Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Vài nhận thức thêm về tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Hồ Chí Minh

Ngày phát hành: 06/02/2023 Lượt xem 1946

                                                                                  

1. Danh nhân thế giới thường để lại cho nhân loại nhiều di sản quý, đặc biệt là tư tưởng. Trải qua thời gian và những biến động thời cuộc, thường có một bộ phận của di sản ấy đã không còn thích hợp với cuộc sống luôn vận động, biến đổi. Đó là sự biến đổi mang tính quy luật. Nhưng cũng có những di sản mà càng trải qua thời gian, người ta lại càng nhận ra chân giá trị của nó. Di sản văn hóa của Hồ Chí Minh-anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại thuộc loại đó. Di sản văn hóa của Hồ Chí Minh đồ sộ, đa diện. Ở đây tôi chỉ đề cập tới hai nội dung thuộc di sản ấy là vấn đề con người với tư cách là chủ thể văn hóa thuộc về bất kỳ thời đại nào và môi trường văn hóa-xã hội liên quan đến sự phát triển của nhân cách con người, cái làm cho xã hội nhân văn lên, hạnh phúc hơn.

 

  Có nhà nghiên cứu nổi tiếng đã cho rằng, có thời ông đã tin mệnh đề làng còn, nước còn như một sự thật hiển nhiên. Nhưng là nhà nghiên cứu lịch sử, nhìn vào lịch sử nước mình, ông nhận ra rằng câu nói ấy chỉ như một biện pháp tu từ, mang tính chất tư biện chứ về bản chất thì không phải như vậy. Dân là của nước, nước là của dân thật đấy nhưng khi nước nhà đã thuộc về ngoại tộc thì nước mất, làng cũng mất mà nhà cũng tan, con người cũng không còn có bất cứ quyền gì, kể cả quyền được sống như một con người trên chính xứ sở của mình (Xem Hà Văn Tấn Làng, liên làng và siêu làng (Mấy suy nghĩ về phương pháp) Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp, số 1, 1987). Đây không phải là nhận thức của riêng ông mà nhiều người trước ông đã nghĩ như vậy, chỉ có điều cách nói ra quan niệm của mỗi người khác nhau thôi. Trước ông đúng 82 năm, nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu đã nói đến điều ấy theo một cách khác trong bài thơ nhắn gửi bạn bè khi ra đi tìm đường cứu nước Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế, Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si, nghĩa là Non sông đã chết sống thêm nhục/hiền thánh còn đâu học cũng hoài và năm 1918, một người thanh niên yêu nước thuộc thế hệ sau Phan đã nói lên chính điều này khi gửi đến hội nghị Verxay của các nước đế quốc vừa chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang nàn nhau phân chia quyền chiếm đóng thuộc địa rằng “Nếu trên đời này mà có một việc quái gở vừa thương tâm lại vừa lố bịch thì đó hẳn là việc bắt một dân tộc vẫn đang còn chịu đựng đủ thứ bất công và không có bất kỳ một thứ tự do nào phải làm lễ mừng cuộc chiến thắng của thần “công lý” và “chính nghĩa” (Bản án chế độ thực dân Pháp). Người đó là Hồ Chí Minh, lúc bấy giờ có tên Nguyễn Ái Quốc-người yêu nước họ Nguyễn. Theo chính lời kể của Hồ Chí Minh thì từ khi còn rất trẻ người đã thấm thía nỗi nhục mất nước và giác ngộ sâu sắc rằng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Trần Dân Tiên Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Chính trị Quốc gia, 1994). Đó là động lực, niềm tin và cũng là những hành động hàng ngày trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của người, kể cả khi còn lặng lẽ bôn ba khắp thế giới đi tìm hình của nước hay khi đã ở cương vị đứng đầu của một quốc gia độc lập.

 

Trong những năm tháng ấy, người đã sống nhiều cuộc đời, làm đủ nghề để hiểu về xã hội, đời sống, những vấn đề của các dân tộc, nghiền ngẫm với những gì mình đã biết chỉ để trả lời cho câu hỏi: vì sao có sự bất công giữa người với người? Làm sao để mọi giống người trên thế giới có thể sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc? Người cũng đã tiếp cận với nhiều phong trào yêu nước và cách mạng, đã nghiên cứu đủ thứ chủ nghĩa và nhận ra rằng làm cách nào để giành lại độc lập cho dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa, đem lại tự do hạnh phúc cho người lao khổ là chủ nghĩa có ý nghĩa nhất, cần thiết nhất, là thứ để người đi theo. Cuối cùng người chọn chủ nghĩa ủng hộ phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, đem tại tự do, bình đẳng cho con người. Người cũng hiểu không có một “nước mẹ” nào lại tự nguyện trao những quyền sơ đẳng nhưng công bằng ấy cho các dân tộc thuộc địa mà cần phải tiến hành một cuộc đấu tranh toàn diện để giành lấy quyền sống cho nhân dân mình. Để làm được điều này cần phải thức tỉnh nhân dân bị nô dịch đứng lên làm cuộc cách mạng tự giải phóng để thoát khỏi mọi áp bức bằng cách đồng thời phải dựa vào cả phong trào của nhân dân các nước, kể cả ở chính đất nước của kẻ đang đô hộ mình, cần đến sự đồng tình và giúp đỡ của họ. Rồi khi đã giành được độc rồi lại phải bắt tay vào xây dựng một thể chế mới, đảm bảo cho mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc của tự do và độc lập. Tất cả phải bắt đầu từ nhận thức, từ sức mạnh thức tỉnh, nhận thức đúng kẻ thù, đúng vấn đề của chính mình và cách giải quyết đúng đắn vấn đề đó. Để làm được điều này phải dựa vào sức mạnh của văn hóa.

 

Văn hóa không phải là sức mạnh trực tiếp nhưng là tiền đề để tạo ra sức mạnh quật khởi của một dân tộc. Bài học về sự thức tỉnh ý thức dân tộc, kết họ thành một khối như bài học vỡ lòng, bài học nằm lòng rồi trở thành nguyên lý mở đường cho một cuộc vận động cách mạng. Từ Bản án chế độ thực dân Pháp cho đến Đường kách mệnh đều thấm đẫm tư tưởng này. Năm 1943 người đã viết về đường hướng phát triển văn hóa của một quốc gia chính là phải xây dựng tâm lý dân tộc là tư tưởng độc lập, tự cường, là mọi người dân biết hy sinh mình làm lợi ích cho quần chúng; về mặt xã hội thì mọi sự nghiệp có liên quan đến quyền lợi của nhân dân và chính trị chính là dân quyền cùng với việc xây dựng một nền kinh tế mới phù hợp (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002, t.3, tr. 431). Sau khi đã giành được chính quyền, trở thành người đứng đầu của một quốc gia có chủ quyền, khi đã có đủ điều kiện để bắt tay vào sự nghiệp ấy, người đã tuyên bố tư tưởng về văn hóa soi đường cho quốc dân đi, cụ thể hóa thêm một bước những suy nghĩ trước đó của mình trong tình hình mới. Tư tưởng ấy nhất quán, xuyên suốt toàn bộ các hoạt động chính trị của người.

 

  Nhân đây cũng nên nhắc tới một trùng hợp khác của một nhà nghiên cứu văn hóa để thấy rằng, những tư tưởng lớn, ở những thời kỳ khác nhau hay cùng thời đều nhìn thấy sức mạnh to lớn của văn hóa đối với những cuộc vận động xã hội, hướng tới những thay đổi để tồn tại và phát triển ở một tâm thế khác.  Cùng thời nhà cách mạng Hồ Chí Minh viết ra những tư tưởng lớn về văn hóa ấy ở trong nhà tù của Quốc dân Đảng (Trung Quốc), nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh cũng cho rằng “cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm… có sinh khí mạnh mẽ lắm…” song xã hội nước ta khi “gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ra ngay hết mọi nhược điểm”. Và “bi kịch hiện thời của dân tộc là sự xung đột của những giá trị văn hóa cũ ấy với những điều khác lạ của văn hóa phương Tây” và xung đột này “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy” (Đào Duy Anh Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa-Thông tin, H.2000, tr.7). Do điều kiện xã hội-chính trị bấy giờ cụ Đào không thể nói ra cái nguy cơ cụ thể của hiện tình văn hóa Việt Nam thế nào nhưng trong một đánh giá gần với thực tế và khoa học nhất về văn hóa Việt Nam thời kỳ ấy với mục đích văn hóa cứu quốc, bản  Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng Cộng sản do Trường Chinh khởi thảo xác định “Nhật lợi dụng văn hóa để tuyên truyền chính sách Đại Đông Á” để lừa mỵ dân tộc, còn thực dân Pháp thì “thực hiện chính sách văn hóa cực kỳ nguy hại và thâm độc” cho nên “ Đảng cần có cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa…thụt lùi” (Đề cương văn hóa Việt Nam 1943). Như vậy, từ góc nhìn nghiên cứu khoa học thuần túy hay tư tưởng của một nhà cách mạng chuyên nghiệp thì cũng đều có một điểm chung là văn hóa có vai trò vô cùng to lớn, có tác dụng mạnh mẽ tới các cuộc vận động xã hội, tới sự tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Và để hiểu và vận dụng thành công sức mạnh của văn hóa vào công cuộc chấn hưng dân tộc, phát triển đất nước cần có đường hướng và cách tổ chức thực hiện những bước đi của phong trào như thế nào?

 

  Lướt qua đôi nét lịch sử như thế để thấy rõ tính cấp thiết của việc xây dựng một nền văn hóa mới có vai trò mở đường cho quốc dân đi quan trọng đến mức độ nào trong giai đoạn lịch sử này. Và trong thực tế, tư tưởng văn hóa cứu quốc, văn hóa kháng chiến kiến quốc đã hình thành, phát triển từ những đòi hỏi của thực tiễn, đã giải quyết rất nhiều những vấn đề về mặt đường hướng lý luận ngay cả khi những lý thuyết về vấn đề này còn chưa được xác lập. Nó là những căn cứ quan trọng để hình thành nên một hệ thống nội dung quan điểm về văn hóa cứu quốc, văn hóa góp phần to lớn vào sự phục hưng dân tộc, vào công cuộc chiến tranh vệ quốc, xây dựng đất nước và là tiền đề cho thay đổi nhận thức trong nhiều lĩnh vực, trở thành yếu tố nội sinh cho sự phát triển, thành nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu của sự phát triển.

 

2. Sau cách mạng tháng Tám 1945, giữa bộn bề công việc của những ngày đầu giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã quan tâm nhiều đến vấn đề văn hóa dân tộc. Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội có hơn 200 nhà hoạt động văn hóa toàn quốc và đại biểu các ban, ngành của quốc gia. Tại Hội nghị này (chỉ còn ngót một tháng nữa là cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ) Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc gia để thực hiện độc lập, tự cường và sáng tạo”, phải gắn với các phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng mà Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã chỉ ra. Rõ ràng từ tư tưởng đến văn bản đều toát lên tinh thần văn hóa cứu quốc như tên gọi của tổ chức văn hóa tiến bộ nhất lúc này được Đảng tổ chức nhằm tập hợp lực lượng phục vụ nhiệm vụ cứu quốc. Hồ Chí Minh chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi là yếu tố con người và môi trường văn hóa, thấy được tính chất tiên tiến, cách mạng của nền văn hóa mới nằm ở mỗi cá nhân và ở ý thức đối với cộng đồng, là nền tảng tinh thần của xã hội. Người nhìn thấy sức mạnh to lớn của văn hóa ở chỗ nó có thể cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới nên trong hầu hết những bài viết của mình, dù ở Hội nghị về văn hóa hay trong những dịp tiếp xúc với văn nghệ sĩ người đều nhấn mạnh đến sứ mệnh của văn hóa, coi đó là nhiệm vụ xã hội vì văn hóa góp phần đắc lực vào sự nghiệp “phò chính, trừ tà”, “kháng chiến, kiến quốc”.

 

Nếu nhìn kỹ hơn về tư tưởng K. Marx và V.Lenin mà Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng sẽ thấy K.Marx trong các công trình nghiên cứu của mình nghiên cứu rất kỹ về chủ nghĩa tư bản, chỉ ra những tội ác của chủ nghĩa tư bản đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, với sự phát triển đầy bất công, đầy máu và nước mắt mà chủ nghĩa tư bản từng quốc gia, chủ nghĩa tư bản thế giới gây ra cho nhân loại. Bởi vậy mà K. Marx suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản trong học thuyết của mình. V.Lenin tập trung chống chủ nghĩa đế quốc-giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, hiện thực hóa cuộc đấu tranh giai cấp bằng xây dựng nhà nước công nông, thực hiện chuyên chính bằng bạo lực cách mạng. Còn Hồ Chí Minh gần như suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình lại dồn tâm sức cho việc chống chủ nghĩa thực dân, đấu tranh giành độc lập cho các nước thuộc địa vì độc lập tự do do dân tộc, hạnh phúc cho con người. Đây cũng chính là những căn cứ để UNESCO tôn vinh người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Điều này rất quan trọng bởi từ góc nhìn ấy sẽ thấy rõ điều gì đã chi phối toàn bộ ý chí, phương pháp và mục đích hoạt động của mỗi người.

Năm 1941 trong thư Kính cáo đồng bào người khẳng định “ trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”  (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, t.3, tr. 198). Năm 1946 Hồ Chí Minh đã nói với các nhà báo nước ngoài là người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(Báo Cứu quốc, ngày 21 tháng 1 năm 1946). Lập trường dân tộc, chủ nghĩa yêu nước như là nội dung căn cốt trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh với tư cách là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ở mục tiêu này người bắt gặp mục tiêu của những người Cộng sản mong muốn xây dựng một thế giới không còn người bóc lột người, mọi dân tộc đều được tự do, độc lập, mọi người dân đều được sống hạnh phúc.

 

Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc không phải do Hồ Chí Minh đề xuất nhưng đó là điều người lựa chọn đầu tiên, là nhà “dân tộc chủ nghĩa” trước khi đến với “quốc tế chủ nghĩa” như chính người tự nhận. Bởi vậy, điều Hồ Chí Minh đề cập tới gần như đầu tiên khi đã giành được chính quyền về tay nhân dân là thay đổi và nâng cao dân khí (người gọi là lý cách dân tộc), phát triển dân trí bởi yêu cầu của cuộc sống bây giờ đòi hỏi một tâm thế khác, tinh thần khác trong khi bản thân những con người cụ thể lại chưa đáp ứng được điều này “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 2002,.t.8, tr.64). Trong hoàn cảnh ấy khó tìm thấy một lời đánh giá nào đúng đắn, nghiêm khắc và cũng đầy thực tế nhưng giầu ý nghĩa thức tỉnh như vậy. Bởi, hơn ai hết, người hiểu rõ “ trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ “  (Toàn tập, Sđd, t. 8, tr.282) và cần “xúc tiến văn hóa để tạo con người mới và cán bộ mới cho cuộc kháng chiến, kiến quốc” (Toàn tập Sđd, t.6, tr.17). Thay đổi tâm lý của một dân tộc là một công việc vừa trước mắt, vừa lâu dài, nâng tầm dân khí và ý thức dân tộc lên tầm cao mới là công việc gắn liền với nâng tầm của văn hóa chính trị. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến điều này bởi người quan niệm “văn hóa có thể sửa đổi xã hội cũ và xây dựng xã hội mới”. Người coi đó là một việc to lớn, vô cùng khó khăn nhưng không thể không bắt tay vào ngay từ những ngày đầu xây dựng thể chế mới “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Những biết cách làm, biết cách đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó” ( Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, 1995, t.2, tr. 267).

 

Thay đổi dân khí, sửa xã hội cũ, xây dựng xã hội mới về thực chất chính là xây dựng một môi trường văn hóa mới mà điều đầu tiên Hồ Chí Minh quan tâm chính là xây dựng một môi trường văn hóa chính trị, văn hóa xã hội mới. Bây giờ chúng ta hay sử dụng thuật ngữ văn hóa chính trị, văn hóa công sở nhưng từ ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Hồ Chí Minh đã nói đến điều này ở cả phương diện lý thuyết và thực hành. Đó là việc người sử dụng hiền tài, tập hợp mọi lực lượng hữu ích cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc, kháng chiến kiến quốc, đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên quyền lợi của mọi đảng phái, tầng lớp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện cho được mục tiêu này. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày tình trạng thù trong, giặc ngoài nguy hiểm như những ngày sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước âm mưu chia rẽ của kẻ thù và tình trạng nhận thức, giác ngộ của quần chúng nhân dân chưa cao, người nêu khẩu hiệu Tổ quốc trên hết để tập hợp lực lượng, lấy quyền lợi Tổ quốc làm căn cứ để kết mọi người dân, lực lượng lại thành một khối thống nhất vì mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc và thực hiện một loạt các chính sách khác nhằm đem lại cơm áo cho dân. Bài học đoàn kết, bài học đồng lòng trở thành kinh nghiệm quý để vận dụng và lãnh đạo cách mạng. Đoàn kết không phải để vì quyền lợi của cá nhân, tổ chức, đảng phái mà đoàn kết vì những mục tiêu lớn lao hơn.

Có thể nói Hồ Chí Minh đã vượt lên trên những vấn đề mang tính nguyên tắc của tổ chức để đạt tới điều cao xa hơn, đem lại lợi ích cho dân tộc, đất nước hơn là ôm lấy những nguyên tắc cứng nhắc, chỉ vì lợi ích của một đảng phái mà không vì mục tiêu Tổ quốc trên hết.  “Phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần”. Đoàn kết để “giữ vững quyền tự do độc lập của chúng ta” (Hồ Chí Minh, Sđd,t.5, tr.249, 251) “Chúng ta phải đoàn kết để mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà” (Sđd, t.6, tr.55). Nguyên tắc này người đề cao và bảo vệ trong suốt cuộc đời mình. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lời dạy của Hồ Chí Minh sâu xa và giàu ý nghĩa. Người chỉ nói đến những thứ cần thiết, còn thiếu, nhiều người cũng thấy nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Từ tác phẩm quan trọng đầu tiên là Đường kách mệnh cho tới tác phẩm cuối cùng là Di chúc điều này luôn được nhắc nhở. Trong Đường kách mệnh người nói tới bài học thất bại “vì dân đoàn kết chưa sâu / cho nên thất bại trước sau mấy lần”. “Đi vào dân chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập” (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Sđd, tr. 49). Ở Di chúc người nói đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế, giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ để giữ vững thành quả cách mạng. Người nhắc tới đoàn kết vừa như một bài học quý, vừa như một sự nhắc nhở vì người nhìn thấy trong các tổ chức của bộ máy, trong tâm lý của mỗi con người luôn tồn tại những mầm mống của nguy cơ chia rẽ, nguy cơ mất đoàn kết, nguy cơ của tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Bởi vậy mà từ Sửa đổi lối làm việc cho đến Di chúc, điều người lo lắng đầu tiên luôn là nhắc nhở sự đoàn kết, nhất trí và mong muốn mỗi đảng viên phải thực hiện điều này như “giữ gìn con người của mắt mình”. Có thể nói Hồ Chí Minh là người mở đầu và cũng là người kiên trì tư tưởng nâng cao văn hóa chính trị, văn hóa quản trị của đội ngũ cán bộ. Sửa đổi lối làm việc, những bài phát biểu về đạo đức cán bộ là những tác phẩm như vậy, chỉ nhằm một mục đích ấy. Nhìn kỹ hơn vào bối cảnh ra đời của những bài viết đó cũng như những nội dung xuyên suốt những điều này ở Hồ Chí Minh thấy rõ người có hẳn một hệ thống căn cứ về vấn đề này, không cao xa về mặt lý thuyết mà từ những sự việc hàng ngày, công việc cụ thể mà đúc kết, tổng kết thành những vấn đề mang tính căn bản, nguyên lý của công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, thu hút nhân tài phụng sự cho cách mạng, đất nước.

 

 Lâu nay giới nghiên cứu và quản lý hay nói đến khía cạnh đạo đức của vấn đề mà chưa chú ý đúng mức đến những cơ sở xã hội của cách đặt vấn đề về văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Hiểu sâu sắc cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh nói nhiều về con người nghĩa vụ, con người đạo đức nhưng cũng đề rất cao vai trò của dân chủ, tự do, sáng tạo, ý thức về con người cá nhân như một nhân cách. Bởi vậy suốt cuộc đời mình Hồ Chí Minh luôn nói đến những điều này như những phẩm chất khác nhau cùng tồn tại, cùng đồng hành trong mỗi con người. Người nhìn thấy ở mỗi tính cách ấy có những mặt tích cực và cả những hạn chế cho nên trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, người đề cao đạo đức xả thân vì nghĩa, đạo đức coi trọng nghĩa vụ nhưng cũng luôn tạo điều kiện cho con người phát huy hết tự do sáng tạo của cá nhân, tôn trọng nguyện vọng cá nhân, định hướng những khát vọng ấy vào việc phục vụ đất nước, nhân dân, đồng thời tìm cách khuyên nhủ, vận động, nêu ra những quy định để khắc chế những thói xấu, lòng tham của con người.

 

 Hồ Chí Minh là người đầu tiên nói đến khả năng “sửa cái xấu, thói hủ hóa, chống tham nhũng” của văn hóa. Mọi mục đích hoạt động của người đều hướng về đất nước, nhân dân. “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân “(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 6. tr. 232). Người nói đến bản chất vấn đề chứ không dừng lại ở hình thức “Nếu nước có độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” (Sđd, t.4, tr. 65).

 

Suốt thời gian tại thế, Hồ Chí Minh tập trung làm thay đổi quan niệm cũ về hai vấn đề quan trọng là con người và môi trường, coi đó là căn cốt để tạo nên một chữ đồng cho toàn xã hội. “Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mọi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định phú cường” (Sđd, t.5, tr.918-919). Nhìn vào lịch sử hàng nghìn năm của đất nước có thể thấy rõ điều này: cơ sở để cộng đồng làng, xã hoặc lớn hơn là quốc gia, dân tộc có thể nhân lên sức mạnh của tập thể để chiến thắng mọi kẻ thù, mọi áp lực (xâm lược, sự hà khắc của quan lại, sự áp đặt của chính quyền trung ương, đấu tranh chống thiên nhiên) là tinh thần cố kết cộng đồng. Sự cố kết này bắt nguồn từ nghĩa vụ và tình cảm của cá nhân trong cộng đồng, được cộng đồng ghi nhận. Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng chỉ được cộng đồng tôn vinh hay đánh giá cao nếu cá nhân ấy hoàn thành tốt nhất chức phận của mình. Hồ Chí Minh khơi dậy ở mỗi cá nhân sự gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc, không phân biệt họ thuộc tầng lớp, đảng phái, giai cấp nào, miễn là người ấy có ích cho sự nghiệp chung. Đây là một góc nhìn vừa thực tiễn, vừa nhân văn và chỉ có Hồ Chí Minh mới làm tốt được điều này.

 

Hồ Chí Minh khai thác mọi yếu tố có thể trong mỗi con người nhất là những giá trị tốt đẹp gắn với cộng đồng, đất nước, dân tộc, không coi yếu tố chính trị là cao nhất (các thỏa ước với các tổ chức, đảng phái, thu hút đội ngũ nhân sĩ, trí thức, trọng dụng nhân tài vì đất nước và nhân dân; các biện pháp chính trị hạn chế tối đa cái nhìn hẹp hòi về chính trị). Người nhìn mỗi cá nhân là một tập hợp của nhiều yếu tố, đa diện, rộng hơn cái nhìn khuôn cứng họ vào trong những lý lịch chính trị, công việc xã hội họ đảm nhiệm. Cái nhìn này rõ ràng cởi mở và sát thực tiễn hơn cái nhìn bó hẹp trong những khuôn mẫu, mô hình. Thêm nữa cái nhìn nhân văn và đầy tinh thần thực tiễn của Hồ Chí Minh đã khắc phục được tư tưởng định kiến, giáo điều một thời đã gây ra những sai lầm lịch sử. Hồ Chí Minh nói đạo đức cao nhất của chính trị là cứu nước, vì nước, vì dân, nói đến mục tiêu chính trị nhưng ở những hành vi cụ thể lại thể hiện một tầm nhìn chiến lược về sử dụng con người cho những nhiệm vụ không có tổ chức chính trị hay cá nhân nào khác có thể làm được.

 

Nhìn lại những ứng xử của Hồ Chí Minh ở tầm vĩ mô đến các quan hệ cụ thể với những người thuộc giới nhân sĩ, trí thức, quan lại, thân hào, kể cả những người thuộc các đảng phái đối lập trong những năm tháng trước và sau thời điểm Tháng Tám năm 1945, những năm kháng chiến mới thấy hết tầm nhìn chiến lược trong văn hóa chính trị và ứng xử của người. Tư tưởng Tổ quốc trên hết đã động viên bao nhiêu nhân sĩ, trí thức, thân hào, doanh nhân, quan lại cũ, các tầng lớp nhân dân tạm xếp những băn khoăn, do dự của riêng mình sang một bên, giúp họ dấn thân vào cuộc kháng chiến giữ nước hay nói như Nguyễn Tuân “đứng dưới lá cờ nghĩa của cách mạng”.

 

Cách ứng xử của Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức, các nhà hoạt động xã hội có uy tín không chỉ là một sách lược của cách mạng trong một thời điểm mà nó mang ý nghĩa lâu dài, nhân văn, có xuất phát điểm từ chỗ đất nước là của chung, phải từ lợi ích của đất nước mà lựa chọn những người xứng đáng làm việc cho nước, cho dân chứ không vì lợi ích của một tổ chức, đảng phái nào. Người nói với các đồng chí trong Đảng của mình “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thành thật đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước” (Hồ Chí Minh Toàn tập, H., 2011, t. 5, tr. 715). GS Trần Quốc Vượng kể rằng bác M. (bạn của thân phụ GS) và cả thế hệ những con người ấy đã “đi theo Hồ Chí Minh, nghe theo Hồ Chí Minh” dấn thân vào con đường Hồ Chí Minh đi khi chưa hiểu gì về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Họ tin yêu và làm theo những gì Hồ Chí Minh làm bởi cuộc đời và con đường Hồ Chí Minh lựa chọn đã làm họ tin tưởng. (Trần Quốc Vượng. Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn hóa dân tộc, H., 1998). Những tư tưởng về con người và văn hóa của Hồ Chí Minh là giải quyết những vấn đề thực tiễn, là soi đường cho quốc dân đi thực sự, đã tạo ra những thay đổi lớn, tích cực trong ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng, đặc biệt ở sự tin yêu người đứng đầu, sự đồng lòng với những chủ trương lớn, kích thích tình yêu và khát vọng cống hiến.

 

Tư tưởng này ở Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ những am hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Đây không phải là những suy luận thiếu căn cứ mà nếu nhìn vào những ý kiến Hồ Chí Minh nói về tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, sức mạnh dân tộc trước họa xâm lăng sẽ thấy điều đó. Với Hồ Chí Minh, người Việt Nam thuộc bất cứ tầng lớp, dân tộc, tôn giáo nào cũng đều có sự gắn bó với quê hương, xứ sở, đất nước, cộng đồng, nhân dân. Nếu cách mạng biết khơi dậy ở họ tình cảm và nghĩa vụ ấy thì hầu hết mọi người dân sẽ đem “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập). Đó là con người yêu nước, dám hy sinh tất cả vì nước. Người ta hay nói đến câu nói của ông Võ Văn Kiệt như là một bài học rất đáng suy ngẫm về cách nhìn hẹp hỏi của góc nhìn quá đề cao tiêu chí chính trị trong đánh giá con người: người Cộng sản không nên độc quyền lòng yêu nước. Ở đây, có thể nói rằng Hồ Chí Minh đặt vấn đề Tổ quốc trên hết không phải chỉ là một khẩu hiệu chính trị nhất thời mà là một tư tưởng xuyên suốt hoạt động chính trị của người. Tư tưởng này phát huy tác dụng to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập ấy. Người nhìn vấn đề dân tộc, đất nước cao hơn khía cạnh thái độ chính trị, quyền lợi của mỗi cá nhân, tầng lớp, đảng phái. Cách nhìn ấy không chỉ sáng suốt vào thời điểm ấy mà nó cần phải trở thành một vấn đề mang tính căn bản cả trong lý luận và thực tiễn để xây dựng đất nước vì nếu vận dụng tốt điều này có thể đoàn kết mọi lực lượng để nâng tầm sức mạnh dân tộc. Trong hồi ký của nhiều nhân vật nổi tiếng đều kể lại thời kỳ hoạt động sôi nổi của cả xã hội giai đoạn nước sôi lửa bỏng này, đến những sáng kiến cá nhân có giá trị lớn vì tất cả đều bắt đầu từ sự tin yêu lãnh tụ, tin yêu chế độ mới. Ý nghĩa soi đường, mở đường, khai phóng của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là ở đó. Về con người, Hồ Chí Minh đánh giá cao cốt cách, nhân cách ở họ. Người mời các cụ vốn là quan lại cũ như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Đặng Văn Hướng… và giao cho họ những trọng trách lớn trong bộ máy Quốc hội, Chính phủ. Rất nhiều các trí thức ngoài Đảng được giao chức Bộ trưởng trong Chính phủ kháng chiến, nhiều tướng lĩnh người ngoài đảng được giao cầm quân ở những địa bàn trọng yếu… và họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình với tinh thần tận hiến, chịu ơn tri ngộ của Hồ Chí Minh. Với họ, Hồ Chí Minh lúc này đồng nghĩa với thể chế mới, nhân dân, dân tộc. Vì cảm phục Hồ Chí Minh mà cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận lời là Bộ trưởng Nội vụ. Cũng chính Hồ Chí Minh đã lựa chọn cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước khi người sang đàm phán với Chính phủ Pháp vì người nhận thấy cái bất biến ở cụ Huỳnh sẽ làm điểm tựa để cụ ứng phó với cái vạn biến của nước nhà trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Đây là một ví dụ rõ nhất về văn hóa chính trị, văn hóa dùng người Hồ Chí Minh. Tiếc rằng sau này có nơi, có lúc nhiều người trong bộ máy đã không thấm được tinh thần Tổ quốc trên hết mà đặt lợi ích của tổ chức mình lên trên, đã bộc lộ sự hẹp hòi, thiển cận chính trị nên đã gây ra những đổ vỡ không đáng có.

 

3.Tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi đến nay vẫn tiếp tục tỏa sáng. Tiếp thu tinh thần ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán, kiên trì quan điểm coi văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) mà Đảng phải nắm lấy, lãnh đạo, tổ chức để đi đúng đường hướng “phò chính trừ tà, kháng chiến, kiến quốc”. Nếu tính đến thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp năm 1946 ở Nhà hát Lớn (chỉ trước cuộc kháng chiến toàn quốc có thời gian ngắn) và Hội nghị lần thứ 2 năm 1948 giữa lúc kháng chiến chống xâm lược đang bộn bề thì cũng có thể thấy Đảng coi trọng vai trò của văn hóa như thế nào. Từ bấy đến nay, tuy không tổ chức thêm một Hội nghị toàn quốc nào nhưng những văn kiện các kỳ đại hội, nghị quyết chuyên đề về văn hóa ( và cả Cương lĩnh xây dựng đất nướcCương lĩnh sửa đổi đều dành những vị trí thích đáng cho văn hóa) đã ngày càng nhận thức sâu hơn, thực hiện nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động phát triển văn hóa, xây dựng con người hơn. Trong suốt mấy chục năm qua từ một nền văn hóa cứu quốc, chuyển qua văn hóa kháng chiến kiến quốc, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển…đã chứng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ngày càng lan tỏa ảnh hưởng trong đời sống. Đại hội 13 của Đảng đã nói về văn hóa với những nội dung cụ thể gắn với giai đoạn mới của lịch sử dân tộc như vấn đề hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, đã coi yêu cầu khơi dậy sức mạnh dân tộc, khát vọng cống hiến để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc như là những nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa. Đó là những nhận thức mới và yêu cầu mới để văn hóa tiếp tục soi đường cho quốc dân đi.

 

  Những bài học về văn hóa của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị khoa học, còn nguyên ý nghĩa dẫn đường. Những việc làm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xã hội, con người, đất nước, nhân dân, đạo đức cán bộ, ý thức công dân…vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Chỉ cần nhìn vào bài học dùng người của Hồ Chí Minh đã thấy vì sao người thành công còn chúng ta hiện nay đưa ra rất nhiều lý thuyết, rất nhiều tiêu chí, mở đủ các cuộc học tập, vận động… mà hiệu quả không như mong muốn? Phải chăng Hồ Chí Minh khi dùng người bao giờ cũng chú ý tới cốt cách con người, nhân cách văn hóa, tài năng và bản lĩnh của người đó rồi từng bước rèn luyện họ, đưa họ vào con đường mình mong muốn, qua công việc mà để họ nhận thức ra tư tưởng chính trị họ theo chứ không bắt đầu từ nguồn gốc chính trị, lý lịch chính trị. Người luôn nhìn văn hóa, con người trong sự vận động biện chứng của xã hội, lịch sử và bản thân mỗi cá nhân chứ không cứng nhắc, giáo điều. Nhiều năm qua, trong công tác cán bộ Đảng đã quá để cao tiêu chí chính trị, trong đó coi trọng nguồn gốc chính trị, lý lịch chính trị, bằng cấp chính trị hơn bản lĩnh chính trị và năng lực làm việc. Do đánh giá văn hóa và con người chủ yếu từ góc nhìn tư tưởng hệ, chính trị hóa văn hóa, chính trị hóa con người mà không xem xét đúng bản chất vấn đề (về bản chất văn hóa là sự dung hợp, đa nguyên; trong mỗi con người là tổng hòa của nhiều con người như con người chính trị, con người kinh tế, con người văn hóa, con người bản năng, con người tôn giáo, con người đạo đức v.v…) mà một khi đã tuyệt đối hóa một khía cạnh nào đó, dù khía cạnh đó là quan trọng, cơ bản cũng sẽ dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ về đối tượng. Do điểm xuất phát chưa đúng nên hệ tiêu chí để đánh giá con người cũng không đầy đủ, không khoa học và mỗi cá nhân sẽ hướng về những tiêu chí chưa đúng, đủ ấy mà lựa chọn ứng xử. Mấy chục năm gần đây dù trong các văn bản chúng ta luôn nói đến những giá trị mang tính lý tưởng, tốt đẹp nhưng về thực chất, từ các cơ quan có trách nhiệm cho đến xã hội đều đề cao giá trị chính trị, giá trị kinh tế, giá trị quyền lực mà xem nhẹ giá trị tri thức, nhân cách của con người. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để nảy sinh sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội, là nguồn gốc của dối trá và tham nhũng. Những giáo dục đạo đức bằng vận động, thuyết phục, tuyên truyền ít hiệu quả. Không ít quan chức cao cấp viết sách nói về tinh thần phục vụ nhân dân, về đạo đức cách mạng nhưng trong đời sống thực thì hủ hóa, tham nhũng, phạm pháp. Tư tưởng đức trị và nhân trị không thể trở thành nền tảng của một xã hội dân chủ công bằng, văn mình. Phải đề cao pháp trị nhưng trước hết phải thay đổi quan điểm đánh giá về con người và môi trường, về văn hóa nói chung theo tinh thần khai phóng Hồ Chí Minh. Tư tưởng khai phóng về văn hóa Hồ Chí Minh có điểm xuất phát bắt đầu từ chỗ vì đất nước, nhân dân, dân tộc và cái đích cuối cùng hướng đến cũng là độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho mỗi người. Nhưng Hồ Chí Minh thành công vì ở Hồ Chí Minh mục đích và phương thức hành động luôn nhất quán, nói và làm luôn song hành trên nền tàng yêu thương và tôn trọng con người, vì hạnh phúc con người.

 

PGS.TS Phạm Quang Long

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết