1. Đặt vấn đề
Ở nước ta các đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 vừa qua, dựa trên quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII (1993) về việc xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. Tất cả các đại học này đều được hình thành chủ yếu bằng cách gom và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn. Đây là một chủ trương đúng giúp chúng ta sớm có được những cơ sở giáo dục đại học mạnh, đa năng. Tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17/3/1992 [9], Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: đại học đa lĩnh vực “không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm qua đi nhưng các đại học của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh”. Có ý kiến cho rằng ở các đại học này tầng trên “đại học” là thừa, gây cản trở đến hoạt động của các “trường đại học thành viên”; thậm chí còn có đề xuất cực đoan đòi giải thể các đại học đa lĩnh vực. Chúng ta thử làm sáng tỏ vấn đề này dưới góc độ cấu trúc quản trị của các đại học đó.
2. Ba xu hướng tổ chức các cơ sở giáo dục đại học theo ngành nghề đào tạo
Trong lịch sử giáo dục đại học thế giới [8], các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoặc riêng cho từng lĩnh vực ngành nghề đào tạo, hoặc chung cho nhiều lĩnh vực ngành nghề đào tạo. Ở trường hợp thứ nhất ta có các trường đại học chuyên ngành, còn trong trường hợp sau - có các đại học đa lĩnh vực.
2.1. Trường đại học chuyên ngành là mô hình trường đại học rất phổ biến ở các quốc gia châu Âu lục địa. Lĩnh vực ngành đào tạo ứng với mỗi trường nằm trong một phổ khá rộng, có thể từ rất hẹp (thí dụ: trường Kiến trúc, trường Điều dưỡng, trường Cầu - Đường...), tương đối rộng (Thí dụ: trường Nông nghiệp, trường Kỹ thuật Công nghiệp,...) hoặc khá rộng (thí dụ: trường Tổng hợp). Trừ trường Tổng hợp (Universitet) ra, tên gọi tiếng Anh của các trường đại học chuyên ngành thường là College hay Academy/Institute.
Về mặt quản trị, các trường đại học chuyên ngành thường có cấu trúc 2 cấp. Dưới cấp trường (College) là cấp khoa (Deparment) thực hiện một số chương trình đào tạo tương ứng với một ngành đào tạo (Fild of study). Việc tổ chức thêm cấp bộ môn (Division) rất hãn hữu vì các trường thường đào tạo theo ngành rộng ở trình độ đại học.
2.2. Đại học đa lĩnh vực là mô hình trường rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, các quốc gia Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Đông Á (Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan, Trung quốc,...), Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái lan, Indonesia,...). Tên gọi tiếng Anh của loại trường này là University. Từ điển thuật ngữ giáo dục của Hoa Kỳ định nghĩa: University là một cơ sở giáo dục bao gồm nhiều trường thành viên, trong đó phải có 1 trường khoa học cơ bản (Liberal art college), một số chương trình sau đại học và phải có từ 2 hoặc nhiều hơn các trường chuyên ngành (College/Faculty/School) và phải đủ năng lực để có thể cấp văn bằng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.
Về mặt quản trị, các đại học đa lĩnh vực thường có cấu trúc 3 cấp [1]: cấp đại học (University), cấp trường và tương đương (College/Faculty/School) và cấp khoa (Deparment). Cấp trường tương đương với một lĩnh vực đào tạo (thí dụ: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, y, nông nghiệp,...), còn cấp khoa tương đương với một hoặc một vài ngành đào tạo gần nhau. Thường không có cấp bộ môn (Division) do các đại học đa lĩnh vực thường đào tạo diện rộng ở trình độ cử nhân.
Ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Anh... các trường đại học mạnh (chuyên ngành hoặc đa lĩnh vực), thường cùng một đẳng cấp, có thể liên kết lỏng lẻo với nhau để hình thành những Tập đoàn đại học (The University Corporation)[8]. Thí dụ như: tập đoàn University of Cali. (gồm 10 đại học đa lĩnh vực), Tập đoàn Cali. State University (gồm 23 đại học đa lĩnh vực), Tập đoàn Oxfort U. (gồm 35 trường), Tập đoàn Cambridge U. (gồm 31 trường)... Tuy nhiên hiểu các tập đoàn đại học này như những đại học đa lĩnh vực có 4 cấp quản lý là không đúng. Tương tự cũng không thể xem các trường thành viên trong các đại học đa lĩnh vực như những cơ sở giáo dục đại học độc lập (Theo Vũ Quang Việt, 2014) [7].
Nét nổi trội của các đại học đa lĩnh vực là do bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên chúng cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đó là: tạo cơ hội cho từng giảng viên được đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn để học với những người thầy giỏi nhất, cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Chính vì vậy đại học đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. Tại nhiều nước, đặc biêt ở các nước đang phát triển, có khuynh hướng chuyển đổi các đại học chuyên ngành thành các đại học đa lĩnh vực.
2.3. Ở các quốc gia chấp nhận nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học thường được tổ chức theo từng lĩnh vực kinh tế-xã hội, thí dụ như: trường đại học tổng hợp, trường đại học kinh tế, trường đại học sư phạm, trường đại học kỹ thuật công nghiệp,... Cách tổ chức như vậy gắn rất chặt với cơ chế bộ chủ quản: mỗi trường đại học luôn thuộc về một bộ chủ quản. Điều này hoàn toàn khác với bản chất tự chủ của các đại học đa lĩnh vực, rất thích hợp với cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường.
Về đại thể, các trường đại học được tổ chức theo từng lĩnh vực kinh tế, thực chất cũng là các trường đại học chuyên ngành. Do có nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu nhân lực theo đơn hàng cụ thể của nhà nước nên các trường loại này thường đào tạo theo các chuyên môn khá sâu, thường gắn với sứ mệnh cụ thể của cơ sở giáo dục đại học. Thí dụ như trong khi các đại học đa lĩnh vực chỉ đào tạo các chương trình kỹ thuật xây dựng công trình (Civil Engeneering) thì các trường đại học chuyên ngành có thể có các chương trình chuyên sâu như: kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật xây dựng công trình biển, kỹ thuật xây dựng công trình ngầm, kỹ thuật xây dựng cầu - đường bộ, kỹ thuật xây dựng cầu – đường sắt,... Vì các chương trình hướng vào việc đào tạo ra những chuyên gia có thể làm việc độc lập khi ra trường nên thời gian đào tạo của các trường đại học chuyên ngành thường phải từ 5 năm trở lên.
Về mặt quản trị, các trường đại học chuyên ngành được tổ chức theo từng lĩnh vực kinh tế - xã hội thường có cấu trúc 3 cấp. Dưới cấp trường (College, Academy/ Institute), là cấp khoa (Facultet, Department), tương ứng với một ngành đào tạo. Để hướng tới đào tạo chuyên sâu, ở các trường đại học chuyên ngành kiểu này, dưới cấp khoa còn có thêm cấp Bộ môn (Kafedra, Division) thường tương ứng với một chuyên ngành. Đặc điểm này cần phải được quan tâm khi xây dựng các đại học đa lĩnh vực trên cơ sở hợp nhất các trường đại học chuyên ngành, giống như ở Việt Nam trong các thập niên vừa qua.
3. Thực trạng hình thành các đại học đa lĩnh vực tại Việt Nam
Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học, để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành. Cái gọi là “Trường đại học Tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản.
Để triển khai Nghị quyết TW4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực. Trên tinh thần đó, trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau. Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
Như đề xuất ban đầu từ Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH do Bộ GD và ĐT trình lên Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính Phủ) từ năm 1992 (Phương án IV), tất cả các đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường (College) và khoa (Deparment), tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ. Để làm được việc đó, cần phải tổ chức lại tất cả các trường đại học chuyên ngành (vốn có cấu trúc kiểu Liên Xô cũ) tham gia vào sự hình thành của đại học đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không phải như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu liên quan tới yếu tố con ngươi, cuối cùng ở tất cả các đại học đa lĩnh vực được thành lập, cấu trúc 3 cấp là trường – khoa – bộ môn (kiểu quản trị của Liên Xô cũ) về căn bản vẫn được giữ nguyên ở các trường thành viên. Kết quả là các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học - trường – khoa – bộ môn. Để giữ được vị thế của mình vốn đã từng là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thường sử dụng mô hình: University-University-Faculty-Department, gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học.
Thực ra các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Khi thành lập các đại học đa lĩnh vực xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)... Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp.
Về mặt thể chế các quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học đa lĩnh vực, đặc biệt ở Quy chế cho các đại học vùng ban hành tại Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và ở Điều lệ trường đại học, đã gần nhưkhẳng định tư cách hoạt động độc lập của các trường thành viên - điều tối kỵ đối với một đại học đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây . Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” trong thể chế hiện nay. Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một “cấp bộ chủ quản”, tức là giải thể các đại học đa lĩnh vực.
So sánh về cấu trúc tổ chức của 2 loại mô hình đại học Trong quan niệm về mô hình đại học truyền thống (Liên Xô cũ, Việt Nam trước 1993) không có khái niệm về đơn vị đào tạo theo lĩnh vực ngành nghề. Do đó không thể đồng nhất khái niệm Faculty trong mô hình đại học đa lĩnh vực kiểu phương Tây với khái niệm Khoa hoặc Facultet trong mô hình đại học theo kiểu Liên Xô cũ. Khái niệm Bộ môn hay Kafedra chỉ có ở những trường đại học thực hiện đào tạo theo diện hẹp, tức là những trường đại học được xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ. Khái niệm này hoàn toàn không có trong các đại học đa lĩnh vực kiểu phương Tây. Do đó không thể đồng nhất khái niệm Kafedra hoặc Bộ môn trong mô hình đại học kiểu Liên Xô cũ với khái niệm Department trong mô hình đại học kiểu phương Tây. Giữa 2 mô hình đại học đã nêu chỉ tìm thấy sự tương đương của 2 khái niệm Facultet và Department mà Việt Nam gọi là Khoa. Trong mô hình đại học đa lĩnh vực các khái niệm College, Faculty và School đều thuộc cấp quản lý thứ 2 và hoàn toàn tương đương nhau. |
Từ những phân tích ở trên có thể thấy hai nguyên nhân làm cho các đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực:
Một là, các đại học đa lĩnh vực chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo) mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Hai là, về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực.
4. Một số kiến nghị
Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, về mặt thể chế, Nhà nước cần tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình. Trong chiến tranh chúng ta đã từng thành lập các quân đoàn (bao gồm nhiều sư đoàn, lữ đoàn trực thuộc) để đánh hợp đồng binh chủng, trong kinh tế chúng ta đã có các tập đoàn quốc gia (bao gồm nhiều công ty, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau), nên trong giáo dục đại học đã quá muộn nếu chúng ta chưa có các đại học đa lĩnh vực đích thực. Điều này là quá rõ ràng nhưng cho tới nay, không hiếm học giả và nhà quản lý vẫn đang còn hoài nghi trước chủ trương đó.
Dưới đây chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, trong các luật về giáo dục của Việt Nam đều khẳng định có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College) nhưng không định nghĩa rõ các loại hình này như ở luật giáo dục của nhiều quốc gia khác [4]. Theo quan niệm thông thường tên gọi đại học chỉ dành cho các đại học đa lĩnh vực. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT hiện nay, danh hiệu “đại học” mới chỉ được đặt cho 5 cơ sở, trong đó có 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng, trong khi còn hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học khác (như Trường Đại học Cần thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt…) mặc dù mang tính chất đa lĩnh vực rất rõ ràng nhưng lại không được mang danh hiệu này. Đây là điều vô lý và không công bằng. Đề nghị Nhà nước quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình “đại học” và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học” (University). Một bất hợp lý khác nữa là khi dịch ra tiếng Anh tất cả các trường đại học đều tự nhận là University trong khi ở nhiều nước, việc sử dụng tên gọi tiếng Anh (University, College, Academy/Institute) lại được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Việt Nam cũng nên có thói quen quản lý như vậy để tránh hiểu nhầm về loại hình của các trường đại học.
Hai là, Nhà nước hiện đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học. Theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực (University) phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất. Tuy nhiên ở Việt Nam cho tới nay cả 5 đại học đa lĩnh vực đều không có tên trong danh sách 24 trường đại học tự chủ của Việt Nam. Đây là điều quá vô lý, đề nghị Nhà nước sớm khẳng định quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Ba là, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường đại học nói chung, phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (tháng 11 năm 2005). Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa đi được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Bốn là, Quyền tự chủ của trường đại học không thể trao cho một cá nhân (Giám đốc đại học) mà phải trao cho một Hội đồng đại học, có các thành viên chủ yếu là những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ từ tập thể đại học theo kiểu “quyền làm chủ tập thể”). Hội đồng đại học phải là một hội đồng quyền lực thật sự, quyết định mọi chính sách của đại học, có quyền chọn lựa giám đốc đại học và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của đại học. Điều đáng tiếc là mặc dù các luật về giáo dục và Điều lệ trường đại học đã có quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đại học nhưng trên thực tế, Hội đồng đại học không phải đã được thành lập ở tất cả các đại học đa lĩnh vực và nếu có thì chúng chỉ giữ vai trò rất yếu thế trong các đại học này và thường bị Giám đốc đại học xem như một tổ chức tư vấn cho mình.
Năm là, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực. Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong hoạt động đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút quan điểm sai lầm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập. Ngoài ra, trong quy chế này phải thể hiện rõ ràng chức năng của các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực: Hội đồng đại học - xây dựng chính sách, Giám đốc đại học - đề xuất chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách, Hiệu trường trường thành viên - triển khai chính sách, Trưởng khoa - thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ, giảng viên - triển khai thực hiện chương trình.
Sáu là, vấn đề 3 hay 4 cấp quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực cần được Nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào các điều kiện sau :
- Chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo. Nếu theo cơ chế khoán gọn quản lý đào tạo tới cấp khoa (như mô hình universitet của Liên xô cũ) thì không cần thành lập các đơn vị quản lý theo từng lĩnh vực ngành đào tạo, tức là sẽ không có các trường thành viên (College/Facullty/School); còn nếu muốn huy động được sức mạnh tổng hợp để toàn đại học tham gia hoạt động đào tạo thì phải lập ra các trường thành viên.
- Thực hiện đào tạo dại học theo diện rộng hay theo diện hẹp. Đơn vị bộ môn (kafedra/division) chỉ cần lập nếu chủ trương đào tạo diện hẹp./.
TS. Lê Viết Khuyến
Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Administrative Structure in Institutions of Higher Education; in: Governance, Administration & Accreditation of U.S. Higher Education Institutions. American Council on Education
2. Luật Giáo dục 2009.
3. Luật Giáo dục đại học 2012.
4. Law of Indonesia on Higher Education, 2012.
5. Điều lệ trường đại học 2014.
6. Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng của Bộ GD&ĐT (số 1315/ĐH ngày 17/3/1992) Về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc.
7. Vũ Quang Việt- Đại học Hoa Kỳ-So sánh đại học Hoa Kỳ và Việt Nam. Sách: Festschrift-Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010)-Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam; NXB Tri thức-2014.
8. UNESCO PROAP-Handbook on Diplomas, Degrees and other Certificates granted by Higher Education Institutions in ASIA and PACIFIC;1998.
9. Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987-1997; NXB Giáo dục Việt Nam; 2017.