Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức và văn nghệ sĩ

Ngày phát hành: 17/02/2023 Lượt xem 1340

 

Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành muôn vàn tình yêu thương, sự tôn trọng cho dân tộc Việt Nam. Trong tình yêu thương, sự tôn trọng của Người có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai. Người đã thấy rõ và đánh giá cao vai trò quan trọng của trí thức, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp chung của dân tộc và Người đã dành nhiều tâm huyết, thời gian quan tâm tới trí thức, văn nghệ sĩ. Chính sự quan tâm đó, tấm lòng đó đã tạo nên từ Người một sức thu hút kỳ diệu đối với các trí thức, văn nghệ sĩ, dẫn dắt họ đi theo cách mạng, đem trí tuệ, tài năng và nhiệt tình cống hiến cho đất nước, dân tộc.

 Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc

 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ nước ta. Dù bằng nhiều cách biểu đạt khác nhau, song Người luôn đề cao vai trò, trân trọng và động viên đội ngũ này đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tháng 6/1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội, nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài. Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.


Tháng 7/1947, trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ trung ương là người trí thức”. Người nhấn mạnh: “Những người trí thức tham gia cách mạng rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”; “anh em văn hóa và trí thức là lớp tiên tri tiên giác”.


Coi trọng, tin tưởng và sử dụng đội ngũ nhân tài, trí thức là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì, Người tin tưởng và sử dụng đội ngũ này bằng cả tấm lòng kính trọng và sự phát huy tài năng, chứ không phải bằng danh lợi. Theo Người, nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài ngày càng phát triển, càng nhiều thêm. “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt vào làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Người còn căn dặn: “Rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Trong bộ máy của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thuỵ (vua Bảo Đại của chế độ cũ) làm cố vấn Chính phủ và khá nhiều bộ trưởng, thứ trưởng là nhân sỹ, trí thức đã tham chính. Ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời, tiếp tục mở rộng thành phần là những người có tên tuổi, có uy tín, là nhân sỹ, trí thức tiêu biểu như các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Tố, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận… Và qua những lần bổ sung và thông qua Tổng tuyển cử bầu cử Quốc  hội, trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn…


Và như một sự đáp đền, rất nhiều nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sĩ tỏ rõ sự yêu kính và biết ơn cách mạng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - hiện thân cao cả của Đảng, của Chính phủ và chế độ mới, nhất tâm đi theo con đường sáng mà Cách mạng tháng Tám đã khai mở.


Có thể nói, lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức nước nhà là chất keo gắn kết để đội ngũ này yên tâm, tự nguyện đóng góp, cống hiến tài năng và sức lực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.


Hưởng ứng lời kêu gọi của Người và Chính phủ, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ ở nước ngoài đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc đầy gian khổ, thiếu thốn như Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Pham Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum...


Như nhà khoa học Phạm Quang Lễ tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân tại nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp, từng làm việc tại Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Pháp, và sau đó sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí của Đức, đã cùng với ba trí thức trẻ khác là Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Quỳnh theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước. Trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn ở chiến khu Việt Bắc, ông đã triển khai nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho quân đội non trẻ của ta.


Đó là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đang sống và làm việc tại Nhật Bản đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, trở về nước với tài sản quý nhất là các giống nấm kháng sinh để chế tạo thuốc penicillin và streptomycin đang rất cần cho bộ đội và nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Năm 1967, ông hy sinh ở chiến trường miền Nam khi đang tập trung nghiên cứu việc phòng chống căn bệnh sốt rét.


Hay nhà nông học Lương Định Của khi đang ở đỉnh cao vinh quang, ông vẫn quyết định đưa gia đình về nước, vợ ông là bà Nubuko Nakamura, người Nhật Bản. Ông đã lai tạo thành công nhiều giống lúa, giống cây, giống rau cho năng suất cao, chất lượng tốt, đào tạo nhiều cán bộ khoa học hàng đầu cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Đã có nhiều bài viết về sức cảm hóa, sức hấp dẫn, sức thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi tiếp xúc với Người, ai cũng thấy ở Người một tấm lòng rộng mở, chân thành và bình dị. Người thường mở đầu câu chuyện bằng những lời nói và cử chỉ làm cho người đối thoại, dù là nhân sĩ, trí thức, hòa ngay vào bầu không khí cởi mở, bị cuốn hút bởi những tình cảm chân thành và thân ái, bởi Người sống giữa mọi người.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

 
Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.


Và “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951. Bức thư có đoạn: “Gửi anh chị em họa sĩ, biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5/1/1952, trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.


Trong thư năm ấy, Người khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những lực lượng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.


Lời dạy nhanh chóng được anh chị em họa sĩ cả nước đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến và quyết thắng của cả dân tộc. Về văn học là các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Thôi Hữu, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Võ Huy Tâm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Hồ Phương, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân, Trần Hữu Thung, Tế Hanh, Nguyễn Khải, Giang Nam, Hữu Loan, Bàn Tài Đoàn, Tú Mỡ…


Về sân khấu có các nhà biên kịch, đạo diễn như Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Thuận, Ngô Tất Tố...


Về âm nhạc, có các nhạc sĩ  Văn Cao, Đinh Nhu, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Việt, Phan Huỳnh Điểu…


Về mỹ thuật có các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Lưu Hậu, Diệp Minh Châu, Lưu Công Nhân…


Về điện ảnh, nhiếp ảnh, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về máy móc, phương tiện, vật liệu, các nghệ sĩ như Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Mai Lộc, Phan Nghiêm, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Pham Văn Khoa đã chụp và quay được những bức ảnh, những đoạn phim tài liệu rất quý về Ngày Độc lập 2/9/1945, về nạn đói năm Ất Dậu 1945, sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về (1946), Chiến dịch Biên giới ở Đông Khê (1950)… 

 

Trong số các nhà văn, nghệ sỹ thời kháng chiến chống Pháp, có những người đã hy sinh anh dũng như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân.


Có thể nói, trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, các thế hệ nghệ sĩ luôn đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân viết nên những trang sử mới bằng thơ ca, nhạc họa, phản ánh tinh thần dân tộc, khát vọng của của lớp lớp con dân đất Việt về một Tổ quốc độc lập, tự do, hòa bình, người dân ấm no, hạnh phúc.


Trong quá trình tổng kết, đánh giá về những thành tựu, đóng góp của văn nghệ sĩ trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đời sống mới, Đảng ta nhấn mạnh: văn hóa, văn nghệ Việt Nam đã trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân... Các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trở thành những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Những cống hiến to lớn của họ ở phương diện nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ; kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn; quảng bá vẻ đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tạo nguồn lực, động lực to lớn cho quá trình phát triển bền vững đất nước./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết