Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Những vấn đề mới về nguồn lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Ngày phát hành: 02/01/2023 Lượt xem 717

 

                                                                            

 

1. Để phát triển đất nước cần huy động nhiều nguồn lực đi đôi với phân bổ sử dụng hiệu quả. Định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu phải có phương thức huy động và phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo không chỉ các mục tiêu kinh tế mà cả các mục tiêu chính trị, xã hội đặc thù. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng lan rộng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, xuất hiện nhiều thời cơ và thách thức mới đối với huy động nguồn lực cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

 2. Về các nguồn lực, bên cạnh việc huy động và phát huy các nguồn lực truyền thống như nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, vốn...trong bối cảnh mới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm xuất hiện một số khả năng to lớn mới, cho phép khai thác và sử dụng có hiệu quả cao hơn các nguồn lực sẵn có, cần được chú trọng khai thác.

 

 - Năng lượng gió và mặt trời. Tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phép khai thác hai nguồn năng lượng này trên quy mô công nghiệp. Với chính sách phù hợp, trong thời gian ngắn, nước ta đã nhanh chóng nâng công suất lắp đặt điện gió và mặt trời đến hết năm 2021, lên 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, đạt sản lượng 31,5 tỷ kw/h, chiếm 12,27% sản lượng điện toàn hệ thống [8]. Điều này cho phép không chỉ đáp ứng nhu cầu điện trong nước mà còn giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch, nhất là than đá.

 

- Công nghệ số và sự kết nối. Cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự phát triển của công nghệ số cho phép nâng cao khả năng, tốc độ kết nối các nguồn lực, làm cho các nguồn lực được sử dụng có hiệu quả cao hơn.

 

Nhờ công nghệ số, internet phát triển, hình thành ngày càng nhiều hãng vận tải không sở hữu xe, khách sạn không sở hữu khách sạn, hãng kinh doanh không sở hữu cửa hàng, ngân hàng số... Tất cả được hình thành trên cơ sở kết nối các nguồn lực sẵn có. Đồng thời, tự động hóa, ứng dụng AI ngày càng phát triển.

 

- Môi trường trong lành và khả năng hấp thu hoặc giảm phát thải khí nhà kính.  Trong điều kiện môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, chi phí cho khắc phục hậu quả ngày càng tăng, môi trường, cảnh quan được bảo vệ trở thành nguồn lực lớn, nhất là đối với các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.

 

Phát triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế liệu, phát triển công nghiệp môi trường đang trở thành lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng.

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, công đồng quốc tế đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thị trường các bon và các sản phẩm các bon thấp đang hình thành và phát triển, đem lại nhiều cơ hội kinh doanh mới.

 

3. Về phương thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: "Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực"[2] và " Các nguồn lực kinh tế của nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường"[3]. Chủ trương chung của Đảng là chuyển sang sử dụng nhiều hơn cơ chế thị trường để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng có nhiều khiếm khuyết nên cần có sự điều chỉnh của nhà nước để đảm bảo cho quá trình phát triển được bền vững. Mặt khác, cần có cách tiếp cận phù hợp đối với mỗi nhóm nguồn lực cũng như sự kết hợp giữa các nhóm nguồn lực trong bối cảnh mới.

 

- Sự kết hợp giữa nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình.

 Các nguồn lực hữu hình thường được nhắc tới gồm, nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, các loại tài sản như kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị... Các nguồn lực vô hình gồm khoa học kỹ thuật; cơ hội thị trường, cơ chế quản trị quốc gia cũng như kỹ năng quản trị mỗi doanh nghiệp, thương hiệu hàng hóa... Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, hiệu quả sử dụng các nguồn lực hữu hình lại do các nguồn lực vô hình quyết định. Cũng với ruộng đất và những người nông dân đó mà một thời Đất nước thiếu lương thực, nhờ thay đổi cơ chế quản lý trong thời gian ngắn Việt nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Hiệu quả của các công trình thủy lợi lại do cách quản lý quyết định.

 

Chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) phản ánh hiệu quả sử dụng các nguồn lực hữu hình dưới tác động của các nguồn lực vô hình. Để tăng nhanh đóng góp của TFP, rõ ràng cần huy động nhiều hơn các nguồn lực vô hình thông qua đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

 

 Chỉ số hiệu quả vốn đầu tư (ICOR) của nước ta nhiều năm ở mức cao (trên 6) cho thấy còn nhiều dư địa trong việc nâng cao hiệu quả nguồn lực. Nếu phát huy cao hơn các nguồn lực vô hình để kết hợp với các nguồn lực hữu hình, có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, trong khi tài nguyên thiên nhiên được khai thác hợp lý hơn và môi trường được bảo vệ tốt hơn.

 

Sự kết hợp giữa nguồn lực thuộc các nhóm sở hữu khác nhau

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển" [1]

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, cần có giải pháp phù hợp trong huy động, phân bổ và sử dụng phối hợp các nguồn lực giữa các thành phần kinh tế để cùng phát triển, làm tốt các chức năng đối với xã hội.

 

Nhà nước nắm giữ và huy động các nguồn lực phù hợp để kinh tế nhà nước đủ sức đóng vai trò nòng cốt. Trong đó, Nhà nước chú trọng huy động, phát triển cả các nguồn lực vô hình. Nhà nước phải là nòng cốt trong đổi mới quản trị, phát triển khoa học kỹ thuật, quan hệ quốc tế và đề cao hình ảnh quốc gia...

 

Cần nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Những nguồn lực doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ nắm giữ hoặc sử dụng kém hiệu quả cần được chia sẻ hoặc chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác sử dụng có hiệu quả cao hơn.

 

Việc huy động nguồn lực hằng năm của Nhà nước cần được tiến hành ở mức độ và với cách thức để không cạnh tranh quá mức với các thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng huy động ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% trong đó động viên từ thuế và phí có 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân các nước liên minh Châu Âu là 44,3% GDP. Của các nước phát triển và mới nổi ở Châu Á là 25,5% GDP, của một số nước trong khu vực như Trung Quốc 28,2%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%, Malaysia 20,4%...[7] Gần đây hằng năm ngân sách nhà nước huy động trên dưới 20% GDP, thể hiện chính sách "khoan sức dân". Tuy nhiên, chi ngân sách khoảng 25%, bội chi khoảng trên dưới 5% GDP. Để có khoản bội chi này ngân sách nhà nước phải vay trong nước và quốc tế.

 

4. Kinh tế tập thể hiện có nguồn lực quá hạn hẹp cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn lực. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của HTX đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2019 chỉ có 225.783 tỷ đồng [11].

 

Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện để kinh tế tư nhân phát huy cao hơn các nguồn lực sẵn có, phát triển sản xuất kinh doanh, trước hết thông qua hoàn thiện các thể chế vận hành các loại thị trường, giảm thiểu rủi ro.

 - Sự kết hợp giữa các nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước.

Việt Nam là quốc gia đông dân, là thị trường đang nổi lên. Tuy vậy, thị trường trong nước vẫn là nhỏ, không đủ sức tiêu thụ hết nhiều mặt hàng làm ra. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thị trường trong nước chỉ tiêu thụ hết khoảng 75% lượng gạo, 20% cà phê... sản xuất ra hằng năm. Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm để tạo động lực cho phát triển sản xuất quy mô lớn. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nếu không khai thác triệt để các cơ hội, những thỏa thuận có tính chất "có đi có lại" sẽ chủ yếu đem về sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước.

 

Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài kèm theo công nghệ tiên tiến, khả năng lớn về tiếp cận thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị tiên tiến, là cần thiết để giúp nâng cao nhanh năng lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp FDI đến cũng cạnh tranh, chia sẻ nguồn lực về đất đai, lao động, cơ hội thị trường và cả vốn với doanh nghiệp trong nước.

Gần đây, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tới trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước [9] và trên 50% sản lượng nhiều loại sản phẩm công nghiệp (dầu thô, sắt thép thỏi [12], hàng điện tử [13],..), đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng lớn của FDI dẫn đến sự phụ thuộc ở mức cao của một số ngành và địa phương vào khu vực này.

 

Kinh tế trong nước phải có được nguồn lực mạnh hơn để vươn lên dẫn dắt sự phát triển, đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia. Cần cân nhắc kỹ khi thu hút những doanh nghiệp FDI sử dụng trên quy mô lớn các nguồn lực khan hiếm trong nước, như đất nông nghiệp, cơ hội thị trường và vốn... Các doanh nghiệp trong nước cũng cần được tạo điều kiện để tiếp cận và sử dụng các nguồn lực quốc tế không thua kém các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.   

 

5. Sự kết hợp giữa các kênh phân phối nguồn lực

          Trên thực tế, nguồn lực được phân phối qua 3 kênh chính là:

          - Nhà nước phân phối;

          - Thị trường phân phối;

          - Xã hội phân phối.

Nhà nước phân phối tài nguyên thiên nhiên, tài sản, tài chính, dịch vụ bằng cách cấp phát trực tiếp hoặc bán, cho thuê. Ngân sách nhà nước được phân bổ theo chiến luợc, quy hoạch, kế hoạch. Để đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, Nhà nước nên hạn chế đến mức tối thiểu việc phân phối trực tiếp, và thực hiện chủ yếu vì mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Phần lớn các tài nguyên, tài sản, dịch vụ cần được phân phối qua kênh thị trường.

 

Thị trường phân phối nguồn lực qua sự vận hành của các loại thị trường yếu tố sản xuất. Đây được kỳ vọng là kênh phân phối chính. Tuy nhiên, kênh phân phối này chỉ thực sự hiệu quả khi Nhà nước đảm bảo các thị trường hoạt động minh bạch, thông suốt với chi phí gia nhập, rút khỏi thị trường và giao dịch trên thị trường là thấp nhất, cạnh tranh bình đẳng, giảm thiểu rủi ro, quyền tài sản rõ ràng và được đảm bảo.

Những năm qua, đã có nhiều nỗ lực khơi thông và nâng cao hiệu quả vận hành các loại thị trường. Tuy nhiên, một số loại thị trường, như: các thị trường quyền sử dụng đất, lao động, sở hữu trí tuệ, năng lượng... còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự hiệu quả. Sự méo mó trên các thị trường này dẫn đến nguồn lực bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Trong đó, sự chậm vận hành thị trường điện là ví dụ điển hình. Theo Bộ Công thương, năm 2021 hệ số đàn hồi điện năng trên GDP của Việt Nam giảm còn 1,49, trong khi ở các nước phát triển hệ số này chỉ vào khoảng 1, thậm chí có nước chỉ từ 0,5-0,8 [7].

 

 Việc tiếp tục khơi thông các loại thị trường, xây dựng các cơ chế vận hành hiện đại vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đổi mới nền kinh tế. Nghị quyết số 11 - NQ/TW hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  ngày 3/6/2017 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định: "Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,; xây dựng nền kinh tế độc lập, tực chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội" [4].

Các tổ chức xã hội có vai trò nhất định trong phân phối và nhất là phân phối lại nguồn lực, chủ yếu vì mục tiêu xã hội và môi trường. Nhà nước nên khuyến khích phát triển kênh phân phối này để giúp điều hòa nguồn lực đến với những nhóm đối tượng có nhu cầu cao nhưng không có khả năng tiếp cận thị trường hoặc khi chính sách chung của nhà nước không đủ bao quát. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát để không bị lạm dụng.

 

6. Huy động nguồn lực thông qua các phong trào quần chúng

Hiệu quả sử dụng nguồn lực được nâng lên khi có sự kết nối. Các cá nhân, hộ gia đình chung sức có thể làm thay đổi cuộc sống thông qua những hoạt động mà mỗi cá nhân, hộ gia đình riêng rẽ không làm được hoặc làm kém hiệu quả. Việc dân cư nông thôn tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là một ví dụ điển hình cho hiệu quả của kênh huy động nguồn lực này.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát huy dân chủ cơ sở, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được nguồn lực lớn từ đóng góp của nông dân và các doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, làm thay đổi rõ nét điều kiện sống ở nhiều vùng nông thôn. Theo báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2020, ngân sách nhà nước các cấp đã bố trí cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 629.759,5 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 266.785 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 362.974,5 tỷ đồng) và Chương trình đã huy động được 3.260.455 tỷ đồng từ các nguồn vốn xã hội, tính bình quân 1 đồng vốn NSNN thu hút được khoảng 5,1 đồng vốn từ xã hội [10].

Trong đó, đáng chú ý là có đến hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được xây dựng mới, nâng cấp mà Nhà nước hầu như không phải chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

 

Bài học kinh nghiệm quan trọng khác được rút ra qua quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là về sự kết hợp giữa các nguồn lực. Tỉnh Tuyên Quang và nhiều nơi khác đã áp dụng phương thức “nhà nước hỗ trợ xi măng” để người dân tự tổ chức làm đường. Kết quả là trong thời gian ngắn trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được bê ton hóa.

 

Tuy nhiên, trong thực tiễn đã xảy ra một số trường hợp lạm dụng sự đóng góp của người dân. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là nghiêm túc thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, trong đó có nguyên tắc tự nguyện trong huy động đóng góp của người dân.

 

Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, cần có phương pháp huy động và phân bổ, sử dụng nguồn lực phù hợp đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững đi đôi với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao tính tự chủ của quốc gia.

 

TS. Cao Đức Phát

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tài liệu tham khảo

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). https://www.tulieuvankien.dangcongsan.vn

2. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB chính trị quốc gia Sự thật, t1, H2021, tr 135

3. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB chính trị quốc gia Sự thật, t1, H2021, tr 129

4. Nghị quyết số 11 - NQ/TW hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 3/6/2017 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. https://www.tulieuvankien.dangcongsan.vn

5.Vũ Văn Hà, Vũ Thị Phương. Cơ chế phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế và những vấn đề đặt ra trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Trang tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, ngày19 tháng 1 năm 2022. https://www.hdll.vn

6. Mạnh Nguyễn. Bộ trưởngtài chính: "Tỷ lệ huy động ngân sách không quá cao". Báo Công lý, ngày 2/11/2017. https://www.congly.vn

7. Linh Lê. Cả nước đã tiết kiệm được 66.781 tỷ đồng tiền điẹn trong giai đoạn 2010-2021. Bộ Công thương Việt nam. Ngày 10/8/2022. https://www.moit.gov.vn

8. Lương Bằng. Bùng nổ điện gió, điện mặt trời, Việt Nam top đầu Đông Nam Á. Vietnamnet, ngày 21/1/2022. https://www.vietnamnet.vn

9. Đỗ Thị Thu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề phát triển kinh tế - xa hội ở Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. Ngày 19/07/2021. https://www.mot.gov.vn

10. Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hà Nội, năm 2021.

11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sách trắng hợp tác xã Việt nam năm 2021. Nxb Thống kê, tr 25.

12. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê năm 2021. Nxb Thống kê.

13. Huyền My. 95% giá trị xuất khẩuhàng điện tử thuộc doanh nghiệp FDI. Ngày 23/04/2021. https://www.doanhnghieptiepthi.vn

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết