Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chương trình giảm nghèo bền vững ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Ngày phát hành: 13/08/2020 Lượt xem 44750

Trong những năm qua, chủ trương giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và kinh nghiệm trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Giảm nghèo bền vững đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

 

1. Chủ trương giảm nghèo bền vững ở Việt Nam

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI định hướng: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống và chất lượng dân số của đồng bào các dân tộc thiểu số”, “thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ bền vững; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…; đảm bảo an ninh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI ngày 01/11/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 đã đánh giá những thành tựu quan trọng đạt được trong các lĩnh vực xã hội của nước ta, “giảm nghèo” là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất và định hướng “Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã có tỉ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn”. Những chủ trương giảm ghèo bền vững còn được thể hiện ở nhiều văn kiện khác của Đảng và được cụ thể hóa bởi hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013[1] khẳng định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34), “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 59). Luật Giáo dục năm 2019[2] quy định miễn học phí cho học sinh cấp trung học cơ sở theo lộ trình; các nhóm đối tượng sinh viên, học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập dạy nghề. Luật Nhà ở năm 2014[3] quy định (Điều 49) hỗ trợ hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị. Luật tiếp cận thông tin năm 2016[4] khẳng định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Từ năm 2012 đến nay, Nhà nước đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo gồm: 2 Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020[5], 03 Nghị quyết của Chính phủ, 08 Nghị định của Chính phủ, 57 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 28 Thông tư và Thông tư liên tịch; bãi bỏ 03 văn bản[6]; nhiều địa phương ban hành bổ sung chính sách đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn cho địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

2. Chương trình giảm nghèo bền vững

Chính sách giảm nghèo bền vững là hệ thống chính sách được tích hợp trong nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật khác nhau ở Trung ương và địa phương, nhưng tập trung nhất trong 02 Chương trình mục tiêu quốc gia đó là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện bởi hai giai đoạn 2011-2015[7] và 2016-2020[8].

Năm 2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09/11/2011 về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, trong đó  Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2012-2015[9]. Đối tượng của Chương trình là người nghèo và các huyện, xã nghèo.

Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Thủ tướng ban hành Quết định 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2020 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 gồm các nội dung: i) Hỗ trợ các huyện, xã nghèo, bao gồm: Đầu tư vào kết cấu hạ tầng sản xuất và sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất và đa dạng hóa sinh kế của người nghèo ở huyện xã nghèo; nâng cao chất lượng nhân lực ở huyện, xã nghèo tham gia xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập và giảm nghèo[10]. ii) Hỗ trợ các xã nghèo miền núi biên giới bao gồm: đầu tư vào kết cấu hạ tầng; hỗ trợ sản xuất và đa dạng hóa sinh kế; nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở[11]. iii) Hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế ở những xã không thuộc dự án 30A và 135[12]. iv) Truyền thông về giảm nghèo và tiếp cận thông tin của người nghèo[13]. v) Nâng cao năng lực của Chính phủ giám sát chương trình[14].

Từ năm 2016, Chuẩn nghèo mới, tiếp cận đa chiều được áp dụng[15] để đo lường tình trạng nghèo của hộ gia đình một cách đầy đủ và tổng thể. Bên cạnh yếu tố thu nhập, sự thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin truyền thông) được đưa vào đánh giá tình trạng hộ nghèo. Các chính sách giảm nghèo đã từng bước được điều chỉnh theo hướng ưu tiên cả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; ngoài các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giảm nghèo đã gắn kết với tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.

 

 

3. Một số kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững

Sau gần 10 thực hiện 02 giai đoạn của Chương trình giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hầu hết các mục tiêu đã đề ra đều đạt được và vượt mức kế hoạch, một số kết cụ thể là:

i) Về đầu tư, trong giai đoạn 2011-2019, đã đầu tư xây dựng 6.000 công trình cơ sở hạ tầng ở các thôn, bản, xã và huyện nghèo. Đến cuối năm 2019 có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Giai đoạn 2011-2015 đã có 71/311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2016-2019 đã có 92/291 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trong đó 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã công nhận lên phường, thị trấn. Chương trình 135 đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu với trên 20.000 công trình thiết yếu như đường giao thông thôn bản, công trình điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, trường học, công trình thủy lợi…và thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Giai đoạn 2016-2019 có 125/2.139 xã và 1.298 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135[16].

ii) Về giảm tỷ lệ hộ nghèo, giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm; (từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015). Riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo so với giai đoạn trước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn còn 3,75%, đạt mục tiêu Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân trong 3 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (từ 1-1,5%/năm), đã góp phần nâng cao hơn chất lượng sống của người nghèo.

iii) Về nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2015 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010; dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015 (trong đó thu nhập hộ nghèo dân tộc thiểu số đến cuối năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2010); dự kiến đến cuối năm 2020 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết.

iv) Về giáo dục. Đã thực hiện miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú. Đối tượng là trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn (vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo) được nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Năm học 2017-2018 có hơn 520.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ[17] và hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn[18].

v) Về y tế. Người nghèo, người dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế bằng nguồn từ ngân sách nhà nước. Đến hết năm 2019, cả nước có 85,39 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 44,81% so với năm 2012, chiếm 90,0% dân số và dự kiến đến năm 2020 đạt 90,7%, vượt trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết (80%). Số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT toàn bộ chiếm 36%, được hỗ trợ một phần chiếm 18%; đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình đạt 15,7 triệu người. Đến cuối năm 2018 có 98,4% xã có trạm y tế; 96,0% thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động, 90% số xã có bác sĩ; 76% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020; trên 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, bao phủ 100% huyện, 93% xã, 96% thôn, bản; Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt ở mức rất cao, từ 96% đến 98%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết;

vi) Về nhà ở. Giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ được 531.000 hộ nghèo và Giai đoạn 2016-2018 tiếp tục hỗ trợ 89.378 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 144.000 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Từ nguồn xã hội đã xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn; riêng năm 2018 là 40.700 căn nhà.

vii) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 85% năm 2015 và đạt 88% vào năm 2018, dự kiến đạt 90% vào năm 2020, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016.

viii) Tiếp cận thông tin, duy trì mạng lưới bưu chính với 16 nghìn điểm giao dịch, trong đó có khoảng 7.640 điểm bưu điện văn hóa xã, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, xem các chương trình truyền hình. Từ năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2018, 90% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã; dự kiến đến năm 2020 đạt 100%, đạt mục tiêu Nghị quyết.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, còn một số chỉ tiêu chưa đạt, như: i) Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, giảm dần từ 16,2% năm 2012 xuống 12,7% năm 2018 và ước 12% năm 2020[19] (chưa đạt mục tiêu Nghị quyết là 10%). ii) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% năm 2012 lên 52% năm 2018; dự kiến đạt 57% vào năm 2020, thấp hơn mục tiêu Nghị quyết (70%).

     4. Đánh giá chung

          a) Ưu điểm

i) Kết quả thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo được cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…); có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước.

ii) Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện; được nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

iii) Giảm nghèo bền vững đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương; Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương bổ sung, sửa đổi cơ chế, hệ thống chính sách giảm nghèo mới ngày càng phù hợp hơn. Nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bảo đảm theo Luật Đầu tư công, được giao trung hạn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, bố trí vốn phù hợp với đặc điểm, nhu cầu trên địa bàn.

iv) Tỷ lệ nghèo dù tính theo chuẩn cũ hay mới trong cả giai đoạn 2011-2020 đều giảm mạnh; mức tăng chi của những gia đình có thu nhập thấp đã cao hơn mức tăng chi trung bình của cả nước trong giai đoạn 2010-2016; tỷ lệ chi tiêu cho lương thực, thực phẩm đã giảm xuống còn 51%; tỷ lệ chi tiêu cho nhu cầu phi lương thực thực phẩm tăng lên 49%; sau 5 năm tài sản của người nghèo đã tăng hơn, đời sống của người nghèo được cải thiện.

v) Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua rất quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.

  b)  Hạn chế

i) Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều. Nghèo đói tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016-2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

ii) Tốc độ giảm nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số chậm hơn so với mức giảm tỷ lệ nghèo chung; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo tăng từ 48% năm 2016 lên 55,27% năm 2018. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

iii) Mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách đáng kể với người Kinh, Hoa[20]; tình trạng trẻ em bỏ học, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học thấp hơn mức bình quân cả nước ở mọi cấp học. Mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và một số nhóm khác còn thấp so với nhu cầu thực tế.

iv) Mức độ thụ hưởng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo, vùng nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với các nhóm dân số khác, vùng khác: tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám định kỳ mới đạt 71%, tỷ lệ sinh con tại nhà là 36%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 32%.

v) Đến nay, vẫn còn 4.800 hộ gia đình chưa có nhà ở và 1,4 triệu hộ sống trong nhà đơn sơ[21], trong đó 465 ngàn hộ dân tộc thiểu số đang ở nhà tạm, dột nát cần hỗ trợ (chiếm 15,3% tổng số hộ dân tộc thiểu số); có trên 375 ngàn hộ dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 11 nhóm dân tộc dưới 50% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hàng ngày.

vi) Chính sách bảo đảm thông tin cho người nghèo, vùng nghèo mới dừng ở mức các chương trình mang tính ngắn hạn (3-5 năm), nguồn lực còn hạn chế và bố trí chậm.

  c) Nguyên nhân

i) Khu vực nhiều người nghèo thường có điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi: địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế; trình độ sản xuất, phương thức canh tác giản đơn; ít có cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, lao động thiếu việc làm còn phổ biến.

ii) Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp; tâm lý không muốn xa nơi cư trú; hiệu quả đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đối với người dân tộc thiểu số chưa cao; việc tiếp nhận áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào còn hạn chế.

iii) Các chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc chậm được bố trí vốn thực hiện, làm hạn chế mục tiêu giảm nghèo; chưa phát huy được hiệu quả chính sách hỗ trợ và đầu tư của nhà nước,

iv) Đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành trong thực hiện giảm nghèo ở địa phương cơ sở. Chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ này ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý của chương trình ở địa phương chưa đồng đều, hạn chế đến hiệu quả công tác tham mưu cho các cấp chính quyền.   

 

 

 5. Vấn đề đặt ra

i) Nghèo trẻ em đa chiều, tái nghèo, nghèo phát sinh, nghèo do thiên tai và biến đổi khí hậu, nhà ở, trường học và chăm sóc y tế đối với người nghèo đô thị và người lao động ở các khu công nghiệp là những đối tượng cần thiết phải mở rộng độ bao phủ để đảm bảo mọi nhóm dân cư, đặc biệt là người nghèo và người dễ bị tổn thương được hưởng các chính sách an sinh xã hội;

ii) Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến; quan điểm lấy con người làm trung tâm; chương trình việc làm thỏa đáng bền vững đang được nhiều nước triển khai có ảnh hưởng lớn đến mô hình sinh kế, hình thức việc làm và đặt ra các yêu cầu mới đối với chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo.

iii) An ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thu hẹp diện tích đất ở, đất sản xuất tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân, đặt gánh nặng lên vai Nhà nước trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. 

iv) Tự động hóa, công nghệ 4.0, quy mô của lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam còn lớn, thị trường lao động mở và linh hoạt, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng sẽ thúc đẩy các dòng di cư lao động trong nước và quốc tế, gồm cả người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, làm gia tăng mức độ cạnh tranh về việc làm đòi hỏi hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phải mở rộng độ bao phủ nhiều hơn nữa đối với khu vực này.

  6. Định hướng, giải pháp

   a) Định hướng       

Thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững; cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2030 theo hướng toàn diện, bao trùm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều, bền vững nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

 b) Giải pháp

i) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách và nâng cao tính chủ động của người dân trong vươn lên làm giàu.

ii) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững;

iii) Tăng cường tính chủ động của địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư trong thực hiện chính sách, trong tư vấn, phản biện, kiến nghị và giám sát thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững.

iv) Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững ứng phó với những thách thức của bối cảnh mới. Thiết kế các chương trình trợ giúp theo hướng linh hoạt, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu người dân và cộng đồng sau thiên tai, thảm hoạ, hỗ trợ kịp thời người yếu thế, thiệt thòi khắc phục rủi ro; tăng cường khả năng ứng phó giảm thiệt hại do rủi ro, giảm tỷ lệ người nghèo do thiên tai, dịch bênh, rủi ro.

v) Hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm; phát triển bảo hiểm nông nghiệp để bù đắp tổn thất của người dân do tác động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường.

vi) Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản. Nhà nước đảm bảo nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu cơ bản, chủ yếu; huy động tốt sự đóng góp, tham gia của toàn xã hội đầu tư phát triển y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, vùng thường xuyên hạn hán và lũ lụt, khó khăn về nguồn nước.

vii) Hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững; rà soát, tích hợp, giảm chồng chéo, trùng lắp chính sách.

viii) Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đánh giá các chính sách trên từng lĩnh vực để có cơ sở đề xuất bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế chính sách mới cho phù hợp. Tăng cường các biện pháp chỉ đạo để có thể đạt mục tiêu về tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

 

                              Nguyễn Văn Tốn

Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

                                                          Ban Kinh tế Trung ương

 



[1]. Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28/11/2013.

[2]. Luật số 43/2019/QH14, Quốc hội, ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

[3]. Luật số 65/2014/QH13, Quốc hội, ngày 25/11/2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

[4]. Luật số 104/2016/QH13, Quốc hội, ngày 6/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 .

[5]. Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24/06/2014 của Quốc hội.

[6]. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới theo Quyết định số 289/QĐ-TTg; hỗ trợ phát triển sản xuất theo quyết định 2621/QĐ-TTg.

[7].Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

[8].Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[9]. Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

[10].Dự án 1 (Dự án 30A);

[11]. Dự án 2 (Dự án 135);

[12]. Dự án 3;

[13]. Dự án 4;

[14]. Dự án 5;

[15].Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

[16]. Quyết định số 1.747/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

[17].Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016.

[18].Theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018.

[19]. Bộ Y tế, báo cáo số 685/BC-BYT ngày 26/6/2019 sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương V về một số vấn đề về chính sách xã hội.

[20]Theo kết quả điều tra dân tộc thiểu số năm 2015 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ đi học tiểu học của trẻ em dân tộc thiểu số đạt 70,2, tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số đi học trung học cơ sở đạt 72,6%, tỷ lệ dân tộc thiểu số học trung học phổ thông đạt 32,3 %, đều thấp hơn so với chỉ tiêu tương ứng của cả nước là 99%, 90%, 62%.Còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt.

[21]Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 01/4/2019, Tổng cục Thống kê.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết