Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Ngày phát hành: 06/01/2023 Lượt xem 4946

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

 

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Nét văn hóa đó đã được Đảng ta kế thừa, phát triển lên tầm cao mới với quan điểm “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”[1], trong đó “Chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch” là vấn đề có tính quy luật, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng.

 

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn phải đứng trước những kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều lần, thậm chí có thời điểm cùng một lúc dân tộc ta phải đương đầu với nhiều kẻ thù. Vì vậy, để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, tổ tiên ta đã rất coi trọng công tác nắm địch, nắm tình hình và đấu tranh với địch. Đơn cử thời nhà Lý (1010 - 1225) đã thường xuyên sử dụng người của mình giả làm nhà sư, lái buôn, người đánh cá,… sang đất Tống để dò la, thu thập tin tức, cài cắm được 108 cơ sở vào hàng ngũ địch. Đến thời nhà Trần (1225 - 1400),các đời Vua Trần thường xuyên cử những người tài giỏi thông qua con đường ngoại giao, đi sứ, giả làm người mua thuốc len lỏi sang đất địch để nắm tình hình nước địch, từ đó chủ động đưa ra kế sách giữ nước, làm thất bại âm mưu gây chiến tranh, xâm lược của địch, đánh bại giặc Nguyên, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Đại Việt.

 

Bước sang thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”[2].Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch[3].

 

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, chúng ta đã tham gia hầu hết các tổ chức, diễn đàn của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức đa phương khác ở khu vực và thế giới; Việt Nam có 17 đối tác chiến lược (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước và có quan hệ đặc biệt với Lào, Cuba,...; ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cả song phương và đa phương... Đây là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để Việt Nam nâng cao hình ảnh, uy tín trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

 

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình” với âm mưu, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn nhằm thực hiện ý đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chế độ thân phương Tây ở Việt Nam. Theo đó, chúng sẽ tiếp tục triển khai các thủ đoạn, biện pháp tác động “ngầm, sâu, mềm” trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị các cấp; thực hiện “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực, kết hợp “tự diễn biến” bên trong với bên ngoài, tập trung bên trong, bên trên là chính; thông qua “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu”, răn đe quân sự và sẵn sàng tiến công quân sự khi có thời cơ.

 

Các biện pháp chủ yếu chúng sẽ tập trung tiến hành “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam bao gồm: (1) Cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; điều chỉnh chính sách, tăng cường hợp tác nhiều mặt để thâm nhập, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; (2) Đẩy mạnh hoạt động xâm nhập, móc nối, tác động, “chuyển hóa” vào nội bộ ta bằng sự chuyển hóa từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị; (3) Xâm nhập, tác động, hướng lái báo chí, truyền thông Việt Nam theo hướng “dân chủ hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích và định hướng của Đảng; (4) Hậu thuẫn, chỉ đạo lực lượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước tiến hành chống phá Việt Nam bằng cách tăng cường tiếp xúc đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong, lực lượng gián điệp, tình báo “núp bóng” dưới các bình phong khác nhau hoạt động tại Việt Nam; kích động, mua chuộc, lôi kéo quần chúng nhân dân chống phá chính quyền, chủ yếu bằng các hành động “bất tuân dân sự”, thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự”, đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam; (5) Triệt để lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gây sức ép và chống phá Việt Nam; (6) Tác động, chuyển hóa nhằm thực hiện ý đồ phi chính trị hoá lực lượng vũ trang,...

 

Từ những vấn đề trên và những điểm mới trong âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cho thấy, chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tất yếu khách quan. Đồng thời, cũng là cơ sở giúp chúng ta chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm những nguy cơ để có kế sách triệt tiêu những nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra “đột biến” chính trị - xã hội; chuẩn bị các “điều kiện cần” ngay trong thời bình, từ khi đất nước chưa nguy.

 

Để chủ động nắm, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:

 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, được Đảng ta khẳng định trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới,... Quá trình tổ chức thực hiện, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ trì các cấp, sự định hướng, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước. Đồng thời cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc vào Hiến pháp, pháp luật; củng cố, tăng cường hành lang pháp lý cho việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả cao.

 

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân.

Đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trước hết, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức đúng về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn, phương thức, lực lượng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhận thức rõ đối tượng, đối tác trong tình hình mới. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao. Trong đó cần chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, chính xác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo về hưu, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên…, từ đó định hướng dư luận, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Đồng thời, chủ động ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc chủ động, kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận cho nhân dân, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự thống nhất cao đối với các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

 

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác tổ chức, cán bộ; phòng, chống nội gián, bảo vệ an ninh quốc gia.

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn, thư có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong phát hiện, xử lý những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị; giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh; phòng ngừa, ngăn chặn sự can thiệp, móc nối của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội theo Luật An ninh mạng, trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội; rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản dưới luật, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các hoạt động sử dụng internet và mạng xã hội; tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quy định của Nhà nước về sử dụng internet và mạng xã hội, nhất là Luật An ninh mạng.

 

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương để phát hiện kịp thời, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban phản ánh tình hình, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh; không để các thế lực thù địch lợi dụng những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước để tạo cớ xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chống phá. Đa dạng hóa hình thức đấu tranh, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát; vừa “xây”, vừa “chống” nhưng lấy “xây” làm chính. Xây dựng các tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; giải quyết hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo; kiện toàn tổ chức tuyên giáo, xây dựng đội ngũ cán bộ sẵn sàng “phản ứng nhanh” với những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng.

 

Năm là, triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng phòng nói riêng, phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một trong những biện pháp quan trọng trong đấu tranh với các thế lực thù địch. Trong đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển và không chấp nhận quan hệ hợp tác dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào, không để mất độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh việc tham gia, đóng góp thực chất và mở rộng hơn nữa quy mô, phạm vi hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng của đất nước. Tăng cường hợp tác, xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tham gia các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế phải đặt mục tiêu lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, phù hợp với tư duy bảo vệ Tổ quốc, vị thế quốc tế của đất nước, thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xác định rõ đối tác, đối tượng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, dự báo và tham mưu chiến lược phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức “Công tác nắm tình hình phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Lực lượng Tình báo làm nòng cốt”[4]. Đồng thời phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm địch, nắm tình hình và tham mưu chiến lược. Đẩy mạnh hoạt động thu thập tin tức tình báo, bảo đảm tin tức tình báo phải bao quát được địa bàn, mục tiêu, đối tượng cả trong và ngoài nước; tập trung vào các khu vực chiến lược, trọng điểm, điểm nóng, các sự kiện quốc tế, khu vực và trong nước có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; các đối tượng có âm mưu, hoạt động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích và an ninh của Việt Nam; các đối tượng có âm mưu, hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược và phát huy bản lĩnh chính trị, tính nhạy bén của các cơ quan tham mưu trong phát hiện những yếu tố mới, chủ động, nhạy bén, mạnh dạn tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ban hành các quyết sách, quyết định chiến lược kịp thời, chính xác.

 

Tóm lại, chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Để tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả bài học kinh nghiệm đó trong tình hình mới đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện đồng bộ những nội dung, biện pháp nhằm xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH TRUNG

Chính ủy Học viện Khoa học quân sự

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 317.

[3]Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”...

[4]Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 25/3/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tình báo trong tình hình mới”.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết