1. Những nguyên tắc cơ bản, những dấu hiệu bản chất cần được phản ánh trong hệ giá trị quốc gia
Nói đến hệ giá trị quốc gia, cần thiết phải nhắc lại khái niệm quốc gia, mà nội hàm đang được sử dụng ở đây là quốc gia - dân tộc.
Kể từ Hiệp ước Hòa bình Westphalia được ký kết năm 1648, khái niệm quốc gia - dân tộc (nation-state) được cộng đồng thế giới công nhận là một thực thể chính trị mà trong đó, quốc gia và dân tộc là đồng nhất với nhau với tư cách là chủ thể của quốc gia (quốc gia của một dân tộc hoặc của một cộng đồng các dân tộc nhất định). Theo nghĩa được thừa nhận phổ biến nhất, quốc gia - dân tộc là một thực thể chính trị có chủ quyền về lãnh thổ, hành chính của một cộng đồng người có chung nguồn gốc (một dân tộc) hoặc có chung truyền thống thống nhất (cộng đồng các dân tộc) về ngôn ngữ, văn hoá, xã hội, kinh tế,...
Khái niệm quốc gia - dân tộc có nhiều định nghĩa khác nhau nation-state, nhưng định nghĩa của Từ điển Britanica[1] [2] là rõ ràng hơn cả:
Quốc gia - dân tộc là một chính thể có chủ quyền (sovereign polity) trong một lãnh thổ có giới hạn - nghĩa là, một nhà nước tự nhận mình là một quốc gia, cai trị nhân danh một cộng đồng dân cư. Tính hợp pháp của sự cai trị của một quốc gia - dân tộc đối với một lãnh thổ và dân cư của quốc gia đó bắt nguồn từ quyền tự quyết (self- determination) của nhóm dân tộc cốt lõi trong quốc gia đó (có thể bao gồm tất cả hoặc chỉ một phần công dân của quốc gia đó). Các thành viên của nhóm dân tộc cốt lõi coi quốc gia là thuộc về họ và coi lãnh thổ gần đúng (approximate territory) của quốc gia là quê hương của họ. Theo đó, họ yêu cầu các nhóm khác, cả trong và ngoài nhà nước, công nhận và tôn trọng quyền kiểm soát của họ đối với nhà nước. Là một mô hình chính trị, quốc gia - dân tộc kết hợp hai nguyên tắc: nguyên tắc chủ quyền quốc gia, lần đầu tiên được nêu rõ trong Hiệp ước Hòa bình Westphalia, thừa nhận quyền của các quốc gia trong việc quản lý lãnh thổ của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài; và nguyên tắc chủ quyền dân tộc, thừa nhận quyền tự quản của các cộng đồng quốc gia.
Đến lượt mình, chủ quyền quốc gia lại dựa trên nguyên tắc triết học - đạo đức của chủ quyền phổ biến, theo đó quốc gia thuộc về mọi người dân của họ. Nguyên tắc thứ hai này hàm ý rằng, sự cai trị hợp pháp của Nhà nuớc cần có sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, yêu cầu này không có nghĩa rằng tất cả các quốc gia - dân tộc đều dân chủ. Thực tế, nhiều nhà cai trị độc tài đã tự thể hiện mình - cả với thế giới bên ngoài quốc gia và đối với cả người dân dưới quyền cai trị của họ - với tư cách là sự cai trị nhân danh một quốc gia có chủ quyền.
Với những nguyên tắc cơ bản được nêu trong định nghĩa trên, bản chất của sự tồn tại của một quốc gia là:
(1) Có chủ quyền quốc gia về chính trị và pháp lý trong việc quản lý lãnh thổ; mọi sự can thiệp từ bên ngoài đều bị luật pháp quốc tế coi là bất hợp pháp.
(2) Có chủ quyền dân tộc về chính trị và pháp lý đối với quyền tự quyết và tự quản của cộng đồng các dân tộc thuộc quốc gia; mọi sự can thiệp từ bên ngoài đều bị luật pháp quốc tế coi là bất hợp pháp.
(3) Có sự thống nhất quốc gia về kinh tế, xã hội và văn hoá, dù là quốc gia chỉ có một dân tộc hay có nhiều dân tộc.
(4) Có sự đồng thuận của người dân đối với sự cai trị hợp pháp của nhà nước dân quyền, dân chủ.
Xác định hệ giá trị quốc gia, trên thực tế là tìm kiếm một tập hợp các giá trị có ý nghĩa lý tưởng mà cộng đồng dân tộc thuộc quốc gia đó đã thực hiện thành công các nguyên tắc này.
2. Hệ giá trị quốc gia - phản ánh sức mạnh và bản sắc quốc gia, thể hiện ý chí, lý tưởng của cộng đồng các dân tộc, có vai trò định hướng tương lai đối với hoạt động của con người
Các dấu hiệu bản chất nêu trên phản ánh sự tồn tại (hay không tồn tại) của một quốc gia. Nghĩa là nếu thiếu hụt độc lập - chủ quyền, sự thống nhất về kinh tế, xã hội và văn hoá, sự đồng thuận, dân chủ - dân quyền, thì quốc gia không tồn tại hoặc không được thừa nhận.
Nhìn từ lý luận về giá trị quốc gia, đây chính là các giá trị tạo nên sự tồn tại của một quốc gia: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, và dân quyền. Tuy nhiên, có quốc gia mạnh và có quốc gia yếu. Trong thực tế lịch sử thế giới, các quốc gia thể hiện và phát huy được ở mức độ tốt nhất các dấu hiệu nêu trên, là các quốc gia mạnh - giàu có, thịnh vượng, có tiếng nói trên trường quốc tế. Các quốc gia có vị thế địa-chính trị lớn, có ảnh hưởng, chi phối, quyết định... đến các quan hệ pháp lý và chính trị của cộng đồng thế giới và của các quốc gia khác, là các cường quốc. Trong nền chính trị thế giới hiện đại, cường quốc thường được sử dụng như là một thuật ngữ bán chính thức của Liên hợp quốc.
Một số quốc gia mạnh, trên thực tế, là các quốc gia tự cường, có hòa bình, dân chủ, văn minh. Ở đó, xã hội tương đối công bằng, có kỷ cương, đồng thuận...; con người nói chung có tự do, trách nhiệm, lao động sáng tạo...; hạnh phúc được coi là tiêu chuẩn của chính sách công; yêu nước, có tinh thần dân tộc lành mạnh là tình cảm và ý chí tự nhiên của mọi công dân.
Nhìn từ lý luận về giá trị quốc gia, các giá trị tạo nên sức mạnh của một quốc gia đó là: yêu nước, hòa bình, dân chủ, tự do, văn minh; công bằng, kỷ cương, đồng thuận...; trách nhiệm, sáng tạo, hạnh phúc.
Tất cả các giá trị trên, được thực hiện và được ưu tiên không giống nhau ở các quốc gia. Nếu như "tự do", "tự quản" và "chủ nghĩa cá nhân"... được ưu tiên ở Mỹ, thì "kỷ cương xã hội", "trách nhiệm cá nhân"... được ưu tiên ở Trung Quốc. Và ở Việt Nam, "chủ nghĩa yêu nước", "tinh thân dân tộc"... lại được ưu tiên. Những đặc thù về phương thức sống với những nét độc đáo về văn hoá, truyền thống... của các quốc gia - dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử riêng biệt, ở những vùng địa lý khác nhau, đã quy định và quyết định sự ưu tiên này. Điều đó làm nên bản sắc quốc gia.
Nghĩa là, việc thực hiện các giá trị có ý nghĩa đối với quốc gia (nói trên), tạo nên sức mạnh quốc gia, nhưng việc thực hiện các giá trị đó như thế nào, với sự ưu tiên nào, lại tạo nên bản sắc quốc gia. Bản sắc quốc gia có ý nghĩa đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển quốc gia - dân tộc. "Văn hóa còn thì dân tộc còn"[3] là một trong những tư tưởng phản ánh điều này. Như vậy, đối với bất cứ quốc gia - dân tộc nào, nói tới hệ giá trị quốc gia (quốc gia - dân tộc) là nói tới hệ giá trị gắn liền với sức mạnh quốc gia, cũng là hệ giá trị có ý nghĩa xác định bản sắc dân tộc - quốc gia. Gắn liền với sức mạnh quốc gia, hệ giá trị quốc gia mang trong nó hai tư cách, thực hiện hai chức năng của giá trị.
Thứ nhất, đó là hệ giá trị thực tế, được định hình, phát triển từ trong lịch sử, thường là dài lâu, phức tạp và đầy gian khó, của các quốc gia - dân tộc, là kết quả của quá trình lao động, đấu tranh, để tồn tại và phát triển của các cộng đồng; là tập hợp của những phẩm chất, bản tính, những chuẩn mực được coi là có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng.
Vê mặt này, giá trị quốc gia - dân tộc được coi là khách quan, với nghĩa là không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một cá nhân nào hay của một thiết chế nào trong cộng đồng, mặc dù ban đầu các giá trị này cũng do con người tạo nên, có thể cũng do một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó phát động và gây dựng.
Thứ hai, tuy không khách quan tuyệt đối, song hệ giá trị quốc gia - dân tộc còn phản ánh và ít nhiều chứa đựng những mong muốn, kỳ vọng, lý tưởng và niềm tin... của các cộng đồng thuộc quốc gia. Nó là cảm nhận và tâm thức con người về tương lai đất nước, định hướng cho cộng đồng con đường đi về phía trước, tạo cho cộng đồng tâm thế tích cực, thậm chí thiêng liêng để con người có động lực vượt qua khó khăn gian khổ, thực hiện niềm khao khát phát triển của mình.
3. Về một số giá trị cốt lõi của hệ giá trị quốc gia
3.1. Độc lập - chủ quyền
Tư tưởng về chủ quyền và độc lập của các quốc gia có từ rất sớm, nhưng được Liên hợp quốc thừa nhận và khẳng định trong Hiến chương Liên họp quốc từ ngày 26/6/1945. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, mọi quốc gia (dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu...) đều hoàn toàn bình đẳng với nhau về chủ quyền pháp lý - chính trị, gồm hai nội dung là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... trên cơ sở ý chí của dân, mà bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng không có giá trị) và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế (quyền tự quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của quốc gia, mà bất kỳ sự áp đặt, can thiệp nào từ chủ thể khác cũng không có giá trị)[4].
Việc thực hiện chủ quyền quốc gia cũng đồng nghĩa với việc quốc gia thực hiện lọi ích của mình trong sự thừa nhận và tôn trọng (không được phép xâm phạm đến) lợi ích của quốc gia khác hoặc chủ thể quốc tế khác. Sự giới hạn chủ quyền này được xác định bằng luật pháp quốc tế) bằng những thỏa thuận của quốc gia với các chủ thể quốc tế khác; cũng có thể do các quốc gia tự xác định trong quan hệ quốc tế. Nghĩa là, xét về luật pháp quốc tế) có những giới hạn pháp lý đối với việc thực hiện chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, không thể nhân danh thực hiện chủ quyền quốc gia mà vi phạm đến chủ quyền của quốc gia khác hay lợi ích của các quốc gia hoặc chủ thể quốc tế khác.
Bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia là nền tảng pháp lý và chính trị của quan hệ quốc tế hiện đại. Điều này được thể hiện ỏ khoản 1 Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc, được coi là nguyên tắc, cơ sở cho hoạt động của tất cả các quốc gia thành viên. Nguyên tắc này là nền tảng quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại, được tuyệt đại đa số các tổ chức quốc tế thừa nhận[5].
Do vậy, nói tới hệ giá trị quốc gia, trước hết và không thể thiếu, là nói tới độc lập, chủ quyền. Các giá trị này quy định các giá trị còn lại (các giá trị khác, mà hầu hết các quốc gia - dân tộc đều thừa nhận, được thực hiện và đặt trong những vị trí ưu tiên khác nhau trong hệ giá trị của mình) tạo nên sức mạnh và bản sắc quốc gia.
3.2. Thống nhất về kinh tế, xã hội và văn hóa
Một đặc điểm nổi bật đối với sự tồn tại của một quốc gia - dân tộc là nó phải là một thực thể chính trị - xã hội có sự thống nhất (ở mức độ nhất định) về kinh tế, xã hội và văn hóa. Không có ngoại lệ, bất kỳ quốc gia nào cũng đều là một cộng đồng thống nhất về kinh tế, xã hội và văn hoá. Đây là yêu cầu tiên quyết của đời sống cộng đồng quốc gia. Đặc điểm này có nguồn gốc từ sự tồn tại phổ biến của cộng đồng các dân tộc, không tồn tại với tư cách là cộng đồng dân tộc nếu thiếu sự thống nhất về kinh tế, xã hội và văn hoá.
Dĩ nhiên, một quốc gia - dân tộc không thể thiếu sự thống nhất về chính trị, bởi chính trị là sự tập trung cao nhất của ý chí quốc gia về chủ quyền và độc lập. Nhưng ngày nay, về phương diện chính trị, với tính cách là quan hệ giữa nhà nước với dân, nhà nước với nhà nước khác, nhà nước với các đảng phái hay các cộng đồng..., sự thống nhất quốc gia chủ yếu chỉ đặt ra đối với phưong diện quản trị, quản lý. Những khác biệt khác về chính trị giữa các đảng phái, tổ chức xã hội, nghiệp đoàn, tôn giáo... hay cộng đồng dân cư, đều buộc phải hoạt động trong khuôn khổ quản lý quốc gia, chịu sự điều chỉnh của nhà nước bằng hiến pháp, luật pháp, chính sách... và ở một mức độ không nhỏ, ngầm định, bằng ý chí chính trị.
Nói rằng, sự thống nhất cần thiết về kinh tế, xã hội và văn hoá phải đạt tới mức độ nhất định, nghĩa là, trong một quốc gia, sự khác biệt, đa dạng... kể cả về kinh tế, vẫn luôn là cần thiết. Tất cả các quốc gia đều duy trì và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng, tính độc đáo của từng cộng đồng, nhưng đó vẫn là sự khác biệt trong thống nhất. Sự khác biệt có giá trị khi nó không gây chia rẽ, mâu thuận, hay xung đột xã hội. Các quốc gia liên bang, đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ... thường có những khác biệt không nhỏ trong đòi sống chính trị, pháp luật hay tôn giáo... nhưng những khác biệt đó dù lớn đến đâu vẫn nằm trong sự thống nhất, không xâm hại hoặc phá vỡ sự thống nhất quốc gia (ý chí, niềm tin, sự tồn tại quốc gia). Ngoài phạm vi đó, sự khác biệt được quản lý bằng hiến pháp, pháp luật và chính sách, về mặt lý thuyết, hiến pháp của quốc gia nào cũng là khế ước tối thượng của quốc gia, thể hiện cô đọng sự thống nhất quốc gia đó.
Về kinh tế, sự thống nhất quốc gia trước tiên là việc thống nhất các chính sách đối nội và đối ngoại về kinh tế (hệ thống thuế quan, hệ thống thu phí công, mức độ can thiệp hiến định của chính phủ đối với nền kinh tế và đối với các hoạt động kinh tế; hệ thống quốc gia về an ninh, quân sự, giao thông, bưu chính...).
Nhìn lại lịch sử, ở Đức, chính sự ra đời của Liên minh thuế quan Đức (Deutscher Zollverein, 01/01/1834), trên thực tế đã làm xuất hiện xu hướng hình thành quốc gia Đức thống nhất từ hàng trăm công quốc thuộc đế quốc Áo Phổ, để sau đó khi kết thúc chiến tranh Pháp - Phổ (1871), các công quốc đã đồng thuận lập nên một quốc gia Đức thống nhất. Từ thế kỷ XIX, khi trào luu dân tộc bùng phát ở khắp châu Âu, chính nhu cầu thống nhất về kinh tế, xã hội và văn hoá đã làm nảy sinh sự xuất hiện của các quốc gia - dân tộc. Điều đáng luu ý là, lúc đó, chính những quốc gia có lãnh thổ nhỏ và thành phần dân cư đồng nhất hơn lại là các quốc gia dễ bị chia rẽ hơn. Đặc tính địa phương của các dân tộc, cộng đồng, đến thế kỷ XIX chẳng những không còn là nguyên nhân thúc đẩy mà đã trở thành rào cản cản trở xu thế phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhà nuớc thế tục và văn minh thị trường. Các quốc gia - dân tộc mặc dù ra đời trong thỏa hiệp nhưng lại thường có chính thể tập quyền hơn và cơ cấu xã hội - hành chính thống nhất hơn, làm cho sức mạnh (quyền lực) quốc gia tăng lên. Nghĩa là, nhu cầu thống nhất quốc gia - dân tộc về kinh tế, xã hội và văn hoá đến thế kỷ XIX đã trở nên quan trọng đến mức không thể thiếu đối với sự phát triển của từng quốc gia và đối với sự tiến bộ xã hội.
Ngày nay, sự hình thành các quốc gia - dân tộc về cơ bản được coi là ổn định trên phạm vi thế giới nên ảnh hưởng của việc hình thành một nền văn hóa dân tộc thống nhất (về ngôn ngữ dân tộc, về hệ thống giáo dục bắt buộc, về tri thức lịch sử dân tộc, về văn hoá truyền thống và hiện đại, về sự phát triển khoa học...) được coi là đương nhiên. Trên thực tế, thông qua các chính sách về văn hoá, một nền văn hóa quốc gia dân tộc thống nhất bao giờ cũng là cội nguồn của mọi sức mạnh và bản sắc quốc gia.
Và ở đây, sự sáng suốt của chính sách trong việc ngăn chặn xung đột sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và xu thế ly khai luôn có ý nghĩa không nhỏ trong việc giữ gìn sự đoàn kết quốc gia dân tộc. Nếu quá cứng nhắc hoặc cực đoan, chính sách được đua ra chẳng những không ngăn chặn được tiêu cực, mà còn khơi mào cho những xu hướng chia rẽ, phi tiến bộ.
3.3. Dân quyền
Ở Việt Nam, vấn đề dân quyền, hay gọi theo cách truyền thống là "dân là gốc", "vì dân"... là vấn đề không mới, cha ông ta ngay từ những ngày đầu dựng nước và trong toàn bộ lịch sử giữ nước, đã liên tục phải giải quyết vấn đề này[6].
Nghiên cứu nguyên nhân thịnh suy của các triều đại trong lịch sử Việt Nam, người ta có thể thấy một thực tế khá hiển nhiên rằng, sức mạnh của các triều đại, bao giờ cũng gắn liền với sức mạnh của dân. Không phải mọi triều đại đều đạt tới trình độ cao về tính chính đáng (legitimacy[7])/ tức là không phải mọi triều đại đều sáng suốt, hợp lòng dân hay không mắc sai lầm. Nhưng ở mọi triều đại, sức dân đều là một đại lượng đủ vững mạnh tạo nên sức mạnh của quốc gia - dân tộc. Không có ngoại lệ, những trang sử rạng rỡ trong chiến thắng ngoại xâm, dựng xây xã tắc thanh bình... đều là những giai đoạn lòng dân thuận hòa, sức dân được khoan thư, dân quyền được tôn trọng, tiếng dân được lắng nghe; mọi bất an, lo lắng, oan trái,... của dân đều có phương thức để giải quyết.
Nhiều bài học điển hình đã được truyền tụng trong văn hóa và được ghi lại trong sử sách, trong đó có những bài học thành công đầy tự hào, và những bài học đắt giá phải trả bằng xương máu.
Từ Đại hội VI (1986) đến nay, bài học về dân - "dân là gốc" liên tục được làm sâu sắc hơn qua mỗi kỳ Đại hội. Nhưng trong thực tế, niềm tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ và đối với tương lai đất nước, trong khi đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, nhất là trong giai đoạn chống tham nhũng quyết liệt vừa qua, vẫn còn không ít vấn đề bức xúc, gây phân tâm. Để định hướng giá trị cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, dân quyền với tính cách là điều kiện, là một trong những nhân tố nền tảng để thực hiện các giá trị khác, hiện vẫn đang có những "điểm nghẽn" cần phải khơi thông để phát triển, vấn đề ở chỗ, tính nghiêm trọng của những "điểm nghẽn" này chưa được nhận thức đầy đủ và thấu đáo.
Về vấn đề này, cần thiết phải nhắc lại tư tưởng (hết sức sâu sắc) của Phan Bội Châu trong tác phẩm "Việt Nam quốc sử khảo", được viết bằng chữ Hán và xuất bản tại Nhật Bản nhu sau: "Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì dân là quan trọng nhất. Không có dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; dân còn thì nước còn; dân mất thì nước mất. Muốn biết dân còn mất thế nào thì xem cái quyền của dân còn mất thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất mà nước cũng mất. Dân mất tức là có dân cũng như không có dân vậy"[8].
Như vậy, lãnh thổ, chủ quyền và dân là ba yếu tố tạo thành quốc gia mà Phan Bội Châu đã nhấn mạnh và cảnh tỉnh đầy tâm huyết đối với thanh niên Việt Nam về tinh thần quốc gia và ý chí dân tộc hồi đầu thế kỷ XX. Trong ba yếu tố đó, theo Ông, dân là quan trọng nhất. Thiếu một trong ba yếu tố đó, quốc gia không tồn tại. Cần phải nhấn mạnh rằng, theo Phan Bội Châu, "dân còn thì nước còn, dân mất thì nước mất". Dân quyền được đề cao thì dân được tôn trọng, quốc gia hùng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, nước yếu.
Lời cảnh tỉnh của Phan Bội Châu đặc biệt có ý nghĩa trong việc xây dựng hệ giá trị quốc gia.
Vấn đề dân quyền thực chất là vấn đề về sự tham gia của người dân vào các quyết sách của chính quyền. Trình độ cao nhất của sự tham gia là người dân có tự do trong một quốc gia độc lập, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[9]. Trình độ thấp nhất của dân quyền là đời sống người dân bị bất an, lo lắng vì những oan ức, sai trái có thể xảy ra,... Do vậy, "phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy"[10]. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chính quyền, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính cấp thiết.
Ở Việt Nam, "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" được chính thức ghi vào tiêu ngữ trong Sắc lệnh số 50 ngày 09/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bốn Bộ trưởng lúc đó ký[11]. Còn "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là mục tiêu xã hội của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ỏ Việt Nam được thông qua tại Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001[12]. Trên thực tế, đó cũng là hệ giá trị vĩ mô, phổ quát có ý nghĩa định hướng dài lâu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiểu đó là hệ giá trị quốc gia cũng không có gì sai.
Kế thừa những kết quả trong việc xây dựng hệ giá trị văn hoá Việt Nam được khởi xướng từ Nghị quyết Trung ưong 5 khóa VIII, năm 1998, trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi đối với sự phát triển đất nước, tại Đại hội XIII (2021), Đảng ta đã xác định: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại"[13].
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, về các giá trị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi một trong những "nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá dân tộc" là: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc"[14].
Đây là những chỉ dẫn quan trọng và có ý nghĩa đối với việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, trong đó có hệ giá trị quốc gia - dân tộc.
Trong số các giá trị tạo nên sức mạnh và bản sắc quốc gia, dân quyền là một trong những giá trị được cha ông ta khơi dậy từ rất sớm, được phát huy với tính chất là nhân tố nền tảng cho mọi thắng lợi, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong những thập niên gần đây, quan điểm dân là gốc, vì dân cũng đã được đánh thức, được sử dụng khá thành công cho sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong giai đoạn cuối những năm 1980. Nhưng tại thời điểm hiện nay, vai trò của dân, đặc biệt là dân quyền, còn chưa được phát huy đúng như sức mạnh vốn có của giá trị này.
Các bài học lịch sử ở nhiều giai đoạn và ngay cả ở thời đại hiện nay đều cho thấy, đúng như Phan Bội Châu đã cảnh tỉnh, nếu dân quyền được tôn trọng, dân quốc được đánh thức thì sức mạnh và bản sắc quốc gia được nhân lên rất nhiều; những giá trị thời đại mà Việt Nam thu hút được, có điều kiện được thể hiện, được phát huy, được tích hợp với sức mạnh nội tại, tạo thành niềm tin, ý chí và động lực to lớn của dân tộc trên con đường phát triển. Các nguồn lực bên trong và bên ngoài thường bị thất thoát, lãng phí, hoặc không phát huy được sức mạnh tối đa, nếu người dân bị gạt ra ngoài quá trình phát triển, lòng dân mất niềm tin, lợi ích của dân bị xâm hại..., tức giá trị dân quyền bị vi phạm.
Hệ giá trị quốc gia không chỉ là những giá trị được đúc rút từ trong quá khứ dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn đang được xây dựng trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với bản chất là phản ánh sức mạnh và bản sắc quốc gia, hệ giá trị quốc gia, nếu được xây dựng thành công, sẽ trở thành động lực tinh thần có ý nghĩa, để cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Chính phủ và các chủ thể quản lý xã hội, các tầng lớp cư dân... giải phóng tối đa nội lực và tiềm năng, thu hút các nguồn lực thời đại hợp lý từ cộng đồng quốc tế, thực hiện những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra với các mốc cụ thể trong tương lai.
GS.TS. HỒ SĨ QUÝ*
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
- Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, t.2.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc tân thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc tân thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I.
- Kohls L. Robert: The values Americans live by. https://www.fordham. edu/ download/downloads/id/3193/values_americans_liv e_by.pdf, 1989.
- Nguyen Phú Trọng: "Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc", 2021. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua- tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html.
- Nguyễn Phú Trọng: "Văn hoá là hồn cốt dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn", 2021. https://laodong.vn/thoi-su/van-hoa-la-hon-cot-dan-toc-van-hoa-con-thi-dan-toc- con-977389.1do.
- Smolicz J. J.: "Core values and nation-states", https://www.degruyter.com/ document/doi/10.1515/9783110852004.69/html, 2002.
- Switzerland Global Enterprise: "Intercultural Values", http://www.iberglobal.com/ fìles/2016/intercultural_values_swiss.pdf, 2016.
- The Twelve Core Values for a Strong Thailand, http://122.155.92.12/nnt_en/ Core_ Values/.
- UN: Charter of the United Nations and Statute of the International Court of Justice, 1945. https://treaties.un.org/doc/publication/ctc/uncharter.pdf. U.S. Department of State. Core Values. https://20092017.state.gOv/s/d/rm/rls/dosstrat/2004/23502.htm.
- "Về 6 chữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" trong Quốc hiệu Việt Nam", https:// tuoitre.vn/them-nhan-thuc-ve-6-chu-doc-lap-tu-do-hanh-phuc-trong-quoc-hieu- viet-nam-20200 901155315637.htm.