I. Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị
Để nhận thức rõ nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đổi với hệ thống chính trị cần nhận thức rõ vấn đề Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền chế định như thế nào đối với phương thức lãnh đạo của Đảng.
1. Đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền
Trong các văn kiện của Đảng, khái niệm: “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” gần đây đã được sử dụng khá thường xuyên. Trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta đã xác định: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”[1]. Đại hội XI tiếp tục xác định: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền”[2]. Xác định rõ nội hàm của các khái niệm “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền”, “Đảng lãnh đạo chính quyền” (và hệ thống chính trị nói chung) có vai trò quan trọng đối với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị hiện nay, trong đó có vấn đề quan trọng là xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Khái niệm “Đảng lãnh đạo” được hiểu là Đảng đề ra Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, tuyên truyền vận động nhân dân tin theo và Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện (Ví dụ, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng, giành chính quyền). Các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để giành được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân đối với Đảng, đi theo Đảng, kể cả khi Đảng chưa giành được chính quyền, nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng đề ra[3].
Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm Đảng lãnh đạo rất cụ thể và sâu sắc: “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và làm cho tốt”[4]; “Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”[5] , có như vậy nhân dân mới tin, tín nhiệm và đi theo.
Khái niệm “Đảng lãnh đạo” thể hiện các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, “Đảng lãnh đạo” là chỉ sự tác động, ảnh hưởng của Đảng bằng việc xác định được Cương lĩnh, đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; các tổ chức đảng và đảng viên trở thành lực lượng tiên phong vận động, lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện.
Thứ hai, “Đảng lãnh đạo” không phải dựa vào quyền lực (hiểu theo nghĩa cưỡng bức, ép buộc) trong quá trình tác động đến đối tượng lãnh đạo là quần chúng nhân dân; mà vận động quần chúng nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là sự vận động mang tính thuyết phục để nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Thứ ba, “Đảng lãnh đạo” được hiểu như sự suy tôn của quần chúng nhân dân, thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo của mình.
Thứ tư, Đảng phải có năng lực thực tiễn tập hợp, tổ chức quần chúng bằng những hình thức thích hợp để tạo nên sức mạnh thực hiện đường lối của Đảng.
Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ rằng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”[6]. Như vậy trong khái niệm “Đảng lãnh đạo” chứa đựng nội dung uy tín - tín nhiệm - thừa nhận - ủng hộ - đi theo của quần chúng nhân dân đối với Đảng, khi Đảng có cương lĩnh, đường lối đúng thể hiện được ý chí, nguyện vọng và lợi ích của đai đa số nhân dân. Trong bản chất, sự lãnh đạo của Đảng không có quyền lực áp đặt (nhất là quyền lực nhà nước, quyền lực pháp luật); hay nói đúng hơn Đảng lãnh đạo bằng “quyền lực mềm”. Với đường lối đúng đắn, Đảng có thể đạt được vai trò lãnh đạo đối với các tầng lớp nhân dân ngay cả khi chưa giành được chính quyền.
Đảng cầm quyền
Cầm quyền là chủ thể lãnh đạo “nắm chính quyền”, trực tiếp lãnh đạo chính quyền. Đảng cầm quyền là Đảng được nhân dân giao (ủy thác) qua bầu cử, hay giành được bằng cách nào đó, quyền thành lập và lãnh đạo Nhà nước (Chính phủ).
Như vậy, khi Đảng được cầm quyền vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội được thể hiện qua sự tín nhiệm của nhân dân trao cho quyền thành lập và lãnh đạo Nhà nước; đồng thời Đảng thực hiện sự cầm quyền bằng cách thông qua nhà nước - bằng con đường pháp luật (pháp quyền) mà nhân dân ủy quyền cho nhà nước để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
Như vậy là Đảng nắm giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước (Chính phủ), thông qua Nhà nước để cụ thể hóa, thể chế hóa, kiểm soát quá trình hoạch định và thực thi các đường lối, chính sách của Đảng trên toàn xã hội. Có nghĩa là Đảng trực tiếp “có quyền lực nhà nước”, thông qua quyền lực nhà nước để thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của mình và qua Nhà nước để thực hiện chúng trong cuộc sống. Các quyết định của đảng (đường lối, chủ trương, chính sách) thể hiện qua “danh nghĩa” quyền lực nhà nước (quyền lực do người dân uỷ nhiệm), thông qua quá trình thể chế hóa dân chủ đã được pháp luật quy định, chứ không phải Đảng đưa ra các quyết định nhân danh đảng buộc nhà nước và xã hội phải tuân theo[7]. Khái niệm “Đảng cầm quyền” còn được hiểu là “đảng nắm chính quyền” bằng tổ các chức đảng và những người đại diện của đảng trực tiếp thực hiện công việc quản lý trong bộ máy nhà nước. Như vậy, Đảng cầm quyền là một khái niệm gắn với quyền lực nhà nước. Tức Đảng có quyền lực chính trị bằng việc “nắm chính quyền” hay “nắm quyền lực nhà nước”. Không những thế, theo Lênin, khi đảng nắm được chính quyền thì đảng không chỉ có quyền lực chính trị, mà “với tư cách nhà nước, còn có thêm được quyền lực kinh tế”[8].
Như vậy, “Đảng cầm quyền” là khái niệm có những nội dung liên quan mật thiết đến “Đảng lãnh đạo”, nhưng có những nội dung khác với “Đảng lãnh đạo”. Đảng cầm quyền là một khái niệm gắn với quyền lực Nhà nước, còn “Đảng lãnh đạo” không tất yếu gắn với quyền lực Nhà nước. Khi Đảng cầm quyền đúng đắn, sáng suốt (khi có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn được đa số nhân dân tin theo; vẫn giữ được vai trò là người tiên phong đại diện cho ý chí nguyện vọng và lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân), phù hợp với Hiến pháp và pháp luật cũng có nghĩa là Đảng đồng thời vẫn giữ được vai trò là người lãnh đạo đối với xã hội. Khi một đảng tha hóa, biến chất, không đủ năng lực cầm quyền mà vẫn còn là đảng cầm quyền thì trên thực tế đảng đã bị “nhà nước hóa”, không còn giữ được bản chất và vai trò là người lãnh đạo của xã hội và đông đảo nhân dân, không được nhân dân tin theo; hoặc khi cầm quyền mà Đảng chủ yếu đề cao chức năng cầm quyền, coi và sử dụng Nhà nước như một công cụ để “quản lý” xã hội, hạ thấp chức năng lãnh đạo của Đảng, khi đó thực chất Đảng trở thành Đảng - Nhà nước (trường hợp này trên thế giới còn gọi là “Đảng trị”).
Khi Đảng cầm quyền, khái niệm “Đảng lãnh đạo Nhà nước” cần phải được nhận thức cho đúng. Ở đây là mối quan hệ giữa năng lực và uy tín sự lãnh đạo thực tế của Đảng gắn với quyền lực do sự “cầm quyền” của Đảng. Do vậy, hoạt động của Đảng vừa có sự lãnh đạo, vừa có sự cầm quyền, với các phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng có những nội dung khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau. Trong đó bản chất lãnh đạo đúng đắn, khoa học, “tất cả vì lợi ích của nhân dân” phải là nền tảng cốt lõi của sự cầm quyền của Đảng.
2. Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng
Phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện sự lãnh đạo (tác động lên) hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu của Đảng trong thực tiễn.
Phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng có những điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau chủ yếu ở chỗ: Sự lãnh đạo (cầm quyền) của Đảng đối với Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội đều nhằm hướng tới thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chính sách, mục tiêu do Đảng đề ra. Điểm khác nhau chủ yếu ở chỗ: Phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung chủ yếu ở việc xác định đúng đắn đường lối, mục tiêu thể hiện trong Cương lĩnh, chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng; ở tính thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục để nhân dân tin tưởng, tự nguyện làm theo, thực hiện thắng lợi đường lối, mục tiêu của Đảng. Còn phương thức cầm quyền của Đảng tập trung chủ yếu ở thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật, thể chế, cơ chế của Nhà nước và lãnh đạo - chỉ đạo tổ chức thực hiện bằng hệ thống pháp luật nhà nước nhằm thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách mục tiêu của Đảng đề ra. Như vậy, khi Đảng cầm quyền, phương thức cầm quyền của Đảng phải là sự kế tiếp, gắn kết hữu cơ - biện chứng với phương thức lãnh đạo.
Sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là hai mặt có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau khi Đảng cầm quyền. Để có và giữ vững địa vị cầm quyền, đòi hỏi Đảng phải có và giữ vững địa vị lãnh đạo, tức Đảng phải luôn có được vị trí tiền phong bởi các đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, luôn được nhân dân tin yêu, đồng tình ủng hộ. Mặt khác, Đảng còn phải thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền của mình, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cao trong quản lý của Nhà nước bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong các cơ quan quyền lực nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt là phải có đội ngũ cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là trong Nhà nước, phải có năng lực chuyên môn giỏi, đồng thời phải thực sự là những tấm gương đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự nhân dân “chí công vô tư” như Bác Hồ đã nói. Đó là điều kiện tiên quyết để Đảng luôn giữ vững được lòng tin yêu của nhân dân, từ đó mới dành phiếu bầu các cán bộ thay mặt Đảng vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương (Quốc hội và HĐND các cấp).
Là một tổ chức nằm trong hệ thống chính trị, hơn nữa lại là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị, Đảng có quyền lực chính trị, nhưng Đảng không có quyền lực Nhà nước, Đảng không thể “nhân danh” Nhà nước để lãnh đạo xã hội. Do đó, không được lẫn lộn giữa Đảng và Nhà nước, giữa “quyền lực” của Đảng và quyền lực Nhà nước. Sự khác nhau giữa “quyền lực” của Đảng và quyền lực Nhà nước trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ sự khác nhau về chức năng của Đảng và chức năng của Nhà nước. Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị đối với Nhà nước và xã hội, còn Nhà nước là bộ máy quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, “quyền lực” của Đảng chủ yếu dựa trên uy tín chính trị mang lại, còn quyền lực của Nhà nước chủ yếu dựa trên pháp luật, bộ máy cưỡng chế, quản lý - quản trị xã hội, bộ máy hành chính công quyền. Đây là vấn đề quan trọng cần quán triệt khi xây dựng tổ chức và bộ máy của hệ thống chính trị. Nhận thức đúng chức năng lãnh đạo và chức năng cầm quyền của Đảng, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước là cơ sở để xác lập phương thức lãnh đạo và phương thức cần quyền đúng đắn của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động phù hợp của hệ thống chính trị. Đồng chí Lê Duẩn đã có những luận điểm rất quan trọng về mối quan hệ này : “Phải khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước”, “Không thể buông lỏng lãnh đạo các cơ quan chính quyền, song cũng không thể bao biện công việc của chính quyền”, “Việc xây dựng Đảng phải gắn với xây dựng chính quyền Nhà nước, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với việc nâng cao năng lực quản lý của nhà nước”, “Đảng không thể nào thực hiện được sự lãnh đạo của mình đối với xã hội mà không thông qua chính quyền nhà nước”. Đồng thời “Chống khuynh hướng coi nhẹ vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đảng trong cơ quan Nhà nước”, “chống quan niệm phân công máy móc, tách rời hoạt động của cấp ủy Đảng với hoạt động của cơ quan nhà nước”, “Không nên cho rằng có sự đối lập giữa việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc nâng cao vai trò và hiệu lực của chính quyền nhà nước. Sức mạnh của Đảng cầm quyền và sức chiến đấu của nó biểu hiện chính là ở hiệu lực và sức mạnh của bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Như vậy, đòi hỏi phải xử lý một cách rất khoa học - rất thực tiễn giữa hai vấn đề “Phải khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước”, đồng thời “chống quan niệm phân công máy móc, tách rời hoạt động của cấp ủy Đảng với hoạt động của cơ quan nhà nước”, “đối lập giữa việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc nâng cao vai trò và hiệu lực của chính quyền nhà nước”. Đó là những luận điểm rất quan trọng gợi mở cho việc nhận thức đúng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị gắn với xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính tri tin gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, để Đảng không rơi vào tình trạng lạm quyền, bao biện làm thay các công việc Nhà nước, trái lại phát huy được vai trò quản lý, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, nhưng cũng không hạ thấp, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là vấn đề rất hệ trọng cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo - phương thức cầm quyền của Đảng đồng bộ với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, và đối với hệ thống chính trị nói chung. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị khoa học, phù hợp, tinh gọn hiệu quả.
Ở nước ta, về nguyên tắc, Đảng là lực lượng tiêu biểu, đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc, khi Đảng “nắm” chính quyền cũng tức là Đảng vừa là người lãnh đạo và đồng thời cũng là cầm quyền. Tuy phương thức thực hiện quyền lãnh đạo và quyền cầm quyền này quan hệ biện chứng mật thiết với nhau, nhưng không thể đồng nhất là một. Điều này được thể hiện ở phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước khác với phương thức Đảng lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị.
3. Nội dung các phương thức lãnh đạo của Đảng
Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khảng định : “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong Cương lĩnh đã chỉ rõ những nội dung cơ bản các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội là :
1) Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn.
2) Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên,
3) Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị.
4) Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
5) Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
6) Đồng thời khi Đảng cần quyền, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền thì một phương thức lãnh đạo rất quan trọng và cơ bản của Đảng đối với Nhà nước cần được nhấn mạnh là “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước”[9].
Tất cả các phương thức lãnh đạo của Đảng nêu trên đều rất quan trọng và có quan hệ rất biện chứng với nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi Báo cáo này, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị được tập trung vào phương thức sau : Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn, thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, lãnh đạo bằng Nhà nước - thông qua Nhà nước. Phương thức lãnh đạo này thể hiện tập trung nhất sự hiện thực hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ”. Phương thức lãnh đạo này được xác định đúng sẽ là cơ sở để đối mới và xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị với phương thức cơ bản chung nêu trên, nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và đối với MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội có những khác biệt cơ bản : Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua Nhà nước để lãnh đạo xã hội chủ yếu bằng thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đất nước của Đảng thành pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách để đưa vào cuộc sống; lãnh đạo thực hiện thông qua hệ thống pháp luật của Nhà nước bằng sự quản lý của Nhà nước. Tức là Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo con đường pháp quyền hóa - cầm quyền. Còn Đảng lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương thức cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đất nước của Đảng thành các nhiệm vụ, nội dung hoạt động phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, tính chất của từng tổ chức; thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức đó để lãnh đạo - vận động thực hiện, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức theo nguyên tắc và cơ chế tự chủ, tự nguyện, lãnh đạo các tổ chức hoạt động theo đúng luật pháp của Nhà nước và điều lệ của từng tổ chức.
Như vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị bằng đường lối, chủ trương, định hướng chính sách lớn (thể hiện bằng các nghị quyết) thông qua tổ chức đảng và các đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị sẽ bao gồm “chuỗi các công đoạn” sau:
i). Đảng (cấp ủy) ban hành nghị quyết chứa đựng các nội dung lãnh đạo;
ii). Các tổ chức đảng trong các tổ chức Nhà nước lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa các nội dung nghị quyết;
iii). Các tổ chức đảng và các đảng viên trong các tổ chức Nhà nước lãnh đạo thực hiện các nội dung nghị quyết (đã được cụ thể hóa, thể chế hóa) bằng con đường Nhà nước;
iv). Đảng (cấp ủy) kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghị quyết thông qua cơ chế của Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức nhà nước, thông qua việc tuân thủ pháp luật của nhà nước và thông qua đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế; rút ra những vấn đề cần thay đổi, sửa đổi, bổ sung, hay ban hành mới.
Phương thức lãnh đạo đó trên thực tế là sự quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự “Lãnh đạo đúng” của Đảng, đó là Đảng : “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”, “Phải tổ chức thi hành cho đúng”, và “phải tổ chức kiểm soát đúng”. Để có “ba đúng” đó Đảng đều phải dựa vào dân, vì dân.
Phương thức lãnh đạo đó của Đảng phải được thể hiện ở các nguyên tắc cơ bản thống nhất trong toàn Đảng từ Trung ương xuống cơ sở. Tuy nhiên, do mỗi cấp (mỗi lĩnh vực) có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và nội dung lãnh đạo khác nhau, dó đó phương thức lãnh đạo này cần phải được cụ thể hóa cho phù hợp.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phương thức lãnh đạo đó của Đảng trong việc xây dựng tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau :
a) - Phải chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất cả các tổ chức đảng và các đảng viên (nhất là người đứng đầu và các cán bộ chủ chốt) trong mỗi công đoạn thực hiện phương thức lãnh đạo đó, và xây dựng cơ chế đồng bộ giữa các công đoạn của phương thức lãnh đạo;
b) - Phải thể chế hóa, cơ chế hóa, quy trình hóa, quy chuẩn hóa tất cả các “công đoạn” lãnh đạo trên một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch;
c) - Phải nâng cao chất lượng của tất cả các “công đoạn” trên, từ việc ra nghị quyết đến khâu cuối cùng là kiểm tra đánh giá việc thực hiện và kết quả.
d) - Phải xây dựng được các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng được đội ngũ đảng viên, nhất là các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị có đủ phẩm chất và năng lực, thực sự là tấm gương về đạo đức để hiện thực hóa có hiệu quả phương thức lãnh đạo đó.
Một vấn đề quan trọng cần được chế định rõ đó là xác định và phân định rõ nội dung, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức đảng (với tư cách là tổ chức lãnh đạo) và các đảng viên, cán bộ chủ chốt, nhất là những người đứng đầu được đảng giao nhiệm vụ trong mỗi cơ quan nhà nước. Đây là cụ thể hóa nguyên tắc của đảng “tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách” trong mỗi tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cụ thể. Các tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là trong các cơ quan nhà nước sẽ đồng thời thực hiện hai chức năng : chức năng lãnh đạo của tổ chức đảng đối với cơ quan nhà nước, và đồng thời với tư cách là những cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nội dung lãnh đạo của đảng bằng con đường pháp quyền. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để một mặt không lẫn chức năng lãnh đạo của tổ chức đảng với chức năng quản lý nhà nước trong một cơ quan nhà nước, đồng thời sự lãnh đạo của đảng được “hóa thân” một cách hiệu quả nhất vào sự quản lý của cơ quan nhà nước đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức - bộ máy hệ thống chính trị, nhất là giữa các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, không có sự trùng lắp, trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện phương thức lãnh đạo đó gắn với việc xây dựng tổ chức và bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải :
- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội;
- Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống các cấp ủy đảng, của hệ thống các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước, trong MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với yêu cầu và chức năng khách quan của tổ chức nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ;
- Đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện các khâu trong sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, không để dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong mỗi hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, và giữa các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội với nhau (và do đó dẫn đến chồng chéo, trùng lắp về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị). Nghĩa là phải có sự đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, về cán bộ và nhân sự trong hệ thống chính trị ở tất cả các cấp.
Xét theo logic khoa học, khách quan và thực tế, phương thức lãnh đạo của Đảng (hay một cấp ủy cụ thể) được chế định bởi nhiều yếu tố: Trước hết là chức năng lãnh đạo; từ chức năng lãnh đạo xác định nhiệm vụ - nội dung lãnh đạo; từ nhiệm vụ - nội dung lãnh đạo xác định phương thức và cơ chế lãnh đạo phù hợp; tiếp theo là xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện sự lãnh đạo theo phương thức đó gắn đồng bộ với hệ thống tổ chức bộ máy triển khai thực hiện trên thực tế. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển dân chủ xã hội, phát triển thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn…, Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, nhất là phương thức lãnh đạo của Đảng bằng Cương lĩnh, đường lối, định hướng chính sách…thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, đặc biệt là “bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước” đã đòi hỏi phải xây dựng nội dung và cơ chế lãnh đạo mới - phù hợp và hiệu quả hơn.
Phương thức lãnh đạo của Đảng chứa đựng tổng hợp các yếu tố khách quan và chủ quan. Các yếu tố khách quan là: những điều kiện và yêu cầu khách quan đặt ra của quá trình đổi mới đất nước (xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…) quy định vị trí, vai trò chức năng, nội dung lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với nhà nước; điều kiện, trình độ, mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các yếu tố chủ quan là: Nhận thức và trình độ lãnh đạo - cầm quyền của Đảng; cấu trúc tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở; phương tiện và công cụ được sử dụng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo phù hợp và hiệu quả phải đảm bảo sự thống nhất hữu cơ các yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan đó.
(còn tiếp)
PGS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 306.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 255.
[3] Nguyễn Hữu Đổng, Ngô Duy Đức: Nhận thức khái niệm “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ,
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2011/3924/Nhan-thuc-khai-niem-Dang-lanh-dao-Dang-cam-quyen-theo-Tu.aspx
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 222.
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 323.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 3, tr. 139.
[7] Xem: Nguyễn Văn Huyên: Đảng Cộng sản cầm quyền - Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.36-38.
[8] V.I. Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb. Tiến bộ, Mat-xcơ-va, 1979, tr. 75.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, HN, 2011, tr. 144
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 306.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 255.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 222.
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 323.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 3, tr. 139.
[7] Xem: Nguyễn Văn Huyên: Đảng Cộng sản cầm quyền - Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.36-38.
[8] V.I. Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb. Tiến bộ, Mat-xcơ-va, 1979, tr. 75.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, HN, 2011, tr. 144