Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Đảm bảo phúc lợi xã hội và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Ngày phát hành: 11/01/2020 Lượt xem 10354

Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X nêu rõ: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội”[1]. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”[2].

Phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm tiếp tục là định hướng phát triển của nước ta trong thập kỷ tiếp theo. Phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. “Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái”[3].

 

1. Khái niệm phúc lợi xã hội

Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Phúc lợi xã hội bao gồm những chi phí xã hội như: trả tiền hưu trí, các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội, học bổng cho học sinh, những chi phí cho học tập không mất tiền, những dịch vụ y tế, nghỉ ngơi, an dưỡng, nhà trẻ, mẫu giáo, v.v. Với nội dung như vậy, phúc lợi xã hội có mục tiêu làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những thành quả của phát triển. Tùy theo mức độ phát triển của các mặt kinh tế - xã hội, quỹ phúc lợi thường có ba nhóm cơ bản: tập trung của nhà nước quản lý; quỹ phúc lợi của các xí nghiệp, đơn vị kinh doanh và quỹ phúc lợi tập thể của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất[4].

Như vậy, có thể xem xét phúc lợi xã hội trên 3 khía cạnh: (1) phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng để góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội; (2) thực hiện phúc lợi xã hội là thực hiện phân phối lại ngoài phân phối theo lao động và; (3) phúc lợi xã hội là biện pháp nhằm giảm bớt sự không công bằng xã hội (dưới nhiều góc độ khác nhau).

Nếu xét theo các thành tố cấu thành thì có nhiều điểm giống nhau giữa khái niệm an sinh xã hội và khái niệm phúc lợi xã hội. Cả an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đều là những chính sách/chương trình phân phối lại thu nhập. Cả hai đều hướng đến sự phát triển xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, trong khi an sinh xã hội là “sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con” (ILO). Và để đạt được điều này, ILO khuyến nghị các quốc gia thành viên xây dựng sàn an sinh xã hội (khuyến nghị 202) với các tiêu chuẩn tối thiểu. Thì phúc lợi xã hội là hướng tới công bằng xã hội, cải thiện công bằng xã hội, nâng cao hạnh phúc của người dân. Phúc lợi bao trùm mọi đối tượng như là một quyền thiết yếu. Phạm Xuân Nam (2008) cho rằng khái niệm phúc lợi xã hội bao hàm “những lợi ích chung mà mọi người dân đều được hưởng như nhau”. Theo Trần Hữu Quang, phúc lợi xã hội là hệ thống các định chế, các chính sách và các hoạt động nhằm bảo đảm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, với mục tiêu là làm sao cho mọi người dân có được một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người[5].

Gần gũi với khái niệm phúc lợi xã hội là khái niệm nhà nước phúc lợi. Nhà nước phúc lợi là một hình thức trong đó nhà nước bảo vệ và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và xã hội của công dân, dựa trên các nguyên tắc cơ hội bình đẳng, phân phối của cải công bằng và trách nhiệm công cộng đối với công dân không thể tự đảm bảo cho mình những điều kiện tối thiểu cho một cuộc sống tốt. Theo Ari Kokko 2008, nhà nước phúc lợi Thụy điển xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi công dân đều có quyền bình đẳng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm xã hội, không phụ thuộc vào thu nhập, tình trạng giàu nghèo hay địa vị xã hội của họ và Nhà nước nhận trọng trách chính trong tài trợ cho các dịch vụ này.

2. Thực hiện phúc lợi xã hội ở Việt Nam

Hệ thống chính sách, pháp luật về phúc lợi xã hội của nước ta về cơ bản đã khá toàn diện so với trình độ phát triển kinh tế của đất nước và chủ yếu thực hiện trên 3 nguồn tài chính: (1) đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường; (2) ngân sách nhà nước đảm bảo; và (3) huy động từ cộng đồng.

 

 

2.1.Thực hiện phúc lợi xã hội bằng nguồn tài chính dựa trên đóng góp

  • Nhà nước xây dựng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Các quỹ này thực hiện theo nguyên tắc đóng-hưởng nhưng hoạt động theo cơ chế chia sẻ rủi ro, phân phối lại không hoàn toàn dựa trên đóng góp. Người đóng góp nếu không bị rủi ro (ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, v.v.) thì không được hưởng; người bị rủi ro nhiều được hưởng nhiều hơn; người sống thọ hơn được hưởng nhiều hơn.

    Đến hết năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 31%, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 26% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Hiện có hơn 3,1 triệu người đang hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Hàng năm, có hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, mai táng phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức; trên 600 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

    Số người tham gia bảo hiểm y tế hiện chiếm trên 87,5% dân số. Năm 2018 có 176,4 triệu lượt người đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế với tổng chi phí khám chữa bệnh là 95.500 tỷ đồng.

    Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tham gia bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; một số công ty, tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh đã thực hiện chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện như là những chính sách phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động.

  •  

  • 2.2.Thực hiện phúc lợi xã hội bằng ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước thực hiện phúc lợi xã hội chủ yếu theo nguyên tắc thụ hưởng có điều kiện, tức là người dân đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định thì được hưởng chế độ phúc lợi xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo.

Người có công với cách mạng và thân nhân tùy theo trường hợp sẽ được hưởng một hoặc một số chế độ ưu đãi xã hội (trợ cấp và phụ cấp ưu đãi hàng tháng, một lần; hỗ trợ về nhà ở; phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng; điều dưỡng định kỳ; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; miễn học phí v.v.). Tính đến hết năm 2018, cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người.

Người nghèo, hộ gia đình nghèo được nhận các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất; miễn giảm học phí; tín dụng học sinh, sinh viên; hỗ trợ nhà ở gồm cả nhà ở phòng, tránh bão lụt; hỗ trợ 30kw điện sinh hoạt; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, . v.v.

Người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghèo trên 60 tuổi không có người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác như người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ mồ côi, v.v… được nhận trợ cấp thường xuyên với mức chuẩn trợ cấp 270.000 đồng/người/tháng để hỗ trợ sinh sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khi ốm đau có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. Đến năm 2018, có 2,839 triệu người được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng, chiếm gần 3% dân số.

Chương trình dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng học đường; tiêm chủng mở rộng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ một phần kinh phí (30%-100%) cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế v.v. đã góp phần tích cực vào giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập. Năm học 2017-2018 có hơn 520.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ[6] và hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn[7].

Chương trình nhà ở xã hội được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây để thực hiện mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở an toàn. Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được nhà nước hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau.

Người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác được miễn, giảm giá vé khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

 

 

       2.3. Thực hiện phúc lợi xã hội bằng nguồn tài chính huy động từ cộng đồng

Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã đóng góp một phần tài chính đáng kể vào thực hiện hỗ trợ người có công với Cách mạng, người nghèo, người yếu thế, góp phần quan trọng trong việc tăng cường tính gắn kết xã hội, xây dựng xã hội nhân ái, hài hòa, tiến bộ. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa với người và gia đình người có công với cách mạng đã được thực hiện sâu, rộng và hiệu quả.

Ngoài ra, các mô hình chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng; mô hình “Ngôi nhà tạm lánh” cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; mô hình “Ngôi nhà bình yên” bảo vệ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về cũng ngày càng khẳng định vai trò trong hỗ trợ các nhóm đối tượng yết thế, bị rủi ro.

3. Một số nhận xét

1. Về mức độ đáp ứng của hệ thống phức lợi hiện tại

Hiện tại phạm vi bao phủ của phúc lợi xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu hướng đến nhóm khá giả (chủ yếu thông qua các chính sách bảo hiểm) và nhóm nghèo, cận nghèo (chủ yếu thông qua các chính sách trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo và huy động từ cộng đồng)[8]. Nhóm trung lưu mới nổi dường như đang bị bỏ rơi, không tham gia BHXH và cũng không thuộc diện được thụ hưởng các chế độ trợ giúp xã hội bằng nguồn ngân sách nhà nước trong khi đây là nhóm năng động nhưng dễ gặp rủi ro và dễ rơi vào cảnh nghèo đói.

Bất bình đẳng về thu nhập, trong tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục và sự thiệt thòi của một số nhóm dân cư và vùng còn dai dẳng.

Khu vực tư (doanh nghiệp) thực hiện phúc lợi xã hội cho người lao động, cho cộng đồng chưa trở thành một trào lưu trong xã hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt phúc lợi cho người lao động sẽ là một trong những nền tảng giúp phát huy hết thái độ, trách nhiệm, sáng kiến và sự tận tâm của người lao động trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngân sách nhà nước chi thực hiện phúc lợi xã hội hàng năm tăng dần nhưng tỷ lệ chi trong tổng chi ngân sách nhà nước và so với GDP có xu hướng giảm dần. Tính riêng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội trong tổng chi ngân sách nhà nước, đã giảm từ 10,58% năm 2012 xuống còn 5,67% năm 2018; so với GDP, đã giảm từ 2,95% xuống 1,9% trong cùng thời kỳ[9]. Trong khi đó, theo ADB, chi cho an sinh xã hội ở các nước châu Á trong giai đoạn 2009- 2015 tăng từ 3,4% lên 4,2% GDP[10].

Tỷ lệ chi cho xã hội so với GDP của một số nước OECD năm 2018

 

Tên nước

Chi cho xã hội

Pháp

31,2

Phần Lan

28,7

Thụy Điển

26,1

Đức

25,1

Nhật

21,9

Mỹ

18,7

Hàn Quốc

11,1

Nguồn: OECD, 2019

Phạm vi bao phủ của phúc lợi xã hội, an sinh xã hội còn hạn hẹp nhưng vấn đề lạm dụng, trục lợi, lãng phí ngân sách đã và đang xảy ra. Nghiên cứu của UNDP cho rằng tỷ lệ rò rỉ của Việt Nam khoảng 40%[11]. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ còn lạc hậu.

2. Về mối quan hệ giữa phúc lợi và tăng trưởng

Phúc lợi xã hội tất yếu phải dựa trên tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế tạo ra cơ sở vật chất để giải quyết các vấn đề phúc lợi, là tiền đề để tổ chức các hoạt động phúc lợi. Phúc lợi xã hội giúp cho những người đang ở trong những điều kiện bất lợi, thiệt thòi có cơ hội vươn lên và đóng góp vào quá trình tăng trưởng. Thực tế đã chứng minh rằng con người là nhân tố quyết định của phát triển bền vững.

Bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng thuế và chuyển nhượng giúp giảm đáng kể nghèo đói ở hầu hết các quốc gia có mức chi cho phúc lợi chiếm ít nhất 1/5 GDP[12]. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa tìm  thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hiệu quả của nền kinh tế và mức chi tiêu cho các chính sách xã hội.  Các nghiên cứu cũng tìm thấy rất ít bằng chứng về giả thiết tăng chi tiêu xã hội làm giảm năng suất lao động.

Nghiên cứu của Felix Naschold, 2005 cho thấy nếu thu nhập quốc dân dành cho nhóm 10% nghèo nhất tăng từ 6% lên 6,25%, thì thu nhập của nhóm này sẽ tăng lên 4%, tương đương với hiệu quả khi thu nhập quốc dân tăng từ 4% lên 8% (gấp 2 lần) nếu không có điều chỉnh trong phân phối lại. Điều này có nghĩa là với một sự phân phối lại rất nhỏ cũng có thể đưa lại hiệu quả tăng thu nhập đáng kể.  

Một nghiên cứu của Hulya Dagdeviren, 2005 đã đi đến kết luận rằng bình đẳng trong phân phối lớn hơn là điều kiện tiền đề thuận lợi cho tăng trưởng nhanh và bền vững[13]. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nước thành công trong tăng trưởng kinh tế cũng là những nước thành công trong giảm nghèo. Về câu hỏi, giảm nghèo tác động như thế nào đến tăng trưởng, điều này tùy thuộc vào cách phân phối thu nhập. Tuy nhiên, hiện tượng có tính phổ biến là những nước nào kết hợp tốt giữa tăng trưởng nhanh là hoàn thiện phân phối thu nhập thì ở đó có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất.    

Về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phúc lợi xã hội, trường hợp Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhật Bản đã thể chế hóa các hạt động phúc lợi xã hội. Chính phủ nhanh chóng xây dựng được một hệ thống luật về phúc lợi xã hội tương đối hoàn chỉnh: cải thiện cuộc sống và chế độ dinh dưỡng ở nông thôn; ngăn chặn dịch bệnh; chăm sóc y tế; ban hành luật phúc lợi trẻ em năm 1947; luật phúc lợi cho người khuyết tật năm 1949; bảo vệ người thất nghiệp; luật giáo dục năm 1947; khuyến khích các hoạt động phúc lợi tư nhân. Ở thời kỳ bùng nổ kinh tế, Nhật Bản đã chú trọng mở rộng hệ thống PLXH.

Nhật Bản cũng đã thực hiện nhiều cải cách hệ thống PLXH nhằm đối phó với những thách thức của già hóa dân số, suy giảm tăng trưởng kinh tế, suy giảm năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những tồn tại trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và PLXH: tỷ lệ ngân sách dành cho ASXH còn thấp (so với các nước OECD); mức thụ hưởng về phúc lợi xã hội được đánh giá là chưa tương xứng với thành quả tăng trưởng kinh tế; Mức hưởng còn cách biệt giữa các địa phương.

Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đã giúp cho tăng chi tiêu công và giữ vai trò quan trọng đảm bảo mọi nhóm dân cư có cơ hội bình đẳng hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, tạo ra các kết quả bình đẳng về phát triển kinh tế và con người. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Anh (2014) cho thấy chi tiêu công cho giáo dục đã tăng đáng kể, từ 3,3% GDP và 15,1% tổng chi tiêu công năm 2000 lên 5,5% GDP và 19,6% tổng chi vào năm 2012, cao hơn mức bình quân toàn cầu 5,2% GDP. Tổng chi y tế so với GDP tăng từ 5.2% năm 1995 lên 6.9% năm 2012; và chi y tế theo đầu người tăng từ 14 USD năm 1995 lên 86 USD năm 2012. Chi y tế công theo phần trăm chi của Chính phủ tăng từ 7.4% năm 1995 lên gần 10% năm 2012[14]. ADB ước tính rằng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 (SDG), Việt Nam cần tăng ngân sách của chính phủ lên từ 1,4% đến 7,4% và nguồn chi cho phúc lợi xã hội cần tăng từ 0,8% đến 4,0%[15].

4. Một số hàm ý chính sách

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở nước ta đã chỉ ra rằng cần nhất quán quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội. Trong từng giai đoạn phát triển, tùy điều kiện cụ thể cần tập trung giải quyết những vấn đề PLXH cơ bản, tạo sự ổn định xã hội để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không có mô hình nào là phù hợp cho tất cả các nước, mà mỗi nước cần tìm cho mình một con đường phù hợp. Đối với nước ta cần ưu tiên một số giải pháp sau: 

- Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân.

- Mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội và nâng mức chuẩn trợ cấp phù hợp với khả năng của nền kinh tế trong từng thời kỳ.

- Phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế.

- Đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống ASXH, PLXH để giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giảm thiểu lạm dụng các quỹ ASXH, PLXH.

- Tăng cường xã hội hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ về về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân ở nước ngoài để góp phần tăng nguồn chi thực hiện ASXH, PLXH.

- Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn tối thiểu về ASXH, PLXH và tiến tới có qui định tỷ lệ chi thực hiện chính sách xã hội trong tổng chi ngân sách nhà nước hoặc so với GDP hàng năm nhằm hiện thực hóa quan điểm chính sách xã hội gắn kết chặt chẽ, hài hòa với năng lực kinh tế của đất nước./.

 

TS. Đào Quang Vinh,

Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội

 

 



1 Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

[3] Nghị quyết HNTW 5, năm 2016

[4] Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2003.

[5] Trần Hữu Quang, 2012, Hệ thống an sinh xã hội theo mô hình nhà nước phúc lợi và mô hình nhà nước xã hội, và việc vận dụng vào Việt Nam.

[6] Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016.

[7] Theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018.

[8] Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán và trình bày cơ cấu tầng lớp dân cư giai đoạn 2015-2035 tại Khung chính sách kinh tế Việt Nam (12/2018) cho thấy: Nhóm khá giả còn được gọi là nhóm trung lưu toàn cầu có mức tiêu dùng trên 15 USD PPP/người/ngày; nhóm nghèo, cận nghèo là nhóm dân cư có mức tiêu dùng dưới 5,5 USD PPP/ngày; nnhóm trung lưu mới nổi cos mức tiêu dùng 5,5-15 USD PPP/ngày (hiện chiếm gần 60% dân số).

[9] Tính từ số liệu chi ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước chi cho an sinh xã hội của Bộ Tài chính và số liệu Niên giám thống kê về GDP hàng năm của Tổng cục Thống kê.

[10] ADB, 2018, thách thức tài khóa, tài chính cho ASXH

[11] UNDP (2016), Social assistance in Vietnam: Review and proposals for reform (Trợ giúp xã hội ở Việt Nam: Rà soát và các đề xuất cải cách).

[12]  Kenworthy, L. (1999). Do social-welfare policies reduce poverty? A cross-national assessment Archived 28 September 2011 at the Wayback MachineSocial Forces: 77: 3: 1119–39.

[13] Growth, Inequality, and Poverty, Oxford University press, 2005

[14] Báo cáo của OXFAM năm 2017

[15] ADB, 2018, thách thức tài khóa, tài chính cho ASXH

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết