1. Xây dựng và thực hiện đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2013, Hiến pháp năm 2013 và các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.
Mục đích, yêu cầu đặt ra của việc ban hành Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dựa trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực. Yêu cầu tiếp theo là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.[1]
Với mục đích và nội dung nghiên cứu như vậy, Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước có vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa để phụng sự nhân dân tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tác phẩm "Nghe lời Bác dạy" của nghệ sỹ Vương Trình.
2. Đánh giá tác động của việc ban hành và thực hiện Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước có tính tổng thể, bao trùm, tác động đến mọi mặt của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, như đã nêu, là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Cho đến nay, các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn ở nước ta tập trung vào việc đánh giá tác động chính sách, chính sách pháp luật.[2] Ý kiến chung cho rằng, đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách. Như vậy, thông qua đánh giá tác động của chính sách sẽ xác định được sự ảnh hưởng của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động của chính sách và đời sống kinh tế - xã hội. Đánh giá tác động của chính sách thường được thực hiện ở cả hai giai đoạn: trước khi chính sách được ban hành (đánh giá sự cần thiết, dự báo những ảnh hưởng tích cực/tiêu cực nếu chính sách được ban hanh) và sau khi chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống (đánh giá kết quả thực hiện, hiệu quả của chính sách trong cuộc sống).
Về nội dung, chủ thể, phương pháp và tiêu chính đánh giá, các quy định pháp luật hiện hành[3] và các nghiên cứu cho rằng, về nội dung, lĩnh vực cần đánh giá gồm có:
(i) tác động về kinh tế được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với việc ban hành và thực thi chính sách trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với một hoặc một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cơ cấu phát triển kinh tế của quốc gia hoặc địa phương, chi tiêu công, đầu tư công và các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế.
(ii) tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động về dân số, việc làm, sức khỏe, môi trường, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, chính sách dân tộc (nếu có) và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội..
(iii) tác động về giới của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.
(iv) tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách.
(v) tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Về phương pháp đánh giá tác động của chính sách được đánh giá theo phương pháp định lượng, phương pháp định tính. Trong trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải nêu rõ lý do.
Theo đó, phương pháp định lượng là phương pháp đánh giá dựa trên các tính toán chi phí, lợi ích cụ thể do giải pháp thực hiện chính sách tạo ra đối với từng nhóm đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Phương pháp này thường được áp dụng để đo đạc các tác động về kinh tế, môi trường, thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật…
Phương pháp định tính là phương pháp đánh giá dựa trên các kết quả nghiên cứu nhằm nhận diện và phân tích tác động của giải pháp và các yếu tố ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, xã hội đối với hành vi, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng khi thực hiện chính sách. Phương pháp định tính thường được áp dụng để đo đạc các tác động về mặt xã hội; trong đó thường sử dụng một số phương pháp như điều tra xã hội học; tham vẫn các đối tượng; phỏng vấn, nghiên cứu tình huống…Đồng thời, có thể sử dụng các nguồn thông tin nghiên cứu đã công bố liên quan trực tiếp đến vấn đề và đối tượng được đánh giá.
4. Trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách thuộc về cơ quan, tổ chức lập đề nghị xây dựng và ban hành chính sách.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách có các nội dung cụ thể sau: (a) Xác định vấn đề bất cập tổng quan: phần này nêu rõ bối cảnh xây dựng báo cáo đánh giá tác động, trong đó mô tả vấn đề bất cập tổng quan cần giải quyết và mục tiêu chung của chính sách; (b) Đánh giá tác động của chính sách: phần sẽ này liệt kê từng vấn đề chính sách cụ thể cần giải quyết. Việc phân tích mỗi vấn đề chính sách bao gồm các nội dung: xác định vấn đề bất cập (mô tả thực trạng của vấn đề, phân tích các bất cập, hậu quả, nguyên nhân); mục tiêu để giải quyết vấn đề; các giải pháp đề xuất (trong đó bắt buộc phải có giải pháp giữ nguyên hiện trạng); đánh giá tác động của giải pháp đề xuất (đánh giá tác động tích cực (lợi ích), tiêu cực (chi phí) của từng giải pháp chính sách đối với Nhà nước, người dân, doanh nghiệp); kiến nghị lựa chọn giải pháp trên cơ sở phân tích, so sánh tác động tích cực, tiêu cực của từng giải pháp; (c) Ý kiến tham vấn: phần này nêu rõ việc lấy ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá tác động (mô tả các phương pháp lấy ý kiến, phản hồi, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý); (d) Giám sát và đánh giá: nêu rõ cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành chính sách, giám sát đánh giá việc thực hiện chính sách.
Các thông tin được sử dụng khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải chính xác, trung thực và ghi rõ nguồn thông tin
5. Đánh giá tác động của chính sách dựa trên các luận cứ, thông tin, dữ liệu công khai với sự tham gia góp ý, phản biện của chính các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan sẽ giúp cho quá trình làm chính sách minh bạch, dân chủ hơn, chất lượng của chính sách được lựa chọn đảm bảo sự phù hợp giải quyết vấn đề thực tiễn, tiết kiệm nguồn lực. Trong quy trình xây dựng, ban hành chính sách mà không thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách thì sẽ ban hành chính sách có chất lượng hạn chế, không dự báo được nguồn lực, các điều kiện cần thiết để thực hiện, tính khả thi không cao, không phù hợp với thực tiễn…
Đánh giá tác động của chính sách với việc đưa ra các kết quả đánh giá rõ ràng, dựa trên các luận cứ, thông tin, dữ liệu công khai, xác thực với sự tham gia góp ý, phản biện của chính các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan sẽ giúp cho quá trình làm chính sách minh bạch, dân chủ hơn, chất lượng của chính sách được lựa chọn đảm bảo sự phù hợp giải quyết vấn đề thực tiến, tiết kiệm nguồn lực.
6. Từ những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng, đánh giá về sự cần thiết ban hành Đề án này là vấn đề đã được nêu rõ nhiều lần trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Theo đó, Đại hội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”[4] Vấn đề xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền có mục đích là “nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.”[5] Trong giai đoạn 2021-2030, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước là một trong 12 định hướng lớn, theo đó, “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự nghiệp phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan lieu, tội phạm và tệ nạn xã hội.”[6]
7. Là một đề án có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng gồm nhiều bộ phận cấu thành, chúng tôi cho rằng, cần đánh giá tác động đối với từng bộ phận cấu thành/nội dung đổi mới và hoàn thiện Nhà nước theo các mặt và phương pháp như đã nêu ở mục 2 ở cả hai khâu: ban hành và thực hiện. Từ đó, chúng ta sẽ có bức tranh tổng thể về tác động đối với các mặt, lĩnh vực hoạt động của Nhà nước theo tiêu chí là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Yêu cầu chung đặt ra là hiệu quả của việc thực hiện Đề án phải rõ và tốt hơn trước lúc ban hành Đề án. Trong trường hợp ngược lại, cần xem xét những giải pháp, kiến nghị đề xuất để không làm phát sinh các chi phí không cần thiết, gánh nặng cho việc thực hiện các giải pháp đề xuất.
Đồng thời, cần nhận thấy rằng, tác động của Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước lần này không chỉ là phép tính cộng dồn tác động của các bộ phận cấu thành Đề án, mà thông qua việc phân tích và đánh giá tác động của những “điểm nghẽn”, “vấn đề cốt lõi” trong Đề án này, trong phạm vi và mức độ nào đó, có ảnh hưởng đến phần đáng kể hoặc toàn bộ các bộ phận cấu thành, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ đó, có sự tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả những điểm nghẽn này. Điều này cũng nhất quán với phương châm ban hành Đề án là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã có.
8. Trong đánh giá tác động của Đề án, cần chú ý đến đánh giá chi phí tuân thủ việc thực hiện Đề án của người dân, doanh nghiệp. Nói cách khác, chi phí tuân thủ là các chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Đó là các chi phí hành chính: phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý (nếu có) và chi phí không chính thức. Thêm vào đó, cần chỉ rõ nguồn lực để thực hiện các biện pháp đổi mới và tổ chức thi hành Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
TS. Ngô Đức Mạnh,
Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương
[1] Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/823623/chien-luoc-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-den-nam-2030%2C-dinh-huong-den-nam-2045.aspx
[3] Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Điều 35 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập I. Nhxb Chính trị Sự thật. Hà nội, 2021.,tr.40.
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà nội-2021.,tr. 42.
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Tập 1. Nhxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà nội-2021.,tr.118.