Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày phát hành: 14/05/2023 Lượt xem 3816

                                           

 

1. Mở đầu

Giáo dục quốc phòng, an ninh là tổng thể những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, trang bị kiến thức và rèn luyện khả năng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần trực tiếp tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, an ninh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống đánh giặc, giữ nước quý báu của dân tộc; vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định: để đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất là phải vũ trang toàn dân, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.

 

Cùng với chăm lo vũ trang toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng ý chí, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9/1945, Người viết: “Đối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: Chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.

 

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng; là nhiệm vụ cơ bản của công tác quân sự, quốc phòng, một bộ phận của sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa; trực tiếp góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo đảm cho đất nước có đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 

Giáo dục quốc phòng và an ninh được Đảng ta xác định là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Chính vì vậy, giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có vị trí quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

2. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ thời gian qua

 

Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; về vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; môn học giáo dục quốc phòng được chính thức đổi tên thành môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh[2], môn học chính khóa trong chương trình giáo dục, đào tạo từ cấp trung học phổ thông đến đại học và các trường chính trị, hành chính, đoàn thể với mục tiêu: “Giáo dục cho công dân kiến thức về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[3].

 

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” nêu rõ: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Những năm qua, ngành giáo dục, đào tạo đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, đồng bộ, bài bản; chỉ đạo tập trung quyết liệt, thường xuyên đến các Đảng ủy, tổ chức Đảng trực thuộc với nhiều bước đột phá tạo sự chuyển biến nhận thức về chính trị, tư tưởng, củng cố niềm tin vào công cuộc đổi mới của đất nước và nâng cao ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, học sinh, sinh viên ngành giáo dục, đào tạo để không bị kẻ địch dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hoạt động gây rối, biểu tình ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Ban cán sự đảng các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh[4]. Đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trên các lĩnh vực công tác gắn với chuyên môn ngành, đơn vị đảm nhiệm[5], gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, với xây dựng con người Việt Nam ngày càng hoàn thiện về phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh ngành giáo dục, đào tạo đã thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên; cập nhật tình hình, cập nhật chủ trương, đường lối, nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước; biên soạn giáo trình, sách giáo khoa đồng bộ, phù hợp với các đối tượng.

 

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng, an ninh được ban hành cho các cấp học, trình độ đào tạo đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai tổ chức hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa[6].

 

Môn học chính khóa Giáo dục quốc phòng và an ninh được giảng dạy trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường chính trị, hành chính và đoàn thể[7] đã thực hiện tốt mục tiêu trang bị cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, xác định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp cho nhân dân có khả năng làm chủ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đội ngũ giảng viên, giáo viên được quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng từng bước chuẩn hóa theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên được quan tâm, đầu tư.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thời gian qua vẫn còn một số bất cập nhất định. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, nhất là biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo về giáo dục quốc phòng, an ninh chưa đầy đủ và toàn diện, chưa coi trọng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng, an ninh ở một số bộ, ngành và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; chưa gắn bó chặt chẽ giữa đổi mới giáo dục quốc phòng, an ninh với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số địa phương còn hình thức. Chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng có mặt chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn đất nước[8]. Kết quả giáo dục quốc phòng và an ninh chưa tương xứng với mục tiêu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục và đào tạo. Chất lượng dạy và học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số trung tâm, cơ sở giáo dục, đào tạo chưa cao. Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng, an ninh còn có hạn chế nhất định, còn thiếu về số lượng, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra về chất lượng[9].

 

 

3. Một số nhiệm vụ đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

 

Hiện nay và trong những năm tới, trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng tạo cớ can thiệp từ bên ngoài; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, đa chiều tới mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…với các cấp độ từ toàn cầu đến châu lục, khu vực và trong từng quốc gia. Trong lĩnh vực quân sự, nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Chiến tranh trong tương lai, tác chiến điện tử sẽ trở thành một phương thức tác chiến chủ yếu, đòi hỏi phải có năng lực xử lý tình huống trong môi trường không gian mạng thường xuyên biến động theo diễn biến thực tiễn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động to lớn, toàn diện tới phương thức chỉ huy điều hành tác chiến và tác chiến trực tiếp trên chiến trường. Đồng thời làm thay đổi nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức huấn luyện, giáo dục quốc phòng, an ninh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. 

 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức trách nhiệm, hành động của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh”; “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng”; “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người toàn diện, có sức khỏe, năng lực trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội,.. khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”;

 

Theo đó, đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nói chung và công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững mạnh, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc vào cuộc sống.

Trong bài viết nay, chúng tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới:

 

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp, các ngành đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh 

 

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp, các ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và an ninh.

 

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức, các lực lượng và cả hệ thống chính trị triển khai có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Coi trọng và phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong đôn đốc triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Thứ hai, Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đạt chuẩn trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

 

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; gắn với nhu cầu, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước, hội nhập quốc tế.

 

Chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng, an ninh và các lực lượng tham gia giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến giáo dục quốc phòng, an ninh về năng lực phát triển chương trình,  xây dựng chương trình, giáo trình; năng lực nghiên cứu khoa học và phương pháp dạy học hiện đại. Có cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ phù hợp để đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh yên tâm công tác, gắn bó với công việc.

 

Thứ ba, Kết hợp đổi mới giáo dục quốc phòng, an ninh với đổi mới mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

 

Quán triệt quan điểm, mục tiêu; nắm vững chủ trương, đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thế giới, khu vực, trong nước và nhiệm vụ, nguyên tắc giáo dục quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Rà soát, bổ sung nội dung, chương trình, hình thức, phương giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên bảo đảm tính thống nhất, cập nhật thông tin, có tính dự báo khoa học, tránh trùng lặp.

 

Kết hợp chặt chẽ phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, chú trọng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính năng động, sáng tạo của người học. Coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân trong quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng. Hình thành và phát triển năng lực tư duy, năng lực tham mưu, đề xuất và khả năng giải quyết các vấn đề về quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tránh mơ hồ, mất cảnh giác.

 

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo theo nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chính Minh gắn với từng trung tâm, cơ sở giáo dục, đào tạo và phù hợp với từng đối tượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tình hình mới.

 

Thứ tư, Quan tâm đầu tư kinh phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học quốc phòng, an ninh.

 

Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm, bố trí các nguồn lực, ngân sách hằng năm ưu tiên triển khai các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch giáo dục quốc phòng, an ninh để hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục quốc phòng, an ninh.

 

Các cơ sở giáo dục, đào tạo tập trung nâng cấp, xây dựng các công trình, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, các trang thiết bị, mô hình, học cụ, vũ khí, trang phục… theo yêu cầu của chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo với các học viện, nhà trường Quân đội để tận dụng, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác giáo dục quốc phòng, an ninh. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào công tác giáo dục quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh sự hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên dữ liệu, học liệu, giáo trình, sách giáo khoa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong cả nước.

 

Kết luận

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng là nhân tố cơ bản, quyết định đến chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh. Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong xu thế đổi mới giáo dục, đào tạo hiện nay nhiệm vụ đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước ta; là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó vai trò của ngành giáo dục, đào tạo rất quan trọng.

 

Để thực hiện được mục tiêu đó, yêu cầu công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cần được ngành giáo dục, đào tạo quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, toàn diện về mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm và phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từ đó hiện thực hóa những quan điểm, tư duy, đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời triển khai có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng an ninh cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay./.

 

 TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Nguyễn Thanh Hà[1]

 

          Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”.
  2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, 2021.
  3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
  4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Lý luận và thực tiễn Giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Học viện Chính trị/Bộ Quốc Phòng và Tạp chí Giáo dục/Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức, tháng 4/2023.

 



[1] Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương.

[2] Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”; Nghị định số 116/2007/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới” (Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI); Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh…

[3] Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (Luật số 30/2013/QH13) ban hành ngày 19/6/2013, Luật Quốc phòng (Luật số 22/2018/QH14) ban hành ngày 08/6/2018 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) ban hành ngày 14/6/2019…

[4] Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhà trường. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục được cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Quán triệt học tập nghị quyết, các kết luận của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương; thông qua chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết; qua giao ban hoặc triển khai công việc; tuyên truyền nhân dịp các ngày lễ lớn của quân đội, công an như: Quốc khánh 2/9; Ngày thành lập Đảng 3/2; Ngày giải phóng miền Nam 30/4; Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 17/5; các ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vv…; thông qua phương tiện truyền thông (báo nói, báo viết, báo hình) với các hình thức như: sinh hoạt văn nghệ, sân khấu hóa để tuyên truyền về truyền thống dựng nước và giữ nước, bảo vệ Tổ Quốc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rộng khắp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trên toàn quốc.

[5] 100% lãnh đạo cấp ủy các đơn vị, cơ quan, trường học toàn ngành đã quán triệt, nắm vững nội dung nghị quyết Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng chương trình hành động lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn với nhiều biện pháp triển khai thực hiện mang tính khả thi.

[6] Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với mục tiêu bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học; giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp; Thông tư Liên tịch số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó xác định: Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường trung học phổ thông là môn học bắt buộc, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc (Ví dụ: những nội dung cơ bản về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc được dạy ở Lớp 11 với thời lượng 2 tiết; kiến thức quốc phòng nhân dân dạy với thời lượng 3 tiết); Quyết định số 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020; Quyết định số 1841-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch hệ thống trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông; Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học; Thông tư số 19/2022/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường phổ thông nhiều cấp học, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học…

[7] Năm học 2021-2022 có 3.381.031 học sinh, sinh viên đã hoàn thành môn Giáo dục quốc phòng và an ninh; trong đó có 2.629.287 học sinh trung học phổ thông; 56.930 học viên trung cấp; 214.923 sinh viên cao đẳng; 398.063 sinh viên đại học và 81.828 học viên các trường chính trị (Theo báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, 2023).

[8] Một số cơ sở giáo dục, đào tạo chấp hành chưa nghiêm quy định về liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh, khi được giao tự chủ môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh chưa bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, thiết bị dạy học, mô hình học cụ phục vụ môn học theo quy định; chưa tổ chức cho học sinh, sinh viên ăn ở tập trung để rèn luyện theo nếp sống quân đội và môi trường quân sự nên ảnh hưởng đến chất lượng môn học. Vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới bảo đảm cho huấn luyện, đào tạo tại các nhà trường còn chưa tương xứng.

[9] Theo quy định tại Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh 2013, điều kiện để trở thành giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh phải có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh trở lên; trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết