối với trí thức

 

Dĩ nhiên, nói đến trách nhiệm xã hội trong vấn đề trí thức, là nói đến trách nhiệm từ cả hai phía. Cần phải lưu ý rằng, trách nhiệm xã hội của trí thức và của Đảng và Nhà nước đối với trí thức đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ rất rõ. Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, để có được đội ngũ trí thức mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, công tác trí thức của Đảng và Nhà nước cần phải chú trọng giải quyết những vấn đề lớn và cấp bách sau:

  • Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học.
  • Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức.
  • Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.
  • Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức[8].

Nhưng không chỉ đến Đại hội XIII mà ngay từ năm 2008, Nghị Quyết TW 7 khóa X đã chỉ rõ, từ phía quản lý vĩ mô, công tác trí thức của Ðảng và Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm; đồng thời bản thân đội ngũ trí thức cũng có những hạn chế, yếu kém không nhỏ[9].

  • Về những đóng góp của giới trí thức

Khi đánh giá sự đóng góp của trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội, dư luận xã hội từ nhiều năm nay thường căn cứ vào những hạn chế của các ngành mà đội ngũ trí thức là lực lượng lao động chủ yếu với những hiện tượng bất bình thường mà một số trí thức đã từng bị kỷ luật hoặc bị phê phán, để đưa ra những nhận xét không mấy tích cực về trí thức nói chung. Điều này cũng không quá sai và có ý nghĩa nhất định. Nhưng trên thực tế, sự thiếu hài lòng của xã hội đã tạo ra một cái nhìn thiên lệch về vai trò trí thức đối với đất nước và xã hội. Do vậy, cần phải có một đánh giá công bằng hơn, thực tế hơn về trí thức, trong khi thể chế, cơ chế và điều kiện cho sự sáng tạo, đóng góp của trí thức còn nhiều bất cập như hiện nay. Chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý.

 

Số lượng và chất lượng trí thức tăng liên tục trong vài thập niên gần đây (sự phát triển đất nước bao giờ cũng tỷ lệ với số lượng và chất lượng trí thức).

 

Đội ngũ trí thức, đặc biệt những trí thức có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia… làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước; giảng dạy trong hệ thống giáo dục, đặc biệt trong các trường đại học, các trường đảng; cán bộ nghiên cứu trong các viện hàn lâm, các học viện, các văn nghệ sỹ trong các hội chính trị - nghề nghiệp… với những kết quả trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công trình sáng tạo trong nghiên cứu và hoạt động chuyên môn của họ…, trên thực tế đã những đóng góp thiết thực cho sự vận hành của toàn bộ thể chế, của các bộ ngành, và của đời sống kinh tế - xã hội…

 

Khó nói đầy đủ và thật thuyết phục về những đóng góp này. Xã hội sẽ khác, có thể là chậm đổi mới hơn, kém phát triển hơn, nếu đội ngũ này kém trách nhiệm xã hội, kém nhiệt thành với khát vọng đất nước.

 

Hầu hết các ngành kinh tế của đất nước hiện nay đều là những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Tại các ngành này, trí thức là lực lượng lao động chủ yếu hoặc quyết định, lao động giản đơn chiếm tỷ trọng không nhiều trong sản phẩm, thậm chí trong tổng số lao động. Nghĩa là nếu thiếu đội ngũ trí thức đủ trình độ và có chất lượng, thì các ngành này và toàn bộ nền kinh tế của đất nước khó có thể hoạt động bình thường.

 

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022, Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế dù chỉ ở mức thu nhập trung bình nhưng có tốc độ tăng hiệu suất đổi mới (Innovation Performance) nhanh nhất toàn cầu (Innovation Performance chỉ có thể tăng khi đội ngũ tri thức đủ mạnh và có vị trí trong nền kinh tế)[10].

 

Tất nhiên, sự đóng góp của trí thức cũng còn khá xa với kỳ vọng của xã hội. Sự thực là số người hài lòng với trí thức cũng không thật nhiều. Nhưng đòi hỏi nhiều hơn ở giới trí thức, theo chúng tôi là việc cần phải tính đến thể chế và cơ chế vận hành của toàn bộ đời sống xã hội.

 

Từ góc độ chuyên môn, đại đa số trí thức thuộc đội ngũ này đều có những công trình nghiên cứu, sản phẩm trí tuệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội với mong muốn đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn và theo hướng dân chủ tiến bộ hơn…. Đồng thời họ cũng là những người sẵn sàng có những ý kiến tư vấn, phản biện đối với các chính sách, quyết sách vĩ mô hay đối với các hiện tượng kinh tế - xã hội có vấn đề. Điều này đôi khi khiến họ thể hiện mình trước xã hội như là những người mà giới quản lý thì cũng không thật muốn gần gũi vì họ “hay có ý kiến”, còn người dân bình thường thì cũng không nghĩ rằng những người này sẽ đứng về phía dân nếu tình huống có vấn đề.

 

Ở phương Tây, hầu hết các nước đều có một đội ngũ trí thức được gọi không chính thức là “Establishment Intellectual” (trí thức công, trí thức của thể chế), nghĩa là những trí thức có lợi ích gắn với nhà nước và các tổ chức công quyền, làm việc trong các tổ chức công quyền, hoặc cũng có thể không làm việc trong các tổ chức công quyền nhưng luôn có thiên hướng ủng hộ chế độ nhiều hơn. Xuất phát từ hoạt động chuyên môn, tiếng nói của đội ngũ này có ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách vĩ mô, các quyết sách của chính phủ và đến cả công luận.

 

Ở Việt Nam, đội ngũ trí thức làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp, cán bộ giảng dạy trong hệ thống giáo dục, đặc biệt trong các trường đại học, các trường đảng, cán bộ nghiên cứu trong các học viện, các viện hàn lâm, các văn nghệ sỹ trong các hội chính trị - nghề nghiêp… là những người có vai trò đối với chế độ cũng tương tự như trí thức công, hay trí thức của thể chế phương Tây. Có thể đội ngũ này ở Việt Nam còn chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các nước tư bản phương Tây.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 1959 trở lại đây, cái nhìn xét nét có phần cảnh giác đối với trí thức đã làm nảy sinh tình trạng “việc  đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm tư nặng nề trong đội ngũ trí thức”, như Nghị Quyết TW 7 khóa X năm 2008 đã nhận định. “Hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện” thực sự là khá phổ biến. Tình trạng này lâu dần đã biến tri thức thành những thành những người ít tỏ thái độ thiếu trách nhiệm với những biến động của đời sống kinh tế - xã hội.

  • Về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ trí thức

Nhưng hạn chế, yếu kém không chỉ xảy ra từ một phía (trong việc Đảng và Nhà nước đối xử với trí thức), mà chính đội ngũ trí thức cũng mắc không ít khuyết điểm, sai lầm, thậm chí trong một số trường hợp còn sa vào quỹ đạo của những tệ nạn xã hội.

 

Hiện nay, không ít trí thức tự cho mình là vô can trước những khuyết tật, sai lầm trong hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá - nghệ thuật, trong hoạt động y tế…, hoặc trong một số đề án phát triển kinh tế xã hội… (tức là trong những hoạt động mà giới trí thức thực ra là có trách nhiệm chính và lớn, có vai trò quyết định và và có tiếng nói dẫn dắt định hướng dư luận xã hội). Trong khi đó, báo chí và ngay cả trong các diễn đàn của Quốc hội, dư luận đã tỏ ra khá bức xúc với những vấn đề này. Công bằng mà nói thì dư luận xã hội cũng ít nhiều nhìn trí thức bằng con mắt định kiến, khi thấy giáo dục, y tế có quá nhiều vấn đề, nhiều người có bằng có cấp, có địa vị mà dường như chẳng có đóng góp gì cho đất nước, trong khi đó những “nhà sáng chế hai lúa” lại tỏ ra có những phát kiến “ích nước lợi dân” hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội.

 

Trong hoạt động giáo dục, không thể nói là không phổ biến (cả ở giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học và dạy nghề) tình trạng chất lượng giáo dục kém, kể cả trong đào tạo ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Các vấn nạn “mua bằng bán điểm”, ưa giả dối, thậm chí giả dối trong công bố khoa học công bố quốc tế, “thầy không ra thầy, trò không ra trò”… đã được xã hội lên tiếng từ lâu nhưng ít thấy chuyển biến.

 

Trong hoạt động y tế, chỉ trong hai năm gần đây, các vụ án lớn đã phanh phui quá nhiều hiện tượng không bình thường mà “lương y” không “như từ mẫu”, bác sỹ không cứu người, thày thuốc còn tệ hơn gian thương…

 

Không chỉ trong y tế, giáo dục mà ở nhiều hoạt động khác, thái độ thiếu nhiệt huyết với sáng tạo; những hành vi vụ lợi đôi khi lấn át chuyên môn, háo danh một cách không bình thường… không khó bắt gặp trong rất nhiều hoạt động trí tuệ.

 

Không ít trí thức có vị thế xã hội vẫn sẵn sàng công bố những tác phẩm thiếu chất lượng chuyên môn, thậm chí phùng thời (có chỉ số quốc tế, chẳng đúng, chẳng sai, vừa lòng cấp trên, đón ý lãnh đạo…). Những trí thức ấp ủ những sáng tạo có giá trị, những tác phẩm để đời, những kết quả chuyên môn có ý nghĩa lớn hoặc dài lâu đối với sự phát triển xã hội, trên thực tế, đếm đầu ngón tay. Rất ít người có ý chí hay đặt mục tiêu cho mình phấn đấu trở thành một chuyên gia tầm cỡ quốc tế.  Cũng không phải trí thức nào cũng sống và hoạt động theo tinh thần “Quốc gia phế hưng, thất phu hữu trách” – sẵn sàng có tiếng nói để xã hội tốt lên.

 

Trong những hạn chế, khiếm khuyết, tiêu cực vừa nêu, trí thức thực ra là tội đồ, nhưng số đông lại đang nghĩ mình là vô can. Những người có trách nhiệm hay tỏ thái độ đối với những hạn chế tiêu cực ấy, rất ít. Điều đáng lưu ý (về mặt trách nhiệm xã hội của trí thức) là ở chỗ, do quan niệm, những người đã bị xử lý trách nhiệm đều là những người có chức quyền thuộc tổ chức Đảng hoặc chính quyền, hành vi tiêu cực hoặc tội phạm của những cá nhân cụ thể đó chẳng liên quan gì đến giới trí thức. Do vậy, số đông trí thức còn lại lại tự bằng lòng khi thấy mình không có gì vi phạm.

Thực tế này rất đáng phải suy ngẫm.

 

4. Kết luận:

 

Xã hội ngày càng phát triển, trí thức cũng ngày càng được kỳ vọng từ phía xã hội. Muốn đất nước phát triển đạt tới những mục tiêu đã đề ra, tiềm năng trí thức Việt cần phải được phát huy; những hạn chế, yếu kém của đội ngũ trí thức cần phải được khắc phục hoặc xóa bỏ; môi trường cho trí thức sống, hoạt động và sáng tạo cần phải hợp lý hơn hiện nay, phù hợp với đòi hỏi của hoạt động trí tuệ.

 

Nói cách khác, muốn đất nước đạt được những mục tiêu kỳ vọng tới năm 2030 và 2045 như Đại hội Đảng XIII đã xác định, xã hội không nên bằng lòng với tình trạng hiện nay của giới trí thức. Nhìn từ phía trách nhiệm xã hội, điều đó cũng có nghĩa rằng, xã hội cũng không nên thỏa mãn với môi trường hoạt động của giới trí thức như hiện nay./.

 
Hồ Sĩ Quý*
 

* GS.TS., Ủy viên HĐLLTW, Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

[1]. “The Intellectual is someone who meddles in what does not concern him”. Xem: Intellectual. https://alchetron.com/Intellectual

[2]. Xem: Thất phu hữu trách. https://www.chuonghung.com/2015/01/dich-thuat-that-phu-huu-trach.html

[3]. Xem: Trần Hưng (2021). Thời vua Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam rộng gấp 1,7 lần hiện nay. https://trithucvn.org/van-hoa/thoi-nha-nguyen-ky-19-lanh-tho-viet-nam-rong-lon-gap-17-lan-hien-nay.html

[4]. Xem: Vũ Đức Liêm (2018). Thế hệ trí thức thời đại Minh Mệnh. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/the-he-tri-thuc-thoi-dai-minh-menh-11262

[5]. Những thông tin này soạn theo: Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient. https://www.persee.fr/collection/befeo

[6]. Pierre Dourisboure (1825-1890, một trong bốn linh mục đầu tiên lên Tây Nguyên năm 1850, người đã trực tiếp vẽ bản đồ và mô tả sử liệu chi tiết về phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc Tây Nguyên); Henri Maitre (1883-1914, nhà dân tộc học, một quan chức Pháp, đã trực tiếp thám hiểm Tây Nguyên 1909-1911 và nhờ đó để lại cho thế hệ sau cuốn “Rừng người Thượng” nổi tiếng); Leopond Cadiere (1869-1955, linh mục thuộc Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại Huế và các tỉnh miền Trung, người đã công bố 250 công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học hiện đại); Jacques Dournes (1922-1993, nhà truyền giáo trong Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại vùng Đồng Nai thượng và Tây Nguyên, người đã công bố hơn 250 nghiên cứu về dân tộc Gia Rai); Jean Boulbet (1926-2007, cùng với Henri Maitre là hai nhà thám hiểm nổi tiếng nhất và đã để lại nhiều ghi chép giá trị về bản tính nguyên thủy của xã hội Tây nguyên qua tác phẩm “Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh” xuất bản năm 1967; Loius Finot (1864-1935, Giám đốc đầu tiên của EFEO); George Coedés (1886-1969, Giám đốc EFEO sau L.Finot); Bà Madeliene Colani (1866-1943, tên tuổi gắn liền với những nền văn hóa Bắc Sơn, Hoà Bình, Hạ Long); Olov Jansé (1892-1985, người phát hiện nền văn hóa Đông Sơn); Loius Malleret (1901-1970, người phát hiện nền văn hóa nền văn hóa Óc eo); Henri Parmentier (1871-1949, người có công lao to lớn trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Champa, thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Champa ở Nha Trang, bảo tàng Champa Đà Nẵng và Bảo tàng lịch sử Hà Nội); Henri Maspéro (1883-1945, người tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu Đạo giáo); Georges Condominas (1921-2011, nhà dân tộc học nổi tiếng mà tên tuổi gắn liền với những nghiên cứu thực địa về dân tộc Mnông Gar ở Tây Nguyên, người phát hiện và công bố bộ đàn đá thời tiền sử được tìm thấy tại Đăk Lăk năm 1949 trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên), v.v… (Soạn theo: Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient. https://www.persee.fr/collection/befeo)

[7]. Xem: Ngô Thế Long, Trần Thái Bình (2009). Học viện Viễn Đông bác cổ (Giai đoạn 1898-1957). Nxb. KHXH. Tr. 98-100.

[8]. ĐCSVN (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. CTQG. Hà Nội. tr.167.

[9]. NQ TW7 khóa X 6/8/2008 chỉ rõ:

  • Trí thức là nguồn lực đặc biệt, tạo nên sức mạnh quốc gia. Ðảng và Nhà nước coi trọng, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức hoạt động và phát triển.
  • Chưa có chiến lược tổng thể về trí thức. Chiến lược phát triển KT-XH chưa thể hiện quan điểm lấy KH&CN, giáo dục và đào tạo làm “quốc sách hàng đầu”. Một số chủ trương, chính sách không sát với thực tế.
  • Hệ thống chính sách về trí thức còn thiếu và chưa phù hợp. Khâu đánh giá, sử dụng trí thức còn nhiều điểm không hợp lý; thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
  • Một số cán bộ đảng và chính quyền chưa nhận thức đúng về trí thức; đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm tư nặng nề trong đội ngũ trí thức. Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra.
  • Thiếu chính sách đủ mạnh thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
  • Số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.
  • Hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn.
  • Trong KHTN&CN, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít. Trong KHXH&NV, nghiên cứu lý luận còn chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu của đất nước; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.
  • Trình độ của trí thức tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước trong khu vực.
  • Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác.

Xem: NQ TW7 khóa X 6/8/2008. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-27-NQ-TW-nam-2008-xay-dung-doi-ngu-tri-thuc-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-139254.aspx

[10]. Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Dù giảm 4 bậc so với 2021, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Xem: Wipo (2022). Global Innovation Index 2022.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết