“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi” là thông điệp được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra cho Ngày Dân số thế giới 11/7/2025, nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.

Cán bộ Trạm Y tế Keo Lôm, xã Na Son truyền thông về quyền tự quyết sinh sản gắn với trách nhiệm chăm sóc,
nuôi dạy con cho người dân.
Cách đây 36 năm, vào năm 1989, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã lấy cảm hứng từ Ngày thế giới cán mốc 5 tỷ người vào 11/7/1987, đề xuất chọn thời điểm này hằng năm làm Ngày Dân số thế giới và được Liên hợp quốc công nhận là một ngày Lễ quốc tế.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi năm, Ngày Dân số thế giới lại được kỷ niệm với một chủ đề cụ thể do Liên hợp quốc đưa ra. Đây là dịp để các quốc gia cùng đánh giá, thúc đẩy những chính sách dân số hiệu quả, đảm bảo quyền sinh sản và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh thiếu niên. Đồng thời cũng là dịp nhắc nhở chính phủ mỗi nước và mỗi cá nhân trong cộng đồng hành động có trách nhiệm để có thể cùng hướng tới một nền tảng tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Sự kiện thường niên này được tổ chức trên quy mô toàn thế giới, gồm sự tham gia của các tầng lớp doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng và các cá nhân theo nhiều hình thức khác nhau.
Từ lâu nay, vấn đề dân số luôn là mối quan tâm của mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia và cộng đồng nhân loại. Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới hằng năm nhằm mục đích làm cho mọi người nhận thức đúng tình hình dân số thế giới để có suy nghĩ, hành động đúng, sáng tạo nhiều phương thức và biện pháp nhằm giảm nhanh tỷ lệ tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến đầu năm 2025, theo ước tính của Cục Thống kê dân số Mỹ, dân số thế giới đã đạt mốc 8,09 tỷ người, tăng thêm 71 triệu người trong năm 2024. Tốc độ tăng dân số toàn cầu trong năm 2024 là 0,9%, giảm nhẹ so với mức tăng 75 triệu người của năm 2023. Trước đó, dân số toàn cầu tăng trung bình 75 triệu người mỗi năm.
Tình trạng suy giảm và già hóa dân số đang ngày một gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức đối với chính phủ các nước. Ước tính, đến năm 2050, thế giới có hơn hai tỷ người trên 60 tuổi, nhiều gấp đôi năm 2017. Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia giảm do bất ổn kinh tế, bất ổn chính trị, khả năng tiếp cận giáo dục và thị trường lao động của phụ nữ bị hạn chế. Hạn chế về nhập cư ở những nơi như châu Âu và tuổi thọ trung bình giảm tạm thời do đại dịch COVID-19 cũng góp phần vào tình trạng này…

Tình trạng suy giảm dân số và dân số già sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội, khi làm thiếu hụt nguồn nhân lực, tăng chi phí trợ cấp xã hội, giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế. Già hóa dân số còn gây áp lực cho hệ thống y tế, hưu trí, thị trường lao động và dịch vụ cho người cao tuổi.
Tại Hàn Quốc, dự báo "xứ sở kim chi" sẽ vượt qua ngưỡng của một xã hội siêu già hóa vào năm 2025, đồng nghĩa rằng các trường học đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, ngành sản xuất, dịch vụ, cung ứng hàng hóa thiếu nhân lực, kéo theo giảm sức mua, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ. Dân số già hóa sẽ khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh. Ước tính sau 50 năm nữa, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có gánh nặng chi phí chăm sóc người cao tuổi cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, khiến lương hưu giảm theo, gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống hưu trí. Để giải quyết tình trạng trên, chính phủ Hàn Quốc dự định chi 88.500 tỷ won (tương đương 64,8 tỷ USD) trong năm 2025 để hỗ trợ thúc đẩy tỷ lệ sinh trong nước hiện đang ở mức thấp và giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng dân số già hóa nhanh chóng.
Trong khi đó, với dân số giảm nhiều năm liên tiếp và tỷ lệ sinh hiện ở mức thấp nhất trong khoảng 40 năm, Nhật Bản hiện là quốc gia phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng. Hiện Nhật Bản có tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 28% tổng dân số, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Công quốc Monaco. Điều này gia tăng áp lực về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là gánh nặng của lực lượng lao động chủ yếu là giới trẻ. Đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã phải cải cách luật lao động, phát triển công nghệ hỗ trợ người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy việc tự hoạch định tài chính cho từng cá nhân…
Tình hình tại Trung Quốc cũng không khả quan hơn dù nước này mới bước vào quá trình suy giảm dân số. Năm 2050, tức là chưa tới 30 năm nữa, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc rất có thể sẽ giảm khoảng 200 triệu người, dù lực lượng lao động dồi dào là nhân tố chính đóng góp vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của kinh tế nước này (từ giữa thập niên 1980 đến 2000).
Tại châu Âu, theo Eurostat - cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), 2025 được coi là năm cuối cùng dân số châu Âu được dự báo tăng trưởng, vì từ năm 2026, dân số của lục địa già sẽ bắt đầu suy giảm. Eurostat dự báo dân số châu Âu sẽ đạt đỉnh ở mức 453,3 triệu người vào năm 2026, trước khi giảm xuống còn 419,5 triệu người vào năm 2100. Với việc dân số tăng nhanh hơn ở các quốc gia khác, EU sẽ chỉ chiếm 4,1% dân số toàn cầu vào thời điểm đó.
Không chỉ dân số giảm mà tình trạng già hóa dân số ở EU cũng tăng nhanh. Hơn 20% dân số EU hiện hơn 65 tuổi. Dự báo đến năm 2050, số người thuộc nhóm tuổi này sẽ chiếm 1/3 dân số EU. Trong số đó, Italy là quốc gia có dân số già hóa nhất ở Liên minh châu Âu (EU) (tính đến đầu năm 2024). Tình trạng già hóa dân số tăng nhanh cùng tỷ lệ sinh thấp ở EU đang đặt gánh nặng cho thị trường lao động, hệ thống y tế và đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của châu lục này. Già hóa dân số kéo theo số lượng người trong độ tuổi lao động thu hẹp. Điều này sẽ tạo ra “gánh nặng nhân khẩu học”, tác động tiêu cực đến mức sống của người dân, theo Population Europe - mạng lưới các trung tâm nghiên cứu nhân khẩu học hàng đầu của châu Âu.
Trước tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm, nhiều quốc gia châu Âu đã dựa vào nguồn lao động nhập cư để giải bài toán thiếu lao động. Thế nhưng, sự nổi lên của các đảng cực hữu ở một số quốc gia trong năm vừa qua đã tạo áp lực buộc các chính phủ thể hiện thái độ cứng rắn trong việc hạn chế số lượng người nhập cư. Đức là quốc gia có chính sách tiếp nhận tị nạn rất cởi mở, nay cũng đã thay đổi đáng kể quan điểm về người tị nạn. Không chỉ hạn chế nhập cư bất hợp pháp và tăng cường an ninh biên giới, số vụ trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối tại Đức đã tăng hơn 50% trong hai năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, mỗi nước châu Âu đều đang siết chặt nhập cư theo cách riêng, không phải vì số lượng người nhập cư trái phép tăng lên (thực tế số lượng người nhập cư trái phép vào EU đã giảm gần 40% trong năm 2024), mà do quan điểm của phe cực hữu bài ngoại đang ngày càng có thêm sức nặng. Nhưng những người muốn “đóng cửa” biên giới châu Âu với người nhập cư sẽ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt: dân số EU dự kiến giảm mạnh trong thế kỷ tới, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế dài hạn của châu lục này.
Trong bối cảnh trên, thúc đẩy các sáng kiến kế hoạch hóa gia đình, tăng cường giáo dục cho phụ nữ và cải thiện hệ thống y tế nhằm đảm bảo sự phát triển cơ bản và các quyền của con người cho mọi công dân được sinh ra trên Trái đất... là mục tiêu mà các quốc gia nghèo và đang phát triển, những nước đối mặt với sự bùng nổ dân số, đang nỗ lực thực hiện. Trong khi đó, cải thiện chính sách an sinh xã hội, nhập cư và lao động lại là những vấn đề cần các quốc gia phát triển chú trọng nhằm hạn chế ảnh hưởng do tỷ lệ sinh và quy mô dân số giảm.
Bức tranh dân số mỗi quốc gia là khác biệt, song vấn đề dân số lại là vấn đề toàn cầu với những mối lo chung về môi trường, hạ tầng và chính sách. Các chuyên gia cho rằng, cần có những quyết sách mang tầm vĩ mô và sự phối hợp của nhiều quốc gia để tìm ra được những giải pháp "lợi cả đôi đường"./.
Theo TTXVN